Đình làng - Nơi hội tụ và lưu giữ nét đẹp văn hóa dân gian
Thứ năm - 30/01/2020 15:12
Trong tâm thức người Việt tự xưa,"cây đa, bến nước, sân đình" vẫn vẹn nguyên hình ảnh gợi nên biết bao thân thuộc. Đình làng là nơi hội họp, diễn ra các hoạt động văn hóa-văn nghệ, lưu giữ nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp và còn là hiện thân của tình đoàn kết cộng đồng.
Đình làng không chỉ đơn thuần là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, mà còn là “chứng nhân” của lịch sử, cùng trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời gian. Vì lẽ đó, bất cứ ai đến đây, đều bị níu chân bởi vẻ đẹp kiến trúc tuy giản đơn, thô mộc nhưng tinh xảo, cổ kính, không bề thế, phô trương mà rất gần gũi, thân thiết. Có thể nói, đình làng không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, là sợi dây gắn bó cộng đồng, là thiết chế văn hóa tín ngưỡng trong dân gian. Ở các đình làng, cảm hứng sáng tạo chủ yếu là các linh vật, nổi bật là tứ linh và một số con vật gần gũi với đời sống của con người được linh thiêng hóa. Một đặc điểm rõ nét trong kết cấu kiến trúc và nghệ thuật trang trí ở các đình làng có một mối quan hệ hữu cơ thống nhất. Sự hài hòa giữa kiến trúc và điêu khắc là đặc điểm bao trùm của toàn bộ công trình. Ở đây, ngoài những dụng công trong nghệ thuật kiến trúc ra thì vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc được thể hiện ở các mảng chạm khắc dày đặc trên các đầu kẻ bẩy, các bức cốn mê đến các con rường... Những mảng chạm khắc ấy đã làm tròn chức năng thẩm mỹ, góp phần làm tôn lên vẻ đẹp của đình. Rõ ràng sự gia công của trí tuệ con người đã nâng hiệu quả bố trí không gian bên trong và kết cấu hình khối bên ngoài ngôi đình lên cao trên cả ba hình diện nghệ thuật, kỹ thuật và tư tưởng. Là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia được Nhà nước xếp hạng vào năm 1992, Đình làng Minh Lệ là nơi thờ tự Thành hoàng làng Trương Hy Trọng và 4 vị đức thần tổ: Trương, Nguyễn, Hoàng, Trần. Đình được xây dựng theo kiểu đình trung bốn mái, hai mái trước và hai mái hồi. Trên đình, giữa mái có lưỡng long chầu nguyệt, hai góc mái là hình hai con rồng lượn đã được cách điệu thành hoa lá, đầu rồng ẩn trong lá. Bốn góc mái là hình rồng lượn, vuốt cong nâng mái đình uyển chuyển, giữa hai đường mái trước là hình khối của hai con lân. Gian giữa thông với hai gian hai bên bằng 3 cửa vòm và thông với đình hậu cũng bằng ba cửa vòm nhưng cửa lại cấu trúc rất thấp, thể hiện một sức mạnh thần bí của tâm linh. Đình Minh Lệ được xây dựng rất công phu, từ các hình khối rồng, phượng, đến các bức vẽ, chạm khắc, thể hiện màu sắc nhất là sự bố trí, cấu trúc các cửa, các cửa vòm liên tiếp nhau, từng mảng, cửa chìm vào tường, cửa thông các gian… tường dày, hơi thấp về độ cao, bố cục trong phép đối xứng, đình hậu lại làm theo kiểu mái cuốn vòm kế tiếp nhau thành hai vòm, càng vào trong càng thấp xuống. Mặt rồng hung dữ, thân rồng thô, chân rồng chắc khoẻ thể hiện thế lực đầy quyền uy của chế độ phong kiến nhà Nguyễn. Đình Minh Lệ không những là nơi thờ tự, tổ chức lễ hội, nơi hội họp của làng mà ngôi đình còn gắn liền với những sự kiện lịch sử tiêu biểu của quê hương đất nước qua các thời kỳ. Đình làng Minh Lệ là nơi gắn liền với những sự kiện tiêu biểu trong thời kỳ vận động thành lập Đảng, khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Ông Hoàng Ngọc Lý- Phó Chủ tịch xã Quảng Minh cho biết: Mấy năm qua, đặc biệt là năm 2018, được sự quan tâm của Sở VH-TT và UBND tỉnh Quảng Bình cùng sự đóng góp tiền của của bà con nhân dân, con em trong làng. Chúng tôi đã tiến hành tổ chức tái tạo và tu sửa lại toàn bộ lại các thiết kế văn hóa trong khu đi tích. Mỗi năm cứ đến ngày mồng 1 tháng Chạp âm lịch - Làng Minh Lệ tổ chức lễ tảo mộ, con em khắp nơi trên mọi miền tổ quốc đều tụ họp về đây để dự, đây là nét văn hóa truyền thống của quê hương làng Minh Lệ nói riêng và của xã Quảng Minh nói chung. Trong những năm tiếp theo, UBND xã tiếp tục duy trì các hoạt động tại lễ hội tảo mộ đình làng của xã nhà chúng tôi. Đình làng Minh Lệ thực sự là nơi hội tụ của con cháu các dòng họ trong ngày tảo mộ. Con cháu dù ở Hà Nội, Hải Phòng hay thành phố Hồ Chí Minh … cũng thu xếp công việc về với quê hương. Mái đình trở thành một biểu tượng thân thương của một làng quê miền Trung đầy gian nan vất vả, nhọc nhằn nhưng rất đỗi kiên trung. Ông Hoàng Gia Cư- Người dân xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn chia sẻ: Hằng năm đều trở về làng Minh Lệ, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn để dự lễ Chạp theo phong tục ở đây; là lễ thần Hoàng thần Tổ và lễ các họ Trương- Nguyễn- Hoàng- Trần của làng của xã. Và hàng năm, những người con xa quê như tôi, có những người đã là cán bộ cấp cao, giáo sư, tiến sĩ.. cũng trở về quê hương thân thuộc để giữ lễ thành hoàng làng. Nói chung truyền thống này đã lưu danh mãi mãi và chắc rằng các thế hệ sau này vẫn nối tiếp đời cha ông như thế để giữ lấy bản sắc của dân tộc. Cứ mỗi độ xuân về, tại các đình làng Tượng Sơn (phường Quảng Long), Đình Phan Long (phường Ba Đồn), đình Lũ Phong (phường Quảng Phong), đình Hòa Ninh (xã Quảng Hòa), đình làng La Hà (xã Quảng Văn)… những trò chơi dân gian lại được tổ chức, lôi cuốn đông đảo người dân tham gia. Hàng năm, trước khi con cháu đi xa đều ghé lại các đình làng để thắp hương. Những sĩ tử đến trường thi dù vội đến mấy cũng đến thắp hương khấn vái Tổ tiên. Có nhiều người học hành đỗ đạt lại kéo đến đình làng dâng hương hoa. Họ chọn đình làng làm nơi làm lễ “vinh quy bái tổ”. Có vị khi đỗ Tiến sĩ về làng làm cỗ dâng cúng Tổ tiên và chia vui với bạn bè. Hay là nơi hội họp mỗi dịp Tết đến xuân về, nơi con cháu trong làng thắp hương tế cáo mỗi dịp đi xa, mỗi dịp thành công trở về làng. Nét xưa đó vẫn tiếp tục được người làng trân trọng lưu giữ cho muôn đời sau. Thật là một tục lệ đẹp mang đầy ý nghĩa nhân văn.
- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7):
+ Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã.
+ Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình;
+ Từ 6h00 phút đến...