Nét đẹp mâm cỗ đầu xuân

Thứ ba - 05/02/2019 08:21
  Cuộc sống càng hiện đại, tất yếu trên mâm cơm ngày Tết sẽ có thêm nhiều món ăn lạ miệng. Nhưng sau cùng vẫn không thể thiếu những món ăn truyền thống. Tuy nhiên mâm cỗ đầu năm của 3 miền Bắc – Trung – Nam cũng có sự khác biệt.
     Mâm cỗ Tết miền Bắc rất tinh tế, là sự phối hợp hài hòa của các món ăn, giữa món nước và món khô, giữa thịt và rau. Quan trọng nhất trên mâm cỗ ngày Tết của miền Bắc phải nói tới bánh chưng xanh. Dù là trên bàn thờ, mâm cơm hay bữa cỗ nào cũng Bắc đều sẽ có sự hiện diện của món ăn này. Bánh chưng xanh là linh hồn của ngày Tết cổ truyền, thể hiện tinh hoa đất trời qua bàn tay khéo léo của con người. Các món khác cũng hay gặp là canh bóng, canh mọc với nấm, miến gà hoặc canh giò nấu măng. Còn món khô gồm có các loại giò chả là đặc trưng riêng biệt nhất của mâm cỗ miền Bắc. Các loại hay gặp trong mâm cỗ có giò thủ, chả lụa. Giò chả trên mâm thường được cắt khoanh dày, miếng chia 8 đều nhau. Đúng lệ sẽ có 4 đĩa bày dàn đều trên mâm cỗ để mâm nhìn đầy đặn hơn thay lời ước muốn năm mới sung túc đủ đầy. Quy định về bày trí mâm cỗ của người miền Bắc thường rất nghiêm khắc và phải tuân thủ đúng bài bản. Mâm cỗ ít nhất phải có bốn đĩa và bốn bát không kể những đĩa xôi và các bát nước chấm. Những gia đình khá giả còn có thể bày đến tám đĩa, tám bát. Đặc biệt, trên mâm cỗ tất niên phải luôn có một đĩa xôi gấc để mong ước nhiều may mắn trong năm mới.
Miền Trung có khí hậu quanh năm khắc nghiệt nên mâm cỗ của người miền Trung chăm chút và chú ý nhiều hơn đến khả năng bảo quản. Các món ăn thường thấy trong mâm cỗ của miền Trung bao gồm món nguội như chả phụng, nem, tré..., dưa món. Món chính thì có heo, gà luộc… Và thường không thiếu món canh giò heo hầm, bánh tét. Ngoài ra, mâm cỗ ngày Tết ở miền Trung còn có các món như thịt bò, thịt heo ngâm nước mắm. Miền Trung còn là nơi nổi bật với thói quen “cuốn” cho nên mâm cỗ ngày Tết của các tỉnh không thể thiếu các món bánh tráng, rau sống cuốn.
Trái ngược với thời tiết giá rét của miền Bắc, miền Nam đón Tết với tiết vẫn còn vương chút nắng chút nóng. Thêm nữa, miền Nam có nhiều sản vật phong phú, nên cỗ Tết của phương Nam có phần phong phú và ít nặng về nghi thức như miền Bắc. Nếu bánh chưng là linh hồn của Tết miền Bắc thì bánh tét lại là thức quà không thể thiếu trên mâm cỗ của miền Nam. Bánh tét miền Nam rất đa dạng về cả hương vị lẫn màu sắc. Mỗi một loại bánh tét lại có cách kết hợp nguyên liệu, tạo hình và màu sắc khác nhau. Đó có thể là đòn bánh tét có phần nếp bên ngoài trộn lẫn với dừa nạo, đậu đen, lá cẩm, lá dứa… để cho ra đời những mẻ bánh có màu sắc bắt mắt. Các loại nhân bên trong đòn bánh tét cũng vô cùng phong phú, từ nhân đậu xanh với mỡ truyền thống, đến nhân chuối, nhân thập cẩm, nhân đậu xanh trứng muối… Có khi đòn bánh tét còn được người làm bánh tạo dáng để khi cắt ra có thể trưng bày thành hình hoa mai, chữ Thọ, chữ Phúc… Ngoài ra, Tết ở miền Nam không thể thiếu nồi thịt kho tàu. Thịt phải là miếng ba rọi kho với trứng vịt và nước dừa xiêm. Món ăn “đạt chuẩn” thì miếng thịt phải mềm mà không nát, ăn kèm với dưa giá cải chua.
   Nhìn chung, những món ngày Tết của 3 miền vô cùng phong phú về số lượng và hấp dẫn về khẩu vị. Tuy nhiên, tùy vào hoàn cảnh và điều kiện mỗi gia đình, ngoài những món chính thống và không thể thiếu, người ta có thể thêm món này, bớt món khác sao cho hợp lý.

Tác giả bài viết: Hoài Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập231
  • Hôm nay39,689
  • Tháng hiện tại39,689
  • Tổng lượt truy cập41,185,143
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây