Phong trào thi đua “Dân vận khéo” góp phần nâng cao chất lượng công tác dân vận ở cơ sở trên địa bàn thị xã Ba Đồn.

Thứ sáu - 01/11/2019 17:24
Quán triệt quan điểm của Đảng, của chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chỉ đạo hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Bình. Ban Dân vận Thị ủy Ba Đồn đã xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” là một trong những phương thức góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở cơ sở và đã tập trung tham mưu Ban Thường vụ Thị ủy triển khai và hướng dẫn thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” rộng khắp trên địa bàn thị xã.
     Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện (2016- 2019), trên địa bàn thị xã đã xây dựng được 143 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó có 25 mô hình kinh tế, 46 mô hình văn hóa- xã hội, 26 mô hình quốc phòng- an ninh, 46 mô hình xây dựng hệ thống chính trị. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” được triển khai thực hiện và bước đầu mang lại nhiều kết quả khá tốt.
      Tại nhiều xã, phường đã xây dựng các mô hình như: vận động nhân dân hiến đất làm đường, bê tông hóa đường giao thông, thắp sáng đường quê, hộ nông dân sản xuất giỏi, giảm nghèo bền vững, “dồn điền, đổi thửa”, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng trang trại, gia trại, phát triển ngành nghề. Từ các phong trào đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc huy động sự tham gia tích cực của nhân dân đóng góp kinh phí, hiến đất, sức lao động, xây dựng nông thôn mới. Nhờ “khéo” vận động đã làm chuyển biến nhận thức, động viên các thành phần kinh tế hăng hái tham gia, phát triển sản xuất, kinh doanh nên cuộc sống ngày càng tốt hơn. Tiêu biểu như Đảng ủy xã Quảng Trung với mô hình vận động bà con nhân dân thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới; Hội Cưụ chiên binh phường Quảng Thọ với mô hình đoạn đường tự quản; Đoàn Thanh niên phường Ba Đồn với mô hình Đoàn Thanh niên vẽ tranh cổ động trên tường tạo thêm mỹ quan đô thị xóa các điểm rác thải người dân, hưởng ứng đô thị văn minh; Hội Nông dân phường Quảng Thuận với mô hình vận động gia đình hội viên không vi phạm pháp luật và không mắc các tệ nạn xã hội; chi hội phụ nữ thôn Đơn Sa, phường Quảng Phúc với các mô hình “Ánh sáng an ninh và cán cờ tuýt sắt”, “Họ giáo bình yên, gia đình hòa thuận”; thôn Minh Tiến, xã Quảng Minh với mô hình “Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo”... Với các mô hình “Dân vận khéo” đã được triển khai thực hiện, bước đầu giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập, thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân. Trong 3 năm qua, trên địa bàn thị xã đã có gần 300 hộ hiến đất với gần 16.700 m2 đất và hơn 1.500m hàng rào; gần 1.300 cây cối các loại với tổng số tiền là hơn 2 tỷ đồng; làm mới, sửa chữa nâng cấp trên 130 km kênh mương và 85 km đường giao thông nông thôn.
      Có được kết quả như vậy là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ cán bộ, đảng viên và trong hệ thống dân vận. Đặc biệt là sự vào cuộc tích cực và có trách nhiệm của hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở là nhân tố có tính chất quyết định đến sự thành công của phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Có thể khẳng định phong trào thi đua “Dân vận khéo” là một trong những phương thức để các cấp ủy, nhất là cấp ủy cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác dân vận theo tinh thần của Nghị quyết 25- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
       Tuy nhiên, việc lãnh đạo, chỉ đạo phát động triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” vẫn còn những tồn tại hạn chế như nhận thức về phong trào thi đua “Dân vận khéo” của nhiều cấp ủy, tổ chức trong hệ thống chính trị chưa đầy đủ và chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức; các phong trào thi đua, cuộc vận động ở các cấp, ban, ngành, đoàn thể được triển khai nhưng việc hướng dẫn, phối hợp thực hiện chưa chú trọng đồng bộ các khâu phát động, hướng dẫn, tập huấn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra, đánh giá, sơ kết khen thưởng; hình thức tổ chức phong trào chưa phong phú, hiệu quả tuyên truyền chưa cao.
     Thiết nghĩ, việc tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” của cấp ủy các cấp, chính là sự góp phần quan trọng thực hiện tốt công tác dân vận trên địa bàn thị xã.

Tác giả bài viết: CTV: Đặng Viết Tiến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập140
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm133
  • Hôm nay10,036
  • Tháng hiện tại602,997
  • Tổng lượt truy cập40,122,786
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây