Người thương binh ở làng tôi trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Thứ hai - 06/05/2024 06:52
Ông Nguyễn Văn Bữu, người cùng xóm với tôi. Ông sinh năm 1921 ở xóm 2, thôn Bắc Minh Lệ, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Ông là một cán bộ tiền khởi nghĩa đã từng tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền Phủ Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn) ngày 23/8/1945. Ông còn là một trong ba thương binh của làng Minh Lệ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
Thuở còn nhỏ, tôi thấy ông thường tham gia các trận đấu vật trong ngày tết Nguyên đán. Mặc dù là một thương binh nhưng ông rất khỏe. Ông Bữu luôn luôn thắng được những tay vật sừng sỏ đã từng tham gia thi đấu ở các sới vật về. Thậm chí có nhiều thanh niên muốn thử sức với ông vẫn cứ phải chịu thua. Khi ông cởi trần, các cơ bắp săn chắc, cuồn cuộn, làm cho bao người ước ao, thèm muốn. Ông cày cuốc với bà con hợp tác xã và tham gia lực lượng dân quân tự vệ. Hàng năm quê tôi thường mở hội làng trong ngày mùng ba Tết như đánh cờ người, đánh đu và đấu vật. Nhớ đến môn vật là người trong làng lại nhắc đến tên ông.
Năm 1967, ông làm trưởng đoàn bảo mẫu đưa học sinh K8 chúng tôi đi sơ tán ngoài Thanh Hóa. Trong làng có hai dân quân và ba thầy cô giáo làm bảo mẫu cùng đi. Trong đoàn có những em mới 6,7 tuổi đi không được, ông phải cõng. Đó là những đoạn đường đi bộ, không có xe tải chở. Ông Bữu có đứa con trai là Nguyễn Đức Thắng cùng tuổi với tôi cũng đi sơ tán trong đợt này. Bàn giao học sinh K8 cho lãnh đạo xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa xong, ba thầy cô giáo ở lại để dạy chúng tôi. Ông Bữu đi thăm một bà mẹ ở Thanh Hóa đã từng chăm sóc, nuôi dưỡng ông gần 2 năm sau chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau này tôi đi bộ đội và đi dạy rồi nghỉ hưu. Khi chuyển giấy sinh hoạt ở chi hội Cựu chiến binh nhà trường về địa phương, tôi đã cùng sinh hoạt trong một chi hội cựu chiến binh với ông. Thỉnh thoảng ông lại kể về những trận đánh khốc liệt giữa Trung đoàn 57 và quân Pháp cho chúng tôi nghe. Năm 1950, Trung đoàn 57, (thuộc Đại đoàn 304) của ông đã từng tham gia trận đánh Phú Trịch – La Hà nổi tiếng, tiêu diệt 120 tên Pháp trên dòng sông Gianh. Sau đó trung đoàn hành quân ra Bắc tham gia chiến dịch Hà Nam Ninh (chiến dịch Quang Trung) rồi tiếp theo là chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi vào chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Bữu làm lính trinh sát. Ông thường cưỡi ngựa phi đi theo các con đường trên chiến trường rừng núi Tây Bắc để báo tin về cho Ban chỉ huy Trung đoàn.
Trong đợt thứ nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam và toàn bộ phân khu Bắc. Quân địch tăng viện thêm hai tiểu đoàn dù từ Hà Nội lên. Chúng thả thêm nhiều thiết bị pháo hạng nặng và đạn dược. Địch rất tin vào sức mạnh của không quân và pháo binh của chúng. Sau 5 ngày đêm chiến đấu quân ta đã tiêu diệt cụm cứ điểm kiên cố bậc nhất của địch. Trận hiệp đồng tác chiến xuất sắc của bộ binh và pháo binh ta rất đẹp. Trung tá Pirốt- chỉ huy pháo binh của địch ở Điện Biên Phủ, kẻ từng huyênh hoang tuyên bố “Không một khẩu pháo nào của Việt Minh có khả năng bắn 3 loạt mà không bị phát hiện” đã tự tử.
Đợt tấn công thứ hai, ta đánh chiếm các ngọn đồi phía đông, đánh chiếm sân bay, chặn đường tiếp tế và tiếp viện, thắt chặt vòng vây, từng bước thu hẹp phạm vi chiếm đóng và vùng trời của khu trung tâm. Đầu tháng 4 năm 1954, Trung đoàn 57 đào hào lấn dần vào phân khu. Ta xây dựng một trận địa hình cánh cung, chạy từ Đông sang Tây cắt rời phân khu Nam với khu trung tâm Mường Thanh. Lúc này thực dân Pháp cho máy bay tăng cường bắn phá vào trận địa ta. Chúng cho xe tăng tràn lên ủi lấp chiến hào rồi cho bộ binh đặt mìn cài bẫy. Ta cũng thay đổi chiến thuật, thay đổi vị trí đào, đào từ trong đào ra. Lúc này một bộ phận quân địch lợi dụng trời còn tối đột nhập vào chiến hào của Trung đoàn 57 để đặt mìn. Phát hiện được, ta chuyển sang thế chủ động phản kích. Số địch đột nhập bị tiêu diệt hoàn toàn.
Tại phân khu phía Nam, ta kết hợp đào giao thông hào và bắn tỉa khiến quân địch phải co cụm lại. Bọn địch chỉ còn một cách là tiếp tế bằng đường không, nhưng hầu hết dù rơi vào trận địa của ta. Có ngày trung đoàn 57 thu được trên 3 tấn hàng các loại.
Ngày 26/4 /1954, Đại đội 9 Angieri đột nhập vào những chiến hào tiếp cận của Trung đoàn. Ban đầu theo báo cáo của thám báo Pháp họ tưởng bên ta chỉ có một chiến hào, nhưng thực tế họ lọt vào giữa 2 tuyến chiến hào của ta, liền hoảng hốt yêu cầu cứu viện. Pháo binh địch bắn dữ dội vào trận địa ta. Có một quả đạn pháo rơi trúng giữa chiến hào của ông Nguyễn Văn Bữu đang chiếm giữ. Ông bị một mảnh đạn găm vào sườn bên phải và hai mảnh găm vào hai bắp chân. (Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông ra Viện quân y 108 và được bệnh viện gắp mảnh đạn ra).
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông trở về địa phương, tích cực tham gia lực lượng dân quân tự vệ bắn máy bay Mĩ. Ngày 12/6/1966, tại trận địa Giếng Đồng, lực lượng dân quân xã Quảng Minh đã bắn rơi một chiếc máy bay F4H. Chiếc máy bay rơi xuống hòn Léc, tên phi công nhảy dù xuống xã Liên Trạch (huyện Bố Trạch) bị dân quân tóm gọn. Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, ông Bữu luôn luôn là người đi đầu trong sản xuất, chiến đấu, ông được bầu là xã viên “Hai giỏi”.
Ông Bữu nổi tiếng về việc chăn nuôi lợn bò, gà vịt và sản xuất trên đồng ruộng. Các con bò của ông nuôi đã giật được giải thưởng của hợp tác xã trong những năm đầu thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước. Phần thưởng lúc đó chỉ là 2 mét vải thôi nhưng ông rất phấn khởi. Đặc biệt sau khi hết chiến tranh ông được dân làng xem như một chuyên gia về chăn nuôi. Ông biết xem tướng con bò nào nghịch, con nào hiền. Ông thường đi xuống chợ Ba Đồn chọn bò giống cho bà con trong làng. Chỉ nhìn qua các xoáy lông là ông biết được tính tình của con bò đó liền. Các con trai của ông ai cũng tham gia quân đội. Hai vợ chồng người con trai cả Nguyễn Đức Thắng năm nào cũng được bầu là cựu chiến binh gương mẫu.
Là một cựu chiến binh đã từng kinh qua hai cuộc chiến tranh giữ nước. Ông Nguyễn Văn Bữu vinh dự được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mĩ cứu nước hạng Nhất. Nay ông đã mất nhưng mỗi lần sinh hoạt, chúng tôi lại nhắc đến tấm gương của ông cho thế hệ trẻ học tập.
Tác giả bài viết: Hoàng Minh Đức