DỰ ÁN HỆ THỐNG THỦY LỢI RÀO NAN - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Chủ nhật - 29/09/2019 16:02
Dự án Hệ thống thủy lợi Rào Nan (thị xã Ba Đồn) khi hoàn thành sẽ tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên để giải quyết tình trạng thiếu nước hiện nay và nhu cầu dùng nước ngày càng tăng trong khu vực, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, an toàn cho vùng hạ du. Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất tập trung, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng diện tích đất canh tác; góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực. Sau đây là một số thông tin cơ bản về dự án quan trọng này.
I. THÔNG TIN CHUNG VỀ DỰ ÁN 1. Tên dự án: Hệ thống thuỷ lợi Rào Nan, tỉnh Quảng Bình. 2. Địa điểm xây dựng: Xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. 3. Phê duyệt chủ trương đầu tư: Quyết định số 1067/QĐ-BNN ngày 30/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. 4. Phê duyệt dự án đầu tư: Quyết định số 4428/QĐ-BNN-XD ngày 30/10/2017 và số 3476/QĐ-BNN-XD ngày 30/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. 5. Tổng mức đầu tư: 350 tỷ đồng. 6. Nguồn vốn đầu tư: Vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017÷2020 do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý 350 tỷ đồng, trong đó vốn đã giao là 315 tỷ đồng (trừ tiết kiệm 10%) để đầu tư xây dựng dự án. 7. Nhà thầu khảo sát, thiết kế:Liên danh Viện Thủy công - Văn phòng tư vấn thẩm định thiết kế và giám định chất lượng công trình. II. SỰ CẦN THIẾT VÀ HIỆU QUẢ KINH TẾ- XÃ HỘI CỦA DỰ ÁN - Khắc phục hiện trạng xuống cấp của hệ thống công trình thuỷ lợi Rào Nan hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế trong vùng. Diện tích đất canh tác chưa có nước tưới còn nhiều, khả năng tưới tự chảy của khu vực dự án là rất khả thi nhưng do chưa được đầu tư nên chủ yếu vẫn phải sử dụng tưới động lực. - Dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan hoàn thành có nhiệm vụ cấp nước toàn diện cho 9 xã vùng Nam sông Gianh gồm: Quảng Sơn, Quảng Hòa, Quảng Thủy, Quảng Trung, Quảng Lộc, Quảng Tiên, Quảng Văn, Quảng Tân, Quảng Minh) và cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp của 13 xã phía Bắc sông Gianh gồm 6 phường Ba Đồn, Quảng Long, Quảng Phong, Quảng Thọ, Quảng Thuận, Quảng Phúc và xã Quảng Hải của Thị xã Ba Đồn; 6 xã Quảng Thanh, Quảng Trường, Quảng Liên, Quảng Phương, Phù Hóa, Cảnh Hóa thuộc huyện Quảng Trạch. - Đây là Dự án mang tính cấp thiết được UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét đưa vào danh mục đăng ký bố trí các nguồn vốn từ năm 2009 và đến năm 2017 dự án mới được bố trí vốn bằng nguồn Trái phiếu chính phủ giai đoạn 2016 ÷ 2020. Nguồn vốn này sẽ được bố trí, triển khai thi công và giải ngân hoàn thành đến trước tháng 12/2020. - Với mục tiêu tưới nước cho nông nghiệp, công nghiệp và cấp nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong khu hưởng lợi, phát triển cây lương thực, cải thiện đời sống, góp phần quan trọng xoá đói giảm nghèo cho nhân dân trong vùng dự án, xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Nên việc triển khai xây dựng dự án là rất cần thiết để phục vụ sản xuất nông nghiệp mà trực tiếp là 22 xã thuộc huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống và là mong muốn của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân địa phương.
III. SỰ AN TOÀN CỦA CÔNG TRÌNH 1. Sự an toàn của công trình - Dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan là công trình thủy lợi trọng điểm của đất nước. Toàn bộ đập dâng là một khối bê tông cốt thép khối lượng lớn được đặt trên nền hệ cọc khoan nhồi cắm vào nền đá gốc nên trước khi phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã mời các chuyên gia đầu ngành thẩm định hồ sơ dự án và tổ chức phản biện nhiều lần. Các chuyên gia đầu ngành khẳng định vị trí và giải pháp thiết kế công trình là tối ưu, cam kết về tính ổn định và an toàn lâu dài của công trình đập dâng Rào Nan. - Gia cố bảo vệ bờ: dự án đã làm mô hình thí nghiệm xác định phạm vi ảnh hưởng sau hạ lưu là 150m, để bảo vệ bờ dự án đã gia cố cọc bê tông cốt thép cắm vào đá 1,0m, cao 19,5m, phía trên xếp rọ đá bảo vệ bờ đến +7,0m. - Đơn vị thiết kế công trình là Viện thủy công - Viện khoa học thủy lợi Việt Nam, đây là đơn vị đầu ngành về thiết kế các công trình thủy lợi của Việt Nam. - Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, phụ trách lĩnh vực thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và PTNT, đã khẳng định về tính an toàn của công trình tại hội nghị ngày 22/12/2018 tại Ủy ban nhân dân xã Quảng Sơn trước toàn thể Đảng ủy, ủy ban nhân dân xã Quảng Sơn và đảng viên thôn Linh Cận Sơn. - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình Trần Tố Nghị và các nhà khoa học đầu ngành gồm GS.TS. Nguyễn Quốc Dũng - Viện trưởng Viện Thủy công - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; TS. Ngô Anh Quân - Phó Viện trưởng Viện Thủy công - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã khẳng định về tính an toàn của công trình tại hội nghị ở trụ sở Ủy ban nhân dân xã Quảng Sơn ngày 15/8/2018. - Trên cơ sở quy trình thiết kế, thẩm định, phê duyệt chặt chẽ, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành thủy lợi và những khẳng định về mức độ an toàn công trình của các cơ quan cao nhất trong lĩnh vực thủy lợi, đó chính là cơ sở khoa học vững chắc nhất cho vấn đề an toàn tuyệt đối của công trình. 2. Độ an toàn đối với hạ du phía sau công trình - Theo quan trắc và số liệu qua các mùa lũ gần đây ở vị trí công trình và phạm vi sông Nan qua thôn Linh Cận Sơn, thì các trận lũ lớn đã gây xói lở phạm vi 2 bên bờ sông, một số điểm rất nghiêm trọng. Do đó, khi thiết kế công trình, thì yếu tố đảm bảo hạn chế xói lở, ngập lụt công trình đã được tính đến và có các giải pháp đồng bộ, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tiêu cực, và dùng các giải pháp công trình để đảm bảo chống xói lở hạ lưu so với khi chưa xây dựng đập dâng Rào Nan. - Để có cơ sở nghiên cứu vấn đề này, ngoài các yêu cầu về tính toán thủy văn, thủy lực dòng chảy, dự án đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế làm mô hình thí nghiệm (tỉ lệ mô hình thu nhỏ 50 lần so với thực tế), mô phỏng lại dòng chảy phía sau đập dâng Rào Nan trên cơ sở các số liệu thủy văn các mùa lũ gần đây. Trong một số buổi đối thoại, tiếp xúc ở địa phương đã trình chiếu các mô hình thí nghiệm trên để nhân dân hiểu rõ hơn. - Trên cơ sở mô hình thực nghiệm và kết quả tính toán cho thấy, phạm vi ảnh hưởng sau hạ lưu trong trường hợp bất lợi nhất là 150m và sau 150 m dòng chảy phía hạ lưu sẽ trở về dòng chảy ổn định như khi chưa có công trình. Để bảo vệ bờ 150m đoạn bị ảnh hưởng, đã có giải pháp công trình gia cố phạm vi này bằng hệ thống kè vững chắc. - Ngoài ra, để có giải pháp đồng bộ hơn, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tranh thủ các nguồn vốn nhằm đầu tư gia cố phạm vi khu dân cư qua thôn Linh Cận Sơn, mục tiêu là chống xói lở bằng giải pháp công trình. Cụ thể, trong năm 2019, phạm vi từ chợ Quảng Sơn nối tiếp với tuyến kè, dài 1,6km sẽ được đầu tư xây dựng với chi phí 28, tỷ đồng, đảm bảo chống xói lở cho các hộ dân sống ven sông Nan qua thôn Linh Cận Sơn. 3. Công trình không gây ngập lụt cho hạ du - Đối với đập dâng Rào Nan, trước mùa lũ, toàn bộ hệ thống 15 cửa van được đơn vị quản lý vận hành nâng lên, trả lại khả năng thoát lũ của lòng sông. Khi có lũ về, ngoài một phần lũ bị giữ lại do dung tích phòng lũ của đập dâng (khoảng 6,0 triệu khối), thì hệ thống 15 cửa van, 1 cửa van rộng 10m, tổng là 150m (so với bề rộng của đập dâng hiện tại là 135m), khả năng thoát lũ tốt hơn so với lòng sông hiện tại. Việc lưu lượng lũ đổ về quá lớn sẽ gây xói phạm vi sau đập dâng, tuy nhiên phạm vi này đã có gia cố chắc chắn bằng giải pháp công trình. Như vậy, việc xây dựng đập Rào Nan theo hình thức đập dâng không gây thêm ngập lụt hạ du, còn góp phần phòng lũ nhờ dung tích phòng lũ trong lòng hồ. 4. Về vị trí xây dựng công trình đập dâng Trên nước ta hiện nay có rất nhiều các công trình thủy lợi, hồ chứa với quy mô lớn, với dung tích hàng trăm triệu mét khối nước (đập dâng Rào Nan chứa nước tối đa là hơn 9 triệu mét khối nước) nằm rất gần khu dân cư sinh sống (cách 200m) nhưng không gây ra bất cứ tác động xấu nào. Để giải đáp cụ thể thắc mắc này, thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên, người dân thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn đi tham quan thực tế các công trình thủy lợi như: Hồ chứa nước Cửa Đạt, với dung tích 1,45 tỷ m3 nước, ngay phía sau là thị trấn Thường Xuân với gần 2.000 hộ dân sinh sống, kết cấu đập bằng đá đổ bọc bê tông cao 119m; đập dâng Bái Thượng tỉnh Thanh Hóa cao 20m nằm ngay trong thị trấn Thường Xuân; Hồ chứa nước Ngàn Trươi với dung tích 932,7 triệu m3 nước, ngay phía sau là thị trấn Vũ Quang với hơn 2.400 hộ dân sinh sống, kết cấu đập bằng đập đất cao 62m; đập dâng Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh cao 10m nằm ngay trong thị trấn Vũ Quang. Qua tham quan thực tế, các cán bộ, đảng viên, người dân trong đoàn được chứng kiến các Hồ chứa nước có chiều cao thân đập lớn, phức tạp hơn, có các khu dân cư nằm sát chân công trình, qua đó cho thấy sự yên tâm về an toàn của công trình cũng như những lợi ích, hiệu quả mang lại cho người dân khi công trình hồ chứa nước được đầu tư xây dựng. 5. Độ an toàn khi có sự cố công trình. - Vị trí công trình hiện tại là tối ưu, công trình được đặt trên một nền đá gốc vững chắc, các vị trí khác địa chất công trình rất yếu, nguy cơ gây mất an toàn cho công trình là rất lớn. - Dự án có các thiết bị đo mực nước thượng lưu, hạ lưu, camera theo dõi toàn bộ công trình và bố trí kinh phí để lập phương án phòng chống ngập lụt hạ lưu nên ứng với từng mực nước lũ sẽ có từng kịch bản phạm vị ngập lụt, cao độ ngập hạ lưu, phạm vi cần di dân. Người dân sẽ được Ban phòng chống bão lụt thông báo sớm và hoàn toàn chủ động trong mưa lũ. 6. Quy trình về thiết kế, thẩm định, phê duyệt - Công tác thi công xây dựng: Đơn vị trúng thầu thi công đập tràn, cống lấy nước là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, đây là một đơn vị đã trúng thầu thi công các công trình thủy lợi lớn của đất nước (Hồ chứa nước Tả Trạch, Ngàn Trươi, Thác Chuối,….) và các công trình giao thông quan trọng của đất nước, của tỉnh với cam kết bảo hành 5 năm. - Công tác giám sát thi công do Ban QLDA thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT đã giám sát các công trình lớn của tỉnh đạt chất lượng cao gồm: Hồ chứa nước Thác Chuối, Phú Vinh và hơn 20 công trình thủy lợi trung bình của tỉnh; - Công trình do Bộ Nông nghiệp và PTNT trực tiếp quản lý, có sự tham gia giám sát chặt chẽ của các đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Công trình cũng chịu sự giám sát trực tiếp của Quốc hội, HĐND tỉnh và các cơ quan chức năng vì đây là công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách từ nguồn Trái phiếu Chính phủ.