Sáp nhập tổ dân phố, tập trung sức mạnh của nhân dân
Thứ năm - 25/10/2018 18:55
Sáp nhập tổ dân phố (TDP) là chủ trương nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền cấp xã, phường, giảm chi phí ngân sách và nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của địa phương. Đây là yếu tố quyết định để các địa phương phát huy sức mạnh cộng đồng xây dựng đô thị văn minh theo hướng phát triển bền vững.
Quảng Thuận có 1.717 hộ, với 13 TDP trong đó 12 TDP loại 3 và 1 TDP loại 1. Thực hiện công văn chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng bình ngày 28/12/2017 về sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế và các kế hoạch của UBND Thị xã về sáp nhập tổ dân phố. Thời gian qua, Phường Quảng Thuận đã xây dựng đề án, kế hoạch đồng thời, đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể cho các tổ dân phố tuyên truyền, vận động sâu rộng đến từng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở từng TDP về sự cần thiết, tầm quan trọng, lợi ít thiết thực của việc sáp nhập, hợp nhất TDP. Các TDP cũng đã tổ chức họp TDP để lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng nên mọi người đã hiểu rõ và đồng tình hưởng ứng. Vì thế đến thời điểm này các quy trình liên quan việc sáp nhập các TDP trên địa bàn phường Quảng Thuận đã thành công.
Tại các TDP, sau khi tổ chức hội nghị TDP để lấy ý kiến về sáp nhập, hợp nhất TDP thì có trên 75% số hộ đã nhất trí tán thành. Việc sáp nhập nhằm đảm bảo thuận lợi trong công tác quản lý hành chính Nhà nước, đặc biệt là trên lĩnh vực quản lý hộ khẩu, hộ tịch, giữ gìn trật tự trị an, tổ chức cho người dân sinh hoạt, hội họp và triển khai các công tác trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại địa bàn. Tuy việc thực hiện quy trình sáp nhập các TDP tại phương đã hoàn thành, nhưng một số người dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng. Thực tế hiện trên địa bàn Phường có 13 TDP, sau khi sáp nhập sẽ còn lại 8 TDP. Như vậy sau khi sáp nhập, số lượng cán bộ không chuyên trách các TDP của Phường sẽ giảm đi so với hiện tại nên quyền lợi trực tiếp đối với số cán bộ này cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, việc thực hiện công tác tư tưởng, khuyến khích để các đối tượng này chấp nhận và vận động người dân cùng hưởng ứng việc sáp nhập, hợp nhất TDP trên địa bàn phường là vấn đề rất cần được quan tâm.
Qua trò chuyện với người dân trên địa bàn, chúng tôi được biết một số cấp ủy cơ sở chưa tuyên truyền cụ thể, chi tiết nên khi triển khai sáp nhập, hợp nhất TDP gây những xáo trộn trong tâm lý của cán bộ và nhân dân. Công tác tư tưởng đối với cán bộ không tiếp tục công tác sau sáp nhập cũng cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền địa phương, tránh việc người nghỉ "tâm tư", người tiếp tục "dễ nản", trong khi việc lựa chọn nhân sự đảm nhiệm công việc ở cơ sở rất khó khăn, phần lớn là cán bộ hưu trí, tuổi cao. Bên cạnh đó người dân còn lo lắng sau khi sáp nhập việc cấp hộ khẩu và hoạt động tại các nhà văn hóa sẽ bị xáo trộn.
Kinh nghiệm từ triển khai sáp nhập TDP ở Quảng Thuận là: Trước hết mỗi một đồng chí cán bộ trong hệ thống chính trị phải hiểu rõ tầm uan trọng của và vấn đề sáp nhập TDP đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu và đồng thuận, cùng vào cuộc trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, việc rà soát, xây dựng phương án , kế hoạch sáp nhập bảo đảm theo trình tự, quy định, hợp lý, khách quan, phù hợp với điều kiện từng cơ sở; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân ngay từ cơ sở.Bên cạnh đó nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện; nhất quán trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân về mục đích, sự cần thiết, tầm quan trọng của việc sáp nhập, kiện toàn TDP.
Việc sáp nhập TDP đang được triển khai đồng loạt trong toàn Thị xã Ba đồn. Vì vậy, những băn khoăn,lo ngại của người dân rất cần các cấp, ngành tập trung giải quyết, bảo đảm phù hợp với quy định, quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, góp phần sớm đưa chủ trương vào thực tế đời sống.
Tác giả bài viết: CTV: Việt Hằng