HƯỚNG DẪN Phòng trừ một số đối tượng dịch hại chính trên cây lúa năm 2021
Thứ năm - 10/12/2020 21:49
Trong năm 2020, tình hình dịch hại trên cây lúa có giảm so với các năm trước. Tuy nhiên một số đối tượng như: bệnh đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá,… vẫn phát sinh gây hại trên diện rộng đã làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa. Mặc dù các địa phương đã chú trọng hơn trong công tác bảo vệ thực vật (BVTV), tuy nhiên việc triển khai chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại ở một số địa phương còn chậm, thiếu quyết liệt, nhiều nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật chưa đúng với hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nên hiệu quả chưa cao. Để đảm bảo an toàn cho sản xuất lúa trong năm 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã xây dựng phương án phòng trừ các đối tượng dịch hại chính trên cây lúa để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, cụ thể như sau:
I. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI LÚA 1. Rầy nâu, rầy lưng trắng 1.1. Công tác điều tra phát hiện Rầy phát sinh và gây hại trên cả 2 vụ Đông xuân và Hè thu, đặc biệt thường gây hại nặng ở những vùng ruộng các năm trước đây thường bị hại, lúa gieo cấy dày, bón nhiều đạm, trên các giống nhiễm. Trong vụ, các lứa rầy gối nhau tạo nên sự tích lũy về mật độ và dễ dàng bùng phát thành dịch vào giai đoạn lúa ôm đòng đến trổ - chín. Công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo cần triển khai thường xuyên và liên tục từ đầu vụ đến cuối vụ. Điều tra phát hiện sớm các ổ rầy, theo dõi diễn biến từng lứa trên đồng ruộng về sự gia tăng mật độ của rầy để tổ chức triển khai phòng trừ kịp thời khi rầy tuổi còn nhỏ, mật độ thấp, không để rầy bùng phát trên diện rộng. 1.2. Biện pháp phòng trừ - Biện pháp canh tác + Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn các tàn dư cây trồng trước khi làm đất. + Sử dụng các giống lúa ít nhiễm rầy. + Lượng giống gieo cần thực hiện theo chương trình SRI, tuỳ loại giống và điều kiện thâm canh, không gieo quá dày, không để ngập nước trong ruộng thường xuyên. + Trong cùng một vùng phải gieo tập trung và nên cơ cấu 1 loại giống để hạn chế sâu bệnh hại và thuận lợi cho việc điều tra phát hiện, phòng trừ sâu bệnh. Những vùng thường có rầy gây hại thường xuyên nên thay đổi giống sản xuất. + Đầu tư thâm canh cân đối ngay từ đầu vụ (bón lót đầy đủ lượng phân cần thiết như: phân chuồng, N, P, K…), để cây lúa sinh trưởng phát triển khoẻ, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, không bón thừa phân đạm. - Biện pháp sử dụng thuốc + Giai đoạn lúa từ gieo - đứng cái làm đòng Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng thuốc hoá học để ngăn ngừa rầy gây hại và truyền bệnh ở giai đoạn từ khi gieo đến 10 - 15 ngày (đặc biệt những vùng trước đây bị bệnh lùn sọc đen). Xử lý hạt giống bằng thuốc Cruiser Plus 312,5FS. Cách sử dụng: Hạt giống sau khi ủ đã nứt nanh, rải thành lớp mỏng trên bạt, nilon. Pha 20 - 25 ml thuốc với 2 lít nước, khuấy đều rồi phun cho 50 kg giống, sau đó trộn cho hạt dính đều thuốc. Ủ tiếp khoảng 10 - 12 giờ rồi đem gieo bình thường. Sau khi gieo 7 - 10 ngày, thường xuyên chủ động điều tra phát hiện sớm rầy lưng trắng di trú, nếu rầy xuất hiện với mật độ 7- 10 con/m2, giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ trên 300 - 500 con/m2 phải tổ chức phòng trừ. Sử dụng một trong các loại thuốc sau để phòng trừ: Map Arrow 420WP, Chess 50WG, Bassa 50 EC, Victory 585EC. + Giai đoạn lúa từ phân hoá đòng trở đi Thường xuyên điều tra phát hiện rầy, khi có rầy xuất hiện với mật độ 2000 -3000con/m2 chỉ đạo nông dân phòng trừ kịp thời theo nguyên tắc 4 đúng. Phòng trừ rầy triệt để ở giai đoạn này sẽ không có hiện tượng bùng phát gây cháy ở thời kỳ lúa trổ - chín. Sử dụng một trong các loại thuốc sau để phòng trừ: Map Arrow 420WP, Chess 50WG, Victory 585EC. Liều lượng sử dụng : Theo hướng dẫn đã ghi trên nhãn mác, bao bì của nhà sản xuất. Đảm bảo lượng nước thuốc như hướng dẫn, phun thuốc vào gốc lúa nơi rầy tập trung cư trú. 2. Sâu cuốn lá nhỏ 2.1. Công tác điều tra phát hiện Sâu cuốn lá nhỏ phát sinh gây hại ở cả 2 vụ trong năm, sâu thường gây hại nặng trên các trà lúa gieo cấy dày, ruộng bón thừa đạm, thời tiết nắng mưa xen kẻ. Cần điều tra phát hiện sớm, dự tính dự báo chính xác các lứa sâu xuất hiện để chỉ đạo phòng trừ kịp thời, có hiệu quả. Đặc biệt chú trọng sâu lứa 2 vụ Đông xuân và lứa 6 vụ Hè thu, vào giai đoạn đòng trổ làm ảnh hưởng đến năng suất. 2.2. Biện pháp phòng trừ - Biện pháp canh tác + Không gieo cấy với mật độ dày, áp dụng thực hiện thâm canh lúa theo phương thức cải tiến SRI. + Bón phân cân đối hợp lý, không bón thừa đạm đặc biệt là ở giai đoạn lúa làm đòng - trổ. + Không nên phun thuốc trừ sâu cuốn lá khi cây lúa ở giai đoạn đẻ nhánh và mật độ sâu còn thấp nhằm bảo vệ thiên địch trên đồng ruộng. - Biện pháp sử dụng thuốc: Sâu cuốn lá nhỏ có khả năng kháng thuốc cao vì vậy cần sử dụng một trong các loại thuốc đặc hiệu sau để phòng trừ: Clever 150SC, Dylan 2EC, Mectinone 25WG, Ammate 150SC. Chú ý Phải sử dụng đúng loại thuốc và liều lượng theo hướng dẫn đã ghi trên bao bì của nhà sản xuất. Phun thuốc vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, cần đi chậm, phun ướt đều mặt lá. 3. Bệnh lùn sọc đen (LSĐ) Bệnh LSĐ do virus gây ra thông qua môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng nên khả năng lây lan nhanh truyền từ vụ này sang vụ khác. Đây là bệnh rất nguy hiểm, hiện nay chưa có thuốc để phòng trừ. 3.1. Biện pháp phòng bệnh LSĐ (Đây là biện pháp quan trọng) - Vệ sinh đồng ruộng Tiến hành vệ sinh đồng ruộng bằng cách cày vùi gốc rạ, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, đốt dọn tàn dư thực vật. Kiểm tra, phát hiện và phun thuốc trừ rầy trên bờ ruộng, bờ thửa, mương dẫn nước và bụi bờ xung quanh đồng ruộng nơi rầy cư trú. - Công tác điều tra phát hiện Công tác điều tra phát hiện phải được thực hiện ngay từ đầu vụ và tiến hành thường xuyên để phát hiện sớm rầy trên đồng ruộng, triển khai phòng trừ rầy có hiệu quả nhằm ngăn chặn khả năng truyền virus gây bệnh LSĐ. Để phát hiện rầy kịp thời, ngoài cơ quan chuyên môn và cán bộ kỹ thuật, nông dân phải chủ động điều tra, đặc biệt phải phát hiện sớm rầy trên ruộng của mình ngay từ khi lúa mới gieo đến khi lúa đẻ nhánh. - Phòng trừ môi giới truyền bệnh (rầy lưng trắng) Như hướng dẫn các biện pháp phòng trừ rầy ở trên. Khi phát hiện rầy lưng trắng xuất hiện trên đồng ruộng phải kiểm tra virus gây bệnh LSĐ bằng phương pháp test nhanh để có giải pháp kịp thời, hiệu quả. 3.2. Các biện pháp xử lý khi bệnh xuất hiện Điều tra kỹ, phát hiện sớm triệu chứng bệnh lùn sọc đen trên đồng ruộng để có biện pháp xữ lý kịp thời tránh sự lây lan nguồn bệnh. - Giai đoạn lúa từ khi gieo - đứng cái + Nhổ, vùi những cây lúa bị bệnh, nếu còn thời vụ thì cấy dặm lại cây lúa khoẻ. + Điều tra phát hiện, phun thuốc trừ rầy trên ruộng bị bệnh và những ruộng xung quanh đang có rầy xuất hiện. + Chăm sóc, bón phân cân đối N-P-K, phun các loại phân bón hữu cơ, vi lượng qua lá giúp cây sinh trưởng tốt. - Giai đoạn lúa đứng cái trở đi + Nhổ, vùi những cây lúa bị bệnh. + Điều tra phát hiện, phun thuốc trừ rầy ở ruộng bị bệnh và các ruộng xung quanh. + Sau khi thu hoạch lúa ở ruộng bị bệnh tiến hành cày vùi gốc rạ ngay ở ruộng đó để tiêu huỷ nguồn bệnh. 4. Bệnh đạo ôn hại lúa 4.1. Công tác điều tra phát hiện Nắm chắc cơ cấu giống của các địa phương, đặc biệt là các chân ruộng bố trí giống nhiễm bệnh đạo ôn như SV181, IR35366, VN20, P6... Thường xuyên theo dõi sự phát sinh của bệnh, nắm bắt tình hình thời tiết để có dự báo chính xác, triển khai phòng trừ ngay khi bệnh mới xuất hiện. 4.2. Biện pháp phòng trừ - Biện pháp canh tác + Hạn chế sử dụng các giống nhiễm bệnh. + Không gieo cấy với mật độ dày, áp dụng thực hiện thâm canh lúa theo phương thức canh tác lúa cải tiến SRI. + Bón phân cân đối hợp lý không bón thừa đạm. Khi ruộng đã bị nhiễm bệnh cần thực hiện các biện pháp sau: + Giữ nước trong ruộng từ 1- 3 cm. + Ngừng ngay việc sử dụng phân đạm, kali, các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá. + Đối với những giống nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông không nên bón thừa đạm ở giai đoạn đòng - trổ. - Biện pháp sử dụng thuốc + Sử dụng một trong các loại thuốc đặc hiệu sau đây để phòng trừ: Beam 75WP, Fuji-one 40WP, Fuji-one 40EC, Filia 525SE, Ninja 35EC, Map Famy 700WP. + Đối với bệnh đạo ôn cổ bông: Phun thuốc phòng bệnh ở các chân ruộng đã bị đạo ôn lá, các giống nhiễm đạo ôn, đặc biệt vào giai đoạn lúa trổ gặp ẩm độ cao, thời tiết âm u, có mưa. Chú ý: Đối với những ruộng đã bị bệnh đạo ôn cần phải phun thuốc 2 lần, lần sau cách lần trước 5 - 7 ngày. Các ruộng lúa bón thừa đạm, các giống nhiễm phải tiến hành phun phòng bệnh kịp thời. Đảm bảo lượng nước thuốc theo hướng dẫn đã ghi trên bao bì của nhà sản xuất. 5. Bệnh khô vằn 5.1. Công tác điều tra phát hiện Bệnh khô vằn thường phát sinh gây hại trên các chân ruộng bón thừa đạm, mật độ gieo dày, ngập nước thường xuyên. Bệnh thường hại nặng vào giai đoạn lúa kết thúc đẻ nhánh đến chín, đặc biệt bệnh phát triển và lây lan nhanh trong điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẻ, vì vậy cần chú ý theo dõi để chỉ đạo phòng trừ kịp thời.
5.2. Biện pháp phòng trừ
- Biện pháp canh tác: + Không gieo cấy với mật độ dày, áp dụng thực hiện thâm canh lúa theo phương thức canh tác lúa cải tiến SRI. + Bón phân cân đối hợp lý không bón thừa đạm. - Biện pháp sử dụng thuốc: Sử dụng một trong các loại thuốc đặc hiệu sau đây để phòng trừ: Validacin 5SL, Tiltsuper 300EC, Anvil 5SC, Nevo 330EC. Chú ý: Khi bị bệnh khô vằn không để nước trong ruộng cao. Phun thuốc trực tiếp vào thân cây lúa nơi xuất hiện bệnh, không phun trên lá. Đảm bảo lượng nước thuốc theo hướng dẫn đã ghi trên bao bì của nhà sản xuất. 6. Bệnh bạc lá Bệnh bạc lá do vi khuẩn Xanthomonas Oryzea gây ra, khi bị bệnh lá mất hết diệp lục, khô cháy nên không có khả năng quang hợp để tạo dinh dưỡng nuôi hạt, từ đó những ruộng bị bệnh bạc lá bông lúa có tỷ lệ lép rất cao, đây là bệnh rất nguy hiểm có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây và hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để trừ. 6.1. Công tác điều tra phát hiện Bệnh thường hại nặng vào giai đoạn lúa ôm đòng - trổ, đặc biệt bệnh phát triển và lây lan nhanh trong điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẻ vì vậy cần chú ý theo dõi để chỉ đạo phòng trừ kịp thời. 6.2. Biện pháp phòng trừ Hạn chế sử dụng các giống nhiễm bệnh, chọn giống không nhiễm bệnh bạc lá để sản xuất. Sử dụng một trong các loại thuốc đặc hiệu sau để phun phòng: Starner 20 WP, Xantocin 40 WP, Totan 200WP. Chú ý:Tuyệt đối không bón đạm, không sử dụng kích thích sinh trưởng hoặc phân bón lá trên diện tích lúa đang nhiễm bệnh. Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát. Phun trực tiếp thuốc vào vết bệnh và phải bảo đảm đúng các loại thuốc, nồng độ, liều lượng đã hướng dẫn trên bao bì. II. CÔNG TÁC TỔ CHỨC, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN 1. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã - Xây dựng phương án phòng trừ sâu bệnh hại cụ thể phù hợp với tình tình thực tế trên địa bàn. Thực hiện công tác điều tra phát hiện sớm, dự tính dự báo chính xác các đối tượng dịch hại trên đồng ruộng, thông báo kịp thời tình hình cho các địa phương. - Tham mưu cho UBND thị xã ban hành các Công văn, Chỉ thị, Công điện về công tác chỉ đạo tùy theo tình hình, mức độ phát sinh dịch hại. - Phối hợp tốt với Phòng Kinh tế, UBND các xã, phường trong công tác phòng trừ sâu bệnh. - Phân công cán bộ bám sát cơ sở, phối hợp địa phương hướng dẫn kỹ thuật, chỉ đạo phòng trừ có hiệu quả. Kiểm tra, giám sát việc buôn bán và sử dụng đúng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. 2. UBND các xã, phường - Chỉ đạo cán bộ nông nghiệp xã, khuyến nông, các hợp tác xã (HTX), thôn cùng phối hợp với cơ quan chuyên môn triển khai tốt công tác điều tra phát hiện sâu bệnh hại, thông báo hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật đến tận người nông dân. - Tổ chức lực lượng, phối hợp với cơ quan chuyên môn thường xuyên, tích cực chỉ đạo nông dân triển khai tốt công tác phòng trừ. Bố trí mùa vụ và cơ cấu cây trồng thích hợp với từng tiểu vùng. Trên một xứ đồng nên bố trí 1 đến 2 loại giống để gieo. - Phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc kinh doanh buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn theo đúng quy định. - Tổng hợp, báo cáo tình hình dịch hại kịp thời cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã, Phòng Kinh tế để tranh thủ ý kiến chỉ đạo.
- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7):
+ Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã.
+ Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình;
+ Từ 6h00 phút đến...