PHƯƠNG ÁN Phòng trừ chuột hại lúa vụ Đông xuân 2020-2021

Thứ năm - 10/12/2020 21:54
Trong những năm gần đây, tình hình phát sinh của chuột trên địa bàn thị xã có chiều hướng gia tăng về diện tích cũng như mức độ hại. Điều kiện thời tiết những tháng cuối năm 2020 đã có mưa với lưu lượng lớn gây ngập úng các xứ đồng, rất thuận lợi cho việc phòng trừ chuột đầu vụ.Để đảm bảo an toàn vụ sản xuất Đông xuân 2020 - 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã xây dựng Phương án phòng trừ chuột hại lúa để các địa phương chủ động nắm bắt và phối hợp triển khai chỉ đạo có hiệu quả, cụ thể như sau:
PHƯƠNG ÁN Phòng trừ chuột hại lúa vụ Đông xuân 2020-2021

 

          I. PHÒNG TRỪ CHUỘT
1. Thời điểm diệt chuột
Tổ chức triển khai diệt chuột thường xuyên, liên tục, đồng loạt và tập trung vào 4 thời điểm quan trọng có tính quyết định.
1.1. Trong mùa mưa, đồng ruộng đang ngập nước
Chuột co cụm sống tập trung ở bờ bụi, cồn bãi và khu dân cư. Vì vậy, tổ chức đánh bắt thủ công và đặt bã thuốc đạt hiệu quả khá cao.
1.2. Trước lúc gieo cấy 7 - 10 ngày
Giai đoạn này, chuột sống tập trung ở ven đường giao thông, bờ đê, bờ mương, cồn bãi, nguồn thức ăn thiếu nên tổ chức diệt chuột đồng loạt bằng nhiều biện pháp, kết hợp đánh bắt thủ công và đặt bã thuốc, diệt chuột ngoài đồng ruộng và trong cả khu dân cư.
          1.3. Thời kỳ lúa đẻ nhánh
 - Đây là thời điểm cây lúa phát triển mạnh về dảnh và lá, nguồn thức ăn trên đồng ruộng phong phú. Vì vậy, chuột tập trung di cư ra ruộng lúa trú ẩn và phá hoại. Để diệt chuột đạt hiệu quả cao, huy động lực lượng diệt chuột bằng biện pháp thủ công kết hợp đặt bã thuốc.
1.4. Thời kỳ lúa làm đòng đến trỗ
- Giai đoạn này là thời điểm chuột chủ yếu sinh sống trên đồng ruộng, chuột cái vào hang để sinh sản nên tổ chức tìm hang để đào bắt, săn bắt rất có hiệu quả (biện pháp này bắt được nhiều chuột cái và chuột con).
- Thời kỳ này chuột thường ít ăn bã nên việc sử dụng thuốc hiệu quả không được cao.
          2. Các biện pháp phòng trừ
          (Tùy từng thời điểm chuột gây hại mà lựa chọn và phối hợp các biện pháp cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả).
          2.1. Biện pháp thủ công (Đây là biện pháp quan trọng)
          - Tổ chức lực lượng đào hang, săn bắt chuột.
          - Sử dụng các loại bẫy thủ công như: Bẫy lồng, bẫy bán nguyệt, bẫy keo dính…triển khai ngoài đồng ruộng và trong khu dân cư (đặt bẫy trên đường đi lại và trước cửa hang của chuột).
          - Làm hàng rào nilon (hàng rào cao 90 cm, cách xa bờ ruộng 30 - 40 cm, mép dưới chôn sâu vào đất) bao quanh ruộng kết hợp đặt bẫy lồng và đào hố để bắt chuột.
          - Thời gian thực hiện: Trước và trong vụ sản xuất lúa.
          2.2. Biện pháp sử dụng thuốc
          - Sử dụng các loại thuốc sau để phòng trừ:
+ Thuốc Racumin 0,75TP: Trộn đều 1 phần thuốc với 19 phần thức ăn chuột ưa thích như thóc mầm, thóc luộc… (mỗi bã dùng 20 - 25 g).
+ Cat 0,25WP: Dùng 10g thuốc trộn với 0,5 kg thóc luộc (hoặc thóc mộng) để làm bã chuột (mỗi bã dùng 20 - 25g).
- Các loại thuốc trên mỗi bã cho vào 01 túi nilon nhỏ màu đen buộc chặt (để đảm bảo thuốc không bị mất hiệu lực do yếu tố thời tiết tác động), đặt bã ngay cửa hang, trên đường mòn chuột qua lại, đặt thuốc vào buổi chiều tối. Đánh bã vào lúc chiều tối, sáng sớm phải tiến hành thu gom bã và chuột (đối với bã thuốc Fokeba 20%) để đảm bảo an toàn.
2.3. Biện pháp sinh học
- Khuyến khích và hỗ trợ nông dân nuôi mèo để diệt chuột.
- Nghiêm cấm săn bắt các loại động vật là thiên địch của chuột như: Rắn, chim cú mèo, chim diều,….
II. CÔNG TÁC TỔ CHỨC, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp
- Xây dựng phương án cụ thể phù hợp với tình tình thực tế ở các địa phương. Nắm chắc tình hình sinh trưởng phát triển của cây trồng. Thực hiện công tác điều tra phát hiện sớm, dự tính dự báo chính xác mức độ hại của chuột trên đồng ruộng, thông báo kịp thời tình hình cho các địa phương.
- Tham mưu cho UBND thị xã ban hành các Công văn, Chỉ thị, Công điện về công tác chỉ đạo tùy theo tình hình, mức độ phát sinh của chuột và có chính sách hỗ trợ kinh phí diệt chuột khi chuột hại xảy ra trên diện rộng.
- Phối hợp tốt với Phòng Kinh tế, UBND các xã, phường trong công tác diệt chuột.  
- Báo cáo kết quả phòng trừ chuột hàng tuần cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Phòng Kinh tế.
- Phân công cán bộ bám sát cơ sở, phối hợp địa phương hướng dẫn kỹ thuật, chỉ đạo diệt chuột có hiệu quả. Kiểm tra, giám sát việc buôn bán và sử dụng đúng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
 2. UBND các xã, phường
- Chỉ đạo cán bộ phụ trách nông nghiệp, các hợp tác xã, thôn cùng phối hợp với cơ quan chuyên môn triển khai tốt công tác điều tra phát hiện chuột, thông báo hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật đến tận người nông dân.
- Phân công lãnh đạo UBND xã, phường trực tiếp chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc các hợp tác xã, thôn trong quá trình triển khai thực hiện.
- Ban hành các chủ trương, giải pháp về công tác chỉ đạo diệt chuột khi chuột hại xảy ra trên diện rộng.
- Tổ chức lực lượng, phối hợp với cơ quan chuyên môn thường xuyên, tích cực chỉ đạo nông dân triển khai tốt công tác diệt chuột. Bố trí mùa vụ và cơ cấu cây trồng thích hợp với từng tiểu vùng. Trên một xứ đồng nên bố trí 1 loại giống để gieo và thu hoạch cùng một lúc sẽ hạn chế thiệt hại do chuột. Chú trọng công tác phòng trừ chuột ở vùng cồn gò, lùm, cây bụi giữa các cánh đồng.
- Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc kinh doanh buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn theo đúng quy định.
- Tổng hợp, báo cáo kịp thời tình hình chuột hại lúa cho, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã để tranh thủ ý kiến chỉ đạo.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập57
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay23,835
  • Tháng hiện tại385,551
  • Tổng lượt truy cập38,301,222
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây