Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Thứ ba - 18/08/2020 14:38
Điều 31. Biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
1. Cách ly người mắc bệnh truyền nhiễm.
2. Diệt khuẩn, khử trùng môi trường và xử lý chất thải tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
3. Phòng hộ cá nhân, vệ sinh cá nhân.
4. Các biện pháp chuyên môn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 32. Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm
1. Thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp theo từng nhóm bệnh; chăm sóc toàn diện người mắc bệnh truyền nhiễm. Trường hợp người bệnh không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ.
2. Tổ chức thực hiện các biện pháp diệt khuẩn, khử trùng môi trường và xử lý chất thải tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
3. Bảo đảm trang phục phòng hộ, điều kiện vệ sinh cá nhân cho thầy thuốc, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh.
4. Theo dõi sức khỏe của thầy thuốc, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
5. Thông báo thông tin liên quan đến người mắc bệnh truyền nhiễm cho cơ quan y tế dự phòng cùng cấp.
6. Thực hiện các biện pháp chuyên môn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 33. Trách nhiệm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
1. Thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm quy định tại Điều 31 của Luật này.
2. Tư vấn về các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho người bệnh và người nhà người bệnh.
3. Giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh.
Điều 34. Trách nhiệm của người bệnh, người nhà người bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
1. Người bệnh có trách nhiệm:
a) Khai báo trung thực diễn biến bệnh;
b) Tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
c) Đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A ngay sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
2. Người nhà người bệnh có trách nhiệm thực hiện chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
 
Chương III
KIỂM DỊCH Y TẾ BIÊN GIỚI
Điều 35. Đối tượng và địa điểm kiểm dịch y tế biên giới
1. Đối tượng phải kiểm dịch y tế biên giới bao gồm:
a) Người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam;
b) Phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam;
c) Hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh Việt Nam;
d) Thi thể, hài cốt, mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người vận chuyển qua biên giới Việt Nam.
2. Kiểm dịch y tế biên giới được thực hiện tại các cửa khẩu.
Điều 36. Nội dung kiểm dịch y tế biên giới
1. Các đối tượng phải kiểm dịch y tế biên giới quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật này phải được khai báo y tế.
2. Kiểm tra y tế bao gồm kiểm tra giấy tờ liên quan đến y tế và kiểm tra thực tế. Kiểm tra thực tế được tiến hành trong trường hợp đối tượng xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
3. Xử lý y tế được thực hiện khi đã tiến hành kiểm tra y tế và phát hiện đối tượng phải kiểm dịch y tế có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Trường hợp nhận được khai báo của chủ phương tiện vận tải hoặc có bằng chứng rõ ràng cho thấy trên phương tiện vận tải, người, hàng hoá có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì phương tiện vận tải, người, hàng hoá trên phương tiện đó phải được cách ly để kiểm tra y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh, nhập khẩu, quá cảnh; nếu không thực hiện yêu cầu cách ly của tổ chức kiểm dịch y tế biên giới thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly.
4. Giám sát bệnh truyền nhiễm được thực hiện tại khu vực cửa khẩu theo quy định tại Mục 3 Chương II của Luật này.
Điều 37. Trách nhiệm trong việc thực hiện kiểm dịch y tế biên giới
1. Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35, chủ phương tiện hoặc người quản lý đối tượng quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 35 của Luật này phải thực hiện việc khai báo y tế; chấp hành các biện pháp giám sát, kiểm tra, xử lý y tế và nộp phí kiểm dịch y tế theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức kiểm dịch y tế biên giới có trách nhiệm tổ chức thực hiện nội dung kiểm dịch y tế quy định tại Điều 36 của Luật này và cấp giấy chứng nhận xử lý y tế.
3. Các cơ quan chức năng tại cửa khẩu có trách nhiệm phối hợp với tổ chức kiểm dịch y tế biên giới trong việc thực hiện kiểm dịch y tế biên giới.
4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan của các nước, các tổ chức quốc tế trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại khu vực biên giới.
5. Chính phủ quy định chi tiết về kiểm dịch y tế biên giới.
 
Chương IV
CHỐNG DỊCH
 
Mục 1
CÔNG BỐ DỊCH
Điều 38. Nguyên tắc, thẩm quyền, thời hạn và điều kiện công bố dịch
1. Việc công bố dịch được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
a) Mọi trường hợp có dịch đều phải được công bố;
b) Việc công bố dịch và hết dịch phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.
2. Thẩm quyền công bố dịch được quy định như sau:
a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C;
b) Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đã công bố dịch;
c) Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.
3. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị công bố dịch, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này quyết định việc công bố dịch.
4. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể điều kiện công bố dịch.
Điều 39. Nội dung công bố dịch
1. Nội dung công bố dịch gồm:
a) Tên bệnh dịch;
b) Thời gian, địa điểm và quy mô xảy ra dịch;
c) Nguyên nhân, đường lây truyền, tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch;
d) Các biện pháp phòng, chống dịch;
đ) Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm.
2. Các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này phải được thông báo kịp thời cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để triển khai các biện pháp chống dịch.
Điều 40. Điều kiện và thẩm quyền công bố hết dịch
1. Điều kiện để công bố hết dịch bao gồm:
a) Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định và đáp ứng các điều kiện khác đối với từng bệnh dịch theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;
b) Đã thực hiện các biện pháp chống dịch quy định tại Mục 3 Chương IV của Luật này.
2. Người có thẩm quyền công bố dịch có quyền công bố hết dịch theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật này.
Điều 41. Đưa tin về tình hình dịch
Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm đưa tin chính xác, kịp thời và trung thực về tình hình sau khi dịch đã được công bố và công bố hết dịch theo đúng nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp.
 
Mục 2
BAN BỐ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP VỀ DỊCH
Điều 42. Nguyên tắc và thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch
1. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
a) Khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp;
b) Việc ban bố tình trạng khẩn cấp phải cng khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.
2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.
Điều 43. Nội dung ban bố tình trạng khẩn cấp khi có dịch
1. Lý do ban bố tình trạng khẩn cấp.
2. Địa bàn trong tình trạng khẩn cấp.
3. Ngày, giờ bắt đầu tình trạng khẩn cấp.
4. Thẩm quyền tổ chức thi hành nghị quyết hoặc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.
Điều 44. Thẩm quyền bãi bỏ tình trạng khẩn cấp khi hết dịch
Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết hoặc Chủ tịch nước ra lệnh bãi bỏ tình trạng khẩn cấp do mình ban bố khi dịch đã được chặn đứng hoặc dập tắt.
Điều 45. Đưa tin trong tình trạng khẩn cấp về dịch
1. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân có trách nhiệm đăng ngay toàn văn nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ tổ chức thi hành nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; đưa tin kịp thời về các biện pháp đã được áp dụng tại địa bàn có tình trạng khẩn cấp và tình hình khắc phục hậu quả dịch; đăng toàn văn nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch.
Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước ban bố hoặc bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, tổ chức và nơi công cộng.
2. Các phương tiện thông tin đại chúng khác ở trung ương và địa phương có trách nhiệm đưa tin về việc ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch và quá trình khắc phục hậu quả dịch.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN WEBSITE BADONTV.VN - TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TRUNG TÂM VĂN HÓA-THỂ THAO VÀ TRUYỀN THÔNG THỊ XÃ BA ĐỒN

Địa chỉ Website: badontv.vn Tên gọi: BĐRT (BaDon Radio Television) Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn. Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...

Thống kê
  • Đang truy cập504
  • Hôm nay17,738
  • Tháng hiện tại322,507
  • Tổng lượt truy cập39,842,296
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây