Thị xã Ba Đồn khôi phục sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ

Thứ tư - 11/11/2020 14:51
     Nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả sau các đợt mưa lũ vừa qua, ngành nông nghiệp thị xã Ba Đồn đang tập trung hướng dẫn, hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.
Người dân nuôi cá lồng bè xã Quảng Lộc bị thiệt do mưa lũ
Người dân nuôi cá lồng bè xã Quảng Lộc bị thiệt do mưa lũ
      xã Quảng Lộc là địa phương có số lượng hộ nuôi cá lồng nhiều nhất của thị xã Ba Đồn với 43 hộ nuôi và gần 320 lồng cá, tập trung chủ yếu ở thôn Cồn Sẻ. Do ảnh hưởng của mưa lũ, 82 lồng cá chẽm của người dân trên địa bàn bị chết hàng loạt, trong đó nhiều lồng bị sóng cuốn trôi, ước tính thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng. Gia đình ông Nguyễn Trị, ở thôn Cồn Sẻ là một trong những hộ nuôi cá lồng bị thiệt hại nặng tại xã Quảng Lộc. Năm nay, gia đình ông nuôi 36 lồng cá với gần 9.000 con, chủ yếu là cá chẽm. Số cá này được gia đình nuôi đã gần một năm và dự tính sẽ xuất bán từ tháng 10 Âm lịch đến Tết. Nhưng ông Trị chưa kịp bán thì mưa lũ xảy ra đã cuốn trôi 32 lồng cá cùng với thiết bị máy móc. Hiện, gia đình ông chỉ còn lại 4 lồng cá.  Với 32 lồng cá, dự kiến đến lúc thu hoạch, gia đình ông Trị có gần 7 tấn cá để xuất bán. Với mức giá 100.000 đồng/kg, gia đình ông có thể thu về hơn 700 triệu đồng. Chỉ tính riêng 32 lồng cá và tất cả máy móc bị hư hỏng, gia đình ông thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
    Ông Nguyễn Trị chia sẻ: “Gia đình tôi bỏ vốn liếng, công sức làm mấy chục lồng nuôi cá để kiếm thêm thu nhập nhưng chỉ sau một đêm mưa lũ, nước lên nhanh chúng tôi không kịp trở tay, thế là mấy chục lồng cá trôi theo con nước, vốn liếng bấy lâu nay coi như mất trắng”.
    Trước khi lũ về, chính quyền địa phương đã có thông báo cho các gia đình nuôi cá lồng nên bán sớm để tránh mưa lũ, các hộ dân cũng đã khẩn trương xuất bán. Tuy nhiên, mặc dù các chủ lồng, bè nuôi cá đã hạ giá đến mức thấp nhất nhưng do nhu cầu của người dân trong những tháng này còn thấp, nên cá không bán được nhiều.
      Theo thống kê từ phòng Kinh tế UBND thị xã Ba Đồn, đợt mưa lũ kéo dài vừa qua đã gây ngập lụt diện rộng trên địa bàn toàn thị xã, làm thiệt hại nông lâm nghiệp hơn 22 tỷ đồng; chăn nuôi hơn 46 tỷ đồng; thủy lợi hơn 27 tỷ đồng; thủy sản gần 25 tỷ đồng, ước tính tổng thiệt hại trên lĩnh vực nông nghiệp hơn 120 tỷ đồng.  
      Sau khi mưa lũ đi qua, chính quyền và người dân đã tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ nhằm ổn định đời sống. Trước mắt tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp. Tại phường Quảng Long, hiện nhiều người dân đang tất bật cày ải ruộng đất để tập trung bước vào vụ trồng rau và trồng hoa để đón kịp Tết Nguyên đán. Cũng như các năm trước, sau lũ, người dân trồng các giống rau màu chủ yếu như: rau cải các loại, rau cần Đà Lạt, đậu cove, mướp đắng... Giống hoa được trồng dịp Tết vẫn các giống hoa truyền thống như hoa cúc vàng, cúc trắng, cúc đỏ và một số loại hoa chất lượng cao khác như: ly, huệ, lay ơn, hướng dương...
Nông dân phường Quảng Long sản xuất vụ rau hoa mới 2
     Nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả sau các đợt mưa lũ vừa qua, ngành nông nghiệp thị xã Ba Đồn đang tập trung hướng dẫn, hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.
      Nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp người dân sớm ổn định đời sống, phục hồi sản xuất, phòng Kinh tế UBND thị xã đã chỉ đạo các địa phương chủ động nắm tình hình thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, nhu cầu trợ giúp của người dân để có những hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương bị thiệt hại khôi phục sản xuất. Đồng thời tiến hành tổ chức sản xuất vụ đông-xuân bảo đảm diện tích và kịp thời vụ. Phòng Kinh tế UBND thị xã cũng chuẩn bị sẵn sàng giống cây lương thực, rau màu để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau mưa lũ. Trước mắt, ưu tiên giống ngô, rau màu ngắn ngày. Các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi đưa gia súc, gia cầm đến nơi khô ráo; cung cấp đầy đủ thức ăn; theo dõi tình hình sức khỏe đàn gia súc, gia cầm và có báo cáo kịp thời cho cán bộ thú y cơ sở khi có gia súc, gia cầm bị ốm, chết; tranh thủ thời tiết nắng ráo đẩy mạnh chăm sóc diện tích cây thức ăn thô xanh, bảo đảm nguồn thức ăn tại chỗ cho đàn gia súc, gia cầm.
        Đối với lĩnh vực thủy sản, người dân đang sửa chữa máy móc thiết bị, vệ sinh, khử trùng và cải tạo ao để chuẩn bị bước vào vụ nuôi mới; chủ động kế hoạch nhập đủ số lượng cá giống bị trôi để khôi phục sản xuất. 
    Với sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương, việc khôi phục sản xuất đã và đang được khẩn trương triển khai, góp phần từng bước ổn định đời sống, giảm bớt khó khăn cho người dân vùng lũ thị xã.
 

Tác giả bài viết:   Lệ Hằng+Ngọc Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập517
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm508
  • Hôm nay19,332
  • Tháng hiện tại324,101
  • Tổng lượt truy cập39,843,890
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây