CỤ THỂ HÓA NGUYÊN TẮC CỦA ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA TRONG XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ VĂN HÓA
Cán bộ văn hóa là nhân tố quan trọng để bảo đảm thành công sự nghiệp phát triển văn hóa, tạo điều kiện để văn hóa góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, đội ngũ cán bộ văn hóa đang đứng trước nhiều thách thức, từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, khiến họ chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta có thể tìm kiếm những bài học kinh nghiệm từ quá khứ, trong các quan điểm, chủ trương của Đảng, để những văn bản chỉ đạo này được đưa thêm sức sống mới của thời đại, giúp chúng ta có một định hướng vững chắc, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo phát triển văn hóa. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 chính là một văn kiện mang tính định hướng quan trọng như vậy. Đề cương cũng là những định hướng lớn để chúng ta xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa theo nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa.
Trong sự nghiệp lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác văn hóa, văn nghệ, trong đó nòng cốt là lực lượng văn nghệ sĩ. Chính vì thế, chỉ sau 13 năm thành lập Đảng, trong lúc đất nước bộn bề công việc cần phải lo toan, Đảng ta đã ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 (Đề cương). Đề cương được xem như một cương lĩnh chính trị của Đảng về văn hóa, đã góp phần hoàn thiện đường lối của Đảng trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử.
Với Đề cương, Đảng ta coi xây dựng văn hóa là một bộ phận của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trước nguy cơ văn hóa dân tộc bị đe dọa bởi chủ nghĩa đế quốc và tàn dư phong kiến, quan điểm của Đảng là phải hoàn thành được cuộc cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội. Cuộc cách mạng văn hóa phải do Đảng lãnh đạo; cách mạng văn hóa có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công. Đảng ta kêu gọi một cuộc cách mạng về văn hóa với ba nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa, để văn hóa soi đường cho quốc dân đi, tạo điều kiện để đất nước ta xây dựng một nền văn hóa dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung, hình thành nên sức mạnh mới cho dân tộc. Để làm được như vậy, nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa là “chống lại văn hóa phát xít phong kiến, thoái bộ, nô dịch, văn hóa ngu dân, phỉnh dân; phát huy văn hóa tân dân chủ Đông Dương. Công việc phải làm là: 1) Tranh đấu về học thuyết, tư tưởng; làm cho chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử thắng; 2) Tranh đấu về tông phái văn nghệ làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng; 3) Tranh đấu về tiếng nói, chữ viết (thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói, ấn định mẹo văn ta, cải cách chữ quốc ngữ...). Cách vận động là lợi dụng tất cả công khai và bán công khai để tuyên truyền và xuất bản, tổ chức các nhà văn, tranh đấu quyền lợi thực tại cho các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ,... và chống nạn mù chữ.
Như vậy, cùng với quan niệm văn hóa gồm ba lĩnh vực chính: tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, ở đó, văn hóa là một trong ba mặt trận người cộng sản cần phải hoạt động (cùng với chính trị và kinh tế), rõ ràng, đội ngũ cán bộ văn hóa có một vị trí quan trọng không chỉ trên lĩnh vực mặt trận tư tưởng, mà còn các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Liên hệ với câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó”, để chúng ta hiểu rõ hơn vị trí, ý nghĩa của người cán bộ văn hóa.
Từ những nguyên tắc của Đề cương, việc xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa trong các thời kỳ phát triển đất nước cũng được triển khai phù hợp với từng hoàn cảnh. Nếu như trong thời gian kháng chiến, những lớp cán bộ, nghệ sĩ cùng lên chiến khu, lập những lớp văn hóa, văn nghệ, các văn nghệ sĩ, trí thức đi ra chiến trường, sát cánh cùng bộ đội, lấy “tiếng hát át tiếng bom”, kinh nghiệm thực tiễn chiến trường làm chất liệu cho nghệ thuật, thì việc mở các chương trình đào tạo cho cán bộ văn hóa quần chúng, nghệ sĩ lấy nhân dân làm đối tượng phục vụ... là sự thể hiện rõ nhất của sự cụ thể hóa các nguyên tắc của Đề cương về văn hóa Việt Nam cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa nước nhà.
Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, tròn 80 năm ra đời, đến nay các giá trị và sức sống của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn vẹn nguyên, chứng minh được tính đúng đắn, đồng thời định hướng cho sự phát triển văn hóa, tạo ra sức mạnh tổng hợp, dẫn dắt đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác |
TẬP TRUNG ĐẦU TƯ CHO NGUỒN LỰC NGÀNH VĂN HÓA
Bác Hồ đã từng nói: “Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định. Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Đảng ta cũng luôn coi nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá quan trọng trong phát triển đất nước. Chính vì thế, phát triển văn hóa chắc chắn phải tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực ngành văn hóa.
Văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn và phức tạp nên đòi hỏi cán bộ vừa phải tâm huyết, nhưng cũng cần am hiểu sâu về văn hóa để có thể đồng cảm, lý giải, phân tích rõ ràng những vấn đề, giá trị của văn hóa, từ đó có những quan điểm, định hướng, giải pháp rõ ràng cho sự phát triển văn hóa. Nguyên tắc đại chúng hóa chính là sự cụ thể hóa của việc am hiểu văn hóa, đặc biệt là những giá trị văn hóa dân tộc, thể hiện sự gần dân, vì dân. Tuy nhiên, thực tế cho chúng ta thấy một bức tranh khá lo ngại đối với nguồn nhân lực của ngành. Nghị quyết 33-NQ/TW chỉ rõ: “Công tác quản lý nhà nước về văn hóa chậm được đổi mới, có lúc, có nơi bị xem nhẹ, thậm chí buông lỏng; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm. Đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng và còn dàn trải. Chưa nắm bắt kịp thời những vấn đề mới về văn hóa để đầu tư đúng hướng và có hiệu quả. Chưa quan tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhắc đến công tác cán bộ văn hóa, như “Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới”, “Công tác tổ chức và công tác cán bộ trên lĩnh vực văn hóa còn nhiều bất cập. Trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn hóa chưa cao.”
Trong thực tế, theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, tính đến 30/6/2021 tổng số nhân lực ngành văn hoá, thể thao, du lịch trong cả nước là 899.950 người, trong đó lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: 19.751 người; 7.128 trí thức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Nguồn nhân lực văn hoá, nghệ thuật vẫn còn phải đối diện với một số vấn đề cần giải quyết: 1) Về chuyên môn: một số bộ phận nguồn nhân lực văn hoá nghệ thuật chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng; 2) Về ngoại ngữ: năng lực ngoại ngữ còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc giao lưu, hội nhập quốc tế; 3) Về năng lực sáng tạo: chưa thực sự theo kịp đổi mới sáng tạo với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Sở dĩ có những bất cập nêu trên một phần đến từ lịch sử khi trước đây, đa phần đội ngũ sáng tạo, văn nghệ sĩ - những người tạo nên nhiều thành tựu cho văn hóa nghệ thuật đất nước - được đi đào tạo ở các nước Đông Âu. Đội ngũ cán bộ này đã giúp ngành văn hóa có được một thời kỳ dài ổn định phong cách, mô hình quản lý và hoạt động văn hóa. Sau khi khối Đông Âu tan vỡ cũng là khi chúng ta đứt đoạn về đào tạo nghệ thuật ở đây. Phải đến sau năm 2000, chúng ta mới có thể cử một số ít cán bộ đi học các kiến thức về quản lý văn hóa, nghệ thuật. Khoảng trống này để lại những hệ lụy đáng kể cho đến tận ngày hôm nay. Tiếp theo chính là sự chi phối của nền kinh tế thị trường, ở đó, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật gặp nhiều bất lợi về công việc, mức thu nhập. Các trường văn hóa nghệ thuật khó tuyển được sinh viên giỏi; những cơ quan, tổ chức văn hóa nghệ thuật khó giữ chân công chức, nghệ sĩ giỏi. Và đặc biệt là nhận thức của xã hội nói chung, ở một số địa phương, ngành, lĩnh vực nói riêng về công việc ngành văn hóa khi chủ yếu coi đây là ngành giải trí, “có cũng được, không có cũng được”, “ai cũng có thể làm được”, nên việc bố trí cán bộ nhiều lúc, nhiều nơi tùy hứng, thậm chí cử những cán bộ không làm được việc, năng lực và uy tín thấp, không có chuyên môn sâu làm việc trong lĩnh vực văn hóa.
Thực tế hiện nay cho thấy, cả ở nhiều cơ quan Trung ương và địa phương đều thiếu cán bộ giỏi, đủ đảm đương công việc cho lĩnh vực quản lý văn hóa. Khi cán bộ có năng lực và chuyên môn yếu sẽ dẫn đến hai thái cực: hoặc là thả lỏng tất cả, hoặc làm cấm đoán tất cả các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Cả hai thái cực này đều nguy hiểm đối với sự phát triển văn hóa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh |
TIÊU CHÍ PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT
Để tăng cường phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và nghệ sĩ trong điều kiện hiện nay, mục tiêu phát triển nhân lực văn hóa, nghệ thuật trong tình hình mới là: Xây dựng được đội ngũ nhân lực văn hóa, nghệ thuật đủ về số lượng; đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và một số mặt tiếp cận trình độ các nước tiến tiến trên thế giới; có cơ cấu trình độ, ngành nghề, vùng miền hợp lý. Nhân lực có đủ năng lực làm nòng cốt trong sự nghiệp phát triển lĩnh vực văn hóa nghệ thuật để giải quyết các vấn đề thực tiễn, có khả năng tiếp cận, làm chủ và chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến, sáng tạo và truyền bá tinh hoa dân tộc và thế giới. Xây dựng được một bộ phận nhân lực có năng lực, chuyên nghiệp và hiện đại để khởi xướng, dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển nhân lực và quyết định đến sự phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo, nâng cao hơn nữa vị thế và tiềm lực văn hóa nghệ thuật trên trường quốc tế.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, quan điểm phát triển nhân lực văn hóa, nghệ thuật trong tình hình mới cần hướng đến những tiêu chí sau:
Thứ nhất, bảo đảm chất lượng cao, toàn diện cả về trí lực, năng lực chuyên môn, thể lực và đạo đức, nhanh chóng thích ứng với nhu cầu phát triển văn hóa nghệ thuật và tình hình thế giới không ngừng thay đổi, gắn với chiến lược phát triển văn hóa và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu và toàn diện.
Thứ hai, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng đặc thù của lĩnh vực hoạt động và đặc trưng vùng miền. Tập trung ưu tiên phát triển nhân lực đặc thù (nhân tài, khoa học - công nghệ; lãnh đạo, quản lý nhà nước; nhân lực trình độ cao; nhân lực các vùng lạc hậu, kém phát triển, dân tộc thiểu số) trên nền tảng năng khiếu, tài năng đi liền với phát triển nhân lực làm công tác phong trào.
Các văn nghệ sĩ cách mạng tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp. Từ phải qua trái: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Học Phi, Nguyễn Đỗ Cung (hàng trên); Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi (hàng dưới). Ảnh tư liệu |
Thứ ba, coi trọng việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và tôn vinh nhân tài. Thực hiện thường xuyên và nhất quán việc phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, thu hút, sử dụng và đãi ngộ nhân tài; trọng đãi về vật chất và tinh thần phải xứng đáng với cống hiến thực tế của người lao động. Tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi và khuyến khích mọi năng lực sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực.
Thứ năm, trên cơ sở định hướng của Nhà nước và nhu cầu xã hội, cần phải đổi mới triệt để các chủ trương, chính sách, phương pháp và phương thức phát triển nhân lực văn hóa, nghệ thuật phù hợp với đặc điểm, yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc điểm của dân cư và tiếp cận các quan niệm, trình độ, cơ cấu nhân lực quốc tế và khu vực; sử dụng hài hòa cơ chế ưu tiên của Nhà nước.
Như vậy, với mục tiêu có được đội ngũ cán bộ văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa, chắc chắn chúng ta cần xây dựng chính sách sử dụng cán bộ văn hoá hợp lý, phù hợp với chuyên môn, trình độ ở tất cả các cấp quản lý. Hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đặc thù đối với trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân như chế độ lương, nhuận bút, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp, chế độ đãi ngộ khác... Đầu tư phát triển các trường văn hoá nghệ thuật trên cả nước theo định hướng mới, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hỗ trợ đào tạo nghệ thuật khó, hiếm, đỉnh cao, nghệ thuật truyền thống. Khuyến khích nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia giảng dạy các ngành nghệ thuật đặc thù, cũng như thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh các bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Nguồn nhân lực văn hoá, nghệ thuật vẫn còn phải đối diện với một số vấn đề cần giải quyết: 1) Về chuyên môn: một số bộ phận nguồn nhân lực văn hoá nghệ thuật chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng; 2) Về ngoại ngữ: năng lực ngoại ngữ còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc giao lưu, hội nhập quốc tế; 3) Về năng lực sáng tạo: chưa thực sự theo kịp đổi mới sáng tạo với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. |
CHÚ TRỌNG VIỆC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC, VĂN NGHỆ SỸ
Văn hóa là một lĩnh vực vừa rộng lớn, vừa nhạy cảm. Trong Nghị quyết Trung ương năm khóa VIII ghi rõ: “Vǎn hóa là một mặt trận; xây dựng và phát triển vǎn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì thận trọng”. Vì vậy, việc bố trí cán bộ cho ngành văn hóa, làm về lĩnh vực văn hóa phải hết sức thận trọng, để họ thực sự trở thành đội ngũ tiên phong, làm gương sáng cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khơi dậy khát vọng hùng cường, hạnh phúc cho toàn dân tộc. Đây phải được xem là một nhiệm vụ trọng tâm để thể hiện định hướng xây dựng văn hóa như đã đề cập trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, và cũng như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa trong thời gian sắp tới: xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới; sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, ở cả Trung ương và địa phương...
"Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa không chỉ đòi hỏi có phẩm chất chính trị mà còn phải có trình độ chuyên môn, am hiểu đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, có tầm nhìn sâu rộng, có khả năng vận động và thuyết phục các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa.
Theo đó, phải đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật. Bởi, đội ngũ này có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp văn hóa nói riêng và trong sự nghiệp cách mạng nói chung. Bác Hồ đã từng căn dặn: "Để làm trọn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp".
Quan tâm hơn nữa tới việc đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa; tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà. Bên cạnh việc tập trung nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, cần phải chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hóa, nghệ thuật, có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam hiện nay, như Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021./.
Mục tiêu phát triển nhân lực văn hóa, nghệ thuật trong tình hình mới là: Xây dựng được đội ngũ nhân lực văn hóa, nghệ thuật đủ về số lượng; đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và một số mặt tiếp cận trình độ các nước tiến tiến trên thế giới; có cơ cấu trình độ, ngành nghề, vùng miền hợp lý |
PGS. TS. BÙI HOÀI SƠN
https://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/van-hoa/tu-de-cuong-ve-van-hoa-viet-nam-nhin-nhan-ve-vai-tro-cua-can-bo-van-hoa-trong-boi-canh-moi-143904
Nguồn tin: Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn