THỰC TRẠNG ĐÁNG BÁO ĐỘNG
Ngày 15-8-2019, em L.T.A.T. (sinh năm 2005 ở Quảng Ngãi) đã giật tóc và dùng dép đánh tới tấp vào 3 nữ sinh lớp 7 trường THCS Nghĩa Thuận, xã Nghĩa Thuận (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) chỉ vì những mâu thuẫn trên mạng xã hội. Không chỉ đánh bạn, T. còn dùng nhiều từ ngữ thô tục chửi mắng, đe dọa 3 nữ sinh nói trên.
Ngày 22-8-2019, một đoạn clip có độ dài chỉ khoảng 30 giây ghi lại cảnh nhóm 3-4 nữ sinh đang lao vào đánh hội đồng 1 nữ sinh khác trên đường phố với thái độ rất hung hăng, liên tục tiến tới đối thủ vung tay dọa nạt. Thiếu nữ bị đánh hội đồng cũng luôn hùng hổ đánh trả, cầm gậy vụt tán loạn.
Ngày 31-8-2019, một nữ sinh trường THPT Chuyên Hạ Long (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) bị kẻ lạ đột nhập vào nhà vệ sinh nữ ở trường và rạch mặt.
Đây mới chỉ là 3 vụ việc được thống kê trong tháng 8-2019.
Nếu gõ từ khóa “học sinh đánh nhau” trên trang tìm kiếm Google, chỉ trong vòng 0,38 giây, sẽ nhận được 130.000.000 kết quả có liên quan.
Quay ngược thời gian trở về trước, những vụ việc như: ba học sinh ở thành phố Vinh (Nghệ An) hành hung bạn; học sinh Hà Nội hành hạ bạn giữa vườn hoa công viên với những hành động túm tóc, lột áo, học sinh trường THCS Chu Văn An (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh bạn, quay phim; học sinh lớp 10 ở trường THPT Hồng Bàng tỉnh Đồng Nai đâm chết bạn ngay tại cửa lớp.... đã làm nhức nhối dư luận và làm đau lòng các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và xã hội.
Thực trạng về những vụ việc và con số nói trên đã gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức, hành vi, lối sống của học sinh, sinh viên hiện nay.
Vụ việc đánh bạn ở huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi tháng 8 -2019. (Ảnh cắt từ clip). |
Có thể nhận thấy, trong những năm gần đây, một bộ phận học sinh, sinh viên đã có những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức đến mức báo động như trốn học, gian lận thi cử, đánh nhau, uống rượu bia, trộm cắp vặt, xin đểu, vô lễ, đe dọa, hành hung thầy cô giáo. Nhiều học sinh, sinh viên còn có biểu hiện sống hưởng thụ, coi nặng giá trị vật chất, tiêu xài hoang phí, lười lao động, sống ích kỷ, không hiếu thảo với ông bà cha mẹ, thiếu tính nhân đạo.
Ban Thanh niên trường học (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) cũng đưa ra một thực trạng hết sức đáng lo ngại. Đó là hiện tượng lười biếng và thiếu trung thực trong học tập. Ở hầu hết các trường đại học, cao đẳng, không thiếu tình trạng sinh viên trốn học, bỏ tiết, không học bài, đến các kỳ kiểm tra, thi cử tìm mọi cách gian lận, chạy thầy, thuê viết hoặc sao chép khóa luận.
Sinh viên khá lười đọc sách với 85% và cho rằng họ “có đọc” nhưng chỉ một số cuốn sách chuyên ngành khi phải trình bày báo cáo hay làm bài kiểm tra. 15% còn lại cho rằng họ không đọc tài liệu tham khảo, có những sinh viên năm cuối chưa từng một lần đến thư viện tìm sách… |
Theo TS. Nguyễn Đắc Hưng (Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương), điều lo ngại nhất là một bộ phận học sinh, sinh viên suy thoái về đạo đức, mờ nhạt về lý tưởng, theo lối sống thực dụng, thiếu hoài bão lập thân, lập nghiệp, thực sự phấn đấu vì tương lai của bản thân, gia đình và đất nước. Những biểu hiện tiêu cực trong học sinh, sinh viên đang là nguy cơ đe dọa tương lai của chính bản thân, gia đình họ, cản trở sự phát triển lành mạnh, tiến bộ và văn minh trong xã hội…
Theo thống kê của Cục Thống kê tội phạm, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy, học sinh, sinh viên dễ mắc phải các tội phạm như cướp của, giết người, vận chuyển ma túy. Hàng loạt các vụ cướp, đâm chém do tư thù cá nhân có hung thủ trong độ tuổi rất trẻ, dưới 25, thậm chí mới 16 - 17 tuổi. |
Lý giải nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do nội dung giáo dục đạo đức trong nhà trường chưa thiết thực và chưa được coi trọng. Công tác quản lý ở một số trường học còn bất cập. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục học sinh chưa chặt chẽ trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
Thử đặt một câu hỏi nhỏ tại trường tiểu học và phổ thông trung học “Vì sao con hay chửi thề?”, có em học sinh vô tư trả lời: “Vì con thấy bố con và nhiều người lớn vẫn nói vậy.”. Như vậy, có thể thấy rằng, giáo dục đạo đức cho học sinh ở trường mà không có sự hợp tác từ phía gia đình, thì dù thầy cô có nỗ lực đến đâu hiệu quả mang lại cũng không cao. Để “dạy người”, ngoài các thầy cô giáo, yếu tố gia đình luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh lại quá nuông chiều con cái, dễ dàng thỏa hiệp với những đòi hỏi vô lý của con nên dễ tạo cho các em tâm lý hiếu thắng, thích gì được nấy, thích gì làm nấy. Hơn thế nữa, nhiều gia đình mải mê lo công việc nên “khoán trắng” hoàn toàn việc giáo dục con cái cho nhà trường.
Bên cạnh đó, những tác động bên ngoài gia đình, nhà trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến đạo đức, lối sống của các em như mạng xã hội, internet cũng ảnh hưởng
Theo ông Lê Đông Phương (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), thực trạng hiện nay, sách tiếng Việt chiếm đến 1/2 là sách ngôn tình, 1/3 là kiếm hiệp; sách về khoa học kĩ thuật, đạo đức rất ít.
Tình trạng học sinh, sinh viên truy cập internet và tham gia các mạng xã hội rất nhiều và có thể sớm bị nhiễm những nội dung không tốt. Thực tế, cũng chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự xâm nhập của những nội dung này. Do đó, việc dạy học sinh, sinh viên kĩ năng sống là vô cùng quan trọng. Bởi những kỹ năng đó chính là “bộ lọc” trước những nội dung “rác” trên không gian mạng.
NHỮNG BƯỚC CHUYỂN ĐỘNG
Ngày 26/7/2019, tại phiên họp của Ủy ban đổi mới Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2016-2021 và Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua, Bộ đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
Bộ cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện đổi mới chương trình giáo dục, trong đó đặc biệt quan tâm tới nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Từ năm 2017, môn Giáo dục công dân được chọn là một môn thi trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Chương trình, nội dung, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống đã có nhiều đổi mới, phù hợp hơn ở từng cấp bậc học.
Hoạt động chào cờ và hát Quốc ca tại các buổi lễ trong trường học đã được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, toàn thể cán bộ, nhà giáo, học sinh trực tiếp hát quốc ca. Các nhà trường quan tâm xây dựng khuôn viên, cảnh quan nhà trường xanh, sạch, đẹp; phân công học sinh trực nhật lớp, vệ sinh trường học, khu vực quanh trường, chăm sóc cây xanh.
Các khẩu hiệu, phong trào, nếp sinh hoạt truyền thống vẫn đúng như “5 điều Bác Hồ dạy”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”… được duy trì, phát huy. Các trường học hiện nay đã đổi mới lễ khai giảng với tinh thần “vì học sinh thân yêu”, giữ gìn vệ sinh trường học, đưa các môn thể thao, võ thuật vào trường học…
Từ năm 2016, lễ khai giảng năm học mới tại Đà Nẵng diễn ra ngắn gọn, không có phát biểu của lãnh đạo các cấp. Năm học mới 2019-2020, từ tháng 8-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Đà Nẵng đã có văn bản gửi các phòng Giáo dục, các trường phổ thông trung học hướng dẫn về lễ khai giảng năm học mới và ngày toàn dân đưa trẻ đến trường vào đúng sáng 5-9, bắt đầu lúc 7h15, tối đa không quá 45 phút. Năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản chỉ đạo các trường, các đơn vị giáo dục trên địa bàn lồng ghép nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường trong lễ khai giảng năm học mới. Cụ thể là vận động học sinh, sinh viên, giáo viên, phụ huynh... không xả rác ra đường và kênh rạch - vì thành phố sạch và giảm ngập nước; xây dựng trường học xanh; thực hiện phong trào chống rác thải nhựa... Sở cũng yêu cầu các đơn vị giáo dục cần có hình thức tuyên truyền và giải pháp cụ thể thực hiện tại từng đơn vị mình sao cho phù hợp với đối tượng học sinh cũng như điều kiện tại đơn vị. |
Đây có thể được coi là những bước chuyển động của ngành giáo dục, từng bước góp phần nâng cao giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trong những năm gần đây nhưng chưa được phát triển mạnh mẽ. Nhưng yêu cầu phát triển trong tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải chú trọng hơn nữa đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng mềm…
Một tiết dạy Giáo dục công dân. Ảnh: Tuổi trẻ |
Đơn cử, môn Giáo dục công dân ở các cấp cần được tổ chức như một nội dung giáo dục kết nối chứ không phải như một môn học thuần túy. Các giờ giảng trên lớp cần đầu tư kỹ lưỡng, công phu. Việc tổ chức các hoạt động nên tăng tính rèn luyện dưới dạng các hoạt động bên cạnh các giờ giảng trên lớp theo phương châm “tổng thể - tích cực và khuyến khích”. Tổng thể nghĩa là phải từ nhiều chủ thể: tự học sinh, cha mẹ, bạn bè và thầy cô; có đánh giá thiên về định tính, đánh giá quá trình, tăng việc khuyến khích và thưởng cho hành vi tích cực hơn là phạt.
Song song với đó, cần đề cao trách nhiệm nêu gương của thầy cô giáo. Bởi sẽ không thể có học trò có đạo đức, lối sống tốt nếu thầy cô giáo chưa là tấm gương tốt từ kiến thức chuyên môn đến lối sống hằng ngày. Vì vậy, mỗi thầy cô giáo cần đề cao trách nhiệm nêu gương về đạo đức, lối sống để học sinh học hỏi và noi theo. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới phương thức quản trị trong trường phổ thông, phát huy dân chủ trong trường học với ý nghĩa đây là một thiết chế công cộng có sự tham gia của ban giám hiệu, tập thể giáo viên, cộng đồng, phụ huynh và học sinh, chính quyền địa phương. Có như vậy học sinh mới ở vị trí trung tâm, được dạy dỗ, phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất theo chương trình giáo dục mới.
Bộ trưởng Bộ Giáo duc và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định, năm học mới 2019-2020, ngành giáo dục xác định việc “dạy người”, dạy đạo đức, lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh phải là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu và quyết tâm triển khai hiệu quả.
Để việc “trồng người”, “dạy người” được triển khai hiệu quả, cần phải thực hiện ngay những nhiệm vụ như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong bức thư gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2019- 2020. Đó là:
Thứ nhất, tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên.
Thứ hai, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu của năm học và kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Thứ ba, các thầy cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành giáo dục luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”.
Thứ tư, các em học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, noi theo các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành những người vừa “hồng”, vừa “chuyên” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Tác giả bài viết: Thu Hằng
Nguồn tin: tuyengiao.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn