Đưa nghệ thuật diễn xướng dân gian của quê hương Quảng Bình đến với học sinh trường THPT Lương Thế Vinh qua chương trình giáo dục địa phương lớp 10

Thứ năm - 24/10/2024 14:15
 “Văn hóa và nghệ thuật có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục thế hệ trẻ; góp phần xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ”. (Hồ Chí Minh). Thật vậy, văn hóa, nghệ thuật không đơn thuần chỉ là truyền tải cái đẹp, giúp con người biết thưởng thức cái đẹp mà còn hướng con người đến cách sống đẹp, có ý nghĩa với bản thân và xây dựng đất nước. Trong đó, âm nhạc dân gian là tinh hoa văn hóa đặc sắc, linh hồn của dân tộc Việt, nó tựa như dòng sông chắt lọc từ mạch nguồn cuộc sống, chảy qua nhiều thời đại, phản ánh tâm tư, tình cảm, ước mơ khát vọng của con người trên mảnh đất quê hương. Mỗi miền quê trên đất nước Việt Nam thân yêu có những loại hình âm nhạc dân gian mang nét đặc trưng của vùng quê ấy.
Học sinh lớp 10A11, trương THPT Lương Thế Vinh đang tìm hiểu các nhạc cụ làm từ tre, gỗ trong diễn xướng Kệ Hiệng
Học sinh lớp 10A11, trương THPT Lương Thế Vinh đang tìm hiểu các nhạc cụ làm từ tre, gỗ trong diễn xướng Kệ Hiệng
      Tài liệu giáo dục địa phương lớp 10 đã cung cấp cho HS một lượng kiến thức khá phong phú về văn hóa truyền thống quê hương. Đặc biệt, trong chủ đề 1 (văn hóa truyền thống), thông qua hoạt động luyện tập, vận dụng và mở rộng, học sinh có thể được tiếp cận với các loại hình diễn xướng dân gian của địa phương mình đang sinh sống. Điều này là vô cùng cần thiết và bổ ích bởi những tiết học rất thực tế và gần gũi này giúp học sinh hiểu rõ hơn về nơi mình sinh ra, lớn lên để thêm yêu quý và tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương Quảng Bình.
       Ở trường THPT Lương Thế Vinh (thị xã Ba Đồn - Quảng Bình), các tiết dạy giáo dục địa phương luôn được đầu tư công phu, nghiêm túc; trong đó, giáo viên luôn chú trọng tìm và thực hiện các phương pháp dạy học phù hợp với nội dung, chủ đề, nhóm chủ đề. Đặc biệt, ngoài kiến thức sách giáo khoa đã cung cấp, các biện pháp giáo dục trực quan được coi trọng và đã được sử dụng có hiệu quả trong các tiết dạy. Các phương pháp trực quan này có thể là: xem, nghe các video về các loại hình diễn xướng dân gian, gặp gỡ các nghệ nhân dân gian (trực tiếp hoặc qua clip); sưu tầm các nhạc cụ dân gian hiện còn để học sinh quan sát bằng thị giác hoặc có thể thử sử dụng….
  Một trong những hình thức diễn xướng dân gian mà chúng tôi đã áp dụng trong tiết dạy về văn hóa quê hương đó là giới thiệu cho học sinh về nghệ thuật Kệ Hiệng của người dân làng Pháp Kệ, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Kệ Hiệng là loại hình nghệ thuật độc đáo và hiếm có, nó duy nhất thuộc về một làng quê, không có bất cứ một phiên bản nào khác ở bất cứ một địa phương nào khác. Nó được xem là báu vật riêng có của người dân làng Pháp Kệ. Hình thức diễn xướng này kết hợp những ca từ giản dị, đạo cụ quen thuộc như: trống, phách…để truyền tải những suy ngẫm của người dân một cách gần gũi, dễ lưu nhớ. Từ thời xa xưa, với những tác phẩm như: Kể công cha mẹ nuôi con, Phụ tử tình thâm đã truyền tải một cách sâu sắc đạo lý truyền thống của dân tộc. Trong thời kỳ chống xâm lược, Kệ Hiệng còn trở thành vũ khí đấu tranh nhờ những bài tuyên truyền độc đáo, cổ vũ con người chiến đấu như Tây về làng, Xóa mù chữ…. Trong thời bình, Kệ Hiệng tái dựng cuộc sống xây dựng đất nước bằng những lời ca Làm đình, Chớ nề công sức… Lời ca có sự kết hợp tính giáo huấn của Đạo Nho và triết lý của Phật giáo nhưng lại được thể hiện bằng những ca từ tự nhiên, bình dị làm cho Kệ Hiệng trở nên hấp dẫn theo một cách riêng mà khó có loại hình diễn xướng nào có thể làm được.
Học sinh thuyết trình về các nghệ nhân dân gian Quảng Bình trong tiết học GDĐP
Học sinh thuyết trình về các nghệ nhân dân gian Quảng Bình trong tiết học GDĐP

Điều đặc biệt nữa là, không như những loại hình biểu diễn khác, Kệ Hiệng không cần đến những sân khấu rực rỡ hay những bộ trang phục cầu kỳ, nó là loại hình nghệ thuật bình dân, gần gũi, chính vì thế, khi tập thử cho HS diễn xướng ngay trên lớp học, học sinh đều cảm thấy rất thân thuộc, tự nhiên và hấp dẫn. Sau khi được trực tiếp nhập vai, hầu hết học sinh đều dễ dàng thuộc lời và giai điệu, có thể sử dụng các nhạc cụ đơn giản để phối hợp. Và điều quan trọng hơn nữa là, sau những tiết học như vậy, các em càng thêm yêu và gắn bó với văn hóa truyền thống nơi mình đã sinh ra và lớn lên.
      Việc đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học như trên không chỉ cung cấp kiến thức cho người học mà còn hướng tới xây dựng và hoàn thiện các phẩm chất: yêu nước, trách nhiệm theo yêu cầu cốt lõi của CT giáo dục 2018. Trong thực tế hoạt động này còn góp phần nâng cao ý thức của người trẻ  trong quảng bá, lan toả giá trị văn hóa, lịch sử… truyền thống của địa phương, góp phần xây dựng một Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tác giả bài viết: Trần Thị Diệu Thúy - Trường THPT Lương Thế Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập74
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm71
  • Hôm nay3,836
  • Tháng hiện tại596,797
  • Tổng lượt truy cập40,116,586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây