Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh tình hình đất nước tiếp tục có chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng Quý I đạt mức cao nhất trong 10 năm gần đây cho thấy tăng trưởng kinh tế năm nay tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, tình hình quốc tế và khu vực được dự báo sẽ còn nhiều diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro và phức tạp. Năm 2018 là năm thứ ba của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, có rất nhiều nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với Quốc hội, đòi hỏi Quốc hội phải tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo và hành động vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.
Sau 20,5 ngày làm việc với tinh thần nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm (từ ngày 21/5 đến ngày 15/6/2018), kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc với những kết quả chủ yếu sau:
A. NỘI DUNG VÀ KẾT QUẢ KỲ HỌP
I. CÔNG TÁC LẬP PHÁP
Các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, được đông đảo cử tri quan tâm, tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng (nhất là các nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương) và Hiến pháp năm 2013, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Quốc hội đã thông qua 7 luật, 8 nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác.
1. Các luật được Quốc hội thông qua nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước…
- Luật Đo đạc và bản đồ được ban hành nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ. Luật gồm 9 chương, 61 điều, quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; công trình hạ tầng đo đạc; thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; điều kiện kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.
- Luật An ninh mạng được ban hành nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đồng thời, phải phù hợp với thực tiễn, khả thi, tránh sự lạm dụng, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp. Luật gồm 7 chương, 43 điều quy định về biện pháp bảo vệ an ninh mạng, không gian mạng quốc gia; các hành vi bị nghiêm cấm; hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.
- Luật Tố cáo được sửa đổi toàn diện, gồm 8 chương, 67 điều quy định nhiều nội dung quan trọng về người có quyền tố cáo; quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo; trách nhiệm của người giải quyết tố cáo; hình thức tố cáo; trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo; bảo vệ người tố cáo…
- Luật Cạnh tranh được sửa đổi toàn diện, gồm 10 chương, 118 điều với nhiều quy định mới quan trọng về: hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam; chính sách của Nhà nước về cạnh tranh; hạn chế cạnh tranh; nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia; quy trình tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh...
- Luật Quốc phòng được sửa đổi toàn diện, gồm 7 chương, 40 điều; quy định bổ sung, cụ thể hơn về nhiều nội dung như: quân sự; chiến tranh nhân dân; thế trận quốc phòng toàn dân; phòng thủ đất nước; chiến tranh thông tin; tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; thảm họa; công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Hội đồng nhân dân các cấp về quốc phòng; việc kết hợp giữa quốc phòng với kinh tế - xã hội; quyền, nghĩa vụ của công dân “bình đẳng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”; phòng thủ quân khu; đối ngoại quốc phòng; hành vi bị nghiêm cấm; công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương...
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao đã sửa đổi, bổ sung các quy định về: thể dục, thể thao quần chúng; trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; thể thao thành tích cao (bổ sung cụ thể quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên; thẩm quyền ban hành luật thi đấu của môn thể thao); đặt cược thể thao; kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và thể thao bắt buộc có người hướng dẫn luyện tập; đất đai dành cho thể dục, thể thao…
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch được ban hành nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, loại bỏ các quy hoạch sản phẩm. Quy hoạch phát triển khu công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; quy hoạch phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ không tiếp tục được lập riêng mà được tích hợp trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng. Quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh không lập riêng mà được tích hợp tại quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
2. Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến nhằm đáp ứng yêu cầu tạo lập mô hình phát triển mới mang tính đột phá cho các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi, trồng trọt phát triển; đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
- Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định về quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Việc xây dựng Luật nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, thể chế hóa chủ trương của Đảng về “xây dựng một số đơn vị HCKTĐB với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”. Dự án Luật trình Quốc hội đã được tiếp thu, chỉnh lý nghiêm túc trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017), hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ý kiến của các cơ quan, tổ chức, địa phương có liên quan. Tuy nhiên, đây là dự án Luật mới; nhiều quy định về cơ chế, chính sách mang tính đột phá cả về tổ chức bộ máy và quan điểm, định hướng phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri về một số nội dung của dự án Luật còn khác nhau; một số quy định của dự thảo Luật chưa được giải thích đầy đủ gây hoang mang trong dư luận và một bộ phận nhân dân.
Nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua dự án Luật này tại kỳ họp thứ 5 và chuyển sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân, hoàn thiện dự thảo Luật; hoàn chỉnh các dự thảo nghị quyết, đề án về thành lập từng đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt.
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động và phối hợp hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; quản lý nhà nước, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan; bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam.
- Luật Chăn nuôi quy định về quản lý các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi, chăn nuôi động vật cảnh và động vật bán hoang dã gây nuôi; xuất, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; trách nhiệm quản lý nhà nước về chăn nuôi.
- Luật Trồng trọt quy định về giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua, bán, sơ chế, chế biến, bảo quản, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt; quản lý nhà nướcvề trồng trọt.
- Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được Quốc hội tập trung thảo luận về nhiều nội dung quan trọng như: sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật hiện hành; việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài nhà nước; thẩm quyền, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; việc xử lý đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực và tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình hợp lý về nguồn gốc; các hành vi tham nhũng; về công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm giải trình; quy tắc ứng xử, tặng quà và nhận quà tặng; chuyển đổi vị trí công tác, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
- Luật Đặc xá (sửa đổi) được Quốc hội tập trung thảo luận về nhiều nội dung như: sự cần thiết, phạm vi sửa đổi và tên gọi của Luật; thời điểm đặc xá; điều kiện được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại và nhân ngày lễ lớn của đất nước; người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt và việc thực hiện quyết định đặc xá đối với người nước ngoài; thời gian, trình tự, thủ tục thực hiện đặc xá; quy định tái hòa nhập cộng đồng; vị trí, vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác đặc xá...
- Luật Công an nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội tập trung thảo luận về nhiều nội dung lớn như: hệ thống tổ chức của Công an nhân dân; cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân; thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức trong Công an nhân dân; công nghiệp an ninh; các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Công an nhân dân, vị trí của Công an nhân dân, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; hạn tuổi phục vụ trong Công an nhân dân; trách nhiệm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đối với Công an nhân dân…
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Quốc hội tập trung thảo luận về nhiều nội dung quan trọng như: phạm vi sửa đổi và tên gọi của Luật; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; chính sách đối với người học nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ học tập của công dân; chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đầu tư, tài chính trong giáo dục; hoàn thiện cơ chế quản trị của cơ sở giáo dục…
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được Quốc hội tập trung thảo luận về nhiều nội dung quan trọng như: mô hình hệ thống giáo dục đại học; cơ cấu tổ chức và quản trị của cơ sở giáo dục đại học; việc tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học trong các hoạt động về chuyên môn đào tạo, tài chính và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của các trường đại học cũng như nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đại học…
3. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Theo đó, điều chỉnh Chương trình năm 2018 để bổ sung 05 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lùi thời gian trình 02 dự án luật; đưa ra khỏi Chương trình 03 dự án luật. Chương trình năm 2019 gồm 18 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết của Quốc hội và được xây dựng theo hướng mở, cho phép bổ sung, sửa đổi các dự án luật về tổ chức bộ máy nhà nước, về cán bộ, công chức theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương.
4. Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, sớm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần đưa luật sớm đi vào cuộc sống. Các cơ quan của Quốc hội thường xuyên giám sát việc thi hành luật; đồng thời có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng chuẩn bị các dự án trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
II. GIÁM SÁT TỐI CAO
1. Sau khi xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018, Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành, biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nhờ đó đã đạt được những kết quả khả quan trên hầu hết các lĩnh vực, tạo đà cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Quốc hội thống nhất các giải pháp, nhiệm vụ của Chính phủ và đề nghị tập trung triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng còn lại của năm 2018; giải quyết có hiệu quả các yếu kém đã được nhận diện; đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư, triển khai đúng tiến độ các công trình quan trọng quốc gia, bảo đảm hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; chăm lo phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc trong xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công; tiếp tục bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững, ổn định trật tự an toàn xã hội; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, tích cực xử lý các vấn đề môi trường, xâm nhập mặn, sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long, sạt lở sông, suối, bảo vệ và phát triển rừng.
2. Trong thời gian 3 ngày, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải; Tài nguyên và Môi trường; Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn. Các Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Tài chính, Nội vụ tham gia báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm. Qua hoạt động chất vấn cho thấy, những vấn đề được Quốc hội lựa chọn sát thực tế, được dư luận xã hội, cử tri cả nước quan tâm. Việc đổi mới, cải tiến cách thức chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng rút ngắn thời gian nêu và trả lời câu hỏi đã tạo điều kiện để tăng số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, đồng thời, phát huy được năng lực của đại biểu, nâng cao chất lượng câu hỏi và câu trả lời. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, xây dựng, tranh luận sôi nổi, làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn. Các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thể hiện rõ thái độ nghiêm túc, cầu thị và quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới. Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để Quốc hội giám sát, Chính phủ, các Bộ, ngành tổ chức thực hiện.
3. Trên cơ sở kết quả giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016”, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Nghị quyết đã nêu rõ kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể. Đồng thời, giao Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; giao các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội.
4. Quốc hội đã nghe và cơ bản tán thành Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4. Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong giải quyết các kiến nghị của cử tri. Công tác này đã có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về chất lượng giải quyết cũng như nội dung, số lượng các văn bản trả lời, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp, giải quyết và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và Nhân dân; triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện kiến nghị nêu trong các báo cáo.
5. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập 02 Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019. Theo đó, bên cạnh các nội dung giám sát theo quy định, thông lệ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” tại kỳ họp thứ 7 và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018” tại kỳ họp thứ 8. Quốc hội cũng sẽ xem xét, thảo luận báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp.
6. Bên cạnh các nội dung được Quốc hội xem xét, thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đã dành thời gian nghiên cứu các báo cáo gửi để có thêm thông tin và kết hợp thảo luận với các nội dung có liên quan hoặc gửi ý kiến, kiến nghị bằng văn bản để cơ quan trình nghiên cứu, tiếp thu. Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội về các trường hợp cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XIV.
III. XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH CÁC VẤN ĐỀ KHÁC
1. Sau khi xem xét các Báo cáo của Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Báo cáo thẩm tra, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Theo đó, quyết định: tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.407.572 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.574.448 tỷ đồng; bội chi ngân sách nhà nước là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP); nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước gồm vay trong nước 197.165 tỷ đồng và vay ngoài nước 51.563 tỷ đồng. Đồng thời, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tăng cường chỉ đạo, có giải pháp tích cực để khắc phục những hạn chế, siết chặt kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước.
2. Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV nhằm khái quát kết quả chủ yếu của kỳ họp. Đồng thời, quyết định một số vấn đề: giao Chính phủ tập trung thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ về kinh tế-xã hội; ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021; cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế-đặc biệt. Chưa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục thành dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Quyết định tỷ lệ phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước giai đoạn 2017-2020. Phát hành 22.090 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong 3 năm 2018, 2019 và 2020 để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với khoản đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995.
B. ĐỊNH HƯỚNG TUYÊN TRUYỀN
1. Khẳng định kỳ họp thứ 5 diễn ra với không khí làm việc sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận. Các nội dung của kỳ họp được các đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận, tranh luận thẳng thắn, có trách nhiệm. Kết quả kỳ họp cho thấy cử tri cả nước quan tâm, theo dõi sát sao, kịp thời đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, xây dựng vào các nội dung Quốc hội xem xét, thảo luận.
2. Tuyên truyền kết quả cụ thể về kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV như đã nêu trên; tuyên truyền nội dung của 7 bộ luật, 8 nghị quyết được Quốc hội thông qua.
3. Tiếp tục tuyên truyền những giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến hết năm 2018 của Chính phủ đã được Quốc hội thống nhất. Kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân; tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương, chính sách mới, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong hành động, bảo đảm môi trường ổn định, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của người dân.
4. Với những vấn đề nhạy cảm đang được xã hội quan tâm, trong đó có dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng, căn cứ vào những nội dung định hướng đã nêu trong Kế hoạch số 207-KH/BTGTW ngày 16/6/2018 về công tác tuyên truyền góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự trong thời gian tới; định hướng nêu trong Tài liệu tuyên truyền về Luật An ninh mạng (ban hành kèm theo công văn số 4618-CV/BTGTW ngày 19/6/2018), Tài liệu tuyên truyền về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của Ban Tuyên giáo Trung ương, công tác tuyên truyền phải góp phần vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế đất nước; vạch trần những âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, chính trị nhằm phá hoại, lôi kéo, kích động nhân dân gây rối mất an ninh trật tự xã hội, bạo loạn lật đổ; nâng cao tinh thần cảnh giác, không mắc mưu các phần tử xấu cho mọi tầng lớp nhân dân.
5. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp trong công tác tuyên truyền về các kỳ họp Quốc hội, đặc biệt trước những quyết sách quan trọng sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp, tránh để tình trạng xảy ra những bức xúc trong cử tri và nhân dân do không được kịp thời thông tin, giải thích.
Nguồn tin: BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn