Bệnh đốm sọc vi khuẩn hại lúa và hướng dẫn biện pháp phòng trừ

Thứ năm - 03/03/2022 09:33
Hiện nay, lúa Đông xuân đã chuyển sang giai đoạn đứng cái. Những ngày qua thời tiết nhiều mây, đêm và sáng sớm có mưa, ẩm độ cao tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đốm sọc vi khuẩn phát sinh gây hại. Qua kết quả điều tra của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, diện tích lúa nhiễm bệnh đốm sọc vi khuẩn tính đến ngày 02/3/2022 là 12 ha, tập trung ở các xã, phường: Quảng Tiên, Quảng Phong, Quảng Phúc, Quảng Minh, Quảng Hoà,.... Tỷ lệ hại phổ biến 1- 3%, nơi cao 7-10 %. Bệnh chủ yếu xuất hiện trên các giống: ST25, LTH31, P6, HN6,...
Dự báo trong thời gian tới, bệnh đốm sọc vi khuẩn hại lúa sẽ tiếp tục lây lan trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của lúa Đông xuân nếu không được phòng trừ kịp thời, đặc biệt là giai đoạn bà con nông dân chuẩn bị bón thúc đợt 2.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh đốm sọc vi khuẩn gây ra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã hướng dẫn triệu chứng, nguyên nhân và một số biện pháp phòng trừ như sau:
Bệnh đốm sọc vi khuẩn trên lúa.
Bệnh đốm sọc vi khuẩn trên lúa.
1. Triệu trứng
Bệnh gây hại trên lá, vết bệnh là những sọc nhỏ ngắn khác nhau, chạy dọc giữa các gân lá, lúc đầu vết bệnh xanh tái, dần dần chuyển màu nâu, tạo thành các sọc nâu hẹp, trên bề mặt vết bệnh xuất hiện những giọt dịch nhỏ, tròn, màu vàng đục sau đó khô lại thành những viên keo vi khuẩn trong như hạt trứng cá, dễ dàng rơi khỏi mặt lá và rơi xuống nước trên ruộng. Khi ruộng bị nặng thì toàn bộ ruộng lúa chuyển màu vàng cam sau chuyển màu vàng nâu và cây lúa bị chết, không những gây thiệt hại lớn mà còn tồn dư mầm bệnh cho vụ sau.
2. Nguyên nhân và đặc điểm phát sinh
Bệnh đốm sọc vi khuẩn do vi khuẩn Xanthomonas Oryzicola gây ra. Bệnh thường phát sinh gây hại nặng trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, ruộng lúa bón phân không cân đối, gieo quá dày, đặc biệt là thừa đạm trên các giống mẫn cảm. Khi bị bệnh, lá lúa giảm quang hợp và vi khuẩn gây tắc các bó mạch dẫn đến năng suất lúa giảm trầm trọng.
Vi khuẩn xâm nhiễm vào cây chủ yếu qua vết thương cơ giới, lan truyền nhờ nước, mưa, gió và tiếp xúc cọ xát giữa các lá, các cây trong ruộng.
3. Biện pháp phòng trừ
- Bệnh đốm sọc vi khuẩn hại lúa là do vi khuẩn gây nên. Đối với bệnh do vi khuẩn, cần tuân thủ nguyên tắc phòng bệnh là chính. Khi lúa bị bệnh phải tạm ngừng mọi biện pháp phân bón.
Sử dụng một trong các loại thuốc đặc hiệu sau để phun phòng:
+ Dùng 20 gam thuốc GOLDTECH 500 WP pha với bình 20 lít nước, phun cho 1 sào (500 m2).
+ Dùng 10 gam thuốc Xantocin 40 WP pha với bình 10 lít nước, phun 2 bình cho 1 sào (500 m2).
+ Dùng 10 gam thuốc Totan 200WP pha với bình 10 lít nước, phun 3 bình cho 1 sào (500 m2).
…………………..
Chú ý:
- Tiến hành phun thuốc khi trên ruộng bệnh mới chớm xuất hiện, lúc cấp bệnh và tỷ lệ hại còn thấp.
- Ở những ruộng đang bị bệnh ngừng bón đạm, kali, phân bón lá, các chất kích thích sinh trưởng và giữ đủ nước trong ruộng.
- Cần phun thuốc ướt đều trên mặt lá, đảm bảo đủ lượng nước thuốc theo hướng dẫn trên bao bì.
- Nên phun thuốc vào sáng sớm, chiều mát, tránh những lúc trời mưa để đạt hiệu quả cao.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập62
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm56
  • Hôm nay16,140
  • Tháng hiện tại679,824
  • Tổng lượt truy cập34,210,543
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây