Thị xã Ba Đồn: Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
Thứ hai - 13/04/2020 14:57
Những năm qua, thị xã Ba Đồn đã có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh. Các địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp
Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp trên đất lúa kém hiệu quả, đất hoang hóa là chủ trương lớn được TX. Ba Đồn triển khai thực hiện trong nhiều năm qua.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị sử dụng trên một đơn vị diện tích, Ba Đồn đã chú trọng đa dạng hóa các loại cây trồng theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Năm 2019, thị xã thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác với diện tích chuyển đổi lần đầu là 31,85ha. Điển hình là các mô hình: tỏi ở xã Quảng Minh, Quảng Hòa; cá-lúa ở các xã: Quảng Hòa, Quảng Lộc, Quảng Thủy; rau hoa ở phường Quảng Long; ngô xen khoai ở phường Quảng Phúc… Các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa và tạo được hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của người dân.
Chị Nguyễn Thị Hải, thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh chia sẻ: “So với việc trồng lúa và khoai lang trước đây, từ khi chuyển qua trồng tỏi, hiệu quả kinh tế đã thay đổi rõ rệt. Với 4 sào tỏi của gia đình, mỗi sào tôi thu về gần 5 triệu đồng. Ngoài trồng tỏi, chúng tôi còn trồng xen các loại cây khác, như: lạc, ớt, cà tím…, góp phần tăng thêm thu nhập”.
Với mục tiêu thay đổi tập quán canh tác của người nông dân, từ đó xây dựng nền nông nghiệp hàng hoá, TX. Ba Đồn đã triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lúa chất lượng áp dụng quy trình sản xuất thâm canh cải tiến SRI với hơn 550ha tại các xã: Quảng Tiên, Quảng Hải, Quảng Văn… Mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư, vừa đem lại năng suất cao, bình quân đạt 58 tạ/ha. Cùng với đó, thị xã cũng đã thực hiện mô hình trồng thử nghiệm các loại cây thích ứng biến đổi khí hậu ở những vùng bị ngập mặn. Điển hình là mô hình trồng dừa xiêm ở xã Quảng Lộc, Quảng Văn và Quảng Tân với hơn 4ha. Bước đầu cho kết khả quan, cây thích ứng tốt, phát triển nhanh.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế, TX. Ba Đồn cho biết, thị xã đã có nhiều hỗ trợ, khuyến khích người dân mạnh dạn đưa các loại giống chất lượng cao vào sản xuất thay thế các loại giống bị thoái hóa. Trước đây, bà con nông dân phường Quảng Phong thường sử dụng các giống lúa HT1, P6 để sản xuất. Nhưng do giống sử dụng nhiều năm, bị thoái hóa dẫn đến năng suất kém. Vụ đông-xuân 2019-2020, Phòng Kinh tế thị xã đã phối hợp với UBND phường Quảng Phong vận động bà con đưa giống QS447 vào sản xuất với hơn 100ha. Người dân được hỗ trợ 4.000 đồng/kg giống. Đến thời điểm hiện tại, diện tích lúa đã trổ bông, sinh trưởng tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Bắt kịp xu hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ
Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, cuối tháng 2-2020, UBND TX. Ba Đồn đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị với Tập đoàn Quế Lâm. Hai bên cùng hợp tác đầu tư phát triển sản xuất 5ha lúa hữu cơ tại xã Quảng Hòa và 2 mô hình nuôi lợn hữu cơ tại xã Quảng Tiên. Ông Nguyễn Văn Khánh cho biết thêm: “Hiện tại, Tập đoàn Quế Lâm và Phòng Kinh tế thị xã đã phối hợp đưa giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho các gia đình triển khai mô hình. Sau khi hoàn thiện, mô hình sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác, từ đó, tiến tới thành lập các chuỗi chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản hữu cơ trên địa bàn thị xã”.
Nhiều hộ gia đình, tổ hợp tác đã mạnh dạn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đem lại hiệu quả tích cực. Anh Hoàng Nam Doan, phường Quảng Long chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của các phòng, ban thị xã Ba Đồn, tôi đã đầu tư xây dựng mô hình nhà màng sản xuất rau an toàn. Với diện tích ban đầu gần 1.000m2, tôi trồng dưa lưới, dưa chuột và mướp đắng, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Isarel, khoa học kỹ thuật và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Rau sản xuất trong nhà màng có ưu điểm là không có dịch hại, các loại rau tươi đáp ứng nhu cầu sạch, an toàn. Từ mô hình rau sạch, tôi thu về gần 100 triệu đồng/năm”.
Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, TX. Ba Đồn đã xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Các chuỗi liên kết: tỏi Ba Đồn, ruốc Nhân Thọ, lúa, gạo Quảng Hòa và đũa gỗ Quảng Thủy đã được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận. “Các mô hình liên kết theo chuỗi góp phần nâng cao năng suất, giúp sản phẩm tạo được liên kết đầu ra, có chỗ đứng trên thị trường, từ đó, đem lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Khánh bày tỏ.
Theo ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn, để phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường, thị xã sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành trồng trọt, chú trọng chuyển đổi giống cây trồng; nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả, phù hợp với thị trường; mở rộng diện tích sản xuất lúa theo quy trình thâm canh cải tiến SRI, nâng cao tỷ lệ sản xuất lúa chất lượng cao; tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với nông dân mở rộng sản xuất, tiêu thụ, thực hiện có hiệu quả cánh đồng lớn đối với một số cây trồng có lợi thế của địa phương.
Bên cạnh đó, thị xã sẽ đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh liên kết đào tạo đội ngũ nhân lực tham gia, phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu cần thiết về điện, nước, đường giao thông… cho các vùng/khu nông nghiệp lợi thế, công nghệ cao và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thị xã phấn đấu tăng giá trị sản xuất ngành nông-lâm-ngư giai đoạn 2020-2025 bình quân 3,5-4%/năm. Lan Chi
- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7):
+ Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã.
+ Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình;
+ Từ 6h00 phút đến...