Thị xã Ba Đồn thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn.
Thứ tư - 16/10/2024 06:53
Những năm gần đây, các cấp chính quyền, ngành chức năng thị xã quan tâm hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành tiểu thủ công nghiệp (TTCN) phù hợp điều kiện, lợi thế địa phương, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Theo đó, để phát triển ngành nghề TTCN, thị xã đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cùng các chỉ đạo, hướng dẫn, các hình thức tuyên truyền vận động nhân dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống sản xuất các ngành nghề. Qua đó, dần nâng cao sản lượng, giá trị cũng như xây dựng thương hiệu các sản phẩm công nghiệp trên địa bàn. Theo báo cáo của UBND thị xã Ba Đồn, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thị xã Ba Đồn trong 9 tháng đầu năm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước tính đạt hơn 1.343 tỷ đồng, đạt 73,18%KH, tăng 8,97% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số lĩnh vực như chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống, sản xuất đồ mộc, gạch block các loại, gia công cơ khí, tre đan, may gia công…phát triển mạnh đã góp phần thúc đẩy giá trị sản xuất công nghiệp. Trong đó kinh tế hợp tác xã đạt 1,545 tỷ đồng, tăng 5,39%; kinh tế tư nhân đạt 244,878 tỷ đồng, tăng 6,08%; kinh tế cá thể đạt 1.097,235 tỷ đồng, tăng 9,64% so với cùng kỳ năm trước. Với việc du nhập các nghề mới nên trên địa bàn thị xã đã tạo ra nhiều sản phẩm CNNT nổi tiếng, như: nón lá, mây tre đan lát, mộc mỹ nghệ, chổi đót, bánh bún…Nhờ đó, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn đã và đang tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn trên địa bàn thị xã. Hiện có hơn 5.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh TTCN-NNNT trên địa bàn thị xã, thu hút hơn 11.000 lao động địa phương, chiếm tỷ lệ cao trong thành phần lao động xã hội. Riêng nghề may nón lá truyền thống ở các địa phương đã tạo việc làm cho khoảng hơn 6.000 lao động, nghề mây tre đan lát tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động… Tuy nhiên, các làng nghề sản xuất trên địa bàn vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, sử dụng lao động thủ công chiếm tỷ lệ cao, trang thiết bị thô sơ, sản phẩm, công nghệ chưa có sự thay đổi đột phá còn mang tính thủ công. Bên cạnh đó, việc quan tâm cải tiến phương tiện, thiết bị sản xuất còn hạn chế; lao động tham gia vào lĩnh vực TTCN chưa nhiều; sản phẩm còn ít, sức cạnh tranh còn hạn chế. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất đa số có quy mô nhỏ, thiếu vốn, chất lượng sản phẩm chưa cao, kém sức cạnh tranh. Để hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2024, thời gian tới, bên cạnh việc tập trung khôi phục, duy trì và phát huy hiệu quả các làng nghề, làng nghề truyền thống, thị xã sẽ tiếp tục chú trọng xây dựng "Mỗi xã một sản phẩm" trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh liên kết tìm đầu ra cho các sản phẩm từ nghề truyền thống; chú trọng đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống theo chiều sâu gắn với việc xây dựng thương hiệu; tạo mọi điều kiện thuận lợi, để hỗ trợ phát triển, sản xuất công nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp, các thành phần kinh tế sản xuất, chế biến sản phẩm có lợi thế trên địa bàn, tiếp tục du nhập các nghề mới có hiệu quả, phù hợp với trình độ tay nghề của lao động tại địa phương…