Công an thị xã Ba Đồn: Thông báo phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội
Thứ ba - 08/12/2020 15:52
Trong thời gian qua, Công an thị xã Ba Đồn đã triển khai quyết liệt các biện pháp tấn công, trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm, góp phần kiềm chế, giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân. Qua công tác tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm, công tác xác minh, điều tra, đánh giá tình hình, hoạt động của các loại tội phạm trong thời gian gần đây, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Ba Đồn đã ra nhiều thông báo về phương thức thủ đoạn lừa đảo nhưng một số quần chúng nhân dân, công nhân, viên chức trên địa bàn vẫn thiếu sót, sở hở, mất cảnh giác trong công tác phòng ngừa tội phạm. Để đẩy mạnh phong trào toàn dân tố giác tội phạm, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Ba Đồn thông báo đến các xã, phường, ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, trường học, để tuyên truyền, phổ biến, cảnh giác đối với những phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội sau:
I. PHƯƠNG THỨC, THỦ ĐOẠN:
1. Mạo danh các nhà mạng, cơ quan nhà nước: Các đối tượng lừa đảo thông qua những thông tin của nạn nhân chia sẻ trên mạng xã hội đã giả mạo thành nhân viên các nhà mạng VNPT, FPT,... hoặc giả mạo cán bộ Công an, Viện kiểm sát để gọi điện thoại lừa nạn nhân chuyển cho chúng một số tiền nhất định.
2. Hack tài khoản mạng xã hội để lừa đảo: Các đối tượng lừa đảo sau khi chiếm được tài khoản mạng xã hội của một người nào đó, sẽ dùng tài khoản đó để nhắn tin đến bạn bè, người thân của người đó để nhờ mua card điện thoại. Nhiều người vì tin đó là bạn bè, người thân mình thật nên đã mua card gửi cho các tài khoản này và đã bị mất rất nhiều tiền.
3. Ứng dụng lừa đảo: Các bạn chắc chắn đều biết đến những ứng dụng trên mạng xã hội như Ai hay theo dõi bạn?, Ai là bạn thân nhất của bạn?,... Thực tế không phải ứng dụng nào cũng là ứng dụng lừa đảo, tuy nhiên nếu đúng là ứng dụng lừa đảo thì nạn nhân cũng không thể biết được. Sau khi nạn nhân gặp phải ứng dụng lừa đảo, các thông tin cá nhân sẽ bị đánh cắp, bao gồm cả những thông tin nhạy cảm như thẻ tín dụng, hình ảnh cá nhân,... và có thể còn bị chiếm tài khoản mạng xã hội để thực hiện các hành vi lừa đảo khác.
4. Link clip, hình ảnh nóng: Dạng lừa đảo này thường xuất hiện dưới dạng comment kèm theo link dưới các bài viết trong các group. Nạn nhân vì tò mò mà bấm vào, dẫn đến bị chiếm đoạt tài khoản facebook và thông tin cá nhân. Chưa kể đường link đó còn kèm theo yêu cầu cài đặt phần mềm như Flash Player mà nếu nạn nhân cài vào máy thì sẽ bị kiểm soát cả máy tính, mất các thông tin, tài liệu quan trọng lưu trữ trong máy tính.
5. Tặng quà từ nước ngoài: Đánh vào tâm lý sính ngoại của nạn nhân, đối tượng lừa đảo sẽ giả mạo người nước ngoài, sau khi nói chuyện một thời gian sẽ đề nghị được tặng nạn nhân một món quà, nhưng để nhận được món quà đó thì nạn nhân phải chi một khoản tiền để thanh toán phí hải quan và phí vận chuyển. Món quà thường được nói là có giá trị lớn để mức phí hải quan cao, khiến nạn nhân không nghi ngờ mà chuyển một số tiền lớn cho đối tượng lừa đảo.
6. Lừa đảo trúng thưởng: Các “tổ chức mạo danh” gọi điện chúc mừng người tiêu dùng đã may mắn trúng thưởng quà tặng trị giá hàng trăm triệu đồng từ các chương trình khuyến mãi do Công ty tài chính, Ngân hàng hợp tác với các siêu thị điện máy tổ chức và yêu cầu khách hàng phải đóng một khoản “thuế”, “chi phí” để nhận quà. Sau khi được chuyển tiền thì các đối tượng sẽ chặn tài khoản nạn nhân và tiếp tục lừa đảo đối tượng khác.
7. Giả mạo bán hàng
Đối tượng lừa đảo mở ra các page bán hàng online trên mạng xã hội, yêu cầu khách mua hàng ứng trước một khoản tiền trước khi giao hàng. Những khách hàng nhẹ dạ, cả tin sau khi ứng tiền cho các đối tượng lừa đảo thì sẽ bị chặn tài khoản và không thể nào lấy lại tiền. Nhằm mục đích lừa nạn nhân điền thông tin để nhận tiền qua đường link giả do đối tượng cung cấp. Theo đó, kẻ gian có thể giả làm người mua hoặc bán hàng hay gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng, yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào đường link giả mạo mà chúng gửi tới. Khi nạn nhân truy cập vào đường link giả này, nhập thông tin đăng nhập, mật khẩu đăng nhập và mã xác thực tài khoản ngân hàng của mình, tội phạm lừa đảo sẽ nhanh chóng chiếm được toàn bộ thông tin của nạn nhân và tự cài đặt Smart OTP để giao dịch chuyển tiền của nạn nhân sang tài khoản của chúng.
II. DẤU HIỆU NHẬN BIẾT:
- Các đối tượng lừa đảo thường đóng giả kỹ sư, bác sỹ, quân nhân Mỹ… đưa các hình ảnh giới thiệu là thương gia đang sinh sống tại Anh, Mỹ hoặc quân nhân đang chiến đấu tại Afghanistan, Syria,… ngỏ ý làm quen, kết bạn hứa hẹn kết hôn trên các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Whatsapp, Skype, Tagged.com…
- Sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan Công an, Viện kiểm sát để gọi điện cho bị hại, gia đình bị can, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện kiểm sát nhân dân. Sau đó dùng lời lẽ đe dọa như sẽ bắt tạm giam để điều tra rồi yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng chỉ định với lý do xác minh nguồn tiền, phục vụ điều tra và chiếm đoạt tài sản
- Làm quen, kết bạn, hứa kết hôn và bảo lãnh đi nước ngoài, ngỏ ý gửi tặng quà…có giá trị lớn trong đó có nhiều tiền, vàng… để mua nhà tại Việt Nam, làm từ thiện hoặc đưa ra nhiều lý do như gia đình người thân bị nạn cần giúp đỡ, ngỏ ý tặng quà, vay mượn để đầu tư kinh doanh…
- Cho người đóng giả là nhân viên giao nhận, hải quan, thuế vụ… thông báo thùng quà biếu bị tạm giữ vì trong đó có nhiều ngoại tệ, hàng hóa có giá trị… thông báo phải nộp thuế, lệ phí để nhận hàng hoặc lo lót. Sau đó các đối tượng giả danh này cung cấp cho nạn nhân số tài khoản ngân hàng để nộp tiền, rồi bọn chúng rút ra để chiếm đoạt.
III. BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA:
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh đối với các loại phương thức, thủ đoạn phạm tội trên. Cơ quan CSĐT Công an thị xã Ba Đồn yêu cầu các xã, phường, ban ngành, đoàn thể, cơ quan, trường học cùng toàn thể nhân dân thực hiện tốt các mặt công tác sau:
1. Thông qua nhiều hình thức, thông tin hợp lý, sinh hoạt thông báo cho quần chúng nhân dân về tình hình các loại tội phạm xảy ra trên địa bàn, các phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm để nhân dân biết, nâng cao ý thức bảo vệ tài sản, hạn chế cơ hội để tội phạm lợi dụng hoạt động.
2. Đối với người dân:
+ Không nên tin tưởng và liên lạc, giao tiếp với các mối làm quen, kết bạn với người nước ngoài hoặc người lạ qua mạng xã hội, qua điện thoại…Không trao đổi hoặc làm theo yêu cầu của các đối tượng giả danh nhân viên giao nhận, hải quan, thuế….
+ Không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai; không đứng tên, chuyển giao tài khoản, nhận tiền giúp bất cứ ai. Tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào khi nghi vấn đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; trước khi chuyển tiền phải kiểm tra kỹ các thông tin về chủ tài khoản, xác minh trực tiếp bằng cách gọi điện cho người cần chuyển tiền, người thân hay bạn bè.
+ Không mở email/tin nhắn lạ; Không mở file hoặc click vào link được gửi từ địa chỉ lạ, không xác định (đặc biệt không bắt đầu bằng https:// và không có biểu tượng ổ khóa); Không cài các ứng dụng lạ chưa được xác thực hoặc khi cài đặt có cảnh báo không an toàn.
+ Không truy cập hoặc nhập thông tin tên truy cập, mật khẩu đăng nhập Internet Banking/Mobile Banking, mã xác thực OTP, số tài khoản, số thẻ, số PIN (mật khẩu của thẻ)… của cá nhân vào một trang web/liên kết khác với trang web chính thức của ngân hàng hay ứng dụng khác của ngân hàng online.
+ Không cung cấp cho bất cứ ai các thông tin về các dịch vụ Ngân hàng điện tử gồm Tài khoản đăng nhập, Mật khẩu, Mã OTP xác thực/kích hoạt dịch vụ ngay cả khi nhận được yêu cầu từ nhân viên ngân hàng hay nhân viên cơ quan nhà nước.
+ Không thực hiện chuyển khoản trước khi xác thực được người/nguồn yêu cầu.
+ Thay đổi mật khẩu ngay trong trường hợp đã click link giả theo hướng dẫn từ tin nhắn/email giả mạo. Báo ngay với Ngân hàng theo Hotline 24/7 của các ngân hàng hoặc điểm giao dịch ngân hàng của mình gần nhất yêu cầu tạm khóa dịch vụ Thẻ/Ebanking trong trường hợp bị lừa đảo mất tiền, bị lộ hoặc nghi ngờ bị lộ thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin thẻ… của cá nhân.
4. Cán bộ và nhân dân tích cực tham gia phòng trào toàn dân tố giác tội phạm. Khi phát hiện các thông tin, tài liệu về các đối tượng phạm tội thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc gọi điện thoại về Trực ban Cơ quan CSĐT Công an thị xã Ba Đồn số: 0232.3.513.388 hoặc số điện thoại của Cảnh sát 113: 0232.3.513.113 để kịp thời điều tra, bắt giữ, xử lý.
Nguồn tin: Công an thị xã Ba Đồn