Thị xã Ba Đồn chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết
Thứ sáu - 06/05/2022 16:01
Hiện nay, thời tiết đang mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và dễ bùng phát bệnh trên diện rộng. Do đó, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, người dân không nên chủ quan, lơ là các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Nhằm chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả, khống chế không để dịch bệnh gia tăng và bùng phát. Ngành y tế thị xã Ba Đồn đã yêu cầu các địa phương tăng cường sự chỉ đạo và triển khai nhiều biện pháp phòng, chống, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, tránh không để “dịch chồng dịch” xảy ra. Hiện thị xã Ba Đồn đã ghi nhận các trường hợp mắc sốt xuất huyết trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Mặc dù đến thời điểm này không có trường hợp tử vong, số ca mắc có giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta lơ là, chủ quan bởi với thời tiết giao mùa nắng, mưa thất thường như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH “vào mùa” phát sinh, phát triển, dự báo nguy cơ dịch bệnh gia tăng và có thể bùng phát trên địa bàn trong thời gian tới là rất cao. Nhằm chủ động hơn trong phòng, chống SXH, khống chế không để dịch gia tăng, bùng phát, đặc biệt không để tình trạng “dịch chồng dịch” xảy ra. Ngành Y tế thị xã đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh SXH, nhất là các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ để kịp thời triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch; Các đơn vị thực hiện kịp thời công tác lấy mẫu, gửi mẫu giám sát huyết thanh, vi rút Dengue lên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo quy định; Tổ chức diệt lăng quăng, bọ gậy và phun hóa chất trong vòng 24-48 giờ kể từ thời điểm ghi nhận trường hợp bệnh nghi ngờ mắc SXH có xét nghiệm test nhanh; Xác minh và triển khai xử lý ổ dịch kịp thời theo quy định của Bộ Y tế; Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe về phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng, trường học bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả; Chuẩn bị đầy đủ sẵn sàng thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch SXH. Cùng với đó, các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung, điều trị, bố trí, rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại đối với từng ca bệnh SXH Dengue, bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 và công tác khám, chữa bệnh thông thường khác. Theo các chuyên gia, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra, bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Tại Việt Nam, bệnh lưu hành ở khắp các địa phương và xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát thành dịch vào thời điểm giao mùa. Trong khi đó, hiện nay do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh cho nên bệnh thường gây ra dịch lớn, với nhiều người mắc cùng lúc khiến cho công tác điều trị gặp không ít khó khăn. Vì vậy, biện pháp phòng ngừa bệnh SXH hiệu quả nhất đó là mỗi người dân cần nâng cao kiến thức, thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành y tế đưa ra như: chủ động vệ sinh xung quanh nhà, khơi thông cống rãnh, thường xuyên cọ rửa, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hằng tuần diệt lăng quăng, bọ gậy; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; phối hợp ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch;... Đặc biệt, khi có các triệu chứng như: sốt cao liên tục kéo dài từ 2 - 7 ngày, đau đầu, nổi mẩn, phát ban, hay nặng hơn là có chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, buồn nôn, đau bụng dữ dội, đi cầu phân đen… thì đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra và có thể dẫn đến tử vong.