Đặc sắc lễ hội chào xuân ở Ba Đồn

Thứ tư - 17/02/2021 14:48
Lễ hội đầu xuân là nét văn hóa độc đáo có từ lâu đời của người Việt. Ở TX. Ba Đồn, vùng đất mang nhiều "trầm tích" của lịch sử, mỗi lễ hội chào xuân đều có những sắc thái riêng, mang đậm truyền thống của mảnh đất, con người nơi đây.
Đặc sắc lễ hội chào xuân ở Ba Đồn
Theo thống kê, trên địa bàn TX. Ba Đồn hiện có 11 lễ hội thường xuyên được tổ chức hàng năm. Trong đó, có 7 lễ hội chào xuân đặc sắc duy trì hàng trăm năm nay được tổ chức vào đầu tháng giêng âm lịch và có những sắc thái riêng biệt.
 
Độc đáo lễ hội Khai hạ Quảng Long
 
"Lễ hội chào xuân là những gạch nối giữa hiện tại và quá khứ để góp phần giáo thế hệ trẻ hôm nay phát huy những truyền thống tốt đẹp mà cha ông đã hun đúc bao đời để lại.", ông Nguyễn Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn cho hay.

"Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày mồng 7 về coi cướp cù". Đây là câu vè truyền qua nhiều thế hệ để nói về trò chơi cướp cù trong lễ Khai hạ ở phường Quảng Long, TX. Ba Đồn. Lễ hội được tổ chức vào ngày 7-1 (âm lịch) hàng năm và nổi tiếng hai bờ Bắc-Nam sông Gianh từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. 

Hội cướp cù bắt đầu từ sau chính Ngọ, tức là 12 giờ trưa, trên một sân cát có chiều dài khoảng 200m, rộng khoảng 150m. Sân chia thành hai đội, hai đầu góc sân dựng hai cây tre cao chừng 10m phía trên buộc thêm rổ tre để làm mục tiêu ném cù lên. Điều thú vị là số lượng người mỗi đội thường chia đều từ 100 đến 150 người mỗi đội và các đấu thủ hai đội sẽ cùng tranh quả cù để ném vào rổ của chính đội mình.
 
Hội cướp cù chỉ diễn ra trong vòng một tiếng đồng hồ, nghĩa là hết giờ Ngọ (đúng 13 giờ trưa) sẽ chấm dứt và tính điểm. Đội nào giành chiến thắng sẽ được ghi vào lịch sử hội cù của làng Tượng Sơn.
 
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Quảng Long cho hay, dù thua hay thắng thì người chơi hai đội vẫn ôm, bắt tay nhau thân thiện thể hiện sự đoàn kết và được làng mời rượu để lấy lộc đầu năm.
Trò cướp cù trong lễ Khai hạ tại đình Tượng Sơn, phường Quảng Long. (Ảnh: Văn Thức)
Trò cướp cù trong lễ Khai hạ tại đình Tượng Sơn, phường Quảng Long. (Ảnh: Văn Thức)

 
Trước đó, phần lễ của lễ Khai hạ đã được tổ chức vào buổi sáng với những màn múa đao, kiếm, khai roi do các cụ cao niên trong làng biểu diễn ở đình làng Tượng Sơn.
 
Cùng với trò cướp cù thì trong phần hội của lễ Khai hạ còn có tiết mục đấu vật đặc sắc. Tương truyền, hội đấu vật ở đây có từ thời vua Quang Trung. Năm 1788, trên đường hành quân ra Bắc, vua Quang Trung đã dừng chân ở vùng đất Tượng Sơn, phường Quảng Long bây giờ để mộ lính. Trong quá trình đó thì trò đấu vật được truyền ra.
 
Hiện, tại đình làng Tượng Sơn còn lưu giữ hai câu thơ được vua Quang Trung tặng cho người dân nơi đây. 
Hội vật đầu xuân ở TX. Ba Đồn được tổ chức ngày 10-1 âm lịch hàng năm.
Hội vật đầu xuân ở TX. Ba Đồn được tổ chức ngày 10-1 âm lịch hàng năm.

Mỗi đấu thủ là người làng được chọn hay khách xem hội đều có thể đăng ký danh sách để tham gia. Khi ba hồi trống dài rộn ràng báo hiệu khai cuộc, hai đô vật bước lên sới vật với hai chiếc đai màu xanh, đỏ để phân biệt. Mọi người đứng chen thành vòng tròn, háo hức đón xem những thế vật hay, khéo léo của các đô vật.
 
Đây là nét văn hóa truyền thống thể hiện tinh thần thượng võ của người dân Quảng Long, thu hút nhiều người dân địa phương đến xem, tạo không khí linh thiêng và độc đáo.
 
Về đình Lũ Phong dự lễ cầu yên
Lễ
Lễ "rước linh" trong lễ cầu yên ở đình làng Lũ Phong, phường Quảng Phong, TX. Ba Đồn. (Ảnh : Văn Thức).

Theo cuốn "Lịch sử Đảng bộ phường Quảng Phong" (1930-2005), làng Lũ Đăng nay là Lũ Phong được thành lập từ năm cuối thế kỷ XIV. Lễ cầu yên được tổ chức hàng năm ở đình làng Lũ Phong vào ngày 18-1 (âm lịch) hàng năm để tưởng nhớ công lao khai khẩn làng xóm của 5 vị thành hoàng và cầu quốc thái dân an.
 
Cụ Nguyễn Trung Lương, 86 tuổi, TDP 4, phường Quảng Phong nhiều năm là thành viên ban tế lễ cầu yên của làng Lũ Phong cho hay, trước đây, lễ cầu yên của làng còn gọi là lễ "rước nước". Phần lễ được tổ chức vào chiều 17-1 (âm lịch), đại diện các dòng họ trong làng sẽ tới các miếu của 5 vị thành hoàng để "rước linh" về đình làng. Ngày hôm sau mới bắt đầu các thủ tục cúng bái, dâng lễ. Phần hội là các trò chơi dân gian truyền thống như: đấu roi, đấu quyền, hát nhà trò, kéo co, thả chim, bơi thuyền...
 
Ngày nay, lễ cầu yên chỉ diễn ra trong ngày 18-1, các trò chơi truyền thống cũng bị mai một theo thời gian và thay vào đó là các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể thao, giải trí. Tuy nhiên, phần lễ vẫn do ban lễ tế là các cụ cao niên trong làng đảm nhận. Các thủ tục làm lễ cũng như các bài tế văn thần vẫn được giữ nguyên và tiếp tục truyền đời.
Du khách thập phương xem hội đình làng Phan Long, phường Ba Đồn.
Du khách thập phương xem hội đình làng Phan Long, phường Ba Đồn.

Qua Hòa Ninh xem cờ người
 
Ngày 8-1 (âm lịch) hàng năm, lễ Kỳ Phúc được tổ chức rộn ràng tại đình làng Hòa Ninh, xã Quảng Hòa, TX. Ba Đồn. Theo các cụ cao niên trong làng, lễ Kỳ Phúc có truyền thống từ hàng trăm năm trước thuở lập làng. Nhiều năm trước, do chiến tranh và các yếu tố khách quan khác, lễ Kỳ Phúc có một giai đoạn bị gián đoạn. Tuy nhiên, những năm gần đây, lễ hội chào xuân này được khôi phục và nhận được sự hưởng ứng của người dân trong làng, xã và các khu vực lân cận.
 
Lễ có hai phần chính: phần thứ nhất là lễ tế, được các cụ thông xướng, chủ tế, bồi tế và chấp sự đọc văn tế, dâng rượu. Phần thứ hai là lễ dâng hương, là lúc mà toàn thể cán bộ và nhân dân địa phương bày tỏ lòng thành kính của mình với các vị tổ tiên, thành hoàng.
 
Lễ Kỳ Phúc được tổ chức với mong muốn cầu mong cho nhân dân bình an hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xóm làng yên ổn. Đây cũng là dịp để các thế hệ sau biết về tổ tiên của mình, giáo dục cho người sống về đạo hiếu với tổ tiên, là một nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc cần được giữ gìn và phát triển.

Phần hội gồm các phần thi: kéo co, thi đấu bóng chuyền nam, nữ được tổ chức sôi nổi, thu hút nhiều người dân tham gia thi đấu, cổ vũ nhiệt tình. Đặc biệt là cờ người, trò chơi có truyền thống từ bao đời nay và bắt buộc phải có trong lễ Kỳ Phúc ở đình làng Hòa Ninh. 

Trên địa bàn TX. Ba Đồn còn có nhiều lễ hội nức tiếng khách thập phương khác như: lễ hội đình làng Phan Long, phường Ba Đồn; lễ hội đình làng La Hà, xã Quảng Văn đều được tổ chức vào ngày 15-1 (âm lịch) hàng năm... Các lễ hội này đều mang đậm truyền thống từng làng quê, thể hiện sự tri ân sâu sắc của lớp người đi sau đối với những người đi trước, giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn", tô điểm thêm nét đẹp văn hóa quê hương.
 
Ngày nay, theo dòng chảy của thời gian, những truyền thống đáng quý ấy đang đối mặt với nguy cơ phai nhạt. Và để duy trì, phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống, không chỉ cần sự nỗ lực của các cấp chính quyền mà còn cần cả sự chung tay của cả cộng đồng.
 
X.Phú

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập263
  • Hôm nay42,296
  • Tháng hiện tại267,424
  • Tổng lượt truy cập41,412,878
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây