Thị xã Ba Đồn: Nỗ lực ổn định đời sống người dân sau mưa lũ
Thứ hai - 23/09/2019 15:57
Do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và áp thấp nhiệt đới, nhiều địa phương trên địa bàn thị xã Ba Đồn bị ngập lụt trên diện rộng, gây thiệt hại về người và tài sản, một số công trình công cộng bị sạt lở, hư hỏng... Để nhanh chóng khắc phục hậu quả, chính quyền địa phương đã thực hiện phương châm “4 tại chỗ” hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Thiệt hại gần 43 tỷ đồng
Đến thời điểm hiện tại, rất nhiều hộ nuôi cá lồng tại xã Quảng Minh vẫn đang tìm biện pháp xử lý số lượng cá chết do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua. Ông Hoàng Ngọc Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Minh cho biết, toàn xã có 126 hộ nuôi cá lồng với gần 500 lồng cá, tập trung ở các thôn Thái Hòa, Cồn Nâm, Minh Hà, Tân Định và Đông Thành. Do thay đổi môi trường nước vì ảnh hưởng của mưa lũ, 220 lồng cá vược, cá hồng Mỹ của người dân trên địa bàn chết hàng loạt, ước tính thiệt hại hơn 17,7 tỷ đồng.
Gia đình chị Nguyễn Thị Yến ở thôn Thái Hòa là một trong những hộ nuôi cá lồng bị thiệt hại nặng tại xã Quảng Minh. Năm nay, gia đình chị nuôi 6 lồng cá với 6.000 con, chủ yếu là cá hồng Mỹ và cá vược. Theo tính toán của gia đình, lứa cá này sẽ xuất bán từ tháng 6 đến tháng 12. Nhưng gia đình chị Yến chỉ mới bán được một ít thì mưa lũ xảy ra. Hiện, trong lồng cá của gia đình chị chỉ còn vài trăm con cá còn sống, nhưng số cá này vẫn đang tiếp tục chết dần. Dù trước khi lũ về, chính quyền địa phương đã có thông báo cho các gia đình nuôi cá lồng nên bán sớm để tránh mưa lũ, các hộ dân cũng đã khẩn trương xuất bán nhưng do nhu cầu của người dân trong những tháng này còn thấp nên đã hạ giá đến mức thấp cũng không bán được nhiều.
“Bình thường tôi bán 1kg cá vược với giá 90.000 đồng nhưng thời điểm mưa lũ xảy ra, cá chỉ bán với giá 40.000 đồng/kg mà cũng không mấy ai mua. Rất nhiều cá chết phải vứt bỏ.Với 6 lồng cá, gia đình tôi thiệt hại gần 270 triệu đồng”, chị Yến than thở.
Phường Quảng Long là địa phương có diện tích rau màu thiệt hại lớn nhất trên địa bàn thị xã Ba Đồn với hơn 50ha rau màu, hoa màu bị mất trắng hoàn toàn. Ông Ngô Văn Sáu, Chủ tịch UBND phường Quảng Long cho biết, Quảng Long là nơi cung cấp rau và hoa màu chủ yếu cho các chợ đầu mối trên địa bàn thị xã Ba Đồn. Nhờ trồng rau màu, rất nhiều hộ dân trên địa bàn đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá giả. Vào đầu vụ mùa, người dân phường Quảng Long đã tập trung gieo trồng 50ha rau và hoa màu các loại nhưng do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn dài ngày, nhiều diện tích rau màu của người dân trên địa bàn bị ngập úng, hư hại nghiêm trọng, ước tính thiệt hại gần 2,3 tỷ đồng.
Chị Hoàng Nam Doan, tổ dân phố Trường Sơn, phường Quảng Long chia sẻ: “Vụ mùa năm nay, gia đình tôi trồng 1,5ha rau màu các loại như: ngò, cải, xà lách, mướp đắng, dưa chuột… Do nước ngập lớn lại kéo dài nhiều ngày nên tôi đành phải chấp nhận để rau hư hại chứ không vớt vát được gì. Gia đình tôi thiệt hại gần 30 triệu đồng trong đợt mưa lũ này”.
Theo thống kê từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) thị xã Ba Đồn, đợt mưa lũ kéo dài vừa qua đã gây ngập lụt diện rộng trên địa bàn thị xã làm 1 người chết, 3 người bị thương và 5.509 nhà bị ngập lụt, thiệt hại ước tính hơn 42,9 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về thủy sản hơn 26 tỷ đồng, nông, lâm nghiệp hơn 6,5 tỷ đồng, thủy lợi hơn 3,4 tỷ đồng, giao thông hơn 2,8 tỷ đồng…
Khắc phục hậu quả, ổn định đời sống
Ông Đinh Thiếu Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho biết: “Ngay sau mưa bão đi qua, thị xã đã tập trung chỉ đạo các địa phương khắc phục thiệt hại về trường học, trạm y tế và trụ sở các cơ quan để kịp thời phục vụ cho công tác học tập, làm việc và khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đồng thời, chính quyền thị xã cũng tổ chức đoàn trực tiếp về các xã bị ngập nặng để thăm hỏi, động viên người dân; tập trung nhân lực, vật lực hỗ trợ người dân tối đa với tinh thần nước rút đến đâu khắc phục đến đó”.
Trước tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra, để khắc phục hậu quả giúp nhân dân sớm ổn định đời sống, Ban chỉ huy PCTT-TKCN thị xã Ba Đồn đã tổng hợp mức độ thiệt hại gửi lên UBND tỉnh và các sở, ngành để có sự hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại về trường học, trạm y tế và trụ sở các cơ quan để kịp thời phục vụ cho việc học tập, công tác và khám, chữa bệnh cho nhân dân; phân bổ kinh phí để nhân dân khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ; cũng như hỗ trợ kinh phí khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng...
Có mặt tại cánh đồng rau phường Quảng Long những ngày này, chúng tôi bắt gặp hình ảnh người dân đang tất bật cày ải ruộng đất để tập trung bước vào vụ rau mới. Ông Nguyễn Văn Lễ, Chủ tịch Hội Nông dân phường Quảng Long cho biết: Sau khi mưa lũ đi qua, chính quyền xã đã cử cán bộ về từng thôn nắm bắt tình hình, đánh giá thực tế thiệt hại để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phương án hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Thời điểm hiện tại, người dân phường Quảng Long đang tiến hành thu gom, xử lý số lượng rau và hoa màu bị hư hại do mưa lũ để làm đất chuẩn bị bước vào vụ thu-đông. Nếu thời tiết thuận lợi, dự kiến trong vòng vài tuần nữa, việc gieo trồng ở ngoài đồng sẽ cơ bản được hoàn thành.
Đang hối hả làm đất để chuẩn bị cho mùa vụ mới, chị Hoàng Nam Doan, tổ dân phố Trường Sơn, phường Quảng Long chia sẻ: “Nếu không bị thiệt hại do mưa lũ thì với 1,5ha rau màu, ngày nào gia đình tôi cũng thu nhập vài trăm nghìn đồng từ tiền bán rau. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung làm lại đất, khôi phục lại diện tích rau màu đã bị chết để kịp thời phục vụ nhu cầu của người dân và chuẩn bị cho vụ rau Tết”.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và các lực lượng trên địa bàn, việc khôi phục sản xuất đã và đang được khẩn trương triển khai, góp phần từng bước ổn định đời sống, giảm bớt khó khăn cho người dân vùng lũ.