Xưởng may ấm tình người bên dòng Gianh
Thứ ba - 12/06/2018 16:24
Đi dọc bờ dòng sông Gianh giữa cái nắng trưa hè gay gắt, chúng tôi tìm về xưởng may Hồng Luyện của chị Phạm Thị Luyện (thôn Phù Trịch, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn). Chỉ là một căn nhà nhỏ cũ kỹ, nhưng xưởng may là nơi cưu mang những phận người khuyết tật. Nhờ tấm lòng sẻ chia và sự giúp đỡ của chị Luyện, họ đã tìm thấy niềm vui và động lực sống.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Luyện cho biết, trước kia chị làm thợ may, rồi đi làm công nhân cho một công ty may xuất khẩu. Được vài năm thì chị bị tai nạn nên nghỉ việc. Trở về quê với hai bàn tay trắng, chị Luyện quyết định mở quán kinh doanh nhưng thất bại, chị lại quay về với nghề may tại nhà. Sau một thời gian, có được ít tiền dành dụm, chị Luyện đầu tư thêm ba máy may, rồi thuê một số chị em trong vùng biết may vá đến gia công mặt hàng may mặc cho một công ty xuất khẩu ở miền Nam. Nhờ sự chăm chỉ, khéo léo của người thợ, hàng làm ra ở cơ sở may chị Luyện được đánh giá tốt, có đầu ra ổn định. Có thêm động lực phát triển sản xuất, chị Luyện sắm thêm bốn chiếc máy may, tăng năng suất và thu nhập cho cơ sở may của mình.
Song hành với việc quản lý cơ sở may tại nhà, chị Luyện còn tham gia và làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật thị xã Ba Đồn. Hàng ngày, tiếp xúc với những mảnh đời thiếu may mắn này, chị Luyện đã bao lần ngậm ngùi rơi nước mắt. Chị Luyện chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ba tôi đi chiến trường bị nhiễm chất độc dioxin nên chị gái và em trai sinh ra đều bị chất độc da cam. Vì thế, tôi phần nào thấu hiểu được sự vất vả của những người khuyết tật và gia đình họ. Chính vì lẽ đó, trong tâm khảm, tôi luôn mong muốn có thể làm một cái gì đó để giúp đỡ những số phận bất hạnh, để họ có thể hoà nhập với cộng đồng, tự lập kiếm sống như bao người bình thường khác”.
Thế rồi, chị đi đến quyết định táo bạo là vay mượn tiền mua thêm máy móc, thuê nhà làm xưởng may, đưa những người khuyết tật còn có khả năng lao động về đào tạo nghề và tạo việc làm cho họ. Nhưng, những người khuyết tật thường bị thiệt thòi cả về mặt tinh thần lẫn vật chất, do đó, họ thường tự ti, e dè khi tiếp xúc với xã hội. Để đưa họ đến với xưởng may của mình, chị Luyện phải trực tiếp đến từng nhà để vận động, thuyết phục. Chị Luyện kể lại, từ câu chuyện nghe được của những người ở xã Quảng Tiên về một gia đình có đến mấy người con bị di chứng chất độc da cam, đều tật nguyền nên chị cất công đi tìm. Đó là một gia đình nghèo, có ba chị em: Trần Thị Lan, Trần Thị Hương và Trần Thị Thương, đều bị câm điếc; bố đang bị bệnh ung thư, nên mọi gánh nặng đều dồn lên vai người mẹ. Thấy hoàn cảnh quá thương tâm, chị Luyện đã thuyết phục gia đình, nhận cả ba chị em về xưởng may của mình cho học nghề và nuôi ăn ở. Ngày đón ba chị em về, chị Luyện thêm phần vất vả bởi một núi công việc dồn vào người. Ngoài khuyết tật câm điếc, riêng Hương còn bị bệnh tiểu đường nặng, hàng ngày phải tiêm thuốc để điều trị. Trong khi nhà của ba chị em cách xưởng khá xa, nên chị Luyện phải sắp xếp lại xưởng để dành chỗ ở cho cả ba người. Sau một thời gian, vì bố bệnh tình quá nặng, Lan phải trở về nhà, hai chị em Hương và Thương ở lại được chị Luyện dạy cho cách may vá. Giờ ba của các em đã mất, chị Luyện rất mong muốn được đưa cả mấy mẹ con về làm cùng chị nhưng vì điều kiện chỗ ở không cho phép nên dự định còn dang dở. Không chỉ vất vả trong việc lo lắng việc làm, chốn ăn ở cho những người khuyết tật, chị Luyện còn gặp khó khăn trong việc giao tiếp, dạy nghề cho các công nhân này, bởi mỗi người một trình độ, mỗi người mắc phải những khuyết tật khác nhau. Vậy nhưng, bằng cả tấm lòng, chị Luyện phải tự mày mò học cách nói chuyện bằng cử chỉ với các em, kiên trì, tận tình chỉ dạy để các em có thể làm việc thành thạo.
Sau 3 năm đi vào hoạt động, đến nay, xưởng may của chị Luyện đã tạo việc làm cho 20 lao động (trong đó có 8 lao động nữ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn). Doanh thu năm 2017, xưởng may đạt 2 tỷ đồng. Để duy trì việc làm và thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng cho 20 lao động tại xưởng, chị Luyện đã chủ động tìm kiếm đối tác và làm các sản phẩm phù hợp với khả năng của người khuyết tật. Hiện, cơ sở may Hồng Luyện đang được một đối tác ở TP. Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm cung cấp nguồn vải cũng như nhận tiêu thụ sản phẩm làm ra, các sản phẩm cũng được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ. “Tôi hy vọng, những nỗ lực của mình sẽ giúp người khuyết tật nhận thấy bản thân có ích cho đời, đồng thời góp phần giảm bớt gánh nặng cho những gia đình nông dân nghèo có hoàn cảnh không may”, chị Luyện tâm sự.
Xưởng may không chỉ là nơi làm việc mà còn là căn nhà chung để những người cùng cảnh ngộ chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, động viên nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Được biết, hiện có nhiều người khuyết tật tìm đến xưởng may Hồng Luyện với mong muốn được học nghề và có việc làm. Tuy nhiên, do quy mô xưởng còn khiêm tốn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của nhiều người khuyết tật nên chị Luyện không dám nhận. Trăn trở của chị là mong muốn vào một ngày không xa sẽ có điều kiện mở rộng quy mô xưởng may, giúp đỡ nhiều hơn nữa các hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật…
Tác giả bài viết: Lê Mai (Báo Quảng Bình)