Cố nghệ sĩ, thầy giáo Phan Xuân Hải (1933-2010), quê ở xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên, Nghệ An. Ông học sư phạm và xung phong vào Bình Trị Thiên dạy học. Từ đó, ông bén duyên với Quảng Bình và xem mảnh đất Ba Đồn là quê hương thứ hai của mình bởi chính nơi đây đã tạo dựng nên sự nghiệp đầy thăng trầm và nhiều giai thoại về cuộc đời ông.
Vừa qua, Chi hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) Quảng Trạch-Ba Đồn cùng gia đình đã tổ chức ra mắt Tuyển tập tác phẩm chọn lọc Phan Xuân Hải nhân 10 năm ngày mất của ông. Nhắc đến ông, mọi người sẽ nghĩ ngay đến một nghệ sĩ, một nhà viết kịch tài hoa, một thầy giáo đáng kính của nhiều thế hệ, người bạn lớn của văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh. Nhưng có một lĩnh vực mà ông luôn nhận được sự tôn trọng và yêu quý của mọi người, đó là “người vẽ Bác Hồ nhiều và đẹp nhất Quảng Bình”.
Tôi là lớp hậu sinh, chỉ được nghe kể nhiều giai thoại về một thầy giáo dạy văn, nhà viết kịch, nhà thơ nhưng có niềm đam mê đặc biệt với hội họa, lại lựa chọn một đề tài khó để thể hiện, đó là vẽ chân dung Bác Hồ. Là người tự học vẽ từ năng khiếu bẩm sinh, nên ông chưa từng tự nhận mình là một họa sĩ. Nhưng khi xem tranh, với tôi “ông là một họa sĩ đặc biệt”.
Nhiều lần tiếp xúc với ông thông qua các hoạt động của Hội VHNT Quảng Bình. Cảm nhận của tôi về ông là một người rất trực tính, khẳng khái mang chút ngang tàng và rất “nghệ sĩ”. Ông là người thành danh trong lĩnh vực văn học, đặc biệt là sáng tác kịch bản… với một cá tính riêng biệt được mọi người đánh giá cao.
Từ lời giới thiệu của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật: “có lẽ, thầy Phan Xuân Hải là người vẽ chân dung Bác Hồ nhiều nhất và đẹp nhất ở Quảng Bình… hãy xem tranh và cảm nhận nhé!” mà tôi đã tìm hiểu về tranh của ông.
Được biết, ông bắt đầu vẽ tranh Bác Hồ từ năm 12 tuổi và gia tài tranh vẽ về Bác đã hơn 50 tác phẩm đủ kích thước lớn, nhỏ, hoàn chỉnh hay phác thảo, được trưng bày, treo trang trọng tại các cơ quan, đơn vị nhà nước trong và ngoài tỉnh, tiêu biểu, như: Bức chân dung về Bác Hồ ở hội trường của huyện Hải Lăng (Quảng Trị) kích thước 1,8mx1,3m để đón những người chiến thắng trở về và trao trả tù binh sau chiến thắng vào năm 1972 rất được nhiều người yêu thích. Nhìn số lượng tác phẩm của một người “không phải là họa sĩ” như ông tự nhận, những người trong lĩnh vực sáng tác mỹ thuật Quảng Bình phải giật mình và kính phục sức làm việc.
Ông là một tài năng thiên phú về hình họa, khả năng bắt dáng và tả thần nhân vật rất tốt. Vẽ đề tài về Bác Hồ không nhiều người dám thực hiện, cũng rất ít người thành công. Bởi hình tượng Bác đã trở thành quen thuộc, định hình trong tâm thức đối với mỗi người dân Việt Nam, việc vẽ lại qua ảnh cũng là một hạn chế do ảnh hưởng của ánh sáng, góc chụp của nhiếp ảnh đã định hình bố cục tác phẩm mà ít người dám phá bỏ.
Những người được đào tạo mỹ thuật, trong quá trình học tập và làm việc, sáng tác, vẽ về Bác Hồ cũng là một thử thách, đặc biệt là đặc tả chân dung. Vẽ Bác có những điều khó chính như ông cũng đã nhận ra: “Cái khó là làm thế nào để thể hiện thần sắc của một vị lãnh tụ thiên tài nhưng bao dung, nhân hậu. Khó nhất là diễn tả đôi mắt phải thể hiện được ánh mắt tự tin, chứa đựng tinh thần thép nhưng lại đầy âu yếm, thương yêu".
Tuy nhiên, với đam mê và tình cảm đặc biệt của mình với Bác Hồ, “suốt một đời làm nghề dạy học, đã giảng giải cho bao thế hệ học trò về Bác Hồ, về tinh hoa văn hóa nhân loại kết tinh cùng các giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc đều hội tụ ở Người. Nhưng cảm thấy chưa đủ, cần làm một điều gì đó để thỏa sự yêu mến, quý trọng một thần tượng” nên ông đã chọn vẽ tranh chân dung Bác.
Thầy giáo, họa sĩ Phan Xuân Hải là một người dũng cảm, bởi lẽ dám chọn một đề tài khó trong việc thể hiện đam mê hội họa của mình, điều kiện cơ sở vật chất, họa cụ họa phẩm phục vụ cho vẽ tranh trong thời gian còn nhiều khó khăn ấy quả là điều không dễ. Thông qua tư liệu các tác phẩm vẽ về Bác của ông, không đơn giản chỉ là “chép ảnh” mà thực sự đã truyền được thần thái, tinh thần, cốt cách của bậc lãnh tụ, vĩ nhân.
Với khả năng hình họa thiên bẩm, cách sử dụng màu, đặc biệt là năng lực công bút, diễn tả với tinh thần cần mẫn, cẩn thận trong việc thể hiện chân dung, tả chất các chi tiết, chất liệu tạo nên các bức tranh có tổng thể màu sắc, bố cục đẹp, không có cảm giác tỉa tót rườm rà như những bức tranh chép đơn thuần thông thường chúng ta thường thấy đâu đó. Ông cũng đã chắt lọc để xây dựng hình tượng Bác trong các bức tranh nổi bật, đẩy sâu đôi mắt, nụ cười và phong thái. Xây dựng kết cấu bố cục với các mảng hình, chi tiết chính phụ phù hợp tạo nên dáng dấp của các tác phẩm hội họa, đó là phẩm chất của một người có năng lực sáng tạo mỹ thuật.
Có thể nói, ông là một nét riêng đặc biệt thú vị góp phần vào bức tranh mỹ thuật Quảng Bình từ trước đến nay. Ngoài vẽ về đề tài chân dung Bác, ông còn là một người trình bày bìa sách khá độc đáo, có cá tính và nét riêng. Tuy nhiên, điều đáng quý là ông chưa bao giờ tự nhận mình là họa sĩ, mà: “Tôi chỉ là người chép tranh”.
Với nhân cách khiêm nhường và sức làm việc đáng nể, ông thực sự đã là một họa sĩ, góp phần đưa hội họa đến gần hơn với công chúng, phục vụ các hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa của quê hương. Dù đã đi xa, nhưng những dư âm về cuộc đời và sự nghiệp, các tác phẩm chân dung Bác Hồ của ông vẫn luôn được các thế hệ văn nghệ sĩ Quảng Bình nhắc nhớ.