Đó là nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình vừa ra mắt tập thơ “Đá”, tập thơ thứ 5 của anh trong một không gian ấn tượng, với nhiều tham luận của các nhà thơ, nhà văn tên tuổi và rất nhiều lời chúc mừng của cộng đồng mạng.
Sinh ra từ chiếc nôi truyền thống làng Thổ Ngọa, anh yêu thơ và biết làm thơ từ thuở đến trường. Cha anh, ông Đỗ Hữu Tình từng có 10 năm làm Chủ nhiệm CLB thơ của làng. Thừa hưởng khả năng thiên bẩm từ người cha, những tác phẩm thơ của Đỗ Thành Đồng lần lượt có chỗ đứng trên nhiều tờ báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh. Với bản tính cởi mở, thẳng thắn, cầu tiến, anh ước mơ xác lập cho mình một lối đi riêng trên hành trình thai nghén, sinh nở những đứa con tinh thần và anh đã thành công. Từ tập thơ đầu tay “Cỏ vô danh” nghiêng về thể loại thơ truyền thống, đến “Rác”, “Rỗng”, “Xác” và nay là ấn phẩm thứ năm “Đá”. Mỗi tác phẩm ra đời đều thể hiện rõ nét sự đổi mới, bứt phá của chính bản thân anh để đến với dòng thơ đương đại. Bằng sự đa dạng của ngôn từ, anh không chỉ chia sẻ cùng người đọc sự thao thức, trở trăn trước nhân tình, thế sự, mà cả những vấn đề nhạy cảm, bức xúc trong cuộc sống cũng được anh đan cài, lập tứ, lập ngôn… một cách khéo léo. Dấn thân vào nghiệp thi ca, Đỗ Thành Đồng say mê tìm chiếc áo mới cho thơ. Vào những thời điểm mọi người nồng say ái ân, giấc điệp…, thì anh lại toát mồ hôi đánh vật với từng con chữ. Sau từng văn bản thơ của anh thường là “2 giờ sáng”, “3 giờ sáng”, “4 giờ sáng”, hoặc “về sáng…”. Càng ngày, anh càngsử dụng (một cách sành điệu) thủ pháp ẩn dụ - siêu thực, gợi cho người đọc nhiều liên tưởng mới, lạ… Song không vì thế mà làm cho tác phẩm khô khan về “thi tứ”, “thi ngôn” và “thi ảnh”. Với cách lập ngôn lắm lúc siêu hình vô lượng, anh đã làm cho nhiều người đọc phải đeo đuổi, bám riết lấy thi phẩm để khai thác sự lấp lánh của chủ thể trữ tình trong mỗi câu thơ, bài thơ. Nhà phê bình văn học Yến Thanh, trong phần lời tựa đã không kiệm ngôn khi thừa nhận: “Thơ Đỗ Thành Đồng là thứ thơ được viết với một thứ mỹ học mới/khác, phi mỹ học lãng mạn. Anh sẵn sàng lấy đối tượng trữ tình là con giun, là rác, là chổi cùn, là những cô gái đĩ…”. Liền đó, ông kết luận: “nhưng bản thể mỹ học của nó đã hành trình đến chân trời của hệ hình hậu hiện đại”. Thật vậy! Vào lúc 3 giờ sáng một đêm mùa đông, nỗi nhớ và tình yêu thương người cha quá cố lại cày xới tâm khảm anh, như “tiếng biển đêm vỗ vào hương khói”,gợi lên trong anh thi tứ về CHA: “giữa những ngày mặt trời mọc ngược/ Cha thắp đèn bằng nước mắt/ ba mươi tết cúng tổ tiên chén nước/ để dành cút rượu biếu thầy dạy con/ Nếp nhăn cuộc đời Cha để lại/ trong con chữ về đêm/ tiếng gà gáy câu thơ nức nở/ Cha cười cho nắng mới lên” (trong bài CHA). Đỗ Thành Đồng chọn bài thơ “Đá” đặt tên cho tập thơ này, theo tôi một phần do sự sắc sảo của thi tứ! Bởi “Đá” của anh là một thứ đá chuyên “nép trong hang tối”,thứ đá chẳng bao giờ “đổ mồ hôi”. Và khi, “lũ nhà thơ” chúng ta “là những cục đất” thì “có nghĩa là bạn đừng mong thay đổi/ thế giới vô tình của những hòn đá” nặng hơn trọng lượng bản thân ấy. Thú vị hơn, Đỗ Thành Đồng còn “lên giọng” với mọi người: “và bạn nữa cũng đừng vội cười cợt/ khi cho rằng chỉ nhà thơ mới bất lực trước đá”. Chỉ bởi “họ không có những nét chạm tài tình/ của một nhà điêu khắc” (trong bài ĐÁ). Bất luận thời tiết nào, ta khó tìm thấy sự “lành tính” trong mọi đám mây. Nhưng mấy ai đã đưa vào thơ mình “những đám mây ác tính cõng nhau” như Đỗ Thành Đồng (trong bài BUỒN). Cuộc đời còn không ít ngờ vực, nhất là khi tiếp xúc với người “ba voi không được đọi nước xáo” như cổ nhân từng ví von. Đỗ Thành Đồng đã “ngẫm” thấy điều này: “tự treo ngược mình không biết đó là dơi/ tự do bơi không biết đó là cá/ tự gầm gừ không biết đó là sói/ nhưng nhiều khi như thế vẫn tốt/ ít ra thiên hạ chẳng hiểu nhầm/ sợ nhất anh rất ồn ào/ nhưng tất cả đều nhạt” (trong bài NGẪM). Đôi khi tôi tự hỏi, người ta đã làm thơ như thế nào? Và đây, với động từ “hứng” anh đã giúp tôi rõ lẽ: “Anh đã hứng từng câu thơ từ bầu trời đen bạc/ hứng trong veo trong hình hài thạch nhũ/ hứng giọt hồng trong ánh mắt/ hứng mưa cơn thắt ngực/ trong màn đêm đen gót chân cha/ trong cơn ngày trắng bàn tay mẹ/ trong rễ cọc bùn đất/ anh và thơ/ đầu thai…” (trong bài HỨNG)…
Tập thơ “ĐÁ” có 55 bài thơ, hẳn đó là món quà anh dành tặng mình 55 tuổi. Đặc biệt hơn, tất cả các bài thơ ấy, anh chỉ lấy “tít” có một từ. Đây lại là một phát kiến mới của anh về sử dụng con chữ, trên hành trình đến với thơ đương đại. Trong “con người thơ” của anh, còn hiện hữu một con người khác, giàu lòng nhân ái, giàu sự biết ơn. Công ơn cha mẹ sinh thành, thầy cô dạy dỗ, công ơn những người đã hy sinh thân mình cho dân tộc trường tồn… dồn nén trong anh. Vào dịp tháng bảy từ năm 2014 đến nay, anh đã có 5 lần cùng nhà văn Phạm Phú Thép - Phóng viên Báo Văn hóa tại Quảng Bình và Công ty Truyền thông Phú Mạnh tổ chức lễ tri ân các liệt sỹ hy sinh ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma (huyện đảo Trường Sa). Trong đó, 3 lần tổ chức tại phường Quảng Phúc, quê hương Anh hùng LLVTND liệt sỹ Trần Văn Phương và 2 lần tại bãi biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh). Hẳn không ai quên được những động tác kính cẩn và chất giọng “chan nước mắt” của Đỗ Thành Đồng, khi anh xướng bài “Văn tế liệt sỹ Gạc Ma”. Cuộc sống càng đi tới càng xô bồ, gấp gáp, tác động vào cả phận thơ, phận đời những trở trăn và suy tư thao thiết. Với Đỗ Thành Đồng, khi đã dấn bước vào lãnh địa thơ đương đại, bạn đọc có quyền đón đợi những sản phẩm tinh thần mới, tiêu biểu của anh!
- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7):
+ Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã.
+ Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình;
+ Từ 6h00 phút đến...