Thị xã Ba Đồn nỗ lực ổn định đời sống người dân sau mưa lũ
Thứ hai - 02/11/2020 14:24
Do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua gây ra ngập lụt sâu trên diện rộng gây thiệt hại về người và tài sản, một số công trình công cộng bị sạt lở, hư hỏng... Để nhanh chóng khắc phục hậu quả, chính quyền địa phương thị xã Ba Đồn đã nhanh chóng hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống sau mưa lũ. Đến nay, cơ bản đời sống của người dân đang dần được khôi phục.
Theo thống kê, tại TX. Ba Đồn, mưa lũ đã gây ngập lụt gần 26.000 ngôi nhà từ 0,5-4m, khiến 3 người chết, 40 bị thương. Tổng thiệt hại ước tính gần 245 tỷ đồng. Trận lũ vừa qua được đánh giá là lớn nhất trong vòng mấy chục năm trở lại đây, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2010 hơn 0,5m, gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn thị xã Ba Đồn. Trong đó, thiệt hại chủ yếu là về nhà ở, chăn nuôi, thủy sản... Đặc biệt, các mô hình nông nghiệp sạch công nghệ cao ở các xã vùng Nam gần như bị mất trắng. Hằng trăm hộ kinh doanh ở khu vực nội thị, tập trung nhất là ở chợ Ba Đồn cũng bị thiệt hại nặng nề do nước lũ lên nhanh, mạnh. Phường Quảng Long là địa phương có diện tích rau màu thiệt hại lớn nhất trên địa bàn thị xã Ba Đồn với hơn 50ha rau màu, hoa màu bị mất trắng hoàn toàn. Theo ông Nguyễn Văn Lễ, Chủ tịch Hội Nông dân phường Quảng Long, Quảng Long là nơi cung cấp rau và hoa màu chủ yếu cho các chợ đầu mối trên địa bàn thị xã Ba Đồn. Nhờ trồng rau màu, rất nhiều hộ dân trên địa bàn đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá giả. Vào đầu vụ mùa, người dân phường Quảng Long đã tập trung gieo trồng 50ha rau và hoa màu các loại nhưng do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều diện tích rau màu, hệ thống nhà màng…của người dân trên địa bàn bị ngập úng, hư hại nghiêm trọng, ước tính thiệt hại hơn 7 tỷ đồng. Phường Quảng Long có các vùng chuyên canh rau màu tập trung ở các tổ dân phố: Trường Sơn, Tiền Phong, Chính Trực…Từ lâu rau màu ở Quảng Long luôn được người dân tin tưởng, tin dùng vì được sản xuất theo quy trình VietGAP. Nhờ trồng rau, hoa màu mà đời sống của người dân được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân trên dưới 50 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, sau mưa lũ toàn bộ số rau sạch của các hộ dân đều đã bị dập nát, khiến cho việc cung cấp rau ra thị trường gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó là thiệt hại về rau màu, thị xã cũng thiệt hại về chăn nuôi ước tính hơn 46 tỷ đồng, nhiều hộ gia đình trắng tay sau mưa lũ do đàn vật nuôi bị nước lũ cuốn trôi. Thị xã Ba Đồn hiện có tổng đàn gia súc là 24.525 con; tổng đàn gia cầm là 267.500 con. Trong năm 2020, đàn gia súc gia cầm phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt lũ vừa qua đã gây thiệt hại lớn đến số lượng đàn gia súc, gia cầm. Trong đó đàn gia súc bị cuốn trôi là 3.743 con, cụ thể: 60 con trâu, bò; 14 con nai, cừu, dê; 3.299 con lợn và 100 con gia cầm khác; gia cầm có 134.766 bị chết và bị trôi. Cùng với những thiệt hại nặng nề trước mắt, thị xã cũng đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra dịch bệnh bởi mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày, cộng thêm ngập lụt cục bộ là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh, phát triển. Sau mưa lũ, nhiều công trình giao thông thủy lợi cũng hư hỏng nghiêm trọng ước tính thiệt hại trên 35 tỷ đồng.
Ngay sau mưa lũ đi qua, thị xã đã tập trung chỉ đạo các địa phương khắc phục thiệt hại về trường học, trạm y tế và trụ sở các cơ quan để kịp thời phục vụ cho công tác học tập, làm việc và khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đồng thời, chính quyền thị xã cũng tổ chức đoàn trực tiếp về các xã bị ngập nặng để thăm hỏi, động viên người dân; tập trung nhân lực, vật lực hỗ trợ người dân tối đa với tinh thần nước rút đến đâu khắc phục đến đó. Trước tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra, để khắc phục hậu quả giúp nhân dân sớm ổn định đời sống, Ban chỉ huy PCTT-TKCN thị xã Ba Đồn đã tổng hợp mức độ thiệt hại gửi lên UBND tỉnh và các sở, ngành để có sự hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại về trường học, trạm y tế và trụ sở các cơ quan để kịp thời phục vụ cho việc học tập, công tác và khám, chữa bệnh cho nhân dân; phân bổ kinh phí để nhân dân khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai cũng như hỗ trợ kinh phí khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng... Sau khi lũ bắt đầu rút, với quyết tâm không để dân bị đói, khát, thị xã Ba Đồn đã khẩn trương huy động các nhân lực, vật lực hỗ trợ khẩn cấp bà con vùng ngập sâu trong mấy ngày mưa lũ. Theo đó, thị xã đã hỗ trợ khẩn cấp 10 xã vùng Nam, mỗi xã 50 triệu đồng để mua sắm nhu yếu phẩm giúp dân; trích 600 triệu đồng để mua sắm các loại hàng hóa thiết yếu cứu trợ cho nhân dân các địa phương, cụ thể đến thời điểm hiện tại đã hỗ trợ gần 5.000 thùng mì tôm, nước uống; 200 thùng lương khô; hơn 1.000 chăn ấm; hỗ trợ thăm viếng nhà có người chết trong mưa lũ 01 triệu đồng/01 người chết. Những món quà kịp thời của thị xã đã động viên người dân yên tâm ổn định đời sống. Cùng với đó, địa phương đã đánh giá một cách chính xác, khách quan tình hình thiệt hại của người dân để điều hòa, điều phối công tác viện trợ, bảo đảm công bằng, đúng đối tượng. Ngành y tế đã cung cấp cho các địa phương các loại thuốc khử khuẩn, cử cán bộ xuống tận các địa phương vùng lũ để hướng dẫn, hỗ trợ người dân xử lý nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường. Nhờ đó, các trường học, trạm xá được sửa chữa, vệ sinh sạch sẽ để cho học sinh trở lại học tập, nhân dân đã có nơi khám, chữa bệnh. Các đơn vị, địa phương trên địa bàn cũng tổ chức vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, dọn dẹp cảnh quan, thu gom rác thải trên toàn địa bàn; vệ sinh bùn đất trên các tuyến đường và khắc phục tạm thời các điểm sạt lở đường, lề đường.
Hiện nay, tranh thủ thời tiết nắng ráo, bà con nhân dân các địa phương bị ngập lụt vừa qua tiếp tục dọn dẹp, vệ sinh nhà ở sạch sẽ để hạn chế các loại dịch bệnh phát sinh sau lũ. Đồng thời, cải tạo đồng ruộng để chuẩn bị bước vào sản xuất vụ Đông Xuân 2020. Có mặt tại cánh đồng rau phường Quảng Long những ngày này, chúng tôi thấy nông dân Quảng Long đang khắc phục hậu quả mưa lũ, làm đất để tập trung bước vào vụ rau mới. Ông Nguyễn Văn Lễ, Chủ tịch Hội Nông dân phường Quảng Long cho biết thêm: "Sau khi mưa lũ đi qua, chính quyền xã đã cử cán bộ về từng thôn nắm bắt tình hình, đánh giá thực tế thiệt hại để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phương án hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Thời điểm hiện tại, người dân phường Quảng Long đang tiến hành thu gom, xử lý số lượng rau và hoa màu bị hư hại. Người dân đang rất cần sự hỗ trợ về hạt giống, phân bón để trồng rau, hoa màu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021". Cùng với nỗ lực hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống, thị xã Ba Đồn đang triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ khôi phục sản xuất, trước mắt là bắt tay vào sản xuất vụ đông xuân. Ðối với những địa phương bị thiệt hại nặng trong đợt lũ vừa qua, tỉnh sẽ hỗ trợ giống sản xuất và cung cấp lương thực trong một thời gian nhất định. Ðồng thời, tỉnh sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm trong điều hành, chỉ đạo, bổ sung phương án phòng, chống thiên tai, nhất là những tình huống khẩn cấp do hình thái thời tiết cực đoan gây ra; đánh giá đúng những thiệt hại đối với hạ tầng, dự án lớn để có phương án phân bổ ngân sách và đề nghị Chính phủ hỗ trợ khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra. Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và các lực lượng trên địa bàn, việc khôi phục sản xuất đã và đang được khẩn trương triển khai, góp phần từng bước ổn định đời sống, giảm bớt khó khăn cho người dân vùng lũ.
- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7):
+ Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã.
+ Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình;
+ Từ 6h00 phút đến...