Quyết định số 3054/QĐ-UBND ngày 23/9/2021 của UBND tỉnh
Thứ hai - 04/10/2021 13:40
Quyết định số 3054/QĐ-UBND ngày 23/9/2021 của UBND tỉnh về việc Quy định việc lưu thông, hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp; phòng chống thiên tai trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Điều 1. Quy định việc lưu thông, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp và hoạt động phòng chống thiên tai trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo từng cấp độ nguy cơ. Cụ thể như sau:
A. Đối với địa bàn thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ:
Tiếp tục áp dụng biện pháp theo quy định tại Quyết định số 3986/QĐ-BYT và Công điện số 1168/CĐ-BYT; Công văn số 1462/UBND-NCVX ngày 04/8/2021 của UBND tỉnh. Cụ thể:
1. Điều kiện chung:
a) Người đi đường phải có Giấy đi đường do cấp có thẩm quyền cấp kèm theo giấy tờ tùy thân.
b) Thực hiện nghiêm quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế).
c) Đeo tấm che giọt bắn khi giao dịch, tiếp xúc với người khác.
d) Thực hiện di chuyển theo nguyên tắc “1 cung đường - 2 điểm đến” đối với các hoạt động vận chuyển, giao dịch.
đ) Đối với các cơ sở sản xuất, công trường: Các doanh nghiệp, chủ đầu tư, nhà thầu không được sử dụng lao động ở địa bàn đang thực hiện cách ly xã hội (phong tỏa) theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Trước khi tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, người lao động phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh (test nhanh) kháng nguyên âm tính với Sar-CoV-2 trong thời gian 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu và phải được xét nghiệm lại với tần suất 5 ngày/lần (kể cả người cung cấp dịch vụ); ưu tiên bố trí những người đã tiêm vắc-xin, sau đó mới bố trí những lao động khác; đảm bảo “3 tại chỗ” hoặc đảm bảo ăn, ở tập trung và thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến”.
e) Người ở các địa phương có nguy cơ rất cao (đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg) không được di chuyển đến các địa bàn có nguy cơ thấp hơn. Trừ những trường hợp đặc biệt được sự đồng ý của UBND cấp huyện đối với trường hợp di chuyển trong địa bàn nội huyện, thành phố, thị xã; được sự đồng ý của UBND tỉnh đối với trường hợp di chuyển giữa các địa phương. Người có lịch đi tiêm phòng Vắc xin Covid-19 phải tuân thủ nghiêm 5K, 1 cung đường 2 điểm đến, không cần xin cấp giấy đi đường khi đi tiêm phòng.
2. Các điều kiện cụ thể:
a) Đối với nhà máy, cơ sở sản xuất: Bố trí tối đa 50% người làm việc; Chủ doanh nghiệp phải xây dựng và tổ chức thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” tại doanh nghiệp hoặc đảm bảo ăn, ở tập trung và thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến”, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thực hiện các quy định tại Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 và Công văn số 5522/BYT-MT ngày 12/7/2021 của Bộ Y tế; phải được cơ quan Y tế đồng ý về các biện pháp phòng chống dịch (Sở Y tế đối với cơ sở, nhà máy bố trí từ 200 công nhân trở lên; Phòng Y tế cấp huyện tham mưu UBND cấp huyện chấp thuận đối với cơ sở, nhà máy bố trí dưới 200 công nhân).
b) Công trình giao thông, xây dựng, công trình cấp bách, đầu tư công: Bố trí tối đa 50% người làm việc; Chủ đầu tư, nhà thầu, các doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực xây dựng như tư vấn, giám sát… phải xây dựng và tổ chức thực hiện phương án thi công “3 tại chỗ” tại công trình hoặc ăn ở tập trung và thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến”; đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi hoạt động, thực hiện các quy định tại Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 và Công văn số 5522/BYT-MT ngày 12/7/2021 của Bộ Y tế. Các công trình nhà ở riêng lẻ, tư nhân tiếp tục tạm dừng tất cả các hoạt động cho đến khi có thông báo mới.
c) Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng dầu; điện; nước, nhiên liệu….) ngân hàng, kho bạc, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa: Bố trí không quá 50% số người làm việc (Đối với nhân viên đi lại, giao dịch nhiều nơi, phải xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh âm tính với Sar-CoV-2 trong thời gian 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu).
d) Các hoạt động sản xuất nông nghiệp (bao gồm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản):
- Người dân được phép lao động, sản xuất theo hộ gia đình hoặc nhóm hộ tại địa phương và phải thực hiện nghiêm quy định 5K.
- Đối với khai thác hải sản ven bờ (đi, về trong ngày): Được phép đi đánh bắt hải sản theo hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình và phải thực hiện nghiêm quy định 5K. Các chủ tàu đăng ký hoạt động với UBND cấp xã nơi cư trú. UBND cấp xã nơi cư trú có trách nhiệm rà soát các trường hợp đủ điều kiện thông báo với các Tổ kiểm soát Covid-19 ở vùng cửa sông nơi tàu xuất bến để theo dõi, quản lý.
- Đối với tàu cá đi khai thác biển xa, đi khai thác dài ngày: Người đi trên tàu phải được xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh âm tính với Sar-CoV-2 trong thời gian 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu trước khi xuất bến (có thể sử dụng kết quả xét nghiệm toàn dân do UBND cấp xã xác nhận), cập cảng bốc dỡ hàng, người rời tàu lên bờ.
- Đối với tàu cá cập cảng: Người đi trên tàu phải thực hiện xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh âm tính với Sar-CoV-2 trước khi tham gia các hoạt động tại cảng, người rời tàu lên bờ.
- Nhân viên thị trường, thương lái của các đơn vị phải đảm bảo quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Mục này và phải xét nghiệm RT-PCR hoặc kết quả test nhanh âm tính với Sar-CoV-2 trong thời gian 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu; người điều khiển phương tiện vận chuyển và những người cùng đi trên phương tiện phải thực hiện theo quy định của ngành Giao thông Vận tải trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19 (luồng xanh, mã QR Code); mỗi điểm thu mua nông sản bố trí 02 người/nhóm và không quá 03 nhóm/01điểm thu mua; giữa các nhóm phải đảm bảo giãn cách theo quy định.
đ) Đối với ngư dân thực hiện công tác phòng chống thiên tai, bảo vệ tàu thuyền: Phải đảm bảo quy định tại điểm a, b, d khoản 1 Mục này và có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh âm tính với Sar-CoV-2 trong thời gian 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu (có thể sử dụng kết quả xét nghiệm toàn dân của địa phương còn hiệu lực) trước khi rời khỏi địa phương đến nơi tàu thuyền đang neo đậu, số lượng không quá 2 người/phương tiện. Lưu ý, khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền.
e) Hoạt động của cảng biển, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá: Các doanh nghiệp, Ban quản lý phải xây dựng phương án tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại cảng biển, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, thực hiện các quy định tại Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 và Công văn số 5522/BYT-MT ngày 12/7/2021 của Bộ Y tế. Bố trí tối đa 50% số người làm việc.
ê) Hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ bổ trợ doanh nghiệp (đăng kiểm; kiểm toán; đăng ký giao dịch bảo đảm; bảo hiểm; bảo vệ chuyên nghiệp): Bố trí tối đa 2 người làm việc, riêng đăng kiểm được bố trí tối đa 3 người/ca làm việc.
g) Hoạt động của dịch vụ bổ trợ tư pháp (công chứng; luật sư; thừa phát lại; trọng tài thương mại; tư vấn pháp luật; quản lý, thanh lý tài sản; tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc): Bố trí tối đa 02 người/ca làm việc.
h) Hoạt động vệ sinh môi trường; chăm sóc cây xanh đô thị; xử lý sự cố, bảo trì, duy tu, sửa chữa hệ thống: điện, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, thông tin, viễn thông, cầu và đường bộ phải đảm bảo thông suốt, được bố trí nhân lực theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
i) Hoạt động của các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng và dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa điện, nước dân sinh: Bố trí tối đa 02 người làm việc. Riêng cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng được bố trí thêm tối đa 02 người để bốc dỡ hàng hóa/ca làm việc. Hoạt động vận chuyển xây dựng từ cơ sở sản xuất, kinh doanh đến công trình xây dựng phải đảm bảo tuân thủ “1 cung đường - 2 điểm đến”; phương tiện và những người trên phương tiện vận chuyển thực hiện theo quy định của ngành Giao thông Vận tải trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19 (luồng xanh, mã QR Code).
k) Hoạt động của các doanh nghiệp vận chuyển, cung ứng hàng hóa: Thực hiện theo theo hướng dẫn của ngành Giao thông Vận tải trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19 (luồng xanh, mã QR Code).
l) Hoạt động của những người giao nhận hàng hoá và những người giao hàng công nghệ (gọi chung là shipper): Phải mặc trang phục bảo hộ theo quy định, đeo khẩu trang y tế đạt chuẩn, tấm che giọt bắn (khi giao nhận hàng hóa trực tiếp), găng tay và khử khuẩn tay bằng nước sát khuẩn khi tham gia giao thông, phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh âm tính với Sar-Cov-2 trong thời gian 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu và phải được xét nghiệm lại với tần suất 5 ngày/lần. Việc giao hàng đến các địa bàn đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg chỉ được thực hiện giao, nhận tại Chốt kiểm soát Covid-19, các Chốt kiểm soát thông báo cho người nhận hàng đến tại chốt để giao nhận, thanh toán và phải thực hiện nghiêm ngặt quy định 5K.
m) Hoạt động của các chợ theo hướng dẫn của ngành Công Thương.
n) Hoạt động tang lễ và dịch vụ tang lễ: Không để đám tang quá 48 tiếng, chỉ tổ chức tang lễ trong phạm vi gia đình, không quá 20 người, không tổ chức các đoàn viếng; chỉ sử dụng phương tiện ô tô để đưa tang, trong trường hợp đoàn xe ra khỏi tỉnh phải có xác nhận của chính quyền cấp xã.
3. Các nhà máy, xí nghiệp, các hoạt động sản xuất, kinh doanh khi không đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch Covid-19 phải dừng hoạt động để khắc phục các thiếu sót, tồn tại đến khi đảm bảo an toàn mới được hoạt động trở lại.
4. Hoạt động phòng chống thiên tai:
- Các thành viên tham gia phòng chống thiên tai phải đảm bảo yêu cầu tại các điểm a, b, c Khoản 1 Mục này, ưu tiên những người đã tiêm Vắc-xin phòng Covid-19, có xét nghiệm RT-PCR hoặc kết quả test nhanh âm tính với Sar-CoV-2 trong thời gian 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu (Có thể sử dụng kết quả xét nghiệm toàn dân còn hiệu lực).
- Khi chưa có tình huống thiên tai, tại các Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, các sở, ngành: Bố trí tối đa 03 người làm việc (có đổi ca).
- Khi có tình huống thiên tai theo Công điện của Trung ương hoặc Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh hoặc UBND tỉnh: Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, các sở, ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp chủ động quyết định cấp Giấy đi đường, bố trí nhân lực đảm bảo công tác phòng chống thiên tai. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các cấp chủ động quyết định cấp Giấy đi đường đối với cán bộ thuộc Văn phòng.
B. Đối với địa bàn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ:
1. Tạm đình chỉ các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn, cụ thể: rạp chiếu phim, sân vận động, các sân chơi thể thao, sân golf, võ thuật, thể dục thẩm mỹ, phòng gym, phòng yoga, bóng đá và các cơ sở luyện tập thể thao công cộng, cửa hàng internet, trò chơi điện tử, karaoke, xông hơi, mát xa, thẩm mỹ, quán bar, vũ trường, các tụ điểm vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống trên vỉa hè, nơi công cộng.
2. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh được phép hoạt động: Các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (trừ các cơ sở nêu tại khoản 1 Mục này) được hoạt động nhưng phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch như: 5K, trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và đảm bảo giãn cách khi tiếp xúc; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được bán mang đi, mang về.
3. Điều kiện hoạt động:
a) Thực hiện nghiêm quy định 5K.
b) Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trường:
- Các doanh nghiệp, chủ đầu tư, nhà thầu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng như tư vấn, giám sát… không được sử dụng lao động ở địa bàn đang cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, trường hợp nhu cầu cấp thiết sử dụng người ở các vùng nêu trên, phải đảm bảo thời gian cách ly theo quy định mới được tham gia sản xuất.
- Xây dựng phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 và Công văn số 5522/BYT-MT ngày 12/7/2021 của Bộ Y tế. Doanh nghiệp chủ động quyết định số lượng công nhân làm việc trên cơ sở đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại đơn vị.
- Trước khi tham gia làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động ở những địa bàn mới chuyển trạng thái từ cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg sang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc hoặc test nhanh âm tính với Sar-CoV-2 trong thời gian 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu.
4. Hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình và phải thực hiện nghiêm quy định 5K. Những người trên tàu cá đi khai thác hải sản vùng biển xa, tàu từ các địa phương khác cập bến phải được test nhanh với Sar-CoV-2 trước khi tham gia các hoạt động tại cảng cá, rời tàu lên bờ.
5. Hoạt động của các chợ theo hướng dẫn của Sở Công Thương.
6. Tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng đảm bảo giảm, giãn, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải, nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải như: hành khách và lái xe phải đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, xà phòng, dung dịch sát khuẩn để rửa tay cho hành khách.
C. Đối với địa bàn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ:
1. Tiếp tục tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu có nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid - 19 trên địa bàn tỉnh gồm: các rạp chiếu phim, vũ trường, cơ sở làm đẹp, phòng tập gym, phòng tập yoga, karaoke, mát-xa, quán bar, khu vui chơi giải trí, tiệm games, internet công cộng, sân golf, dịch vụ ăn uống trên vỉa hè, nơi công cộng.
2. Các hoạt động sản xuất kinh doanh được hoạt động trở lại phải thực hiện nghiêm quy định 5K. Không được sử dụng lao động ở địa bàn đang cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, trường hợp nhu cầu cấp thiết sử dụng người ở các vùng nêu trên, phải đảm bảo thời gian cách ly theo quy định mới được tham gia sản xuất.
3. Các nhà hàng, quán ăn, dịch vụ giải khát phục vụ ăn uống tại chỗ giảm 50% công suất phục vụ, trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc theo quy định.
4. Hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải; vận chuyển khách nội tỉnh được hoạt động, nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải như: hành khách và lái xe phải đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, xà phòng, dung dịch sát khuẩn để rửa tay cho hành khách.
5. Nhà máy, cơ sở sản xuất phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động; tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại đơn vị theo quy định và cập nhật trên hệ thống antoancovid.vn.
6. Đối với tàu cá cập cảng, trừ tàu cá khai thác hải sản ven bờ (đi về trong ngày), người đi trên tàu phải được kiểm tra y tế trước khi tham gia các hoạt động ở cảng cá, người rời tàu lên bờ. Trong trường hợp cần thiết, phải thực hiện test nhanh kháng nguyên với Sar-CoV-2.
D. Hoạt động sản xuất kinh doanh ở những vùng sản xuất trong điều kiện bình thường mới:
Thực hiện theo sổ tay hướng dẫn phòng chống Covid-19 tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới.
Điều 2. Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện:
1. Rà soát, tiếp nhận đăng ký, phê duyệt, cấp Giấy đi đường, mã QR code (luồng xanh trong hoạt động giao thông vận tải) cho các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền quy định. Theo chức năng nhiệm vụ, tuyên truyền, hướng dẫn, nắm tình hình, kịp thời phản ánh, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong hoạt động vừa sản xuất, kinh doanh vừa đảm bảo quy định phòng chống dịch.
2. Sở Y tế: Chỉ đạo, hướng dẫn việc xét nghiệm SAR-CoV-2 đối với những người tham gia các hoạt động quy định tại Quyết định này; xem xét các biện pháp phòng chống dịch do các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng.
3. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo và tổ chức việc tuyên truyền sâu rộng về nội dung Quyết định này bằng hình thức phù hợp, hiệu quả đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh sách công trình, dự án trọng điểm, cấp bách trên địa bàn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg do các đơn vị cấp tỉnh làm chủ đầu tư gửi UBND cấp huyện theo dõi, giám sát các hoạt động nêu trên đảm bảo công tác phòng chống dịch. Khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới đảm bảo phòng chống dịch Covid-19.
5. Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn hoạt động vận tải đối với các lĩnh vực được hoạt động tại Quyết định này theo từng cấp độ nguy cơ.
6. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng, hướng dẫn cụ thể về thực hiện phương án sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo giám sát các hoạt động thương mại, dịch vụ và doanh nghiệp hoạt động thương mại dịch vụ; chủ động tham mưu UBND tỉnh các biện pháp thúc đẩy lưu thông, sản xuất công nghiệp trong tình hình mới.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, giám sát các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là hoạt động của cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Chỉ đạo Ban Quản lý Cảng cá Quảng Bình xây dựng phương án tổ chức hoạt động, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, gửi Sở Y tế cho ý kiến trước khi tổ chức hoạt động; phối hợp với Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, các địa phương thực hiện kiểm soát Covid-19 tại các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
8. Ban Quản lý Khu kinh tế chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế và các địa phương căn cứ tình hình kiểm soát dịch bệnh, rà soát, tham mưu điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch sản xuất ở các Khu công nghiệp để hướng dẫn các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế tổ chức sản xuất, đồng thời theo dõi, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh các nhà máy, cơ sở sản xuất đảm bảo phòng chống dịch theo Kế hoạch đã được phê duyệt.
9. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng, hướng dẫn cụ thể về thực hiện phương án thi công trên các công trình xây dựng đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
10. Công an tỉnh:
a) Đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới.
b) Chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng Giấy đi đường. Xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng Giấy đi đường không đúng đối tượng, số lượng, mục đích.
c) Chỉ đạo phối hợp các lực lượng liên quan tiếp tục bố trí các chốt kiểm tra, kiểm soát trên một số tuyến đường chính; tuần tra, kiểm tra lưu động; xử lý nghiêm các trường hợp ra đường tham gia giao thông không đúng quy định.
11. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 vùng cửa sông, thực hiện kiểm soát chặt chẽ tàu cá, ngư dân xuất bến, cập cảng trong hoạt động khai thác hải sản đảm bảo thông suốt và an toàn dịch bệnh.
12. UBND các huyện, thành phố, thị xã:
a) Khẩn trương quán triệt đầy đủ nội dung của Quyết định này đến từng địa bàn xã, phường, thị trấn, khu dân cư và người dân biết, để triển khai thực hiện và giám sát các hoạt động nêu trên trên địa bàn quản lý.
b) Quyết định danh mục để áp dụng đối với các công trình trên địa bàn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg do cấp huyện, cấp xã làm chủ đầu tư; có ý kiến chấp thuận các phương án sản xuất, kinh doanh và giám sát công tác phòng chống dịch của các cơ sở, doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn quản lý.
c) Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ:
- Cấp Giấy đi đường cho người lao động theo đề nghị của doanh nghiệp.
- Cấp Giấy đi chợ cho các hộ gia đình, đảm bảo phân chia số lượng người đi chợ giãn cách phù hợp theo quy định phòng chống dịch; không được cấp đại trà, hàng loạt, thiếu kiểm soát để tập trung đông người tại chợ. Chịu trách nhiệm về việc tổ chức, hoạt động của các chợ trên địa bàn quản lý theo quy định.
- Cấp Giấy đi đường có thời hạn cho người dân tham gia các hoạt động cấp thiết theo thẩm quyền (giao dịch ngân hàng; chăm sóc người thân đau ốm nặng; người dân cần làm xét nghiệm PCR để đi học ngoại tỉnh; du học sinh, xuất khẩu lao động… và tham gia các hoạt động tại Quyết định này).
- Chỉ đạo các Hợp tác xã, thôn, bản, tổ dân phố tổ chức, giám sát việc thu mua theo quy định tại điểm d khoản 2 mục A Điều 1 Quyết định này.
- Giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định phòng chống dịch của người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… trên địa bàn.
d) Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân xây dựng phương án hoạt động của các cảng cá tư nhân trên địa bàn quản lý, lấy ý kiến cơ quan y tế địa phương trước khi hoạt động. Thành lập các Tổ Kiểm soát Covid-19 tại các cảng cá tư nhân trên địa bàn quản lý.
đ) Chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ, giải pháp từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, đồng thời giám sát, thực hiện công tác phòng chống dịch theo từng địa bàn, từng mức độ nguy cơ.
e) Rà soát, đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã rà soát các văn bản hướng dẫn lưu thông hàng hóa đảm bảo đồng bộ, không trái với quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.
ê) Ủy quyền UBND huyện Bố Trạch phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và các ngành liên quan thành lập Tổ kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 ở khu vực cửa sông Lý Hòa, Sông Dinh.