Chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn thị xã Ba Đồn

Thứ hai - 16/08/2021 16:28
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, đề nghị toàn thể người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, đặc biệt trong mùa nắng nóng.
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Hiện nay, trên toàn thị xã có khoảng 50 cơ sở cưa xẻ gỗ, sản xuất đồ gỗ các loại có mặt hầu hết ở các xã, phường - trong đó chủ yếu tập trung tại phường Quảng Thuận, Quảng Phong.
Các xưởng mộc trên địa bàn thường sản xuất theo dạng thủ công truyền thống, loại gỗ được sử dụng phổ biến là gỗ tự nhiên theo khối, tấm đa dạng về chủng loại do đó giá trị tài sản lớn. Tuy nhiên một số chủ cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác đảm bảo an toàn PCCC. Quá trình xây dựng và đi vào hoạt động không có ý kiến giải pháp đảm bảo an toàn PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH, do đó nhiều cơ sở không đảm bảo các quy định tại các tiêu chuẩn, quy chuẩn về đảm bảo an toàn PCCC đối với loại hình cơ sở này.
Kết cấu của các khu vực sản xuất thường mang tính tạm bợ như mái lợp tôn, fibro xi măng...; tường rào bằng lưới thép, lũy tre... Một số cơ sở đầu tư xây dựng hơn với kết cấu tường gạch, cột thép, mái tôn tuy nhiên hầu hết với các loại kết cấu này khi xảy ra cháy, nổ nguy cơ sụp đổ cấu kiện rất cao.
Qua quá trình kiểm tra an toàn PCCC của Công an thị xã Ba Đồn và UBND các xã, phường nhận thấy một số nguyên nhân gây ra nguy cơ xảy ra cháy nổ đối với các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ như sau:
1. Trong quá trình sản xuất tạo ra rất nhiều bụi gỗ (với nhiệt độ tự bốc cháy vào khoảng 2650C), mùn cưa, phôi bào, đầu mẩu gỗ. Trong nhà xưởng hầu hết không có hệ thống thông gió, hút bụi, chủ yếu bằng thông gió tự nhiên do đó bụi gỗ sẽ bám và thiết bị, máy móc, dây điện, sàn nhà… Những phế liệu này sau mỗi ngày làm việc thường không được dọn sạch sẽ, để tích tụ ứ đọng ở nơi sản xuất dễ gây ra cháy.
2. Trong khi bào, cưa và chà nhám nếu gỗ có lẫn sắt thép khi tiếp xúc ma sát với lưỡi cưa, lưỡi bào…sẽ phát sinh ra tia lửa làm cháy bụi gỗ, mùn cưa. Dầu mỡ của máy rớt xuống nền nhà lẫn với mùn cưa cũng có khả năng cháy và tự bốc cháy.
3. Ở các bộ phận đai truyền lực (dây curoa) và mô tơ điện nếu không có hộp che chắn bảo vệ, mùn cưa, bụi gỗ sẽ bám vào thân máy, mơ tơ, dây curoa, khi nhiệt độ tăng quá mức cho phép hoặc tia lửa điện tại đầu pha của mô tơ điện sẽ làm bụi gỗ, mùn cưa bốc cháy.
4. Các thiết bị bảo vệ như cầu dao, áptomat không có hộp che chắn bảo vệ để chống bụi, khi đóng mở máy thường sinh ra tia lửa điện làm cháy bụi gỗ.
5. Hầu hết các cơ sở mộc đều có công đoạn sơn (sơn quét, sơn phun). Khu vực chứa sơn, dung môi thường nằm trong khu vực sản xuất, không có biện pháp ngăn chặn cháy lan, không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC đến các thiết bị điện, ổ cắm điện, dây dẫn điện... Trong quá trình sơn thường tạo ra môi trường có nồng độ nguy hiểm cháy, nổ cao. Nếu hệ thống thông gió không đảm bảo, các thiết bị điện tại khu vực này không phải là loại thiết bị phòng nổ hoặc khi có nguồn lửa trần sẽ gây ra cháy, nổ.
Các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn thị xã Ba Đồn phần lớn hoạt động theo mô hình nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, nằm xen lẫn trong các khu dân cư do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Để đảm bảo an toàn PCCC đối với các khu dân cư nói chung và các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ nói riêng, Công an thị xã Ba Đồn yêu cầu người dân và các chủ cơ sở sản xuất, chế biến gỗ thực hiện các nội dung sau:
1. Khi xây dựng mới hoặc cải tạo, mở rộng cơ sở sản xuất, chế biến gỗ đều phải chấp hành các tiêu chuẩn, quy định hiện hành về PCCC và phải có ý kiến về giải pháp thiết kế PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC.
2. Có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy; trang bị các phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ như: bình chữa cháy, xô, chậu, mặt nạ lọc độc, xà beng, kìm cộng lực... và các phương tiện chữa cháy khác phù hợp với quy mô mức độ nguy hiểm cháy nổ của cơ sở theo quy định tại TCVN 3890:2009 - Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình - trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng.
3. Thực hiện tốt các công tác vệ sinh công nghiệp. Các loại phế liệu phải được dọn dẹp thường xuyên và phải đưa ra nơi an toàn, cách xa khu vực sản xuất.
4. Bố trí, sắp xếp máy móc, nguyên liệu, thành phẩm gọn gàng, không cản trở lối và đường thoát nạn. Giảm tải trọng chất cháy tại cơ sở bằng cách tính toán nhập số lượng nguyên liệu vừa đủ, tránh tình trạng tồn động nguyên liệu, thành phẩm tại nơi sản xuất.
5. Kiểm tra thường xuyên tình trạng hoạt động của thiết bị điện và hệ thống tải, cấp điện. Kiểm tra thường xuyên nhiệt độ bề mặt của động cơ điện hoặc bộ phận truyền lực và phải ngừng hoạt động khi xét thấy nhiệt độ tại đó tăng cao.
6. Hệ thống điện phải được lắp đặt bảo đảm an toàn và phải phù hợp với đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ của từng bộ phận trong cơ sở. Ở phân xưởng phun sơn và những nơi phát sinh nhiều bụi gỗ thì hệ thống điện bắt buộc là loại phòng nổ. Ở các vị trí khác thiết bị điện nên là loại thiết bị phòng nổ.
7. Không sử dụng cầu dao làm thiết bị khởi động máy trong xưởng, phải tách riêng nguồn điện sản xuất, nguồn điện bảo vệ, chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn lối thoát nạn và điện phục vụ hệ thống PCCC. Các thiết bị tiêu thụ điện lắp đặt trong xưởng phải có các thiết bị bảo vệ như Áptomat, cầu dao và được lắp đặt trong các tủ, hộp kín. Dây điện, cáp điện phải đi trong máng bảo vệ.
8. Phải có biện pháp thông gió, hút bụi cho xưởng sản xuất, đặc biệt đối với khu vực sơn để ngăn ngừa việc hình thành môi trường nguy hiểm cháy nổ. Bố trí khu vực chứa dung môi pha sơn cách xa khu vực sản xuất, xa các thiết bị điện, nguồn điện, nguồn nhiệt... có các giải pháp thẩm hút ngăn ngừa chảy loang dẫn đến cháy lan khi có sự cố xảy ra như: Chỉ tồn trữ dung môi đủ dùng, đặt các hộp chứa dung môi trên các tấm thấm dầu, hoặc trên các lớp cát có được giới hạn bởi các cấu kiện không cháy.
9. Phải đảm bảo và duy trì các điều kiện an toàn PCCC theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ trong suốt quá trình hoạt động.

Tác giả bài viết: Nguyễn Mậu Hải - Đội CS QLHC về TTXH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN WEBSITE BADONTV.VN - TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TRUNG TÂM VĂN HÓA-THỂ THAO VÀ TRUYỀN THÔNG THỊ XÃ BA ĐỒN

Địa chỉ Website: badontv.vn Tên gọi: BĐRT (BaDon Radio Television) Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn. Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...

Thống kê
  • Đang truy cập319
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm310
  • Hôm nay19,100
  • Tháng hiện tại323,869
  • Tổng lượt truy cập39,843,658
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây