MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ: 66/2021/NĐ-CP VỀ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ LUẬT ĐÊ ĐIỀU

Thứ hai - 08/08/2022 15:52
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 3
TÌNH HUỐNG KHẨN CẤP VỀ THIÊN TAI; CÁC LOẠI DỰ ÁN KHẨN CẤP PHÒNG, CHỐNG, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI

Điều 12. Tình huống khẩn cấp về thiên tai
1. Tình huống khẩn cấp về thiên tai là các tình huống thiên tai đã hoặc đang xảy ra đã gây ảnh hưởng hoặc có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân và các công trình đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, công trình hạ tầng quan trọng đang sử dụng như sân bay, đường sắt, đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, bến cảng quốc gia, hệ thống lưới cao thế từ 66KV trở lên, các khu di tích lịch sử cấp quốc gia, trường học, bệnh viện từ tuyến huyện trở lên, trụ sở các cơ quan từ cấp huyện trở lên, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cần tổ chức triển khai ngay các biện pháp ứng phó khẩn cấp để kịp thời ngăn chặn hậu quả và khắc phục nhanh hậu quả, được công bố bằng quyết định của người có thẩm quyền.
2. Nội dung quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gồm các thông tin chính sau:
a) Diễn biến, phạm vi ảnh hưởng của thiên tai hoặc sự cố; sự cố công trình phòng, chống thiên tai hoặc sự cố công trình xây dựng ảnh hưởng do thiên tai; mức độ hư hỏng đối với công trình; thiệt hại hoặc nguy cơ gây thiệt hại có thể xảy ra, đặc biệt liên quan đến an toàn về người;
b) Các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai hoặc sự cố công trình gây ra;
c) Phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện ứng phó và khắc phục hậu quả.
3. Thẩm quyền và trình tự công bố quyết định tình huống khẩn cấp và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai quy định tại khoản 1 Điều này xảy ra trên địa bàn cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai;
b) Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai quy định tại khoản 1 Điều này xảy ra đối với công trình, cơ sở hạ tầng thuộc phạm vi quản lý. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm tham mưu cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai;
c) Trường hợp thiên tai nghiêm trọng xảy ra trên diện rộng, vượt quá khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả của bộ, ngành, địa phương, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai;
d) Căn cứ diễn biến thiên tai hoặc kết quả khắc phục sự cố, cơ quan tham mưu trình người có thẩm quyền ban hành quyết định công bố kết thúc tình huống khẩn cấp thiên tai;
đ) Trách nhiệm ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong tình huống khẩn cấp: Thực hiện theo nguyên tắc quy định tại các Điều 7, 8, 9, 10 Nghị định này và phân công tại Quyết định công bố tình huống khẩn cấp. Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để ứng phó với tình huống khẩn cấp về thiên tai thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý.
4. Các biện pháp được áp dụng trong tình huống khẩn cấp:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm huy động các nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Các biện pháp chính gồm:

a) Huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ, cứu nạn; tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn; nhanh chóng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm; bố trí đảm bảo hậu cần cho nhân dân tại nơi sơ tán;
b) Tổ chức việc tiếp nhận, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân; huy động các cơ sở khám chữa bệnh tham gia cứu chữa cho người bị nạn;
c) Cấp phát miễn phí lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để giúp nhân dân xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, ổn định đời sống nhân dân trong quá trình ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai;
d) Huy động mọi nguồn lực (bao gồm cả nguồn lực từ Quỹ phòng, chống thiên tai) để xử lý khẩn cấp sự cố công trình phòng chống thiên tai, sự cố công trình xây dựng do thiên tai;
đ) Các biện pháp cần thiết khác;
e) Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của các bộ, ngành, địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ theo thẩm quyền.
Điều 13. Dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai
1. Dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai là dự án cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc xử lý kịp thời hậu quả do thiên tai gây ra khi có các tình huống khẩn cấp hoặc tình trạng khẩn cấp về thiên tai theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
2. Dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai được quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện theo quy định tại Điều 130 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại khoản 48 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, khoản 6 Điều 18, Điều 42 Luật Đầu tư công, Điều 58 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng và các quy định liên quan của pháp luật về xây dựng, đầu tư công và đấu thầu; được giao hoặc áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu để lựa chọn nhà thầu.
Mục 4
HOẠT ĐỘNG KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI; HUY ĐỘNG, QUYÊN GÓP VÀ PHÂN BỔ NGUỒN LỰC CỨU TRỢ, HỖ TRỢ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI

Điều 14. Nguyên tắc thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai
1. Chủ động sử dụng nguồn lực tại chỗ để khắc phục hậu quả thiên tai, trường hợp vượt quá khả năng cân đối của bộ, ngành, địa phương, báo cáo, đề xuất gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai để tổng hợp, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ.
2. Đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
3. Ưu tiên hỗ trợ dân sinh, phục hồi sản xuất và khắc phục khẩn cấp công trình phòng, chống thiên tai và công trình xây dựng thiết yếu.
4. Khôi phục, sửa chữa, xây dựng lại đảm bảo bền vững hơn.
Điều 18. Hỗ trợ về hàng hóa, dân sinh khắc phục hậu quả thiên tai
1. Hàng hóa thuộc dự trữ quốc gia
Việc phân phối, hỗ trợ hàng hóa thuộc dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng hóa dự trữ quốc gia.

2. Hỗ trợ về dân sinh
a) Hỗ trợ về dân sinh bao gồm hỗ trợ về lương thực, hỗ trợ chi phí điều trị cho người bị thương nặng, hỗ trợ chi phí mai táng cho hộ gia đình có người chết, mất tích do thiên tai;
b) Đối tượng được hỗ trợ gồm người dân, hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai;
c) Mức hỗ trợ, quy trình, thủ tục hỗ trợ thực hiện theo quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
3. Hỗ trợ về nhà ở bị thiệt hại do thiên tai
a) Đối tượng được hỗ trợ gồm người dân, hộ gia đình có nhà ở bị thiệt hại do thiên tai theo quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;
b) Mức hỗ trợ, cơ chế hỗ trợ, trình tự, thủ tục hỗ trợ thực hiện theo quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; trường hợp thiên tai gây thiệt hại lớn về nhà ở, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Điều 19. Hỗ trợ khẩn cấp di dời dân cư
1. Căn cứ quyết định tình huống khẩn cấp về thiên tai tại Điều 12 Nghị định này, Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp triển khai hỗ trợ khẩn cấp di dời dân cư, đảm bảo kịp thời, an toàn tính mạng cho người dân.
2. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã huy động lực lượng xung kích phòng chống thiên tai và các lực lượng tại chỗ rà soát, xác định số hộ cần di dời khẩn cấp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp. Ủy ban nhân dân cấp xã chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc xác minh, báo cáo kịp thời Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện về số hộ cần di dời khẩn cấp và nhu cầu hỗ trợ di dời.
3. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện tổng hợp về số hộ cần di dời khẩn cấp và nhu cầu hỗ trợ di dời, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Căn cứ quy định Luật Đất đai, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và các quy định hiện hành, Ủy ban nhân dân cấp huyện giao đất, bố trí chỗ ở cho các hộ dân cần di dời; quyết định huy động kinh phí, lực lượng, trang thiết bị, vật tư và các tổ chức, cá nhân liên quan theo thẩm quyền để triển khai thực hiện. Trường hợp vượt quá khả năng, Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo, đề xuất Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh.
4. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh tổng hợp nhu cầu các huyện, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Căn cứ quy định Luật Đất đai, Luật Trưng mua trưng dụng và các quy định hiện hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đất, bố trí nơi ở cho các hộ dân cần di dời; quyết định huy động kinh phí, lực lượng, trang thiết bị, vật tư và các tổ chức, cá nhân liên quan theo thẩm quyền để hỗ trợ di dời. Trường hợp vượt quá khả năng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời xử lý.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh huy động các nguồn lực hợp pháp và quy định trình tự chi tiết, tổ chức thực hiện phù hợp với đặc thù của địa phương.
Điều 20. Vận động, quyên góp và phân bổ nguồn lực
1. Vận động, quyên góp và phân bổ nguồn lực trong nước
Việc tổ chức huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực trong nước theo quy định tại Điều 11, Điều 33 Luật Phòng chống thiên tai, khoản 19 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

2. Huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực quốc tế
Việc huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực quốc tế để cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai được thực hiện theo các quy định về quản lý và sử dụng viện trợ phát triển chính thức, viện trợ phi chính phủ nước ngoài; quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai.

Mục 5. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI, TỔ CHỨC QUỐC TẾ THAM GIA HOẠT ĐỘNG ỨNG PHÓ VÀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI TẠI VIỆT NAM
Điều 22. Đăng ký hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam
1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế trước khi vào Việt Nam thực hiện hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai lập 01 hồ sơ đăng ký, gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Hồ sơ đăng ký bao gồm:
a) Đơn đăng ký hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam, trong đó bao gồm các nội dung: Tên tổ chức, cá nhân; mục đích của hoạt động; thời gian, địa điểm dự kiến thực hiện (theo mẫu Phụ lục I);
b) Danh mục hàng hóa, vật tư, trang thiết bị hỗ trợ và các văn bản khác có liên quan (nếu có, theo mẫu Phụ lục II);
c)  Danh sách người tham gia (theo mẫu Phụ lục III).
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Tổng cục Phòng chống thiên tai hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.
2. Trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Tổng cục Phòng, chống thiên tai) có trách nhiệm thông báo kết quả xử lý hồ sơ đến tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đăng ký và các cơ quan liên quan.
Điều 23. Nhập cảnh, xuất cảnh; thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu đối với phương tiện, trang thiết bị, hàng hóa phòng chống thiên tai chuyên dùng phục vụ hoạt động ứng phó khẩn cấp và tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai.
1. Người được phép đến Việt Nam hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai được làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh ưu tiên tại các cửa khẩu; trường hợp ứng phó khẩn cấp, nếu chưa có thị thực, được cấp thị thực tại cửa khẩu.
2. Phương tiện, trang thiết bị, hàng hóa được phép nhập khẩu, tái xuất sau khi hoàn thành hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ thiên tai được ưu tiên làm thủ tục thông quan tại các cửa khẩu.
Điều 24. Lưu trú đối với người nước ngoài tham gia hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam
1. Người được phép đến Việt Nam hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai được hướng dẫn nơi ở, làm việc và thủ tục tạm trú phù hợp với điều kiện cụ thể.
2. Cơ quan, địa phương tiếp nhận hỗ trợ có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục đăng ký tạm trú, nơi ở và làm việc cho các cá nhân, tổ chức đến Việt Nam hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Mục 7. CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG XUNG KÍCH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI CẤP XÃ
 Điều 33. Chế độ tiền lương, tiền công đối với người tham gia lực lượng xung kích được huy động tập huấn, huấn luyện, diễn tập và làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai
1. Người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian được huy động làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tham gia tập huấn, huấn luyện, diễn tập được hưởng trợ cấp ngày công lao động như sau:
a) Đối với người được huy động tập huấn, huấn luyện, diễn tập: Mức trợ cấp theo ngày được huy động không thấp hơn 59.600 đồng;
b) Đối với người được huy động làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai: Mức trợ cấp ngày công lao động mỗi người mỗi ngày không thấp hơn 119.200 đồng;
c) Nếu huấn luyện, diễn tập và làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai vào ban đêm (từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau) được tính gấp đôi mức trợ cấp quy định tại điểm này;
d) Khi tập trung, tập huấn, huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi, về hàng ngày thì được bố trí nơi ăn, nghỉ, hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi và về như cán bộ, công chức cấp xã; được hỗ trợ tiền ăn theo mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định, nhưng không thấp hơn 57.000 đồng.
Cấp nào huy động thì cấp đó bảo đảm chi trả.
2. Người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian được huy động, tập huấn, huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai theo quyết định của cấp có thẩm quyền được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc trả nguyên lương, các khoản phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe.
a) Trường hợp người lao động hợp đồng trong thời gian tham gia tập huấn, huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ tiền lương, phụ cấp theo quy định;
b) Chi phí cho các khoản nói trên được tính vào ngân sách chi hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
3. Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ, công an xã được huy động huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.
Điều 34. Chế độ khám chữa bệnh, trợ cấp tai nạn, trợ cấp tiền tuất đối với trường hợp tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội
1. Điều kiện được hưởng: Người tham gia lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương, bị chết trong thời gian thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tham gia huấn luyện, diễn tập phòng chống thiên tai và các nhiệm vụ khác theo sự điều động của cấp có thẩm quyền. Trường hợp bị ốm, bị tai nạn, bị chết do cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân, sử dụng các chất kích thích, chất ma túy, chất gây nghiện thì không được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Chế độ khám chữa bệnh, trợ cấp tai nạn, trợ cấp tiền tuất cho người tham gia lực lượng xung kích phòng chống thiên tai thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế: Được hưởng chế độ về ốm đau, tai nạn lao động, tử tuất theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (thời gian tính từ khi được huy động, bắt đầu đi thực hiện nhiệm vụ đến khi hoàn thành, về đến nơi cư trú hoặc từ khi được huy động, bắt đầu đi thực hiện nhiệm vụ đến khi bị tai nạn, hoặc chết).
Điều 35. Chế độ khám chữa bệnh, trợ cấp tai nạn, trợ cấp tiền tuất đối với trường hợp chưa tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội
1. Điều kiện được hưởng: Người tham gia lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương, bị chết trong thời gian thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tham gia huấn luyện, diễn tập phòng chống thiên tai và các nhiệm vụ khác theo sự điều động của cấp có thẩm quyền. Trường hợp bị ốm, bị tai nạn, bị chết do cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân, sử dụng các chất kích thích, chất ma túy, chất gây nghiện thì không được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định tại khoản 2, 3 Điều này.
2. Mức hưởng cho người tham gia lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã không tham gia bảo hiểm y tế nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương
Chi phí khám bệnh, chữa bệnh như mức hưởng bảo hiểm y tế cho hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ. Trong thời gian điều trị nội trú được bảo đảm tiền ăn bệnh lý. Trường hợp người tham gia lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã đang điều trị nội trú, nhưng hết thời gian làm nhiệm vụ thì được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và tiền ăn bệnh lý nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu hết 15 ngày bệnh vẫn chưa ổn định thì điều trị đến khi ổn định và được thanh toán 100% tiền khám, chữa bệnh.
3. Mức hưởng cho người tham gia lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã không tham gia bảo hiểm xã hội nếu bị tai nạn, bị chết
a) Trợ cấp tai nạn: Trong thời gian điều trị tai nạn được hưởng như quy định tại khoản 2 Điều này kể cả trường hợp vết thương tái phát cho đến khi xuất viện. Trường hợp tai nạn làm suy giảm khả năng lao động 5% thì được hưởng 7.450.000 đồng; sau đó, cứ suy giảm 1% thì được hưởng thêm 745.000 đồng;
b) Trợ cấp tiền tuất: Trường hợp bị chết, bị tai nạn dẫn đến chết thì thân nhân được trợ cấp tiền tuất bằng 53.640.000 đồng; người lo mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 14.900.000 đồng;
c) Trường hợp bị ốm đau dẫn đến chết: Thân nhân được trợ cấp tiền tuất bằng 7.450.000 đồng; người lo mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 14.900.000 đồng.
4. Trình tự, thủ tục
a) Tiếp nhận hồ sơ:
Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ đề nghị của người tham gia lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã hoặc người đại diện hợp pháp. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị, Ủy ban nhân dân cấp xã lập 01 bộ hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đối với trường hợp bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết, trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Ủy ban nhân dân cấp huyện lập 01 bộ hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Đối với trường hợp không đủ điều kiện, hóa đơn, giấy tờ theo quy định hoặc không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã phải có văn bản hướng dẫn gửi người nộp đơn để bổ sung, hoàn thiện;
b) Quyết định hỗ trợ, trợ cấp:
Đối với chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định hỗ trợ kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.
Đối với kinh phí trợ cấp tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định trợ cấp tai nạn, bị chết cho người tham gia lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã;
c) Chi trả hỗ trợ, trợ cấp:
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định trợ cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện chi trả chi phí khám chữa bệnh, tiền trợ cấp cho đối tượng được hưởng. Việc chi trả bằng hình thức chuyển khoản hoặc qua đường bưu chính hoặc trực tiếp nhận ở cấp xã.
5. Hồ sơ đề nghị
a) Hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh:
Người tham gia lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã hoặc người đại diện hợp pháp lập 01 bộ hồ sơ gửi Ủy ban nhân dân xã, hồ sơ gồm đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này, phiếu xét nghiệm, đơn thuốc, hóa đơn thu tiền, giấy xuất viện.
Ủy ban nhân dân cấp xã lập 01 bộ hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện, hồ sơ gồm tờ trình kèm theo hồ sơ hợp lệ quy định tại điểm a khoản 5 Điều này;
b) Trợ cấp tai nạn:
Người tham gia lực lượng xung kích phòng chống tiên tai cấp xã hoặc người đại diện hợp pháp lập 01 bộ hồ sơ gửi Ủy ban nhân dân cấp xã, hồ sơ gồm đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này; giấy ra viện; trích sao hồ sơ bệnh án hoặc bản sao giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế nơi đã cấp cứu, điều trị; biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của hội đồng giám định y khoa bệnh viện cấp tỉnh và tương đương trở lên trong trường hợp tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên. Trường hợp bị tai nạn giao thông thì có thêm biên bản điều tra của cơ quan công an.
Ủy ban nhân dân cấp xã lập 01 bộ hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện, hồ sơ gồm tờ trình và hồ sơ hợp lệ quy định tại điểm b khoản 5 Điều này.
Trường hợp tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên Ủy ban nhân dân huyện lập 01 bộ hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh, hồ sơ gồm tờ trình kèm theo hồ sơ hợp lệ quy định tại điểm b khoản 5 Điều này;
c)  Trợ cấp tiền tuất:
Người tham gia lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã hoặc người đại diện hợp pháp lập 01 bộ hồ sơ gửi Ủy ban nhân dân cấp xã, hồ sơ gồm đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này; giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án hoặc bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử. Trường hợp bị tai nạn giao thông dẫn đến chết thì có thêm biên bản điều tra của cơ quan công an.
Ủy ban nhân dân cấp xã lập 01 bộ hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện, hồ sơ gồm tờ trình và hồ sơ hợp lệ quy định tại điểm c khoản 5 Điều này.
Ủy ban nhân dân cấp huyện lập 01 bộ hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hồ sơ gồm tờ trình và hồ sơ hợp lệ quy định tại điểm c khoản 5 Điều này.
6. Kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã
Ủy ban nhân dân cấp huyện bảo đảm đối với người không tham gia bảo hiểm y tế nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bảo đảm đối với người không tham gia bảo hiểm xã hội bị tai nạn, bị chết.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập255
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm249
  • Hôm nay41,590
  • Tháng hiện tại41,590
  • Tổng lượt truy cập41,187,044
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây