Thị xã Ba Đồn: Thúc đẩy phát triển thương mại- dịch vụ trên địa bàn.
Thứ tư - 17/08/2022 14:04
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, lĩnh vực thương mại - dịch vụ trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Thương mại - dịch vụ dần được khẳng định là ngành kinh tế chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thị xã.
Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là tập trung phát triển thương mại-dịch vụ, tạo sự khởi sắc và xứng danh với tên gọi là trung tâm kinh tế-xã hội phía bắc của tỉnh, thời gian qua, thị xã Ba Đồn đã phát huy lợi thế, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ theo hướng đa dạng hóa các loại hình tổ chức thương mại. Nhờ vậy, giá trị thương mại - dịch vụ đến năm 2020 đạt hơn 2,3 tỷ đồng, tăng 1,62 lần so với năm 2016; tốc độ tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 là 12,54%. 7 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.872 tỷ đồng, tăng 16,68% so với cùng kỳ. Hạ tầng thương mại, dịch vụ được đầu tư, nâng cấp nhất là dịch vụ lưu trú, ăn uống; hạ tầng giao thông, dịch vụ vận tải phát triển mạnh; hạ tầng bưu chính - viễn thông, tài chính ngày càng phát triển, các dịch vụ về giáo dục - đào tạo, dịch vụ y tế có nhiều tiến bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và phục vụ đời sống của nhân dân. Hệ thống các cửa hàng tiện lợi, bách hóa tổng hợp ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, hạ tầng thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại tăng nhanh, hàng hóa lưu thông dễ dàng, phong phú cả về chủng loại và cấp độ sản phẩm, giá cả hàng hóa ổn định, bảo đảm chất lượng. Hiện thị xã có 4 siêu thị (2 siêu thị hạng II: Siêu thị Thái Hậu, siêu thị Hùng Hồng và 2 siêu thị hạng III: Siêu thị Dũng Loan, siêu thị Điện máy xanh), 22 chợ truyền thống và 5.692 cơ sở kinh doanh TM-DV, tạo việc làm cho hơn 9.500 lao động. Các siêu thị đã thu hút một lượng lớn người tiêu dùng trên địa bàn thị xã và các vùng phụ cận, việc mua sắm tại các siêu thị khá tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng. Song song với phát triển thương mại-dịch vụ, thị xã cũng đã tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng các cụm, điểm công nghiệp làng nghề, có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất phát triển. Thị xã đã tiến hành lập quy hoạch chi tiết khu trung tâm thương mại gắn với nhà ở phía nam đường Hùng Vương. Ngoài các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, thị xã phát triển mạnh dịch vụ vận tải hàng hóa và vận chuyển hành khách. Công tác quản lý thị trường, giá cả, bảo đảm cung-cầu các mặt hàng thiết yếu và phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng được tăng cường, góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo kế hoạch, thị xã đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu đưa TM-DV chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế; tốc độ giá trị gia tăng của lĩnh vực TM-DV bình quân đạt 13-13,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đến năm 2025 là 6.750 tỷ đồng. Ngoài ra, thị xã sẽ tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng một số dự án có tính chất trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, như: Chợ Cá (phường Quảng Phúc); sớm hoàn thành dự án khu phức hợp sân vận động Ba Đồn; khu nghỉ dưỡng Quảng Thọ, hạ tầng ven biển (Quảng Phúc, Quảng Thọ); nâng cấp, xây dựng các chợ trên địa bàn đến năm 2025, dự kiến có 6-8 siêu thị hạng II, III và trung tâm thương mại…