Thoạt nghe ông bạn tâm giao than thở, lúc đầu, tôi còn chút mông lung, cãi cố. Rằng Internet là văn minh nhân loại, mạng xã hội giúp kết nối bạn bè từ thời trẻ con tới giờ, hay báo chí cũng cốt để khai sáng trí tuệ cả... nhưng rồi, “trà dư tửu hậu”, hai cái “đầu già” ngồi tranh luận, cũng đã nhất trí rằng, có lẽ phải gióng đến cả nghìn hồi chuông báo động về loại “rác mạng” này.
- Nói không ngoa, chứ mở mắt ra là thấy “rác”. Từ Facebook, Tiktok, Youtube… nhan nhản những là “độc lạ nơi này”, “vui cười nơi kia”, những “thống soái ca VIP” rồi “Công chúa Thủy tề”... Rồi thì cơ man những clip tự biên tự diễn với đủ thứ trên đời, nào giật chồng, giật vợ, cặp bồ, đánh ghen, “suger baby” “sugar dady”…. Lại còn những “mẹo hay”, “cách kiếm tiền” qua ứng dụng hẹn hò; cách nói dối bố mẹ sao cho như thật để đi chơi... Những chuyện trước tới nay nói đến là xấu hổ, đỏ cả mặt cũng được lôi lên hỏi han, đối thoại tỉ mỉ, có cả hình ảnh minh họa “sinh động” đến mức bà nhà tôi phải cấm tiệt tôi xem cái trang đó. Con cháu trong nhà thì hở ra là múa quạt, phê thuốc kiểu đại ca giang hồ Khá “Bảnh”; rồi cởi trần nói lóng, thậm chí chửi bậy như hát hay kiểu Dương Minh Tuyền; uốn éo, lả lướt hệt Công chúa Thủy tề… Với một bộ phận tụi trẻ con, thế mới là thức thời, là “tay chơi”. Vậy mới tệ chứ!
- Ông nói làm tôi lại nhớ, có hôm, thấy con cháu gọi điện cho bạn toàn những kiểu học theo cái TikToker Nờ ô Nô "hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn", rồi tỉa tót "bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu". Tôi hỏi nó bảo, “Chen” (trend) đó ông à! Thằng cháu nội mới lên 7 thì cứ gắt lên với chị “Đúng nhận sai cãi” – hóa ra là nó “đua” theo clip của một cô đồng ở Hải Dương!
- Có hôm tôi còn mắng cho lũ trẻ một trận, bắt bố mẹ chúng nó thu điện thoại vì nghe thấy chúng nó “thưởng thức” cái gọi là “ca khúc” “Mua cho con chiếc còng tay” nhảm nhí, tục tĩu khủng khiếp.
- Liệt kê rác trên mạng thì đủ cả! Oái oăm ở chỗ, tỷ lệ người xem, thích (like), thả tim cao hàng triệu lượt ấy, mà thế thì chính những chủ nhân của “rác” lại được lợi, bởi nút vàng, nút xanh gì đó, đến cả trăm triệu đồng ấy. Vấn đề ở chỗ càng độc, càng lạ, càng vớ vẩn, nhảm nhí lại càng “hút” người vào xem. Đôi khi chỉ là tò mò, rồi thói quen, thậm chí cả do cái công nghệ gì gì đó đoán được người dùng muốn xem gì và gợi ý nội dung, khiến người xem thấy thỏa mãn, dần dần “bị nghiện”, bị lệ thuộc vào điện thoại thông minh, vào mạng xã hội, ông ạ!
- Đừng nghĩ rác chỉ trên mạng, rác còn tràn cả vào tivi hàng ngày, nhất là qua các chương trình truyền hình thực tế, game show. Những câu chuyện kiểu, “các em quen nhau mấy tháng thì làm “chuyện ấy”?”, hay chuyện lột hết quần áo, dùng chiếc thùng carton che đi bộ phận cơ thể nhạy cảm trong cái chương trình 2 ngày 1 đêm … nhiều, nhiều lắm, nhặt sạn có mà ra cả thúng!
- Ôi, nói chuyện với ông một lúc mà ra cả bao vấn đề. Thế tóm lại thì giờ phải làm sao để dọn rác, chứ thế này, không chỉ thế hệ trẻ bị dẫn dắt, mà đến cả thế hệ già như mình cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng? Uế tạp hết cả đời sống tinh thần. Đó là mình mới chỉ “nhặt” ra vài cái rác đội lốt văn hóa, chứ còn rác phao tin đồn nhảm, rác bôi nhọ danh dự nhân phẩm, rác 18+… thì cũng vô số kể?
- Nói công bằng ra, thì những nội dung trên mạng xã hội, internet cũng không phải là xấu tuốt. Vẫn còn bao trang facebook, youtube, tiktok rất hữu ích, nhân rộng việc hay, việc tốt, gương sáng trong cuộc sống. Ấy nhưng “con sâu làm rầu nồi canh”, vẫn còn những “nghệ sỹ rác”, “tiktoker rác”, “facebooker rác”… thì vẫn phải “mạnh tay” chấn chỉnh. Đã có Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, có hẳn Luật an ninh mạng, Luật Điện ảnh, Luật Báo chí, chưa kể một số văn bản khác … thì cứ thế xử lý theo đúng chế tài. Mừng là mới đây, cơ quan chức năng vừa công bố sáu vi phạm của nền tảng TikTok, trong đó có việc mạng xã hội này không quản lý hoạt động của các “thần tượng” để xảy ra tình trạng nhiều Idol TikTok có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa. Nên là mình cứ hy vọng, chờ đợi đi, ông bạn già của tôi ơi.
- Gì thì gì, trong lúc chờ đợi cơ quan nhà nước “ra tay”, mỗi người dùng mạng xã hội cũng phải vào cuộc “dọn rác” ông ạ! Chứ ta thờ ơ, bàng quan, coi như là việc của người khác thì nghe chừng không được. Ở nhà, ông bà, cha mẹ hướng dẫn con cháu tiếp thu cái hay, cái tốt; đến trường, cô giáo chỉ ra mặt trái của những thông tin phản văn hóa, rồi hướng dẫn, chỉ đường cho các con đến với những câu chuyện ý nghĩa, lan tỏa hơn cái đẹp… trên môi trường internet. Cộng đồng văn nghệ sỹ phát động các dự án nghệ thuật, thiện nguyện, củng cố thêm tình yêu, niềm tin trong lòng công chúng. Ai ai cũng tự xây dựng cho mình những “màng lọc” thông tin trên mạng xã hội, tránh xa những thông tin “rác”, sản phẩm “rác”, “gạn đục, khơi trong”, chọn lựa sản phẩm để nghe, xem, để bình luận, bày tỏ cảm xúc, chia sẻ thông tin lành mạnh, đúng đắn, ắt hẳn sẽ chẳng còn “đất” để cho những “rác rưởi” trên mạng xã hội hoành hành ông ạ!
- Đúng rồi, mà đã gọi là rác, thì hẳn nhiên phải cùng chung tay dọn chứ ông bạn già!
Song Minh
https://tuyengiao.vn/cung-suy-ngam/da-la-rac-phai-don-cho-sach-144417
Nguồn tin: Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7): + Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã. + Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; + Từ 6h00 phút đến...