Để đạt mục tiêu đặt ra, Ba Đồn ưu tiên cơ cấu theo nhóm sản phẩm trên địa bàn với việc sản xuất lúa giữ ổn định diện tích gieo trồng 4.700 ha/năm, sản lượng lương thực 27.500 - 28.000 tấn/năm, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực; khoanh vùng, quản lý nghiêm diện tích đất lúa 02 vụ để thực hiện có hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết của Chính phủ đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia đến năm 2030; mở rộng diện tích giống chất lượng cao chiếm 65 - 70% diện tích gieo trồng, đáp ứng nhu cầu thị trường; nâng tỷ lệ giống ngắn, cực ngắn ngày, phấn đấu đến năm 2025 đạt 90%; đẩy mạnh chuyển đổi linh hoạt 50 - 100 ha đất trồng cây các loại kém hiệu quả sang cây trồng, đối tượng khác có giá trị kinh tế cao hơn như ngô, lạc, sen, lúa - cá, nuôi trồng thủy sản...; phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên 200 ha vào năm 2025.
Cùng với đó, đối với cây ngô, sẽ mở rộng diện tích trên chân đất phù hợp, đến năm 2025 đạt từ 350 - 400 ha; chuyển đổi một số diện tích trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả sang trồng ngô; chuyển đổi mạnh cơ cấu giống ngô, nâng cao tỷ lệ các giống cao sản, giống ngô nếp lai chất lượng. Cây lạc: Đẩy mạnh sản xuất, mở rộng diện tích, đến năm 2025 đạt 280 ha; chuyển đổi cơ cấu giống, nâng tỷ lệ giống năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với làm nguyên liệu chế biến công nghiệp; tiếp tục khảo nghiệm, trình diễn để lựa chọn bộ giống phù hợp; tích cực áp dụng các biện pháp thâm canh. Ngoài ra, đa dạng cơ cấu các loại rau màu, phát triển mạnh rau màu đang có thị trường tiêu thụ như ớt, rau, củ, quả… với diện tích 375 ha (trong đó diện tích sản xuất rau an toàn, công nghệ cao khoảng 10 - 20 ha); tăng cường sử dụng loại giống mới kết hợp với áp dụng quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Những địa bàn thuộc vùng gò đồi tích cực thực hiện việc chuyển đổi đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế cao như cam, mít ruột đỏ, ổi, na... hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả tập trung, có thương hiệu, khai thác được tiềm năng về đất đai, khí hậu vùng miền, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm tạo việc làm đem lại nguồn thu nhập ổn định, giải quyết lao động tại chỗ cho địa phương.
Bên cạnh đó, Ba Đồn tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò về chất lượng; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi bò; đẩy mạnh thụ tinh nhân tạo, phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn bò đạt 7.000 con, trong đó tỷ lệ bò lai 75 - 85% tổng đàn; tiếp tục thực hiện Chương trình nạc hóa đàn lợn bằng giống ngoại có năng suất, chất lượng cao như Landrace, Yorshire, Pietrain, Duroc... cho trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung; hạn chế chăn nuôi hộ gia đình trong khu dân cư; khuyến khích, tạo điều kiện hình thành cơ sở chăn nuôi quy mô vừa theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng hữu cơ; phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn lợn đạt 18.500 con; tiếp tục thực hiện mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ giữa Tập đoàn Quế Lâm với các hộ chăn nuôi tại xã Quảng Tiên để mở rộng quy mô đàn và nhân rộng mô hình khi có điều kiện. Chăn nuôi gia cầm phát triển đàn gà thả vườn chất lượng cao, dễ tiêu thụ như gà Ri vàng rơm, Lương Huệ, Jdabaco...; phát triển các trang trại chăn nuôi gà thả vườn ở vùng đồi, đẩy mạnh phát triển “thương hiệu gà đồi” cho một số địa phương. Ổn định diện tích nuôi tôm và ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học; áp dụng công nghệ nuôi tôm tiên tiến, quy trình nuôi tôm bền vững, VietGAP, tiến tới áp dụng nuôi có trách nhiệm (CoC), tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của cả thị trường; tập trung phát triển rừng trồng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ FSC, lâm sản ngoài gỗ; phấn đấu đến năm 2025 sản lượng nguyên liệu gỗ đạt 14.000m3; phát triển lâm sản ngoài gỗ, tập trung vào nhóm sản phẩm có thế mạnh như mây tre, dược liệu...
Đặc biệt, Ba Đồn sẽ ưu tiên phát triển sản phẩm có lợi thế nhằm phát huy bản sắc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, niềm tự hào của người dân, thúc đẩy tổ chức và đảm bảo giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa; tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý, thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu OCOP trên địa bàn thị xã nói riêng, Quảng Bình nói chung, phấn đấu đến năm 2025 có 08 - 10 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên.
Cùng với việc cơ cấu theo nhóm sản phẩm, thì việc cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực cũng hết sức quan trọng, do đó thị xã sẽ cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày; tăng tỷ trọng rau, quả các loại nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường; quản lý và sử dụng hiệu quả đất chuyên trồng lúa, chuyển đổi linh hoạt đất trồng cây kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả hơn; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, an toàn sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2020 - 2025. Chăn nuôi hữu cơ và chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn; phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; kêu gọi, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển chăn nuôi.
Việc phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái cũng được thị xã Ba Đồn chú trọng. Thị xã tiếp tục khuyến khích, nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ, kiểm soát đánh bắt ven bờ; nuôi trồng thủy sản chủ lực trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, quản lý chặt chẽ giống, phòng, chống dịch bệnh; tập trung vào đối tượng có giá trị kinh tế cao; phát triển bền vững diện tích rừng hiện có; quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ theo hướng nâng cao chất lượng rừng, đặc biệt đối với diện tích rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn phát triển đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch sinh thái; quản lý, bảo vệ gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả diện tích rừng sản xuất; tăng cường ứng dụng giống cây trồng chất lượng cao vào sản xuất, nhất là giống được sản xuất từ cây mô, hom để trồng rừng, phấn đấu ít nhất 90% diện tích rừng được trồng từ giống cây lâm nghiệp được công nhận, đến năm 2025 diện tích rừng trồng gỗ lớn 375 ha; thực hiện có hiệu quả Đề án trồng 01 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025.
Với những mục tiêu đặt ra trong việc tái cơ cấu nông nghiệp, đòi hỏi thị xã Ba Đồn cần phải đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, huy động nguồn lực, rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng tập trung, mũi nhọn; ưu tiên cơ chế, chính sách tạo môi trường, động lực, nhất là hỗ trợ phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra để thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, bền vững; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, lao động, đẩy mạnh giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của ngành; nâng cao hiệu quả hoạt động của hình thức tổ chức sản xuất, năng lực và vai trò hợp tác của nông dân trong việc sản xuất theo chuỗi từ cung cấp dịch vụ đầu vào, bảo quản, chế biến nông sản và tiếp cận thị trường. Cùng với đó, thị xã cần phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và thương mại ở nông thôn ngày càng hiện đại, đảm bảo tăng cường liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường tiếp cận cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thu hút đầu tư...
PV Hồng Mến
Nguồn tin: www.quangbinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7): + Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã. + Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; + Từ 6h00 phút đến...