Một số kết quả về công tác xây dựng và thi hành pháp luật - thực trạng và giải pháp
Thứ ba - 29/01/2019 06:54
Phan Hải Phú
ThUV, Trưởng Phòng Tư pháp thị xã
Công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Thời gian qua, cùng với những kết quả tích cực của xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong thời gian qua, Phòng Tư pháp thị xã đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tính liên thông, gắn kết mật thiết giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thị ủy, sự hướng dẫn của Sở tư pháp, sự nỗ lực và quyết tâm cao của cán bộ, công chức làm công tác Tư pháp trên địa bàn nên ngành tư pháp thị xã đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc thực hiện nhiệm vụ năm 2018. Phòng Tư pháp đã tham mưu UBND thị xã ban hành kế hoạch về việc thực hiện công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2018 và Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 14/3/2018 thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018 trên địa bàn thị xã Ba Đồn. Nhìn chung việc xây dựng, thẩm định, góp ý dự thảo văn bản QPPL; kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn thị xã đã đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật. Trong năm 2018, HĐND, UBND thị xã và các xã, phường đã ban hành 45 văn bản QPPL. Các văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đã điều chỉnh các mặt của đời sống xã hội phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thị xã.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chính là cầu nối giữa hoạt động xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật để đưa pháp luật của Nhà nước về với nhân dân. Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng đó, trong năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thị xã đã đạt được một số kết quả nhất định: toàn thị xã đã tổ chức 941 hội nghị phổ biến, quán triệt cho 120.471 lượt người tham dự; tổ chức 11 cuộc thi với 211 lượt người tham gia; cấp phát 20.852 bộ tài liệu; tổ chức thực hiện 417 tin bài về pháp luật được đăng tải, phát trên phương tiện thông tin đại chúng, 11.182 chương trình PBGDPL trên đài truyền thanh xã, phường và tuyên truyền văn bản pháp luật mới trên 12 số Bản tin thị xã.
Công tác thi hành pháp luật còn được thực hiện thông qua công tác theo dõi kiểm tra, thanh tra công tác xử lý vi phạm hành chính. Phòng Tư pháp đã tham mưu UBND thị xã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, phường trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về xây dựng, hành nghề y dược, an toàn thực phẩm, văn hóa-thông tin, khai thác khoáng sản, trật tự đô thị…. Trong năm 2018, các ngành, đơn vị, địa phương đã xử phạt vi phạm hành chính 385/453 vụ, tổng số vụ chưa xử phạt là 61 vụ, số vụ chuyển hình thức xử lý bằng truy cứu trách nhiệm hình sự là 2 vụ, áp dụng biện pháp thay thế đối với người chưa thành niên là 7 trường hợp, số tiền phạt thu được là 436.975.000 đồng, tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu là 154.265.000 đồng.
Qua các số liệu trên cho thấy, cùng với sự phát triển về kinh tế-xã hội, tình hình vi phạm hành chính trên địa bàn thị xã có chiều hướng diễn biến phức tạp; vi phạm hành chính xảy ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tập trung ở một số lĩnh vực như: xây dựng, đất đai, văn hóa-xã hội; trật tự đô thị, khai thác khoáng sản; quốc phòng... làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, ảnh hưởng đến trật tự xây dựng văn minh đô thị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tuy đã được chú trọng, tuy nhiên chưa thực hiện thường xuyên, liên tục và kịp thời nên có lúc, có nơi vẫn xảy ra sai phạm do không hiểu biết, không nắm rõ pháp luật; mặt khác, sự không hiểu biết pháp luật dễ dẫn đến tâm lý coi thường pháp luật, hoặc lợi dụng đến tình hình kém hiểu biết pháp luật để thực hiện, che dấu hành vi vi phạm pháp luật. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn thấp, cố tình vi phạm pháp luật mặt dù nắm rất rõ quy định của pháp luật. Công tác quản lý của một số địa phương, của một số ngành theo chức năng, thẩm quyền còn lơ là, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật có nơi, có lúc chưa được thực hiện kịp thời nên dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật còn nhiều và kéo dài.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế; nâng cao chất lượng thi hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân, trong thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương cần làm tốt những nhiệm vụ sau: Tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân biết và hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bằng nhiều hình thức; chú trọng đến các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong đất đai, tài nguyên, giao thông, an ninh trật tự… Thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra thực tế để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và cương quyết giải quyết dứt điểm từ cơ sở. Thường xuyên quan tâm và củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác xử lý vi phạm hành chính tại các đơn vị, địa phương; các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ này, nhất là về biên chế (bố trí biên chế chuyên trách), ưu tiên bố trí nguồn kinh phí và trang bị các thiết bị, phương tiện kỹ thuật đảm bảo phục vụ tốt cho công tác xử lý vi phạm hành chính. Tăng cường sự phối kết hợp giữa các đơn vị chuyên môn, các tổ chức chính trị-xã hội để nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về công tác xử phạt vi phạm hành chính nhằm trang bị kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng xử lý vi phạm hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác xử lý vi phạm hành chính.
Các cơ quan, đơn vị và các địa phương cơ sở cần chủ động tăng cường công tác chỉ đạo đối với hoạt động thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thực hiện nghiêm túc chế độ thống kê, báo cáo; kịp thời khen thưởng đối với những cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong công tác này.
Trên cơ sở những giải pháp, nhiệm vụ đó, công tác xây dựng và thi hành pháp luật mới đạt được những kết quả như mong muốn, nhằm góp phần tích cực vào việc nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và tạo được ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm cho pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh, hiệu quả.
P.H.P