Tuyên truyền phòng chống buôn bán, vận chuyển và đốt các loại pháo
Thứ ba - 16/01/2018 22:12
Trong những năm qua, các hành vi trái phép về sản xuất, buôn bán, vận chuyển và đốt các loại pháo nổ trong nhân dân vào các dịp trước tết trong và sau tết đã gây nhiều ảnh hưởng xấu đến đời sống và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của đất nước.
Pháo và thuốc pháo là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy nổ làm thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản của nhân dân, gây thiệt hại về vật chất hàng nghìn tỷ đồng; chưa kể đến các chi phí cho những người tàn tật và mất khả năng lao động do các hoạt động trái phép về pháo để lại.
Trước những tác hại của việc sản xuất, đốt pháo nổ, ngày 15/04/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban Nghị định 36/2009/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo và Quyết định số 95/2009/QĐ-TTg ngày 17/07/2009 về việc cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả đèn trời.
Trên địa bàn thị xã, những năm qua công tác chỉ đạo phòng chống các loại tội phạm về quản lý, sử dụng pháo đã đạt được nhiều kết quả, nhiều đối tượng vi phạm đã bị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh việc tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Thị ủy, UBND thị xã đã ban hành nhiều văn bản nhằm ngăn chặn và xử lý đối với các hành vi sai phạm về pháo, trong đó nêu rõ một số nội dung như sau:
1. Người nào có hành vi đốt pháo nổ có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù giam từ 3 tháng đến 7 năm.
2. Người nào sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng mua bán trái phép thuốc pháo thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể phạt tù từ 1 năm trở lên, kèm theo mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
3. Người nào mua bán trái phép pháo nổ qua biên giới, tuỳ trường hợp có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm.
4. Người nào vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 10 năm.
5. Trẻ em dưới 16 tuổi vi phạm, bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và nộp tiền theo quy định.
Chào Xuân Mậu Tuất 2018, toàn dân nghiêm túc thực hiện Nghị định số 36 và Quyết định số 95 của Thủ tướng chính phủ. Kiên quyết không đốt, không buôn bán, không vận chuyển các loại pháo nổ. Các cơ quan chức năng, thôn, tổ dân phố và chính quyền các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo, đèn trời, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ... trên địa bàn mình quản lý đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống các loại pháo, vũ khí, vật liệu nổ là góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân, xây dựng đời sống văn hoá, mừng Đảng, mừng xuân, đón mừng năm mới vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm./.
- Nghiêm cấm các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển tàng trữ và sử dụng các loại pháo!
- Toàn dân nghiêm túc thực hiện Nghị định số 36 và Quyết định số 95 của Thủ tướng chính phủ. Kiên quyết không đốt, không buôn bán, không vận chuyển các loại pháo nổ và thả đèn trời!
- Buôn bán, vận chuyển tàng trữ và sử dụng các loại pháo là vi phạm pháp luật!