Thị xã Ba Đồn: Hiệu quả từ việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý

Thứ năm - 12/09/2024 15:54
Với mục tiêu gia tăng giá trị canh tác, thời gian qua, thị xã Ba Đồn đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý. Từ đó khai thác tốt tiềm năng, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển.
Người dân xã Quảng Lộc chuyển đổi trông cây ớt phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương
Người dân xã Quảng Lộc chuyển đổi trông cây ớt phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương
Xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hàng năm, thị xã Ba Đồn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng những mô hình mới và chủ động đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Với những chủ trương hợp lý cùng cách làm hiệu quả, thị xã đã có những bước tiến quan trọng trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao đời sống của nhân dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Quảng Lộc là một trong những địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn của thị xã, trong những năm qua, xã đã đẩy mạnh chuyển đổi các diện tích đất  lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thời tiết diễn biến thất thường. Theo đó, nông dân xã Quảng Lộc đã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ớt. Hiện toàn xã có 3ha ớt, với giống chủ lực là ớt lai năng suất cao. Giống ớt lai là giống cây dễ trồng, không kén đất có thể trồng trên các loại đất như: đất ruộng, đất bãi, đất bồi...Với giá bán hiện nay từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Trồng ớt tốn ít công lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với trồng lúa, vì vậy bà con đã đầu tư nhiều công sức để có một vụ mùa bội thu. Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, thị xã đã thực hiện chuyển đổi được hơn 10,5 ha, nâng tổng số diện tích đã chuyển đổi lên gần 200 ha. Đến nay, các mô hình chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho người dân. Thị xã đã đưa các giống lúa mới vào sản xuất tại chỗ giúp nông dân chủ động về số lượng, chủng loại giống cho các vụ tiếp theo và giảm bớt kinh phí đầu tư trong sản xuất trên một đơn vị diện tích. Việc sản xuất giống lúa tại chỗ cũng giúp thay thế các giống lúa địa phương có hiện tượng thoái hóa, kém chất lượng.
Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế thị xã phối hợp với các địa phương thực hiện mô hình chuyển đổi trồng khoai, lạc, tỏi trên đất cát pha và nhiễm mặn. Đặc biệt, mô hình tỏi tại thôn Cồn Nâm và thôn Minh Tiến, xã Quảng Minh cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, thời tiết thuận lợi, tỏi tươi cho năng suất bình quân 90,5 kg/sào, giá thu mua bình quân 45.000 đồng/kg, thu về khoảng 4,07 triệu đồng/sào, tương đương 81,5 triệu đồng/ha. Các cây khoai, lạc trồng xen với tỏi cũng mang lại giá trị kinh tế cao. Tính chung, kết quả mô hình chuyển đổi trồng khoai, lạc, tỏi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trên 120 triệu đồng/ha.
Tại các xã: Quảng Lộc, Quảng Thủy, Quảng Hòa và Quảng Sơn, Phòng Kinh tế đã phối hợp thực hiện mô hình cá lúa trên các diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả; thực hiện mô hình trồng khoai xen ngô ở phường Quảng Phúc; rau, hoa ở phường Quảng Long và rau màu ở xã Quảng Sơn. Các mô hình thực hiện cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa và tạo được hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của người dân. Các mô hình tỏi Quảng Minh, rau, hoa Quảng Long là cơ sở để phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện UBND thị xã chỉ đạo tăng cường và phát huy hiệu quả công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thông qua nhiều hình thức, thị xã sẽ hỗ trợ nông dân tiếp cận với các kỹ thuật canh tác tiên tiến, sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn và bền vững. Phòng Kinh tế hướng dẫn, tuyên truyền và vận động nông dân sản xuất mô hình rau quả sạch theo hướng VietGap, bảo đảm chất lượng nông sản sạch, tăng giá trị kinh tế và an toàn cho người tiêu dùng.

Tác giả bài viết: Lan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập91
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm90
  • Hôm nay10,030
  • Tháng hiện tại589,332
  • Tổng lượt truy cập38,505,003
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây