CHỈ THỊ SỐ 06/CT-UBND NGÀY 21/03/2022 CỦA UBND TỈNH QUẢNG BÌNH VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC BẮC-NAM PHÍA ĐÔNG GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐOẠN QUA ĐỊA PHẬN QUẢNG BÌNH

Thứ hai - 08/08/2022 16:05
           Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông kết nối thông suốt từ Lạng Sơn đến Cà Mau, có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả nước nói chung và của tỉnh ta nói riêng. Việc hoàn thành Dự án trong năm 2025 đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết chỉ đạo thực hiện và ưu tiên tối đa nguồn lực và cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù (chỉ định thầu tư vấn, nhà thầu, giao các mỏ vật liệu…), cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị dự án để hoàn thành Dự án trong năm 2025.
          Trên địa bàn tỉnh ta, Dự án có 03 dự án thành phần, gồm Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, chiều dài khoảng 126 km. Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành Trung ương, của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, các sở, ngành, đơn vị, địa phương phối hợp với các ban quản lý dự án triển khai các nội dung công việc thuộc thẩm quyền của tỉnh như thỏa thuận hướng tuyến, giải phóng mặt bằng, nhu cầu vật liệu, chuyển đổi đất lúa, đất rừng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn có một số vướng mắc liên quan đến hồ sơ dự án, vị trí tim, tuyến cụ thể và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương liên quan đến việc áp dụng các cơ chế đặc thù. Bên cạnh đó, tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng người dân xây dựng, cơi nới công trình, trồng cây trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích thuộc phạm vi Dự án để trục lợi, gây phức tạp cho công tác giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Dự án.
         Để khắc phục khó khăn, vướng mắc, tăng cường quản lý nhà nước về trật tự xây dựng; quyết liệt triển khai để hoàn chỉnh các thủ tục phê duyệt Dự án đầu tư trước ngày 30/6/2022, khởi công trong năm 2022, hoàn thành năm 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Các sở, ngành, đơn vị; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ; chỉ đạo của Ban chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 71/TB-VPCP ngày 14/3/2022 của Văn phòng Chính phủ; các văn bản chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải; chỉ đạo của UBND tỉnh tại các Công văn số: 290/UBND-KT ngày 04/3/2022, 306/UBND-XDCB ngày 08/3/2022. Theo chức năng, nhiệm vụ để giải quyết hoặc tham mưu giải quyết theo đúng quy định và thẩm quyền.
         2. Sở Giao thông Vận tải - Cơ quan đầu mối triển khai các nội dung của Dự án trên địa bàn:

 - Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan điều phối, đôn đốc các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của tỉnh trong quá trình thực hiện Dự án; chủ động tham mưu, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh những vấn đề có liên quan thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai Dự án, đảm bảo giải quyết công việc đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao nhất.
 - Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ đầu tư, tư vấn để cung cấp hồ sơ, tài liệu của Dự án cho các sở, ngành, đơn vị có liên quan và các địa phương có tuyến cao tốc đi qua, kịp thời phục vụ các công tác về giải phóng mặt bằng, bàn giao, tiếp nhận hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương theo từng giai đoạn; phối hợp xử lý các kiến nghị của địa phương trong quá trình rà soát, thống nhất hướng tuyến, giải pháp thiết kế các công trình trên tuyến.
- Thường xuyên, kịp thời phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các chủ đầu tư thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo tình hình thực hiện giải phóng mặt bằng, tình hình thực hiện Dự án cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo của tỉnh.
 3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
 - Khẩn trương rà soát, tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên để thực hiện Dự án đoạn qua địa bàn tỉnh; thẩm định, tham mưu UBND tỉnh trình phê duyệt bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện đảm bảo đủ cơ sở, căn cứ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng;
 - Tiếp tục rà soát, cung cấp bổ sung các mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường, các bãi đổ chất thải rắn xây dựng để cung cấp đầy đủ thông tin cho chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn thiết kế phục vụ công tác lập hồ sơ; nghiên cứu rút ngắn thủ tục, thời gian cấp giấy phép, gia hạn giấy phép, nâng công suất khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chỉ đạo của Chính phủ.
 - Tăng cường phối hợp UBND cấp huyện trong việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; kịp thời đề xuất xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng.
 4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
 - Tăng cường phối hợp với các đơn vị tư vấn để thẩm định, tham mưu UBND tỉnh trong việc chuyển mục đích sử dụng rừng, các công trình đê điều, thủy lợi cho các dự án thành phần trên địa bàn quản lý;
 - Phối hợp chặc chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương liên quan xác định diện tích đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất… cần chuyển đổi mục đích (kể cả diện tích đất xây dựng các khu tái định cư) và hướng dẫn, xây dựng phương án chuyển đổi ngành nghề sản xuất đối với các hộ dân bị thu hồi diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
 - Hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các hồ sơ, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế; cấp phép xây dựng có liên quan đến thủy lợi, đê điều thuộc thẩm quyền của tỉnh đảm bảo thời gian và tiến độ Dự án.
 5. Sở Xây dựng:
 - Khẩn trương phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát các quy hoạch xây dựng liên quan đến Dự án; trong trường hợp cần thiết, kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh theo quy định hiện hành sau khi có hồ sơ của chủ đầu tư.
- Khẩn trương khảo sát, xây dựng, công bố giá các loại vật liệu xây dựng (đất, đá, cát, sỏi…) đến chân công trình cho từng gói thầu/dự án thành phần, bao gồm vật liệu xây dựng tại các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án theo đề nghị của các chủ đầu tư và hồ sơ của chủ đầu tư cung cấp; xây dựng, công bố chỉ số giá xây dựng hàng tháng để áp dụng riêng cho các gói thầu/dự án thành phần phù hợp yêu cầu thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện và tiến độ thi công xây dựng, khả năng cung ứng và mặt bằng giá thị trường, phản ánh đúng mức độ biến động giá xây dựng trên thị trường khu vực xây dựng.
 - Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng; theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho từng gói thầu/dự án thành phần phù hợp mặt bằng giá thị trường sau khi được chủ đầu tư cung cấp hồ sơ các gói thầu; xử lý kịp thời nếu có đầu cơ, nâng giá vật liệu xây dựng.
 - Tăng cường phối hợp, hướng dẫn các đơn vị, địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến chế độ chính sách về bồi thường nhà ở và công trình xây dựng khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.
 6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:
 - Khẩn trương phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan rà soát, đề xuất phương án điều chỉnh sử dụng đất quốc phòng, tài sản gắn liền với đất do ảnh hưởng của Dự án tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Bộ Quốc phòng phương án bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ cho mục đích quốc phòng. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã thỏa thuận các nội dung liên quan đến đất quốc phòng và thực hiện công tác GPMB theo thẩm quyền các khu vực liên quan đến đất quốc phòng đảm bảo tiến độ Dự án.
 - Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường và địa phương có liên quan thẩm định các khu vực khai thác mỏ, khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ Dự án, bảo đảm không ảnh hưởng đến các điểm đất quốc phòng, công trình quốc phòng và khu vực địa hình ưu tiên cho nhiệm vụ quốc phòng.
 7. Công an tỉnh:
 - Chủ động nắm tình hình, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình triển khai thực hiện Dự án trên địa bàn, đặc biệt là các phát sinh liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, GPMB, tái định cư.
 - Tăng cường chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố chủ động nắm bắt, phát hiện các hành vi tiêu cực, sai phạm; các đối tượng có hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người dân có đất, tài sản bị thu hồi tụ tập đông người khiếu kiện, cản trở thi công, gây áp lực với chính quyền các cấp để đòi đền bù hoặc có các hành vi vi phạm pháp luật khác để kịp thời có biện pháp xử lý; tuyệt đối không để xảy ra điểm nóng, điểm phức tạp.
 8. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình:
 Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc đầu tư xây dựng Dự án để người dân hiểu, đồng thuận, cùng chủ động, tích cực tham gia công tác giải phóng mặt bằng và quá trình tổ chức thực hiện Dự án.
 9. Đề nghị Ban Quản lý Dự án 6, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh - Bộ Giao thông vận tải:
 - Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong quá trình triển khai Dự án.
 - Khẩn trương bàn giao hồ sơ thiết kế hướng tuyến, cọc giải phóng mặt bằng cho Hội đồng bồi thường giải phong mặt bằng cấp huyện để chủ động triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo hướng hồ sơ đoạn nào xong thì phải tiến hành bàn giao ngay, không chờ các tuyến chưa hoàn thành hồ sơ.
 - Cung cấp kịp thời hồ sơ, tài liệu liên quan phục vụ công tác góp ý kiến thiết kế cơ sở và giải phóng mặt bằng của Dự án phục vụ hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
 - Kịp thời phối hợp với các đơn vị, địa phương để giải quyết, xử lý những phát sinh, vướng mắc hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
 10. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội:
 - Tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện giám sát, phản biện việc triển khai các giai đoạn của Dự án theo quy định của pháp luật.
 - Tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc đầu tư xây dựng Dự án và các quy định đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đào tạo, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm đến đoàn viên, hội viên và nhân dân, để các tầng lớp nhân dân hiểu và đồng thuận.
 11. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
 - Khẩn trương chủ động triển khai các thủ tục liên quan và tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi chủ đầu tư bàn giao hồ sơ, cọc giải phóng mặt bằng.
- Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan trong việc rà soát, tổng hợp diện tích đất, diện tích rừng, mỏ vật liệu, bãi thải vật liệu xây… phục vụ triển khai thực hiện Dự án trên địa bàn.
 - Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn; tuyên truyền vận động người dân ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc và chấp hành nghiêm các quy định về xây dựng; tuyệt đối không để người dân xây dựng, cơi nới công trình, trồng cây trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích thuộc phạm vi Dự án để trục lợi, gây phức tạp cho công tác giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Dự án, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Chủ động chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh, các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; chỉ đạo cấp cơ sở tăng cường đối thoại trực tiếp với người dân, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc bức xúc ngay từ cơ sở, không để tồn đọng kéo dài, phát sinh điểm nóng và khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp.
 - Chủ động đề xuất biện pháp hỗ trợ khác trong trường hợp thực sự cần thiết, bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật và điều kiện thực tiễn để ổn định đời sống của người dân có đất thu hồi, ổn định tình hình tại địa phương.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập198
  • Hôm nay39,289
  • Tháng hiện tại39,289
  • Tổng lượt truy cập41,184,743
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây