Cồn Két

Thứ tư - 24/06/2020 10:17
 Trong ký ức về làng quê, có một nơi rất đỗi quen thuộc, gần thật gần mà đến nay tôi vẫn chưa từng đặt chân đến. Đó là Cồn Két (Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn).
Cồn Két là một cồn đất dọc dài nằm biệt lập và bị ngăn cách bởi một nhánh sông Gianh khi chảy qua làng tôi. Người dân quê tôi hay gọi nhánh sông chảy qua làng mình là "rào". Từ nhà tôi ra sông chừng vài trăm mét. Sông Gianh quê tôi là sông nước mặn, gần cửa biển, ngày hai lần thủy triều lên xuống. Bởi thế, mặt nước lòng sông rộng hẹp khác nhau theo nhịp thủy triều. Có những quãng bờ sông mát rượi với những rặng đước, rặng bần chằng chịt.
 
Giữa sông là xóm Cồn Két với chừng vài mươi hộ lênh đênh trên những con thuyền. Những người dân xóm Cồn Két vốn gốc gác là người Quảng Văn, sống bằng nghề chài lưới. Hàng đêm, họ đánh bắt những con tôm, con cua, con cá trên sông để sáng sáng, những người phụ nữ từ các thuyền chài ấy lại tất tả mang cá tôm lên chợ Họa bán. Chợ ven sông, cuộc sống của người dân Cồn Két cứ như đong đưa giữ cồn với chợ.
 
Từ xóm làng của chúng tôi nhìn sang, Cồn Két thật đẹp. Dòng sông xanh trong nghiêng mình dưới nắng, cồn đất dài với những triền cỏ xanh mượt như nhung. Từng quãng sông lại có những chiếc rớ cong cong thả xuống một ngày yên tĩnh. Xa xa bên kia sông là những xóm đạo bình yên của xã Quảng Văn. Thi thoảng có những con thuyền xuôi ngược của người dân đánh cá hay cũng có thể là của những người dân từ Tuyên Hóa chở về theo các sản phẩm của núi rừng, nhưng nhiều nhất vẫn là những thuyền chở lá nón, chở củi và chở than để kịp sáng mai bán ở chợ Họa.
 
Quê tôi có nghề làm nón lá, nguyên liệu chủ yếu vẫn được những người buôn từ Tuyên Hóa cung cấp. Thời còn hợp tác xã, hợp tác có nuôi một đàn trâu và giao cho một số gia đình ở các xóm. Mấy anh choai choai vẫn ngày ngày chăn trâu bên Cồn Két, đến chiều tối lại lùa trâu về. Tụi trẻ con chúng tôi hay ra đường xem đàn trâu nối nhau về chuồng sau một ngày no cỏ. Những khi trâu đuổi nhau hay húc nhau, chúng tôi sợ xanh mặt, vội vàng kéo nhau chạy sâu vào trong các ngõ.
 
Hồi ấy, tôi không nhớ Cồn Két thuộc xã nào. Sau này, khi sắp xếp về đơn vị hành chính, Cồn Két thuộc xã Quảng Thuận. Đó là lý do để chúng tôi biết nhiều hơn về Cồn Két trong những năm ở trường tiểu học, có những người bạn từ giữa sông ngày ngày chèo đò sang rồi cùng chúng tôi một quãng đường đi bộ để tới trường. Xóm Cồn Két dân ít, dĩ nhiên, những người bạn học của chúng tôi thời ấy cũng chỉ dăm bảy người.
 
Không khó khăn để nhận ra các bạn ở Cồn Két: màu da đen hoặc đỏ au mặn mòi sông nước, tóc cứng vàng hoe cháy nắng, giọng nói thì nghe nằng nặng. Ở các bạn có một vẻ rắn rỏi và khỏe mạnh mà chúng tôi không có được. Tôi nhớ, trong lớp tôi có hai bạn trai tên Sỹ và Vựng. Khi chúng tôi 6 tuổi vào lớp 1 thì các bạn ấy đã khoảng 12, 13. Tuổi thơ chúng tôi thực nghèo khó, nhưng nếu so với các bạn Cồn Két thì chúng tôi vẫn sướng gấp cả chục lần.
 
Trong khi chúng tôi được mẹ sắm cho nào cặp, dép, mũ... để đến trường thì các bạn ấy vẫn đầu trần chân đất, dù dưới cái nắng chang chang của mùa hè hay những ngày mưa khiến con đường đất sỏi trở nên nhão nhoét. Đến lớp thì sách vở, phấn, bảng thiếu thốn đủ bề. Tôi cứ nhớ mãi, mỗi giờ tập viết hay làm toán vào bảng con, việc đầu tiên là cô giáo cầm mấy mẩu phấn đem về phía cuối lớp cho Sỹ và Vựng. Các bạn ấy học đâu khoảng đến lớp 4, lớp 5 thì nghỉ.
 
Ba tôi có nhờ bác Hài ở bên Cồn Két làm cho một chiếc thuyền thúng. Những khi đồng khô cỏ cháy, ba thường chèo thuyền qua Cồn Két để cắt cỏ về nuôi bò. Năm thứ tư đại học, tôi và các bạn sinh viên cùng khóa về thực tập ở trường gần nhà. Các bạn về nhà tôi chơi, có một bạn cũng biết chèo thuyền.
 
Sau một vòng dạo bộ quanh làng, chúng tôi ngỏ ý muốn được chèo thuyền thúng sang sông để xem Cồn Két, nhưng vì người lớn có những lo lắng riêng nên ba tôi đã không đồng ý. Cho đến giờ, Cồn Két đối với tôi vẫn gần mà vẫn xa. Mỗi lần nhìn sang Cồn Két, tôi lại nghĩ đến nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn "Bến quê" của Nguyễn Minh Châu. Nhĩ đã đi khắp nơi trên trái đất nhưng anh chưa một lần đặt chân lên bãi bồi bên kia sông Hồng ngay trước cửa nhà mình.
 
Tôi chưa đi được nhiều như thế, nhưng ít ra, tôi cũng đã đến những miền xa, nơi tận cùng đất nước. Vậy nhưng, tôi vẫn chưa một lần đặt chân lên xóm nhỏ bên kia con sông quê.
 
Mùa hè năm trước, có dịp về quê, tôi ghé nhà Nga, người bạn cùng lớp suốt 12 năm từ tiểu học cho đến hết phổ thông. Nga giờ là giáo viên tiểu học đang dạy học ở quê nhà, nơi ngôi trường ngày xưa của chúng tôi và những người bạn đến từ Cồn Két. Tôi hỏi Nga đã có khi nào sang Cồn Két chưa. Nga bảo, năm ngoái, trường phân công Nga cùng một cô giáo nữa sang xóm Cồn Két để tổ chức Trung thu cho các em học sinh bên đó. Nga có hỏi thăm về Sỹ và Vựng, các bạn đều đang là những công dân Cồn Két, nhưng hôm ấy, các bạn đi biển nên không gặp được ai.
 
Ngày nay, hòa nhịp vào công cuộc đô thị hóa đang diễn ra trên quê hương, xã Quảng Thuận đã trở thành phường Quảng Thuận, xóm Cồm Két trở thành một tổ dân phố. Những em nhỏ Cồn Két được tạo điều kiện thuận lợi nhất để đến trường. Các hộ dân Cồn Két nay không còn sống cuộc sống lênh đênh như trước mà họ dựng ngay trên cồn những ngôi nhà đổ hoặc tường xây ngói đỏ khang trang.
 
Tôi được biết, sắp tới, sẽ có cầu sang Cồn Két và nơi đây sẽ được quy hoạch xây dựng để trở thành một khu du lịch sinh thái. Tôi thầm mong điều đó sớm trở thành hiện thực để cuộc sống của những người dân cồn bãi quê tôi đỡ phần vất vả.
 
Dạo bộ dọc bờ sông trong một ngày sắp tắt, dưới ánh nắng chiều rọi xuống mặt nước dòng Gianh lấp loáng, bất giác tôi tự hỏi, ở đâu bên kia sông là nhà Sỹ, nhà Vựng, những người bạn đã cùng tôi một thuở cắp sách tới trường!
 
Nguyễn Thị Hiểu

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập356
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm353
  • Hôm nay47,696
  • Tháng hiện tại272,824
  • Tổng lượt truy cập41,418,278
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây