THỊ XÃ BA ĐỒN: SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ GIAI ĐOẠN 2023 - 2025.

Thứ năm - 07/03/2024 16:04
Ngày 29/02/2024, UBND thị xã đã ban hành Đề án số 350/ĐA-UBND về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thị xã Ba Đồn với một số nội dung cơ bản như sau:
THỊ XÃ BA ĐỒN: SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ GIAI ĐOẠN 2023 - 2025.
          Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp cấp xã có quy mô nhỏ, không bảo đảm tiêu chuẩn quy định trên địa bàn thị xã sẽ khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực, không khai thác được hết tiềm năng, chia cắt không gian phát triển; gây khó khăn trong lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; Đồng thời góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy cán bộ, công chức cấp xã tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Định hướng nhiệm vụ xây dựng chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm địa bàn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh. Vì vậy, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Ba Đồn là hết sức cần thiết phải thực hiện theo kế hoach, lộ trình đề ra.
          Đến thời điểm lập Đề án (tháng 2/2024), số lượng Đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã của thị xã Ba Đồn có 16 ĐVHC trong đó có 06 phường và 10 xã, cụ thể các phường gồm: Quảng Phúc, Quảng Thuận, Quảng Thọ, Ba Đồn, Quảng Long, Quảng Phong và 10 xã gồm: Quảng Hòa, Quảng Lộc, Quảng Văn, Quảng Minh, Quảng Sơn, Quảng Thủy, Quảng Tân, Quảng Trung, Quảng Tiên và Quảng Hải.
Số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 gồm có 05 Đơn vị hành chính, cụ thể: Xã Quảng Tân, xã Quảng Hải, xã Quảng Thủy, xã Quảng Văn, xã Quảng Hòa. Trong đó số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không sắp xếp gồm 03 ĐVHC cấp xã là xã Quảng Hải, xã Quảng Hòa và xã Quảng Văn.
           Thị xã lựa chọn phương án sáp nhập xã Quảng Tân với xã Quảng Thủy với các cơ sở và lý do như sau:
- Thứ nhất, phù hợp theo chủ trương với quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh xây dựng thị xã Ba Đồn thành đô thị loại 3 vào năm 2026, đồng thời xây dựng các xã đủ điều kiện để thành lập phường. Theo đó nếu sáp nhập xã Quảng Tân với xã Quảng Thủy sẽ đủ tiêu chuẩn để thành lập phường, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh và của thị xã.
- Thứ hai, phù hợp về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên: xã Quảng Tân và xã Quảng Thủy có đường địa giới hành chính liền kề dài, dân cư sinh sống và sản xuất đan xen lẫn nhau; giao thông đi lại rất thuận lợi; trong quy hoạch nông thôn đều tương đồng, thuận tiện cho việc định hướng phát triển chung sau khi sáp nhập.
- Thứ ba, về truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của nhân dân hai xã đều tương đồng; hai xã không có đồng bào theo tôn giáo.
- Thứ tư, sau khi sáp nhập, hai xã cơ bản đảm bảo các tiêu chí để thành lập phường theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016  của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính và Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
- Thứ năm, thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, người lao động  sau khi sáp nhập.
Sau khi sáp nhập xã Quảng Tân với xã Quảng Thủy thì xã mới có quy mô như sau:
- Diện tích tự nhiên 5,68 km2 (đạt 18,9% so với tiêu chuẩn cấp xã và đạt 103,27%  tiêu chuẩn đô thị)
- Quy mô dân số 7.014 người (đạt 87,7% so với tiêu chuẩn cấp xã và đạt 140,28% tiêu chuẩn đô thị).
- Các ĐVHC cùng cấp liền kề: Sau khi sắp xếp 02 xã Quảng Tân và Quảng Thủy thành xã mới sẽ có các ĐVHC cùng cấp liền kề: phía Đông giáp xã Quảng Lộc và xã Quảng Hòa; phía Tây giáp xã Quảng Trung; phía Nam giáp xã Quảng Sơn; phía Bắc giáp xã Quảng Hải qua sông Gianh. 
- Nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC xã mới: Dự kiến tại UBND xã Quảng Tân hiện tại.
           Khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã sẽ có những tác động đến các lĩnh vực, với tác động  tích cực và tiêu cực nhất định như sau:
1. Tác động về hoạt động quản lý nhà nước:
- Tác động tích cực: Mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng; tạo thuận lợi phát huy nguồn lực đất đai, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực và thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao quản lý Nhà nước. 
Tạo cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, lãnh thổ, hạn chế tình trạng chia cắt, manh mún nâng cáo hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền địa phương;
Làm tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của địa phương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp đều được kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân.
- Tác động tiêu cực: Việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tác động đến cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã do dôi dư một bộ máy quản lý hành chính nhà nước việc thực hiện sắp xếp, bố trí đối với các trường hợp dôi dư trên gây khó khăn và cần thời gian thực hiện.
2. Tác động về kinh tế - xã hội:
- Tác động tích cực: Sau khi sắp xếp sẽ giảm được 01 đơn vị hành chính cấp xã, đồng nghĩa với việc giảm được khoảng 18 CBCC và 08 người hoạt động không chuyên trách. Hàng năm tiết kiệm chi ngân sách hành chính khoảng 2,5 tỷ đồng; vì vậy sẽ tập trung được nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Quy mô một số vùng sản xuất chuyên canh, nuôi trồng được mở rộng và phát triển theo hướng kinh tế đô thị; việc quản lý hệ thống tươi tiêu, thoát lũ được thực hiện đồng bộ.
Có điều kiện để rà soát và thực hiện quy hoạch đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, phát triển các khu đô thị, nâng cao giá trị kinh tế đất và nâng cáp xã mới thành phường khi đủ điều kiện.
Hệ thống giáo dục, y tế được sắp xếp, kiện toàn, nâng cao chất lượng sẽ góp phần phục vụ nhân dân được tốt hơn; công tác đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân, các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển hệ thống y tế, giáo dục.
- Tác động tiêu cực: Sau khi nhập hệ thống giáo dục, y tế trước mắt sẽ có các cơ sở chính và phụ  nên ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, đặc biệt là người dân phải đến cơ sở y tế xa hơn so với cơ sở y tế khi chưa nhập Trạm;
3. Tác động về quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội:
- Tác động tích cực: Công tác an ninh chính trị, trật tự xã hội tiếp tục được giữ vững nhờ việc bố trí công an chính quy về xã mới; Chất lượng cán bộ Ban chỉ huy quân sự xã, dân quân, tự vệ, trung đội cơ động sau khi được kiện toàn theo hướng tinh nhuệ, chất lượng nòng cốt sẽ tham mưu hiệu quả các phương án quốc phòng cho địa phương mới.
Hệ thống giao thông thuận lợi, đặc điểm tình hình về quốc phòng, khu vực phòng thủ 2 đơn vị có sự tương đồng, do đó sau khi sáp nhật sẽ thuận lợi trong việc diễn tập phòng thủ, tác chiến trên các địa hình.
- Tác động tiêu cực: Địa bàn rộng, nhân lực ít, trong khi đó tình hình tội phạm có nhiều hoạt động phức tạp, có nhiều thủ đoạn để đối phó với lực lượng an ninh nên việc quản lý về an ninh, trật tự và an toàn xã hội sẽ gặp khó khăn nhất định
4. Tác động về cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công:
- Tác động tích cực: Sau khi sáp nhập, việc giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công được thực hiện thông suôt, đồng bộ do được quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT; chất lượng công chức tiếp nhận và giải quyết TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được quan tâm bố trí.
- Tác động tiêu cực: Thời gian giải quyết thủ tục hành chính có thể lâu hơn khi lượng giao dịch nhiều hơn, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến nhân thân khi thay đổi đơn vị hành chính.
Về Kế hoạch và lộ trình thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025, UBND thị xã thực hiện cụ thể như sau:
- Năm 2023:
+ Triển khai và thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp ĐVHC cấp xã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã và tạo thuận lợi cho việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
+ Tiến hành xây dựng Phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn quy định; ĐVHC cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định.
- Năm 2024:
+ Xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đối với các xã không đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định;
+ Hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC cấp xã theo quy định;
+ Tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động tại các đơn vị ở ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.
+ Tập trung giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.
+ Sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại ĐVHC cấp cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.
+ Thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.
+ Triển khai thực hiện các chế độ, chính sách tại các ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.
- Năm 2025:
+ Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức (đối với những ĐVHC sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025) để tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
+ Tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách những người dôi dư sau đại hội đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2025 - 2030 ở những ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.
+ Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.
+ Hoàn thành việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới và tên gọi của ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.
+ Tiếp tục triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù tại các ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.
+ Triển khai công tác lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới ĐVHC các cấp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
Việc sáp nhập các xã chưa đạt cả hai tiêu chí về diện tích và dân số như xã Quảng Tân và xã Quảng Thủy là cần thiết và khách quan; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các xã liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc sáp nhập thành đơn vị hành chính mới tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở và hoạt động của tổ chức cộng đồng các khu dân cư trên địa bàn; đảm bảo thực hiện tốt quy định và các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã; tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, nhân dân các xã, thôn, xóm liên quan và phù hợp với chủ trương Đảng, chính sách Pháp luật của nhà nước, đồng thời đáp ứng được xu thế phát triển của thị xã.
          Việc xây dựng Đề án sáp nhập các ĐVHC cấp xã là việc cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong quá trình đổi mới, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; là việc làm thiết thực, phù hợp yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển của thị xã trong thời gian tới.
        Việc sắp xếp tinh giản bộ máy, biên chế là vấn đề khó khăn, phức tạp và nhạy cảm liên quan trực tiếp đến hoạt động của các tổ chức và quyền lợi của cán bộ, công chức… Vì vậy, để thực hiện hiệu quả Đề án, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; phải xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện rõ ràng, không nóng vội, chủ quan, duy ý chí.
          UBND thị xã đề nghị Trung ương, Tỉnh, các Sở, ban ngành cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn địa phương trong việc thực hiện sắp xếp ĐVHC đạt kết quả cao và đúng quy định của pháp luật. Hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng đối với các đơn vị sau khi sắp xếp.



Xem nguyên văn Đề án 350/ĐA-UBND tại đây:

Tác giả bài viết: Dương Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập148
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm133
  • Hôm nay16,576
  • Tháng hiện tại329,349
  • Tổng lượt truy cập39,149,411
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây