Luật Trồng trọt 2019

Thứ ba - 15/10/2019 21:33
Mục 3. KHẢO NGHIỆM GIỐNG CÂY TRỒNG
Điều 18. Nội dung khảo nghiệm giống cây trồng
1. Khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống cây trồng.
2. Khảo nghiệm giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống cây trồng bao gồm:
a) Khảo nghiệm có kiểm soát;
b) Khảo nghiệm diện hẹp trên đồng ruộng;
c) Khảo nghiệm diện rộng trên đồng ruộng.
Điều 19. Yêu cầu chung về khảo nghiệm giống cây trồng
1. Khảo nghiệm giống cây trồng quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 18 của Luật này chỉ được tiến hành tại 01 địa điểm cố định.
2. Khảo nghiệm giống cây trồng quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 18 của Luật này được thực hiện theo từng vùng. Giống cây trồng khảo nghiệm ở vùng nào thì được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng ở vùng đó.
3. Phương pháp khảo nghiệm và phân vùng khảo nghiệm giống cây trồng được quy định tại tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp khảo nghiệm đối với loài cây trồng khảo nghiệm.
4. Vườn cây của giống cây trồng lâu năm do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký công nhận lưu hành thiết lập phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp khảo nghiệm giống cây trồng được sử dụng để đánh giá các chỉ tiêu cần thiết.
5. Khảo nghiệm diện hẹp và khảo nghiệm diện rộng được tiến hành đồng thời.
6. Phương pháp giải trình tự gen được sử dụng thay thế phương pháp khảo nghiệm tính khác biệt để kiểm tra tính đúng giống.
7. Trước khi khảo nghiệm giống cây trồng biến đổi gen phải thực hiện đánh giá rủi ro theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.
Điều 20. Lưu mẫu giống cây trồng
1. Mẫu giống cây trồng khi đăng ký công nhận lưu hành giống cây trồng phải được lưu trong suốt quá trình khảo nghiệm và lưu hành giống cây trồng (sau đây gọi là mẫu lưu) do cơ quan quản lý chuyên ngành về trồng trọt quản lý.
2. Việc lưu mẫu giống cây trồng được thực hiện theo một trong các hình thức sau đây:
a) Lưu vật liệu nhân giống cây trồng;
b) Lưu giải trình tự gen của giống cây trồng;
c) Lưu vật liệu nhân giống cây trồng và giải trình tự gen của giống cây trồng.
3. Mẫu lưu được sử dụng trong trường hợp sau đây:
a) Làm giống khảo nghiệm, giống đối chứng, giống tương tự, giống điển hình trong khảo nghiệm;
b) Thử nghiệm, kiểm tra chất lượng giống cây trồng;
c) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp về giống cây trồng.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.
Điều 21. Cấp, cấp lại, hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng
1. Điều kiện cấp Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng bao gồm:
a) Người trực tiếp phụ trách khảo nghiệm có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về cây trồng, bảo vệ thực vật, sinh học;
b) Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phù hợp để thực hiện khảo nghiệm theo tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm giống cây trồng đối với loài cây trồng được khảo nghiệm.
2. Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng được cấp lại trong trường hợp sau đây:
a) Bị mất, hư hỏng;
b) Thay đổi, bổ sung thông tin liên quan đến tổ chức khảo nghiệm trong Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng.
3. Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng bị hủy bỏ trong trường hợp sau đây:
a) Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung ghi trong Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng;
b) Phát hiện giấy tờ giả, thông tin không trung thực trong hồ sơ đăng ký công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng;
c) Tổ chức khảo nghiệm có hành vi vi phạm mà pháp luật quy định phải hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng;
d) Không còn đáp ứng được một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động khảo nghiệm giống cây trồng mà còn tái phạm.
4. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng.
Mục 4. SẢN XUẤT VÀ BUÔN BÁN GIỐNG CÂY TRỒNG
Điều 22. Điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng;
b) Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.
2. Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có địa điểm giao dịch hợp pháp và bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 23. Sản xuất giống cây trồng
1. Sản xuất giống cây trồng được thực hiện theo phương pháp nhân giống hữu tính và phương pháp nhân giống vô tính theo tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.
2. Cây, vườn cây cung cấp vật liệu phục vụ nhân giống vô tính, hạt lai đa dòng đối với cây ăn quả lâu năm, cây công nghiệp lâu năm phải được cấp Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng theo quy định tại Điều 24 của Luật này.
Điều 24. Cấp, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng
1. Cây được cấp Quyết định công nhận cây đầu dòng sau khi được bình tuyển theo tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng cây đầu dòng. Trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia, cơ quan quản lý chuyên ngành về trồng trọt ban hành tiêu chuẩn cơ sở để áp dụng.
2. Vườn cây được cấp Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng sau khi được thẩm định theo tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng vườn cây đầu dòng. Trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia, cơ quan quản lý chuyên ngành về trồng trọt ban hành tiêu chuẩn cơ sở để áp dụng.
3. Chất lượng cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng được quản lý theo tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng bị đình chỉ hiệu lực khi cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng không còn đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng.
5. Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng được phục hồi hiệu lực khi chất lượng của cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng.
6. Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng bị hủy bỏ khi đã bị đình chỉ hiệu lực theo quy định tại khoản 4 Điều này mà không được phục hồi hiệu lực theo quy định tại khoản 5 Điều này.
7. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng.
Mục 5. QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG GIỐNG CÂY TRỒNG
Điều 25. Yêu cầu chung về quản lý chất lượng giống cây trồng
1. Quản lý chất lượng giống cây trồng bao gồm quản lý chất lượng giống và quản lý chất lượng vật liệu nhân giống theo quy định của Luật này và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
2. Chất lượng giống cây trồng được quản lý theo tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở đối với từng loài cây trồng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 và điểm b khoản 1 Điều 17 của Luật này.
3. Chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng được quản lý như sau:
a) Vật liệu nhân giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính là sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng chính được quản lý trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng và tiêu chuẩn do người sản xuất, nhập khẩu công bố áp dụng;
b) Vật liệu nhân giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính là sản phẩm, hàng hóa nhóm 1 theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn về chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng do tổ chức, cá nhân công bố áp dụng.
Điều 26. Kiểm định ruộng giống, lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng
1. Kiểm định ruộng giống được thực hiện trong quá trình sản xuất giống cây trồng theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp kiểm định ruộng giống, do người được tập huấn nghiệp vụ thực hiện.
2. Lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp lấy mẫu giống cây trồng, do người được tập huấn nghiệp vụ thực hiện.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.
Điều 27. Ghi nhãn và quảng cáo giống cây trồng
1. Ghi nhãn và quảng cáo giống cây trồng thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về thương mại, quảng cáo.
2. Nội dung ghi nhãn và quảng cáo giống cây trồng phải phù hợp với thông tin đã công bố trong hồ sơ đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoặc nội dung tự công bố lưu hành giống cây trồng.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lịch phát thanh hàng ngày

- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7): + Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã. + Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; + Từ 6h00 phút đến...

Thống kê
  • Đang truy cập111
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm97
  • Hôm nay25,493
  • Tháng hiện tại719,497
  • Tổng lượt truy cập34,250,216
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây