ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN Kỷ niệm 90 năm thành lập Chi bộ Lũ Phong, chi bộ đầu tiên của Đảng bộ huyện Quảng Trạch, nay thuộc Đảng bộ thị xã Ba Đồn (10/1933 - 10/2023)

Thứ năm - 14/09/2023 08:58
Thực hiện kế hoạch số 77 - KH/ThU ngày 04/8/2023 của Ban Thường vụ Thị uỷ về tổ chức Lễ kỷ niệm 90 Năm thành lập Chi bộ Lũ Phong, chi bộ đầu tiên của Đảng bộ huyện Quảng Trạch, nay thuộc Đảng bộ thị xã Ba Đồn (10/1933 - 10/2023), Ban Tuyên giáo Thị ủy yêu cầu: các tổ chức cơ sở Đảng, các cơ quan thông tin, truyền thông, Mặt trận và các đoàn thể thị xã căn cứ Đề cương tuyên truyền do Ban Tuyên giáo Thị ủy biên soạn để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền.
Đề nghị các đảng bộ, chi bộ, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.
Đình làng Lũ Phong
Đình làng Lũ Phong
I. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI NĂM 1930 MỞ RA BƯỚC NGOẶT LỊCH SỬ CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Tháng 9 năm 1858 thực dân Pháp bắt đầu nổ súng xâm lược nước ta tại Đà Nẵng. Trong quá trình xâm lược, quân Pháp lần lượt đánh chiếm Nam Kỳ, Bắc Kỳ rồi tiến công vào kinh đô Huế, buộc triều đình nhà Nguyễn từng bước phải nhượng bộ, lần lượt ký các hiệp ước Nhâm Tuất (1862), Giáp Tuất (1874), Quý Mùi (1883) và cuối cùng là Hiệp ước Giáp Thân (1884), thừa nhận nền thống trị của thực dân Pháp trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Cuối thế kỷ XIX, Pháp đặt chế độ cai trị trực tiếp đồng thời vẫn duy trì chế độ phong kiến làm chỗ dựa cho chính sách thống trị của chúng, biến nước ta từ một quốc gia phong kiến thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Dưới chính sách cai trị của thực dân Pháp, xã hội Việt Nam phân hoá sâu sắc, hình thành nên những giai cấp mới: giai cấp công nhân, giai cấp tư sản và các tầng lớp tiểu tư sản; đồng thời xuất hiện nhiều mâu thuẫn, trong đó mâu thuẫn lớn nhất là: mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam, các tầng lớp Nhân dân lao động nước ta với thực dân Pháp phát triển gay gắt.
Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, các cuộc khởi nghĩa và các phong trào đấu tranh chống Pháp của Nhân dân ta diễn ra liên tục, sôi nổi, rộng khắp trong cả nước như: phong trào Cần Vương, khởi nghĩa của nông dân Yên Thế, khởi nghĩa Yên Bái, phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… nhưng cuối cùng đều đi đến thất bại vì thiếu một tổ chức lãnh đạo có khả năng tập hợp sức mạnh toàn dân tộc và thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn.
Giữa lúc dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, ngày 05/6/1911 người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) ra đi tìm đường cứu nước. Sau nhiều năm bôn ba đến nhiều nước, Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu nhiều cuộc cách mạng, nghiên cứu nhiều lý thuyết cách mạng trên thế giới để tìm đường cứu nước cho Nhân dân ta, dân tộc ta. Đến tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin đăng trên báo Nhân đạo và cũng chính từ đây đã giải đáp cho Người con đường đấu tranh giành độc lập tự do thực sự cho dân tộc, cho đồng bào mình, Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất chính là chủ nghĩa Lênin”. Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc trở về Quảng Châu (Trung Quốc), năm 1925 thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên và mở nhiều lớp đào tạo cán bộ đưa về nước hoạt động.
Với sự soi sáng của lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ XX phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trong các địa phương cả nước. Phong trào công nhân chuyển dần từ tự phát sang tự giác. Phong trào cách mạng phát triển dẫn đến các tổ chức cộng sản lần lượt ra đời: Tháng 6/1929 Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập; tháng 8/1929, thành lập An Nam Cộng sản Đảng và tháng 9/1929 ở Trung Kỳ những người ưu tú trong Đảng Tân Việt chuyển hoá tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Tuy nhiên các tổ chức ngày càng tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng, công kích lẫn nhau gây trở ngại lớn cho phong trào cách mạng. Đứng trước phong trào cách mạng của một nước có ba tổ chức cộng sản, từ ngày 06/01 đến ngày 07/2/1930 Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản họp tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.
Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam - thời kì đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Thực tiễn qua 93 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã khẳng định: sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam đội tiên phong của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động, toàn dân tộc Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho hành động đã lãnh đạo Nhân dân ta, dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
II. SỰ RA ĐỜI CHI BỘ LŨ PHONG, CHI BỘ ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG BỘ HUYỆN QUẢNG TRẠCH, NAY THUỘC ĐẢNG BỘ THỊ XÃ BA ĐỒN
Lịch sử của huyện Quảng Trạch - Ba Đồn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Quảng Bình và của đất nước. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, Quảng Trạch - Ba Đồn thuộc đơn vị hành chính cấp phủ có 5 tổng, 93 làng. Sau cách mạng Tháng 8 năm 1945 huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn được chia làm 8 xã (Phú Trạch, Hòa Trạch, Thuận Trạch, An Trạch, Phong Trạch, Lệ Trạch, Minh Trạch và Ninh Trạch).
Do vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng trên đường thiên lý Bắc Nam, Quảng Trạch - Ba Đồn là nơi xảy ra các trận đánh các liệt. Nơi giằng co của 2 vương quốc cổ đại Chăm Pa - Đại Việt, là nơi giao thoa ảnh hưởng của 2 nền văn hóa cổ. Là địa bàn phân tranh khốc liệt của 2 thế lực Đàng Trong, Đàng Ngoài, huynh đệ tương tàn, nồi da xéo thịt của chúa Trịnh, chúa Nguyễn trong suốt 200 năm (thế kỷ 16 đến thế kỷ 17). Chiến tranh xảy ra đã gây biết bao nỗi trầm luân, luôn khắc sâu trong tâm khảm người dân Quảng Trạch - Ba Đồn. Trong thời kỳ đô hộ của bọn phong kiến phương Bắc, người dân Quảng Trạch- Ba Đồn đã không cam chịu cảnh nô lệ, áp bức, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra chống lại bọn thống trị.
Thực dân pháp xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn bất lực ký hiệp ước đầu hàng. Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Nhân dân Quảng Trạch - Ba Đồn cùng với Nhân dân trong tỉnh đồng tâm ủng hộ các sĩ phu đánh Pháp, bảo vệ vua Hàm Nghi. Biết bao người con của quê hương đã đứng lên chống pháp tiêu biểu như: Trần Ngọc Điện (Tú Di Luân), đặc biệt là Bạch Xỉ, Đoàn Chí Tuân (Hòa Ninh), tự xưng hoàng đế, đề đốc Mai Lượng (Quảng Sơn)… Phong trào thất bại nhưng đã để lại cho Nhân dân Quảng Trạch - Ba Đồn một khí thế sôi sục, tinh thần yêu nước, căm thù giặc, ý chí kiên cường bất khuất của Nhân dân. Đó chính là tiền đề để người dân Quảng Trạch - Ba Đồn đứng lên theo Đảng làm cách mạng giải phóng quê hương khỏi ách thống trị của bọn thực dân, đế quốc.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào cách mạng vùng lên sôi nổi, rộng khắp trên cả nước, nhiều tổ chức đảng đã ra đời. Trong đó, ở Quảng Bình từ năm 1930 đến 1945 đã xuất hiện nhiều chi bộ Đảng Cộng sản như: Chi bộ Đảng Cộng sản ga Kẻ Rấy (Bố Trạch) ra đời ngày 22/4/1930; Chi bộ Bãi Đức (Tuyên Hoá) ra đời tháng 01/1931; Chi bộ ghép Mỹ Thổ - Trung Lực (Lệ Thủy) ra đời tháng 11/1931; Chi bộ Lũ Phong (Quảng Trạch) ra đời tháng 10/1933; Chi bộ ghép Thanh Thủy - Ngọa Cương (Quảng Trạch) ra đời năm 1942… Các Chi bộ ra đời  đã lãnh đạo Nhân dân đấu tranh liên tiếp giành thắng lợi, làm cho thực dân Pháp hoang mang lo sợ.
Những ảnh hưởng của các phong trào đấu tranh trong toàn tỉnh đã tác động tích cực đến phong trào cách mạng của Nhân dân phủ Quảng Trạch. Đặc biệt trong phong trào đấu tranh cách mạng 1930 - 1931, Nhân dân Quảng Trạch đã lên tiếng ủng hộ và che chở, nuôi dưỡng một số đồng chí lộ bí mật trong phong trào Xô Viết chạy vào lánh nạn. Năm 1929, Nguyễn Văn Huyên làm công nhân xe lửa Tuyên hóa, đã được anh em làm công nhân người Nghệ An - Hà Tĩnh giác ngộ ý thức giai cấp và lý tưởng Cộng sản. Năm 1931, Hoàng Lai người Hà Tĩnh vào Ba Đồn học may đã làm quen với một số anh em người Hà Tĩnh vào làm ăn ở Ba Đồn được anh em giác ngộ và huấn luyện. Sau đó Hoàng Lai gặp anh Tụng quê ở Văn Phú bắt mối, gây cơ sở. Đến 1931 nhóm thanh niên Hà Tĩnh vào làm ăn ở Ba Đồn đã thành lập được nhóm thanh niên yêu nước và tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền chống Pháp như: rải truyền đơn, tổ chức treo cờ búa liềm ngay giữa trung tâm phủ lị Ba Đồn làm cho bọn địch hoang mang lo sợ, Nhân dân vui mừng và tin tưởng. Sau một thời gian hoạt động được viện trợ của cách mạng Đông Dương giới thiệu, nhóm thanh niên Lũ Phong bắt đầu tham gia tổ chức quần chúng của Đảng, như: công hội xe bò, thợ may... Tháng 9/1933 đồng chí Nguyễn Tài Tôn (tức Lê Ngân, quê ở Nghệ An), thay mặt đảng kết nạp số thanh niên yêu nước Lũ Phong vào Đảng Cộng sản Đông Dương và thành lập tổ chức Ban vận động thành lập Đảng bộ Quảng Bình. Ở Lũ Phong, các đồng chí Đảng viên đã thành lập tổ chức nông hội đỏ gồm 12 hội viên, giác ngộ lòng yêu nước và căm thù giặc, tổ chức đấu tranh chống cường hào địa chủ áp bức, bất công, nhất là vấn đề ruộng đất.
Tháng 10/1933, chi bộ Lũ Phong được thành lập gồm 6 đảng viên. Chi bộ Lũ Phong ra đời không chỉ có ý nghĩa đối với phong trào quần chúng ở Lũ Phong mà còn có ảnh hưởng to lớn đối với các vùng lân cận.
Chi bộ Lũ Phong là chi bộ Đảng đầu tiên trên địa bàn huyện Quảng Trạch (nay thuộc thị xã Ba Đồn), là một trong 3 chi bộ Cộng sản ra đời sớm nhất của tỉnh Quảng Bình. Sự ra đời của chi bộ Lũ Phong là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với phong trào đấu tranh cách mạng của xã Quảng Phong nói riêng và trên địa bàn Quảng Trạch lúc bấy giờ nói chung. Từ đây phong trào đấu tranh cách mạng, mà trực tiếp là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân xã Quảng Phong và Nhân dân Quảng Trạch đã có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo. Sự ra đời của chi bộ Lũ Phong và những đảng viên cộng sản đầu tiên thực sự là “hạt giống đỏ” gieo xuống trên mảnh đất Quảng Trạch - Ba Đồn. Chi bộ Lũ Phong trở thành chỗ dựa, niềm tin cho phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân trên địa bàn. Việc thành lập chi bộ Lũ Phong chứng tỏ sự chuyển biến về chất trong quá trình tổ chức xây dựng cơ sở Đảng, phát triển phong trào cách mạng chống thực dân Pháp ở Quảng Trạch - Ba Đồn lúc bấy giờ.
Sau khi thành lập, Chi bộ Lũ Phong đã lãnh đạo Nhân dân chống tệ “phì điền, tiên cấp”, cuộc đấu tranh nổ ra từ cuối năm 1933 đến hết năm 1934 làm cho bọn cường hào, lý trưởng khiếp sợ. Trong cuộc đấu tranh này, có sự tham gia, hưởng ứng tích cực của Nhân dân vùng lân cận như: Ba Đồn, Lộc Điền, Trung Thôn... Cuộc đấu tranh của Nhân dân Lũ Phong dưới sự lãnh đạo của chi bộ Lũ Phong thu được thắng lợi đã làm cho quần chúng Nhân dân tin tưởng vào Đảng, đi theo Đảng làm cách mạng để cứu nước cứu dân, trước hết là giành quyền lợi thiết thân cho mình.
Sau phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), Đảng Cộng sản lui vào hoạt động bí mật, nhưng sự ra đời của chi bộ Lũ Phong trên địa bàn Quảng Trạch - Ba Đồn tháng 10/1933 chứng tỏ phong trào cách mạng ở Quảng Trạch- Ba Đồn đã chuyển biến mạnh mẽ. Trước tình hình cách mạng giai đoạn 1936 -1939 và sự chuyển biến chiến lược của đảng, từ trong phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ đã có nhiều chi bộ đảng được ra đời lãnh đạo Nhân dân đấu tranh, tiêu biểu như: chi bộ Lộc Điền (tháng 01/1937), chi bộ Thổ Ngọa (23/11/1937), chi bộ Trung Thôn (tháng 7/1939), chi bộ Trung Thuần (tháng 9/1939). Tháng 9/1939 chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương Ban vận động thành lập Phủ ủy Quảng Trạch ra đời (9/1939) là một minh chứng hùng hồn là một quyết định đúng đắn, sáng suốt, đầy tính sáng tạo của những người Cộng sản. Thực hiện chỉ đạo của Ban vận động thành lập phủ ủy, các chi bộ đảng tiếp tục gây dựng cơ sở, tiếp tục củng cố các hội như: hội lợp nhà, hội đưa ma, hội hỷ, hội bóng đá, hội làm rẫy... để lôi kéo tập hợp lực lượng và chọn lọc một số quần chúng tích cực trong phong trào đấu tranh đưa vào hàng ngũ của Đảng, tuyên truyền ảnh hưởng của Đảng, phát triển một số cơ sở cách mạng của Đảng Tiên Lệ, Tiên Lương, Thanh Thủy. Trong những năm 1940-1941, sự khủng bố của đế quốc, phong kiến đè nặng lên khắp làng quê, ngõ xóm, các chủ trương của Đảng chưa về được với địa phương, đại đa số đảng viên đã kiên trì bám dân, bám làng duy trì bí mật các hội biến tướng để chống lại thực dân Pháp bắt phu, bắt lính. Tháng 3/1942 thực hiện Chỉ thị của Xứ ủy, Tỉnh ủy Quảng Trị. Đồng chí Bùi Trung Lập đã ra móc mối và hoạt động ở Quảng Bình. Được sự giúp đỡ của đồng chí Bùi Trung Lập, Ban vận động Phủ ủy quyết định triệu tập hội nghị để thành lập Phủ ủy lâm thời tháng 6/1942. Hội nghị thành lập Phủ ủy lâm thời là một sự kiện quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa như một đại hội, đánh dấu mốc son lịch sử quan trọng mở ra một thời kì mới trong phong trào Cộng sản ở Quảng Trạch đặt dưới sự thống nhất của Đảng toàn phủ, nhằm lãnh đạo phong trào đấu tranh của Nhân dân Quảng Trạch lúc bấy giờ giành nhiều thắng lợi, góp phần cùng quân, dân cả nước chống thực dân Pháp giành chính quyền năm 1945 và làm nên hai cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc.
Chi bộ Lũ Phong ra đời (10/1933) là một bước ngoặt vĩ đại, với tầm ảnh hưởng của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Quảng Trạch, nay thuộc Đảng bộ thị xã Ba Đồn, lần lượt các chi bộ Cộng sản trên địa bàn đã ra đời, đây là điều kiện tiên quyết để thành lập Phủ ủy Quảng Trạch (6/1942). Từ tháng 10/1933, nhất là từ tháng 6/1942 tất cả các hoạt động trên địa bàn huyện Quảng Trạch - Ba Đồn (ngày nay) đều đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các chi bộ đảng và Phủ ủy, là nền móng vững chắc và là sự bảo đảm cho những thắng lợi vẽ vang của Quảng Trạch - Ba Đồn sau này.
III. NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA ĐẢNG BỘ THỊ XÃ BA ĐỒN  TRONG 90 NĂM QUA (1933 - 2023)
1. Trong thời kỳ 1930 - 1975
Cùng với Nhân dân cả nước, Đảng bộ và Nhân dân Quảng Bình nói chung, Nhân dân Quảng Trạch - Ba Đồn nói riêng đã đóng góp hết sức mình vào thắng lợi của dân tộc. Từ những năm đầu 1930 đến giai đoạn giành chính quyền, Quảng Trạch - Ba Đồn là một trong những cái nôi cách mạng, phong trào cách mạng đã diễn ra mạnh mẽ, là một trong những địa phương có một trong ba chi bộ Cộng sản thành lập đầu tiên của tỉnh Quảng Bình[1]. Chi bộ Lũ Phong ra đời như ngọn lửa soi đường cho các mạng phát triển, đáp ứng được yêu cầu tất yếu của cách mạng tại Quảng Trạch - Ba Đồn.
Nhân dân Quảng Trạch - Ba Đồn vốn có truyền thống đoàn kết, anh dũng, một lòng nồng nàn yêu nước. Sự lãnh đạo của các chi bộ đảng đầu tiên trên đất Quảng Trạch - Ba Đồn, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Phủ ủy lâm thời đã có những tác động lớn đến hệ tư tưởng, ý thức của Nhân dân và phong trào cách mạng của Nhân dân. Nhân dân Quảng Trạch - Ba Đồn bị áp bức, bóc lột, cuộc sống cơ cực, nhưng một lòng theo đảng, họ hiểu được rằng muốn được độc lập, tự do phải đấu tranh lật đổ giai cấp thống trị giành chính quyền về tay Nhân dân. Nhiều gia đình đã trở thành cơ sở cách mạng, nơi tạm lánh an toàn cho đảng viên. Nhiều cuộc đấu tranh chống cường hào gian ác, chống lạm thu thuế nổ ra ở Lũ Phong, Ba Đồn, Phan Long…
Thời kỳ 1930-1945 Quảng Trạch - Ba Đồn và các đảng viên Lệ Thủy, Tuyên Hóa có một mối quan hệ chặt chẽ. Sự ra đời của chi bộ Lũ Phong và hoạt động của các đảng viên gắn chặt với một hệ thống địa bàn từ Quảng Trạch đến Tuyên Hóa - Minh Hóa sang Lào và Thái Lan. Trải qua 6 năm từ tháng 10/1933 đến tháng 9/1939, các cơ sở Đảng ở Quảng Trạch đã có những bước tiến quan trọng. Từ một chi bộ ban đầu nay đã có 5 chi bộ, từ 6 đảng viên đã phát triển lên 25 đồng chí…, với sự ra đời của các chi bộ Cộng sản trên địa bàn Quảng Trạch - Ba Đồn đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập Phủ ủy lâm thời Quảng Trạch. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Phủ ủy Quảng Trạch trong giai đoạn 1942-1945 đã góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng tháng Tám. Từ khi chi bộ đầu tiên của Đảng bộ huyện Quảng Trạch nay thuộc Đảng bộ thị xã Ba Đồn ra đời đã lãnh đạo Nhân dân tổ chức những phong trào đấu tranh mang màu sắc mới. Thực hiện chủ trương của Phủ ủy lâm thời các chi bộ tập trung củng cố phát triển Đảng, vận động quần chúng tham gia Mặt trận Việt Minh, các tổ chức cứu quốc ra đời đã có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng Nhân dân, khống chế các hoạt động của bọn chức sắc, phẩm truật, tri phủ Quảng Trạch, chánh phó tổng của các làng đều biết ảnh hưởng của các đoàn thể cứu quốc, nhưng chúng làm ngơ. Cuối năm 1942 đến 1943 một vùng rộng lớn từ Lệ Thủy đến Quảng Trạch bị mật thám chỉ điểm, chúng kiểm soát, lùng sục gắt gao, một không khí khủng bố nặng nề bao trùm thôn xóm. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Phủ ủy quyết định gấp rút đưa các đồng chí Phủ ủy viên, Xứ ủy viên cùng các thành viên trong đoàn lệ Thủy sang Lào, Thái hoạt động để tránh sự truy lùng bắt bớ. Vào những năm, tháng gian khổ, khó khăn, phong trào bế tắc, cơ sở tan rã, Nhân dân Quảng Trạch - Ba Đồn thực sự trở thành đường dây liên lạc, nơi che chở, nuôi dưỡng những hạt nhân của cách mạng, đường dây hoạt động này xuyên suốt từ nước ngoài (Thái Lan, Lào) sang Việt Nam, không phải qua một thời gian mà ra đời từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập đến năm 1945. 
Đầu năm 1945, cơ sở Việt Minh phát triển nhiều nơi trong phủ. Một số cơ sở Đảng dần dần phục hồi và hoạt động trở lại sau một thời gian bị gián đoạn. Đó là điều kiện cần thiết để phong trào cách mạng Quảng Trạch - Ba Đồn bước sang giai đoạn mới. Trong nửa đầu năm 1945, Phủ ủy Quảng Trạch chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để cùng với cả tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. Đúng như kế hoạch đã định đêm 22/8/1945, lực lượng tự vệ và quần chúng trong các tổ chức cứu quốc của Mặt trận Việt Minh được tập trung về 3 địa điểm: Lũ Phong, Tiên Lệ và Thổ Ngọa. Ngay trong đêm 22/8, lực lượng tự vệ phong tỏa các đường vào chợ Đồn, bao vây đột nhập vào các công sở trong phủ, lị. Mờ sáng 23/8, các đoàn biểu tình của quần chúng trong Mặt trận Việt Minh được chia làm 3 mũi tiến về phủ lị. Mũi thứ nhất từ Thuận bài, Thổ Ngọa  đi lên. Mũi thứ hai từ Lũ Phong đi về. Mũi thứ ba từ Tiên Lệ, Vân Lôi, Phù Ninh đi xuống. Họ mang theo băng cờ. gươm dao, giáo mác, gậy gộc ào ào kéo vào phủ lị hô vang khẩu hiệu “Đá đảo phát xít Nhật Pháp”, “Đá đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”, “ủng hộ Mặt trận Việt Minh”. Trước khí thế sôi sục cách mạng của quần chúng, tên tri phủ Hồ Đắc Liêm và bọn nha lại xin đầu hàng. Lực lượng tự vệ chiếm lĩnh phủ đường và công sở. Sổ sách, giấy tờ và triện đồng bị trịch thu và tiêu hủy tại chỗ, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc trụ sở phủ đường và khắp nơi ở Ba Đồn.
Sau khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi, Nhân dân Quảng Trạch - Ba Đồn bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, xây dựng chính quyền cách mạng của Nhân dân. Tuy nhiên, công cuộc xây dựng vừa mới được bắt đầu thì thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Vì độc lập tự do, vì tương lai của quê hương, đất nước, thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân Quảng Trạch - Ba Đồn tiếp tục bước vào một cuộc chiến đấu mới chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp. Địa bàn Quảng Trạch - Ba Đồn nói riêng và địa phương khác của tỉnh Quảng Bình luôn là chiếc cầu nối vững chắc giữa hậu phương lớn của tỉnh với Thanh - Nghệ - Tĩnh, chiến trường Trị - Thiên với liên khu V và chiến trường Trung Lào. Hàng trăm thanh niên nam, nữ tham gia tòng quân nhập ngũ, tham gia đi dân công vận chuyển, tiếp tế lương thực, thực phẩm và vũ khí cho mặt trận Trị Thiên, Khu V và chiến trường Trung Lào. Các đoàn thể cứu quốc như Hội phụ nữ, Hội phụ lão, Hội nông dân thi đua tăng gia sản xuất trồng bông dệt vải, sản xuất lương thực, thực phẩm để tự túc và đóng góp cho kháng chiến. Quảng Trạch - Ba Đồn đã tiếp nhận và vận chuyển hàng vạn tấn vũ khí lương thực từ hậu phương cho các chiến trường góp vào chiến công to lớn của tỉnh nhà, cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Trong chiến dịch Đông Xuân (1953 - 1954), Huyện ủy Quảng Trạch đã  thành lập 8 đại đội dân công, gần 2000 thanh niên lên đường trực tiếp làm nhiệm vụ mở đường, tiếp tế, vận tải phục vụ chiến trường với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Trong kháng chiến chống Pháp đã xuất hiện những tên làng, tên xóm của Quảng Trạch - Ba Đồn được xem là gương tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp, như làng Cảnh Dương, Lũ Phong, Trung Thuần, Trung Thôn, La Hà, Phú Trịch..., gắn chặt với những trận đánh nổi tiếng như: Trận chiến đấu chống càn của quân và dân làng Cảnh Dương, trận phục kích Tiên Lương, trận La Hà- Phú Trịch..., đặc biệt làng Cảnh Dương được xem là làng chiến đấu kiểu mẫu. Trong cuộc trường chinh chống pháp đã xuất hiện những anh hùng bất tử là con em của quê hương Quảng Trạch- Ba Đồn, như Anh hùng Lâm Úy, Cao Thế Chiến... Những xóm, làng, những trận chiến oanh liệt và những người anh hùng bất tử của quê hương Quảng Trạch- Ba Đồn đã góp công sức cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trạch - Ba Đồn giữ vị trí chiến lược quan trọng trong việc chi viện cho chiến trường miền Nam, nơi đây đã trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, là nơi đã hứng chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ do không lực Hoa Kỳ dội xuống nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Phát huy truyền thống sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước “Xe chưa qua nhà không tiếc”, Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trạch - Ba Đồn đã nêu cao khẩu hiệu “Chật nhà không chật bụng”, sẵn sàng đảm bảo nơi ăn ở an toàn, bí mật cho bộ đội qua lại. Trong suốt 21 năm chiến đấu (1954 -1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trạch - Ba Đồn luôn phát huy tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, huyện Quảng Trạch đã huy động lớp lớp thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ. Lực lượng thanh niên xung phong, quân đội và Nhân dân trên các tuyến đường giao thông đã ngày, đêm tham gia vận chuyển hàng chục vạn tấn hàng hóa phục vụ tiền tuyến. Đảng bộ và Nhân dân đã đoàn kết trên dưới một lòng, chiến đấu kiên cường, sẵn sàng hy sinh tất cả cho sự sống còn của quê hương, đất nước, góp phần cùng Nhân dân cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập tự do, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Với những thành tích đã đạt được, Quân và dân Quảng Trạch được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho Nhân dân và lực lượng vũ trang Quảng Trạch, Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trạch long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu này vào ngày 31 tháng 5 năm 1996.
2. Thời kỳ từ năm 1975 đến nay
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với đại thắng Mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hào toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, bước vào giai đoạn cách mạng mới, Đảng bộ và Nhân dân huyện Quảng Trạch - Ba Đồn tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của quê hương cách mạng, lãnh đạo Nhân dân vượt lên khó khăn, thử thách, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội; cùng với Nhân dân cả nước vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa làm nhiệm vụ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây - Nam, biên giới phía Bắc, chiến tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, đặc biệt là thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và trực tiếp lãnh đạo thu được những kết quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng.
Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trạch - Ba Đồn, kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư xây dựng. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng đảng và xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Năng lực  lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên ngày càng được nâng cao. Đảng bộ đã lãnh đạo toàn dân tập trung xóa đói, giảm nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện từng bước, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc; chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, dân chủ được mở rộng, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo đà quan trọng cho sự phát triển trong những năm tiếp theo.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định mục tiêu phấn đấu xây dựng, nâng cấp thị trấn Ba Đồn trở thành đô thị loại 4, làm cơ sở để thành lập thị xã Ba Đồn trước năm 2015. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Quảng Trạch đã tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết, huy động tối đa mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện việc phát triển thị trấn Ba Đồn và các khu vực lân cận theo hướng đô thị hóa và đã đạt được các tiêu chí của một đô thị mới. Với tốc độ phát triển nhanh về kinh tế, văn hóa, xã hội… Năm 2012, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 367/QĐ-BXD ngày 18/4/2012 về công nhận thị trấn Ba Đồn mở rộng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đạt tiêu chí đô thị loại 4. Trên cơ sở đó, ngày 20/12/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Quảng Trạch để thành lập mới thị xã Ba Đồn và 06 phường thuộc thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Theo đó, thị xã Ba Đồn được thành lập trên cơ sở điều chỉnh 16.318,28 ha diện tích tự nhiên, 115.196 nhân khẩu của huyện Quảng Trạch; có 16 đơn vị hành chính cấp xã, phường (06 phường và 10 xã), trong đó có 01 xã miền núi, 02 xã ven biển, 4 xã bãi ngang thuộc địa bàn khó khăn. Đảng bộ thị xã Ba Đồn được thành lập theo Quyết định số 1454-QĐ/TU ngày 03/3/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên cơ sở chuyển giao 23 tổ chức cơ sở Đảng và 4.769 đảng viên từ Đảng bộ huyện Quảng Trạch.     
          Với vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy; nằm trên tuyến giao thông Bắc - Nam. Phía Bắc giáp huyện Quảng Trạch; phía Nam giáp huyện Bố Trạch; phía Tây giáp huyện Tuyên Hóa; phía Đông giáp Biển Đông. Thị xã Ba Đồn được xác định là trung tâm kinh tế - văn hóa phía Bắc của tỉnh Quảng Bình. Vì vậy, Ba Đồn có nhiều lợi thế để giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội với các vùng trong nước và khu vực, có đủ sự phong phú và đa dạng về địa hình: vùng đồi, núi, đồng bằng, ven biển... Thuận lợi cho việc phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, chăn nuôi, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản.
          Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân thị xã Ba Đồn tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, chung sức, đồng lòng, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt. Từ một thị xã non trẻ mới thành lập, nay đã trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị đang trên đà phát triển; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, bộ mặt đô thị hóa ngày càng thay đổi rõ nét.
Kinh tế phát triển toàn diện với nhịp độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại-dịch vụ, công nghiệp- ngành nghề nông thôn     
Kinh tế phát triển tương đối ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tăng dần tỷ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng và giảm dần tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp - ngành nghề nông thôn năm 2015 đạt 8,34%. Đến nay, bình quân tăng 10,15%; thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2015 đạt 25,5 triệu đồng/người/năm. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 54,5 triệu đồng/người/năm.
          Nông, lâm, thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2010-2015, tăng 5,29%, giai đoạn 2015-2020 tăng hàng năm 3,88%. Đến nay, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân tăng hàng năm 3,69%; Sản lượng lương thực đạt cao, bình quân đạt 30,425 ngàn tấn/năm. Chăn nuôi phát triển tương đối ổn định, công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật được chú trọng. Sản lượng thủy sản bình quân hàng năm giai đoạn 2010-2015, tăng 5,82%; giai đoạn 2015-2020, tăng 5,3%; giai đoạn 2021-2023 đạt 16.633 tấn, bình quân hàng năm tăng 4,49%. Các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá đã được đầu tư phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho khai thác hải sản. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm chỉ đạo.
          Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo  thực hiện quyết liệt và đã đạt được những kết quả tích cực. Năm 2015, thị xã có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, đã đạt 10/10 xã đạt nông thôn mới; phấn đấu đến cuối năm 2023 có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.     
Hoạt động tài chính, tín dụng có nhiều chuyển biến tích cực. Thu ngân sách trên địa bàn hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Chi ngân sách được thực hiện đúng quy định Luật ngân sách, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
          Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị tiếp tục được đầu tư xây dựng, gắn với thực hiện có hiệu quả chương trình hành động phát triển cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng đô thị văn minh. Công tác quản lý và chỉnh trang đô thị được quan tâm, quy chế quản lý đô thị được thực hiện cơ bản nghiêm túc, đồng bộ.
           Công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai được chú trọng.
          Các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp tư nhân tiếp tục phát triển. Doanh nghiệp ngày càng tăng về số lượng và quy mô; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động… Chương trình phát triển thương mại - dịch vụ gắn với du lịch trên địa bàn thị xã trong thời gian qua có những chuyển biến tích cực. Mạng lưới thương mại được mở rộng, đặc biệt là thị trường ở vùng nông thôn, đảm bảo tốt việc lưu thông hàng hóa phục vụ cho sản xuất và đời sống. Hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng làm tốt chức năng huy động vốn và cho vay, đảm bảo phục vụ kịp thời cho sản xuất kinh, doanh của các thành phần kinh tế trên địa bàn. Hạ tầng thương mại, dịch vụ gắn với du lịch được đầu tư, nâng cấp; hạ tầng bưu chính - viễn thông, tài chính bước đầu đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Giá trị thương mại, dịch vụ năm 2013 tăng 9,54%, giai đoạn 2021-2023 tăng 12,78%/năm.
          Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được chú trọng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao 
          Lĩnh vực giáo dục - đào tạo được chăm lo phát triển toàn diện. Mạng lưới trường lớp được bố trí, sắp xếp phù hợp, chất lượng được nâng lên. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm, năm 2013 toàn thị xã có 29 trường chuẩn quốc gia. Đến nay có 48/54 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 88,9%. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được tập trung chỉ đạo, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2013 là 42,3%, đến cuối năm 2020 là 53,8%. Đến nay, số lao động qua đào tạo bình quân tăng 6,15%/năm dự kiến đến cuối năm 2023 tăng 6,3%. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất được đẩy mạnh, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, y tế, giáo dục, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, công tác quản lý, điều hành.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, năm 2013 có 07 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, đến nay, có 100% xã, phường đạt chuẩn. Công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh Covid-19 và các loại dịch bệnh được chú trọng. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình được triển khai tích cực. Hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông có nhiều chuyển biến tiến bộ. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách xã hội được triển khai tích cực, hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo đến nay còn 1,99%. Hàng năm, giải quyết việc làm cho trên 3.052 lao động/năm, đạt 101,7% vượt chỉ tiêu đề ra. Chính sách tôn giáo được quan tâm, tự do tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm.
Cơ sở vật chất văn hóa được chú trọng; đã tiến hành xây dựng mới, nâng cấp, sa chữa nhà văn hóa cơ bản đảm bảo nhu cầu hoạt động văn hóa cộng đồng dân cư. Cơ sở vật chất y tế cơ bản đáp ứng phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Các thiết chế văn hóa được quan tâm; nhận thức của người dân về văn hóa, văn minh đô thị có sự chuyển biến đáng kể. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được triển khai rộng khắp bước đầu đạt được những kết quả tích cực.
          Quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm
Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, Nghị quyết đại hội Đảng bộ thị xã quan từng nhiệm kỳ về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong tình hình mới. Công tác xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu được tăng cường. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với an ninh Nhân dân được củng cố. Công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai được tập trung chỉ đạo đạt kết quả tốt; các vấn đề về an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo diễn ra trên địa bàn cơ bản ổn định.
          Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng được tăng cường, chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên 
          Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên được nâng lên. Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chăm lo bồi dưỡng giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao tinh thần cách mạng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Tập trung xây dựng Đảng bộ và các tổ chức đảng vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Từ chi bộ đảng đầu tiên, với 6 đồng chí đảng viên. Đến nay, Đảng bộ phường Quảng Phong có 15 chi bộ trực thuộc, với 286 đảng viên. Từ một địa phương nghèo, với nhiều khó khăn, thách thức, đến nay Quảng Phong có những bước phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, phường đã có nhiều đổi mới, khởi sắc.
Từ 1 chi bộ đầu tiên, đến nay toàn thị xã có 235 chi bộ cơ sở, 34 đảng bộ, chi bộ trực thuộc Thị ủy, với hơn 6 ngàn đảng viên. Trong những năm qua, Đảng bộ phường Quảng Phong nói riêng, các đảng bộ, chi bộ cơ sở đã làm tốt chức năng là hạt nhân chính trị, lãnh đạo địa phương, đơn vị thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, xây dựng đảng bộ và chi bộ trong sạch, vững mạnh. Chú trọng công tác bồi dưỡng, kết nạp, nâng cao chất lượng đảng viên; chú trọng phát triển đảng viên vùng giáo, vùng cồn bãi..., đồng thời sàng lọc đảng viên không đủ tư cách, không đủ tiêu chuẩn cho ra khỏi Đảng theo quy định của Trung ương. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị và năng lực công tác của cán bộ, đảng viên được nâng lên. Niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố.
Chương trình tiếp tục đổi mới công tác cán bộ đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ được đổi mới gắn với đổi mới công tác xây dựng quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo được thực hiện ngày càng nề nếp, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan và khắc phục cơ bản những tồn tại của nhiệm kỳ trước. Công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử từng bước được đổi mới bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng nguyên tắc. Quy trình giới thiệu và bổ nhiệm cán bộ theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền.
          Công tác dân vận, kiểm tra, giám sát được tăng cường. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đã có nhiều đổi mới, trọng tâm là đổi mới quy trình ra nghị quyết, cải tiến lề lối làm việc, xây dựng quy chế phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, phát huy dân chủ trong đảng và trong xã hội; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng; chú trọng kiểm tra việc giữ gìn đạo đức, lối sống; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và những điều đảng viên không được làm.
           Bộ máy chính quyền các cấp thường xuyên được củng cố kiện toàn, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành ngày càng được nâng cao. Cải cách hành chính, tư pháp đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tập trung chỉ đạo. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng pháp luật.
          Dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố, phát huy và mở rộng. Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội không ngừng được củng cố về tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. 
Sau ngày thành lập đến nay, Đảng bộ thị xã  Ba Đồn đã  trải qua 2 kỳ đại hội và đã xác định phương hướng, mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn theo hướng đổi mới toàn diện, phù hợp với nguồn lực và tình hình thực tế địa phương. Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế đặt ra nhưng Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân thị xã phát huy truyền thống cách mạng, thành quả đạt được 90 năm qua, đây chính là niềm tin vững chắc để chúng ta tiếp tục phấn đấu, gặt hái những thành quả cao hơn, toàn diện hơn trong những năm tiếp theo. 
Kỷ niệm 90 năm thành lập Chi bộ Lũ Phong, chi bộ đầu tiên của Đảng bộ huyện Quảng Trạch, nay thuộc Đảng bộ thị xã Ba Đồn (10/1933 - 10/2023) là dịp để chúng ta nhìn lại, phấn khởi và tự hào với những thành quả của Đảng bộ và Nhân dân thị xã Ba Đồn đã đạt được, đồng thời cũng là dịp để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần tăng cường công tác giáo dục lịch sử và giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau; tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, phát triển toàn diện và đồng bộ về kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; quyết tâm phấn đấu xây dựng thị xã Ba Đồn đạt tiêu chuẩn đô thị loại III vào năm 2026, hướng đến xây dựng đô thị văn minh, hiện đại trong giai đoạn cách mạng mới./.
[1] Chi bộ ga Kẻ Rấy, chi bộ Bãi Đức và chi bộ Lũ Phong.

Nguồn tin: Ban Tuyên giáo Thị ủy Ba Đồn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập143
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm133
  • Hôm nay13,596
  • Tháng hiện tại145,203
  • Tổng lượt truy cập34,574,730
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây