Đầu xuân, gặp người anh hùng trên bến phà Gianh

Thứ tư - 07/03/2018 06:48
         Anh hùng Võ Xuân Khuể sinh năm 1946 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình.
         Năm lên 7 tuổi, mồ côi cha nên anh theo mẹ về sống ở quê ngoại làng La Hà, xã Quảng Văn. Làng La Hà là đất văn vật, nơi đây không chỉ nổi tiếng với truyền thống học hành thi cử: “Sơn, Hà, Cảnh, Thổ/ Văn, Võ, Cổ/ Kim”- một trong “bát danh hương” của tỉnh Quảng Bình mà còn vang dội với chiến thắng “Phú Trịch – La Hà” trong chín năm kháng chiến chống Pháp.
Hai vợ chồng anh Võ Xuân Khuể và chị Trần Thị Hỡi
Hai vợ chồng anh Võ Xuân Khuể và chị Trần Thị Hỡi
         Giặc Mỹ mang bom đánh phá miền Bắc, làng La Hà chìm trong khói lửa. Tháng 10 năm 1965, anh Khuể lên đường bảo vệ Tổ quốc và được biên chế vào đơn vị C3, D7, bộ đội công binh, tỉnh Quảng Bình.
        Nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của ta, giặc Mỹ tập trung đánh phá ác liệt bến phà Gianh. Chúng thả thủy lôi dày đặc giữa dòng sông. Năm 1966, đơn vị công binh của anh được điều về đây rà phá thủy lôi. Với một sợi dây ni lon to bằng cổ tay người lớn, cứ 5 mét lại đeo vào một cục nam châm hay một thanh sắt nặng 1 kg căng qua sông. Dòng sông rộng đến 7, 8 trăm mét, ở mỗi đầu dây phải có 1 đại đội công binh mới kéo lên xuống theo chiều con nước được. Nhiều lần đơn vị rà nổ được ba, bốn quả bom từ trường cùng một lúc. Sau đó anh Khuể được bổ sung vào trung đội lái ca nô. Để tránh máy bay địch phát hiện, ban ngày các anh kéo phà đi nơi khác, mở van cho nước chảy vào các khoang, nhấn chìm phà xuống dưới mặt nước, ban đêm mới hút nước ra cho phà nổi lên.
         Không chỉ đối mặt với thủy lôi mà các anh còn đối mặt với bom nổ chậm định giờ hoặc các loại bom sát thương khác. Anh nhớ như in kỷ niệm lần đầu tiên bị thương trên bến phà Gianh. Đúng 3 giờ sáng mồng 6 tháng 4 năm 1967, anh cùng 2 chiến sĩ trong C3 đang kéo phà về bờ nam thì máy bay địch kéo đến thả pháo sáng. Bốn chiếc thi nhau lao xuống đánh phà, mỗi chiếc thả 12 quả bom sát thương. Dòng sông dựng ngược từng cột sóng, 6 người trên phà hy sinh. Anh bình tĩnh cho phà cập bến và chỉ huy các chiến sĩ lái xe chạy lên bờ tìm nơi ẩn nấp. Một cô gái trên xe nhảy xuống, nắm lấy gấu áo anh chạy theo. Anh bế thốc cô chạy đến một cái hầm. Ngày đó trên bến có rất nhiều hầm cá nhân (hầm tròn) nhưng mỗi hầm chỉ vừa đủ một người ngồi. Anh chỉ kịp nằm xuống trên miệng hầm che cho cô gái khi có một loạt bom bi nổ rền trên bến. Viên bi bắn vào gần đầu gối bên trái nay vẫn còn nguyên. Anh cười nói: “Nó chẳng can hại gì đến cơ thể nên không mổ, giữ để làm kỉ niệm”. Sau này, năm 2010 ra dự lễ hội “Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội” anh đã nói với một nhà báo: “Ước mong của tôi bây giờ là được gặp lại cô gái năm xưa trên chuyến phà Gianh, ngày mồng 6 tháng 4 năm 1967”.
         Phà Gianh trong năm 1968 là cái túi bom của không lực Hoa Kỳ. Cả bến chỉ có 5 chiếc phà với 15 chiếc ca nô nhưng cuối năm 1968 bị chúng đánh tan không còn một chiếc phà nào. Cấp trên quyết định chọn người ra kéo phà từ ngoài bến Ròn vào bổ sung. Từ bến phà 2 (bến mới) ra bến phà Ròn dài gần 25 km nhưng cách cảng Gianh 7 km dày đặc thủy lôi. Với tinh thần: “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, cả trung đội lái ai cũng đều hăng hái xung phong đi nhận phà. Thương đồng đội ai cũng có vợ con, còn anh thì chỉ một thân một mình, mẹ lại mới mất (năm 1967), anh kiên quyết xung phong đi cho bằng được.
        Ngày 14 tháng 8 năm 1968, đơn vị tổ chức làm lễ truy điệu sống cho anh cùng 2 chiến sỹ khác. Ba vắt cơm bỏ trong ba chiếc mũ cối, ở giữa là mấy miếng thịt lợn luộc đặt trên chiếc bàn dùng làm bàn thờ. Đứng dưới lá cờ Tổ quốc, các anh xin thề với Đảng, Bác Hồ sẽ hoàn thành nhiệm vụ đưa phà về cập bến. Anh bước ra bến. Các cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bốc vác hàng vận tải đóng tại xã Quảng Thuận ào đến ôm lấy anh, ai nấy mắt đều đỏ hoe. Mẹ Choàng (người Quảng Thuận) vuốt ve trên vai áo anh: “Gắng lên con nhé! Hãy xứng đáng là con trai làng La Hà”. Anh cảm động ôm lấy mẹ nghẹn ngào: “Mẹ cứ yên tâm. Nhất định chúng con sẽ chiến thắng trở về”. Trời đã về đêm. Anh nhảy lên ca nô nổ máy. Sau chiếc ca nô 1 trăm mét là chiếc xuồng cao su được kéo theo có 2 chiến sỹ chuẩn bị sẵn sàng thay thế khi anh ngã xuống. Khi ca nô cách làng Văn Phú chừng 5 trăm mét thì cả 3 quả thủy lôi nổ cùng một lúc. Qua bến phà 1 (bến cũ) lại bị tiếp 2 quả nữa. Ra đến Hói Tre (làng Xuân Hồi, xã Quảng Phúc), dính ngay một loạt bom tọa độ nổ cách ca nô không đầy 2 mét. Chiếc ca nô bị tung lên trời rồi nhận xuống mặt nước nhưng anh vẫn vững vàng tay lái. Dây kéo xuồng bị đứt, 2 chiến sỹ phía sau tưởng anh trúng bom bơi xuồng lại. Họ nối dây tiếp tục ra bến phà Ròn. Hai đêm sau, chiếc phà nặng 18 tấn được kéo về bến phà 2 “bến mới” trong tiếng reo hò của mọi người. Anh lại tiếp tục 8 lần lái chiếc ca nô phóng từ rà phá thủy lôi bảo đảm an toàn cho những chuyến xe qua chở hàng ra mặt trận.  
          Ngày 23 tháng 8 năm 1968, anh Võ Xuân Khuể vinh dự được kết nạp Đảng tại trận. Thay mặt chi bộ, đồng chí Bí thư  Nguyễn Đức Hiếu giao nhiệm vụ cho anh và nêu gương: “Đồng chí Võ Xuân Khuể thật sự xứng đáng là một người anh hùng”.
        Ngày mồng 8 tháng 10 năm 1968, anh lại bị thương một lần nữa nhưng vẫn không chịu rời tay lái. Một loạt rốc két của máy bay địch phóng từ phía làng Văn Phú xuống, mảnh găm vào mặt nay còn một vết sẹo dài. Anh được phong tặng danh hiệu anh hùng, được đi chữa bệnh tại Cộng hòa Dân chủ Đức và lấy vợ sinh con. Vợ anh là chị Trần Thị Hỡi, một hoa khôi của làng La Hà, thua anh 3 tuổi.
       Đất nước hết chiến tranh, trở về cuộc sống đời thường, hai anh chị vẫn tiếp tục tham gia công tác xã hội như hoạt động trong hội cựu chiến binh, người cao tuổi. Anh nói với tôi: “Vợ chồng tôi vẫn còn nhiệm vụ góp công góp của cùng bà con trong làng xóa đói giảm nghèo xây dựng làng La Hà thành làng văn hóa kiểu mẫu, hoàn thành tốt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.

Tác giả bài viết: Hoàng Minh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 81 trong 17 đánh giá

Xếp hạng: 4.8 - 17 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập154
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm134
  • Hôm nay14,110
  • Tháng hiện tại607,071
  • Tổng lượt truy cập40,126,860
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây