Thị xã Ba Đồn: Người tiêu dùng lo ngại vì giá rau xanh tăng so với năm trước

Thứ hai - 22/11/2021 16:18
       Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá cả một số mặt hàng tiêu dùng tăng cao, nhất là mặt hàng rau, củ, quả. Những biến động về giá cả này đã gây không ít lo ngại cho người tiêu dùng và cả người kinh doanh thị xã Ba Đồn.
Sản phẩm rau củ tại các siêu thị đều tăng giá so với các năm trước
Sản phẩm rau củ tại các siêu thị đều tăng giá so với các năm trước
      Ghi nhận của phóng viên tại Chợ Ba Đồn, các loại rau, củ, quả là mặt hàng có giá cả tăng cao so với các mặt hàng tiêu dùng khác. Các loại rau, củ có giá tăng cao là cải ngọt, bắp cải, hành lá, súp lơ… Các tiểu thương cho biết, giá nhiều loại thực phẩm, rau xanh đã tăng mạnh so với thời điểm giữa năm do thời tiết mưa kéo dài, cộng thêm giá các loại xăng tăng làm tăng phí vận chuyển. Giá một số loại rau xanh có loại tăng hơn gấp đôi nên lượng người mua cũng đã giảm nhiều so với trước.
     Dạo một vòng quanh chợ Ba Đồn, chúng tôi nhận thấy các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là các loại rau, củ, quả vẫn rất phong phú với đủ loại rau, củ quả. Tuy nhiên, theo các tiểu thương, vì các mặt hàng rau, củ, quả chủ yếu là vận chuyển từ phía Nam ra nên giá bán cao hơn nhiều so với trước.
    Một khách hàng sau khi mua 1 kg rau cải ngọt có giá 50.000 đồng cho biết: Hầu hết các mặt hàng tiêu dùng đều có biến động về giá cả ở mức độ khác nhau, nhưng giá rau, củ, quả là tăng cao, có khi gấp đôi, nhà tôi trước đây mua 20.000 tiền rau là đủ ăn cả ngày nhưng bây giờ mua phải 50.000 mới đủ ăn một ngày.
     Giá cả một số mặt hàng tiêu dùng tăng, trong đó có các loại rau, củ, quả khiến các bà nội trợ cũng phải cân nhắc khi chọn mua để phục vụ bữa ăn cho gia đình mình. Một khách hàng khác chia sẻ: Cá, thịt thì nói chung là giá cả ổn định nhưng rau xanh thì đắt quá! Trước đây, đi chợ chỉ cần ba chục nghìn đồng là mua được rau, củ cho cả nhà ăn trong ngày, nhưng giờ thì chỉ được một bữa thôi! Có lẽ, do khan hiếm nguồn cung nên giá cả tăng lên.
      Tại các chợ vùng Nông thôn các xã vùng Nam, mặt bằng giá cả có giảm nhẹ so với chợ Ba Đồn. Tuy nhiên, cả người bán và người mua đều tỏ ra ngần ngại do giá cả một số mặt hàng tăng. Một tiểu thương chia sẻ, các mặt hàng rau, củ hiện tại chủ yếu từ Đà Lạt ra, phí vận chuyển tăng cao nên giá tăng lên, không thể khác được. Nhất là rau của các địa phương chưa đến vụ rau, củ, quả nên rau xanh trên địa bàn chỉ có một vài diện tích nhỏ lẻ không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. 
      Có mặt tại phường Quảng Long, xã Quảng Hòa là những địa phương trồng nhiều rau xanh phục vụ nhu cầu người dân, phóng viên ghi nhận, người dân các địa phương chủ yếu đang làm đất để gieo trồng vụ rau chính trong năm. Theo Chủ tịch UBND phường Quảng Long: Trước đó bà con phường đã xuống giống trồng các loại rau vụ đông nhưng do mưa làm ngập, thối giống nên bà con phải gieo lại. Nếu nhanh nhất thì cũng phải từ 20 ngày đến 1 tháng nữa mới có rau xanh bán ra thị trường, nhất là thị trường Tết.
      Nguồn cung rau xanh trên địa bàn thị xã giảm mạnh trong thời điểm hiện tại, trong khi gía xăng liên tục tăng cao làm phí vận chuyển cũng tăng lên, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá cả mặt hàng rau, củ, quả và một số mặt khác tiêu dùng khác tăng theo.
     Theo nhận định của ngành chức năng, việc các loại rau, củ, quả tăng giá vào giai đoạn này gần như đã trở thành quy luật. Vì các địa phương trong khu vực đều vừa trải qua lũ lụt, cơ bản các vùng trồng rau xanh chưa sản xuất được, chưa có sản phẩm đưa ra thị trường, trừ một số diện tích manh mún hoặc được trồng trong nhà màng, sản lượng không đáng kể. Các loại rau, củ, quả mà người tiêu dùng đang sử dụng hiện nay chủ yếu chuyển từ miền Nam ra, một số ít từ miền Bắc, trong thời điểm giá nhiên liệu tăng cao nên giá cả mặt hàng này tăng là điều dễ hiểu. Cũng chính vì giá cả một số mặt hàng tiêu dùng tăng, trong đó có các loại rau, củ, quả mà nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn các siêu thị làm điểm đến mua sắm hàng hóa thay vì chợ truyền thống như trước đây.Nhiều người dân chia sẻ, mua hàng hóa trong siêu thị, hoặc hệ thống phân phối lớn thì được bình ổn giá, cùng các chính sách khuyến mãi, tuy nhiên, họ cũng bày tỏ lo ngại là từ nay đến Tết nguyên đán, giá hàng hóa có nguy cơ tăng cao hơn, ảnh hưởng nhiều tới việc chi tiêu của gia đình.
       Theo tìm hiểu của phóng viên ở siêu thị Thiện Nhân và siêu thị Thái Hậu, từ đầu tháng 10-2021 đến nay, nhiều nhà sản xuất, cung ứng của các cơ sở này cũng đã đặt vấn đề tăng giá bán, trong đó, tập trung vào nhóm ngành hàng thực phẩm. Lý do tăng giá là vì giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng. Tuy nhiên, các siêu thị đã và đang nỗ lực ổn định giá để hỗ trợ người tiêu dùng bằng chính sách bình ổn và các chương trình khuyến mãi hợp lý. Bên cạnh đó, các siêu thị đã giảm giá các mặt hàng nhu yếu phẩm với kỳ vọng góp một phần nhỏ giúp người dân vơi bớt khó khăn sau thời gian dài phòng, chống dịch Covid-19.
      Trước tình trạng một số mặt hàng tiêu dùng tăng giá, nhất là rau, củ, quả, để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và giảm bớt gánh nặng, chi phí sinh hoạt của người dân, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm soát thị trường và đẩy mạnh các chính sách bình ổn giá.

Tác giả bài viết: Lệ Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập102
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm90
  • Hôm nay18,231
  • Tháng hiện tại571,695
  • Tổng lượt truy cập34,102,414
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây