Nông dân thị xã Ba Đồn: Đoàn kết giúp nhau làm giàu
Thứ sáu - 08/12/2023 18:56
Thời gian qua, hội viên nông dân thị xã Ba Đồn đã chủ động tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và nắm bắt nhu cầu của thị trường để nhân rộng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.
Ông Nguyễn Thanh Hương, thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hòa người nông dân được mệnh danh là “ông vua lúa”. Biệt danh này xuất phát từ việc ông Hương là người sở hữu nhiều diện tích đất trồng lúa nhất thị xã Ba Đồn và cũng là người tiên phong làm nông nghiệp sạch, xuất bán gạo ra thị trường. Năm 2016, xã Quảng Hòa có chủ trương "dồn điền, đổi thửa", khuyến khích nông dân tham gia làm cánh đồng mẫu lớn, vợ chồng ông Hương đứng ra nhận cải tạo 5ha đất ruộng để tái sản xuất. Người dân địa phương đang trông ngóng không biết vợ chồng ông nhận mấy ha đất hoang hóa nhiều năm làm gì, đến khi biết để trồng lúa thì ai cũng lắc đầu thở dài. Nhất là giai đoạn đầu, khó khăn chồng chất, sức người có hạn, thuê máy móc thì mất rất nhiều chi phí, mỗi lần đi thuê cũng rất phiền hà và mất thời gian (thời điểm này, máy cày, máy gặt của xã còn ít, phần lớn là đi thuê máy từ các địa phương khác). Thế nên, ông đã quyết định dồn hết số vốn vợ chồng tích cóp và vay mượn thêm người thân để mua hai máy gặt và hai máy cày, vừa phục vụ cho việc sản xuất lúa của gia đình, vừa mở thêm dịch vụ cho thuê. Ông Hương cũng chính là một trong những người đầu tiên đưa máy móc về phục vụ bà con nông dân trong xã. Ông kể, trước đây, tổng chi phí thu hoạch 1 sào lúa là từ 600.000-700.000 đồng, trong đó, chi phí nhân công chiếm phần nhiều. Thế nhưng, khi đầu tư máy móc, bà con chỉ mất 3-4 ngày để gặt xong diện tích lúa của gia đình và không phải tốn thêm đồng nào thuê nhân công. Đến nay, ông có trong tay 12ha đất trồng lúa và một số diện tích trồng thêm đậu, ngô… Xem trên tivi thấy có nhiều thương hiệu gạo ngon nổi tiếng, ông Hương cũng ấp ủ ước mơ xây dựng thương hiệu gạo sạch tại địa phương mình. Nghĩ là làm, đầu tháng 4-2019, vợ chồng ông Hương đã thành lập HTX Sản xuất và chế biến nông sản sạch Quảng Hòa. HTX hoạt động trên cơ sở là 1 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo sạch Quảng Hòa sử dụng đầy đủ các loại máy móc: Máy làm đất, máy gặt, máy sấy công, máy xay, máy ép trấu.... Nhiều người nói vui, ông Hương làm nông mà tay chẳng dính mùi bùn. Nhờ sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm mà ông Hương không chỉ làm giàu cho mình mà còn giúp nhiều lao động địa phương có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, ông trở thành tấm gương để nhiều hội viên nông dân noi theo. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có nhiều mô hình của nông dân được đánh giá hiệu quả và có sức lan tỏa như: Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ kết hợp nuôi giun quế của ông Trương Thanh Tâm (Quảng Thuận), mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Hoàng Nam Doan (Quảng Long), mô hình mộc, mỹ, nghệ của ông Nguyễn Văn Hùng (Quảng Lộc)... Những tấm gương về sản xuất giỏi trên địa bàn thị xã Ba Đồn xuất hiện ngày càng nhiều đã minh chứng cho hiệu quả từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Các hội viên nông dân ngoài việc làm giàu cho gia đình cũng đã phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn với nhiều hình thức như: Đóng góp, hỗ trợ tiền, ngày công lao động, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp để các hộ nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế.
Để phong trào đi vào chiều sâu, những năm qua, các cấp HND thị xã Ba Đồn có sự đổi mới nội dung và hình thức vận động, tuyên truyền, giúp cho cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của phong trào. Thông qua phong trào, ngày càng xuất hiện nhiều đơn vị có những cách làm hay, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Tích cực vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề, chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, rau màu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời chỉ đạo duy trì và phát triển các mô hình SXKDG, các trang trại, gia trại của nông dân; tiến hành khảo sát, tổng kết các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả để nhân rộng. Các cơ sở Hội đã đẩy mạnh các hoạt động như: tín chấp vốn, chuyển giao KHKT, xây dựng mô hình SXKD giỏi... Đến nay toàn thị xã có 6.892 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp. Trong đó cấp Trung ương 29 hộ; cấp tỉnh 81 hộ; cấp thị xã 675 hộ; cấp cơ sở 6.107 hộ. Cùng với phát triển kinh tế hội viên nông dân đã quan tâm đến công tác trợ giúp xã hội, giúp đỡ các đối tượng chính sách, người có công với nước, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thông qua các đợt ủng hộ xây dựng Quỹ vì người nghèo, Quỹ vì nạn nhân da cam. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm được các cấp Hội phối hợp thực hiện tích cực. Ông Nguyễn Quốc Đồng, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ba Đồn khẳng định: Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã trở thành động lực quan trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh trong từng địa phương; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề ở nông thôn; thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn; các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ nông sản và ngày càng thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. Thời gian tới, các cấp hội nông dân thị xã Ba Đồn sẽ đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, quảng bá sản phẩm cho nông dân thông qua việc làm “cầu nối” liên kết hợp tác giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp; hỗ trợ đầu vào cũng như đầu ra sản phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Chủ động phối hợp liên kết với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp kỹ thuật cao, sử dụng công nghệ mới, máy móc nông cụ hiện đại; phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn và thực hiện mô hình “Nông dân dạy nông dân”, dạy nghề theo phương thức “cầm tay chỉ việc” để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề. Vận động nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi chia sẻ cộng đồng ở địa phương về cách thức, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao; có biện pháp cụ thể giúp đỡ các hộ nghèo, khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững...
- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7):
+ Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã.
+ Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình;
+ Từ 6h00 phút đến...