Nuôi cá chẽm theo công nghệ Na Uy

Thứ ba - 08/03/2022 14:02

Nuôi cá chẽm theo công nghệ Na Uy

Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Thủy sản Nha Trang và cử nhân chuyên ngành Thủy sản tại Nhật Bản, anh Hoàng Minh Vương (SN 1990, quê xã Quảng Minh, TX. Ba Đồn) đã trở về quê hương đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá chẽm (hay còn gọi là cá vược) thương phẩm ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Vương cho biết, cách đây khoảng 8 năm, gia đình anh đã làm mô hình nuôi cá chẽm, tuy nhiên, lúc đó chỉ có khoảng vài nghìn con cá với bè nuôi thô sơ. Do ảnh hưởng của lụt bão nên bè cá thường xuyên bị hư hỏng, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả kinh tế mô hình.
 
Trước thực tế đó, cùng mong muốn được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, sau khi hoàn thành khóa đào tạo cử nhân ở Nhật Bản, anh Vương quyết định trở về lập nghiệp ở quê nhà. Với kinh nghiệm và kiến thức có được của bản thân, đầu năm 2021, anh Vương đã mạnh dạn đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng xây dựng mô hình nuôi cá chẽm thương phẩm tại xã Mỹ Trạch (Bố Trạch), nơi có nhiều lợi thế về nuôi trồng thủy sản.
 
Anh Vương cho biết: “Tôi chọn nuôi cá chẽm bởi loại cá này phù hợp với đặc điểm nguồn nước ở đây. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ loại cá này của thị trường tỉnh Quảng Bình và các vùng lân cận cũng khá lớn. Hy vọng mô hình sẽ giúp tôi thực hiện được mong ước lập nghiệp, làm giàu trên chính quê hương mình”.
Anh Hoàng Minh Vương mạnh dạn đầu tư lắp đặt bè cá bằng ống nhựa HDPE hiện đại theo công nghệ Na Uy.
Anh Hoàng Minh Vương mạnh dạn đầu tư lắp đặt bè cá
bằng ống nhựa HDPE hiện đại theo công nghệ Na Uy.

Đặc tính của loài cá chẽm là sống trong môi trường sạch, thức ăn là các loại cá tự nhiên tươi sống. Do đó, anh Vương đã chủ động hợp đồng với các chủ tàu, thuyền mua thức ăn tươi cho cá, đầu tư kho lạnh bảo quản. Bên cạnh đó, anh cũng lắp đặt hệ thống bơm điều tiết giúp nguồn nước trong hồ nuôi luôn sạch sẽ, chọn giống cá chất lượng, bảo đảm cá nhanh lớn, khỏe mạnh, đạt hiệu quả cao.
 
Ngoài diện tích hồ nuôi 4.000m2, tận dụng nguồn nước của sông Gianh, anh Vương đã mạnh dạn đầu tư hơn 400 triệu đồng để lắp đặt hệ thống lồng bè nuôi cá chẽm bằng ống nhựa HDPE hiện đại theo công nghệ Na Uy. Lồng có thể tích khoảng 150m3, độ sâu từ 2,5-3m, có thể thả nuôi khoảng 5.000 con cá.
 
Anh Vương chia sẻ: “Quảng Bình hàng năm thường phải đối mặt với nhiều trận mưa bão, dòng chảy ở các con sông chảy xiết, nếu làm bè cá theo phương thức truyền thống rủi ro sẽ rất cao, lưới dễ bị rách và bè bị vỡ. Áp dụng lắp đặt hệ thống lồng bè nuôi cá chẽm bằng ống nhựa HDPE hiện đại theo công nghệ Na Uy sẽ là giải pháp giúp chống chịu với lụt bão. Mặc dù hệ thống này chi phí hơi cao nhưng với ưu điểm của nó, tôi đã mạnh dạn đầu tư”.
 
Bằng những nỗ lực của mình trong bước đầu khởi nghiệp, anh Vương đã thả nuôi hơn 4.000 con cá chẽm. Hiện, mô hình đã thu hoạch 1/2 số cá, được 2,2 tấn sản lượng. Với giá bán 85-90 nghìn đồng/kg, anh Vương thu được gần 200 triệu đồng (lãi khoảng 80 triệu đồng). Số cá còn lại dự kiến sẽ thu hoạch vào giữa năm 2022. Được biết, ngoài cá chẽm, anh Vương còn nuôi thêm một số cá, như: Dìa, nâu…
 
Việc mạnh dạn đầu tư và xây dựng thành công mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao của anh Vương không chỉ nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình mà còn góp phần tạo ra những đổi thay tích cực trong sản xuất nông nghiệp của một địa phương thuần nông còn nhiều khó khăn như xã Mỹ Trạch. Mô hình cũng góp phần giúp huyện Bố Trạch từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biển đổi khí hậu, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái.
 
Ông Phan Nam Tiến, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trạch cho biết: “Mô hình nuôi cá chẽm ứng dụng công nghệ cao của anh Hoàng Minh Vương là mô hình mới ở xã Mỹ Trạch; sau một thời gian đầu tư triển khai hiện đang phát triển ổn định và có thu nhập cao. Xã xác định đây là mô hình có tiềm năng, hiệu quả kinh tế cao, nên nhân rộng trên địa bàn”.
 
“Hệ thống lồng bè nuôi cá chẽm bằng ống nhựa HDPE hiện đại theo công nghệ Na Uy có nhiều ưu điểm vượt trội, như: Dễ lắp đặt, di chuyển, độ bền cao, chống chịu được với bão, lũ và thời gian sử dụng có thể lên đến 50-60 năm. Mô hình nuôi cá chẽm của anh Hoàng Minh Vương là mô hình đầu tiên ứng dụng theo công nghệ này để nuôi trồng thủy sản ở huyện Bố Trạch”, anh Hoàng Minh Vương cho biết.

 
Lê Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập781
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm752
  • Hôm nay16,428
  • Tháng hiện tại321,197
  • Tổng lượt truy cập39,840,986
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây