NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC BỒI DƯỠNG LÍ LUẬN CHÍNH TRỊ CHO CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN, ĐOÀN VIÊN TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Thứ hai - 26/02/2018 10:09
Cao Thị Hoài
Phó Giám đốc Trung tâm BDCT thị xã
Giáo dục lý luận chính trị là một bộ phận quan trọng trong công tác chính trị tư tưởng của Đảng. Công tác giáo dục lý luận chính trị góp phần nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ và giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên ở cơ sở. Xác định được ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, trong những năm qua, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị thị xã Ba Đồn đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của cấp ủy cấp trên để làm tốt công tác tham mưu trong công tác bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong giảng dạy và học tập.
Căn cứ vào kế hoạch thực hiện đề án quy hoạch và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị giai đoạn 2011-2015, Trung tâm đã chủ động đề xuất với cấp ủy thị xã trong công tác rà soát, tổng hợp nhu cầu đào tạo về lý luận chính trị cho cán bộ đảng viên trên địa bàn thị xã để xây dựng kế hoạch mở lớp hằng năm cũng như trong cả nhiệm kỳ. Hàng năm, Trung tâm đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thị ủy về công tác đào tạo, bồi dưỡng lí luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên trên địa bàn thị xã. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan trong việc xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình và tổ chức các lớp học phù hợp với từng thời điểm và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đảm bảo mục đích, yêu cầu đề ra. Với phương châm “Học đi đôi với hành”, trung tâm đã chỉ đạo cán bộ, giảng viên ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ bài giảng; đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng mở rộng liên hệ giữa lý luận với thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn công tác; tăng cường khả năng vận dụng thực tiễn bào bài giảng, coi trọng cung cấp kiến thức, nghiệp vụ nhằm trang bị kiến thức lý luận khoa học, niềm tin, đạo đức cách mạng cho cán bộ, công chức, các đối tượng trong hệ thống chính trị. Chú trọng đào tạo lí luận chính trị theo hình thức tập trung đối với trình độ trung cấp LLCT. Năm 2017, căn cứ vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng do Ban Thường vụ Thị ủy giao, trung tâm đã mở được 25 lớp đào tạo, bồi dưỡng với hơn 2.433 lượt học viên tham gia. kết nạp Đảng, đảng viên mới, cấp ủy viên và bí thư chi bộ … Phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở các lớp trung cấp LLCT, lớp Quản lý nhà nước chương trình chuyên viên…Chất lượng đào tạo được chú trọng, nâng cao, tỷ lệ khá, giỏi các lớp bồi dưỡng đạt trên 75%, bảo đảm nội dung toàn diện, nâng cao nhận thức lý luận và yêu cầu hoạt động thực tiễn của học viên. Số học viên sau khi tham gia các chương trình học tập, bồi dưỡng LLCT và chuyên môn, nghiệp vụ đã nâng cao nhận thức tư tưởng, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong các hoạt động, phong trào thi đua tại đơn vị, địa phương.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Trung tâm bồi dưỡng Chính trị thị xã Ba Đồn tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, khai thác và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư; tích cực đổi mới công tác giảng dạy và quản lý các lớp đào tạo, bồi dưỡng để đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới tại trung tâm đi vào nề nếp và hiệu quả, góp phần vào công tác xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới trọng tâm sẽ thực hiện tốt các giải pháp sau:
Thứ nhất,đổi mới hình thức và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phù hợp với trình độ, khả năng của cán bộ và điều kiện thực tiễn của địa phương.Tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của các địa phương, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của người học, phải gắn với trình độ, công việc được giao để bố trí các loại hình học tập cho phù hợp.
Thứ hai, xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Quan tâm cử đội ngũ giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ giảng dạy chính trị do tỉnh và Trung ương tổ chức.
Thứ ba, đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cơ sở.Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ. Đảm bảo tính thiết thực, góp phần nâng cao năng lực, trình độ, khả năng lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhu cầu công tác đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Những kiến thức trong chương trình không chỉ trang bị và góp phần hình thành thế giới quan, phương pháp luận, niềm tin, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống mà còn góp phần nâng cao hiểu biết về nghiệp vụ, phương pháp công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân, vận động quần chúng ở cơ sở. Đây là một trong những yêu cầu cần được coi trọng và thể hiện trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.
Thứ tư, tiếp tục làm tốt công tác tổ chức quản lý đào tạo. Có những biện pháp và tăng cường sự phối hợp giữa Trung tâm BDCT và các ban ban, ngành và địa phương, cơ sở trong việc tổ chức quản lý hoạt động đào tạo và quá trình học tập của học viên.
Thứ năm, nâng cao tính tự giác rèn luyện, học tập lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên. Nhu cầu học tập lý luận chính trị phải trở thành đòi hỏi tự thân của mỗi cán bộ, thúc đẩy người học thường xuyên tự nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, học tập chuyên môn nghiệp vụ, không tự bằng lòng với kết quả học tập và phấn đấu của bản thân. Học lý luận chính trị để vận dụng vào thực tiễn công việc của mình, thông qua đó, kiểm tra, đúc kết, tổng kết lại những kinh nghiệm thực tiễn phục vụ cho nhiệm vụ công tác.
Thứ sáu, kết hợp việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị với công tác tổng kết thực tiễn ở cơ sở.Thông qua tổng kết thực tiễn cơ sở nhằm rút ra những vấn đề có tính quy luật của sự phát triển, phát hiện bản chất của sự vật, hiện tượng. Từ đó đưa ra được những quyết sách phù hợp với thực tiễn, dự báo đúng đắn về xu hướng vận động và phát triển của hiện thực cuộc sống, thấy được sự biểu hiện sinh động của lý luận trong cuộc sống. Tổng kết thực tiễn để khái quát những kinh nghiệm thực tiễn thành lý luận, sau đó dùng lý luận đó soi sáng cho hoạt động thực tiễn tiếp theo.