“Một lời nói ra, bốn ngựa đuổi theo không kịp”

Thứ ba - 21/03/2023 19:46
(TG) - “Mình tính thẳng như ruột ngựa, có sao nói vậy, chẳng vòng vo tam quốc” - Anh thường bộc bạch như thế với bạn bè và đồng nghiệp. Và anh thường vỗ ngực “kết luận”: “Lẽ đời thẳng thắn, thật thà thì thua thiệt. Vậy nên mình cóc cần gì cả. Nhưng mà ối người phải sợ mình đấy!”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cái sự “thẳng thắn” mà anh tự vơ vào mình, nếu mà đúng, thì đáng ra ở tuổi trạc ngũ tuần, anh phải được đồng nghiệp xem trọng, cấp trên đánh giá cao, ai ai cũng quý mến, nể trọng. Chứ đằng này, mọi người ai cũng “tránh anh như tránh tà”. Mấy cháu cán bộ trẻ mới vào cơ quan thì sợ kiểu té tát, xối xả của chú mỗi khi chúng có chút sai sót. Đồng niên, đồng lứa thì ngại anh chỉ trích, vạch lỗi đến gay gắt mỗi phiên họp hàng tuần. Đến cả các sếp cũng phải “kiềng” bởi cái kiểu nói năng không trên - dưới, “chẳng biết sợ ai”, “phang thẳng cánh”. Có lần do khúc mắc trong cách đánh giá, nhận định của cấp trên, giữa cuộc họp, anh đứng phắt lên ngắt lời lãnh đạo, “đỏ mặt tía tai” đập đến rách cả cuốn sổ trên mặt bàn phản bác lại sếp, rồi bỏ ra ngoài đóng cửa đến “uỳnh một cái”, để lại cả sự ngán ngẩm, thất vọng của mọi người trong phòng họp. Cái kiểu “thượng vàng, hạ cám”, lôi hết ngôn từ mạnh nhất ra để đối đáp của anh với bất kỳ ai; sẵn sàng khẩu chiến mỗi khi có chuyện xảy ra làm cho mọi người sợ hãi, tránh xa. Chỉ có một số người thích “đục nước, béo cò”, thi thoảng lại rủ anh “chén chú, chén anh”, lợi dụng cái tính “nóng như lửa” kia để kích động anh châm ngòi phá rối, gây mất đoàn kết tập thể. Số ít khác tự ẩn mình, nhưng lại “dựa” vào anh để bơm thông tin, tâng bốc anh “lên mây” rằng anh là người “nghĩa hiệp”, từ đó, “khích” anh “ném đá” cuộc họp, khơi mào “chiến tranh” trong cơ quan.

Vài người đồng niên tốt tính, nhân lúc anh bình tĩnh, ngồi nói chuyện quanh chén trà, tỉ tê khuyên nhủ, rằng anh nên tiết chế, bình tĩnh, nghĩ suy cho kỹ trước khi phát ngôn, “biết trên, biết dưới”, “trăm trận trăm thắng”. Rằng, ừ thì có lúc cái ý anh nói cũng đúng, nhưng cái thái độ khi nói làm hỏng cả việc, mang lại sự ức chế cho người  khác. Và rằng, nếu không cẩn thận, anh thành người cô đơn trong cơ quan! Ấy nhưng vừa nghe được 2, 3 câu là anh đã mặt đỏ phừng, cãi cố “Tôi thẳng như ruột ngựa, chẳng sợ gì. Các ông thích rào trước đón sau, khéo léo thì đừng chơi với tôi” rồi quay ngoắt bỏ đi.

Lạm bàn quanh sự “thẳng thắn” kia, tìm hiểu cái nguyên cớ sự xa lánh của không ít đồng nghiệp với anh, mới thấy, cái cách đối đáp, phản biện, tranh luận với thái độ gay gắt, không kiêng nể, e dè, phát ngôn bừa bãi, mà nói đúng ra là đôi lúc lộng ngôn kia, thực chất không phải là sự thể hiện một tinh thần thẳng thắn theo đúng nghĩa. Lời nói thẳng thắn là nói thật và nói những điều mà người khác đôi khi không dám nói, nhưng nói thẳng không phải là nói bừa, nói ẩu, nói quàng xiên với một thái độ thiếu văn hóa. Sự thẳng thắn đi đôi với chân tình, đúng mực mới có tính thuyết phục, được hưởng ứng, đồng tình.

Suy cho cùng, lời nói, phát ngôn hay hành động dù trong hoàn cảnh nào, đều thể hiện trí tuệ, nhận thức, quan điểm, cá tính và đặc biệt là nhân cách của con người. Có những cán bộ, chỉ vì bất mãn hoặc bồng bột, nông nổi mà  khăng khăng cho rằng, “nói thẳng ruột ngựa”, “nói đốp chát”, “nói văng mạng”, “nói lấy được” là thể hiện  tinh thần “dám đấu tranh”, “dám nói thẳng, nói thật”. Như thế thật là hồ đồ!

Cổ nhân đã dạy “Lời nói chẳng mất tiền mua/ lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”; “Một lời nói ra, bốn ngựa đuổi theo không kịp”. Vì thế, tranh luận, phê bình sao cho hợp lý hợp tình, hợp người đúng việc, để người nghe không “mất mặt”, người nói chẳng “ân hận”... Điều đó không chỉ thể hiện năng lực, trình độ, mà còn cho thấy cái “phông” văn hóa và sự rèn luyện, tu dưỡng của người cán bộ./.

Song Minh

https://tuyengiao.vn/cung-suy-ngam/mot-loi-noi-ra-bon-ngua-duoi-theo-khong-kip-143536

Nguồn tin: Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN WEBSITE BADONTV.VN - TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TRUNG TÂM VĂN HÓA-THỂ THAO VÀ TRUYỀN THÔNG THỊ XÃ BA ĐỒN

Địa chỉ Website: badontv.vn Tên gọi: BĐRT (BaDon Radio Television) Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn. Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...

Thống kê
  • Đang truy cập255
  • Máy chủ tìm kiếm57
  • Khách viếng thăm198
  • Hôm nay10,786
  • Tháng hiện tại740,582
  • Tổng lượt truy cập34,271,301
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây