Một số văn bản pháp luật mới
Thứ hai - 18/06/2018 10:01
* Tăng mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập* Quy định mới về điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp* Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số* Những trường hợp không được tham gia định giá tài sản trong tố tụng hình sự* Điều kiện cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội* Tiêu chuẩn của kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp* Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi, quản lý, bảo vệ rừng * Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô năm 2018
* Tăng mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập
Theo Nghị định số 41/2018/NĐ-CP, ngày 12/3/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập; có hiệu lực thi hành kể từ 01/5/2018 thì mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kế toán tăng từ 30 triệu lên 50 triệu đồng đối với cá nhân, 60 triệu lên 100 triệu với tổ chức. Hành vi tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán; ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ, mực phai màu; ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn… bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng. Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: lập chứng từ kế toán không đủ số liên theo quy định của mỗi loại chứng từ kế toán; ký chứng từ kế toán không đúng thẩm quyền; chữ ký của một người không thống nhất… Với hành vi không tổ chức bàn giao công tác khi thay đổi kế toán, kế toán trưởng, phụ trách kế toán bị phạt đến 10 triệu đồng.
* Quy định mới về điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp
Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính Phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; có hiệu lực thi hành từ ngày 02/5/2018. Theo đó, Nghị định này có một số điểm mới như sau: Quy định mô tả cụ thể và thể hiện vai trò quản lý chặt chẽ hơn của Nhà nước đối với cả doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp; Quy định mới về điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; Quy định tăng mức ký quỹ của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp lên mức không được thấp hơn 10 tỷ đồng (tương đương với 5% vốn điều lệ), như vậy mức ký quỹ đã tăng gấp đôi so với trước kia không được thấp hơn 5 tỷ đồng (tương đương 5% vốn điều lệ) được quy định trong Nghị định 42/2014/NĐ-CP; Nghị định 40/2018/NĐ-CP ban hành đính kèm theo phụ lục có biểu mẫu cụ thể trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đa cấp như: mẫu giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, mẫu bản cam kết, mẫu xác nhận ký quý… mà trước đây Nghị định 42/2014/NĐ-CP không có.
* Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số
Đây là nội dung chính của Nghị định 48/2018/NĐ-CP, ngày 21/3/2018 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/5/2018. Theo đó, các hành vi vi phạm về gian lận mà số tiền chiếm đoạt dưới 20 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 90 - 100 triệu đồng. Cụ thể, thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm... Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi bổ nhiệm các phó tổng giám đốc (phó giám đốc), chuyên gia tính toán, giám đốc chi nhánh, trưởng văn phòng đại diện, thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên... không đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định
* Những trường hợp không được tham gia định giá tài sản trong tố tụng hình sự
Đây là một trong những nội dung quan trọng của Nghị định 30/2018/NĐ-CP, ngày 07/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2018. Theo đó, không cho phép những cá nhân đang trong thời gian thi hành kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên tham gia định giá tài sản. Ngoài trường hợp nêu trên, những cá nhân thuộc vào một trong các trường hợp sau đây cũng không được tham gia định giá tài sản trong vụ án hình sự, bao gồm: đồng thời là bị hại, đương sự; người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo; đã tham gia định giá hoặc định giá lại tài sản đang được trưng cầu định giá hoặc đã tham gia tiến hành tố tụng trong vụ án; đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật; có căn cứ chứng minh người đó không vô tư khi định giá.
* Điều kiện cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội
Quyết định số 18/2018/QĐ-TTg ngày 02/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất thực hiện chính sách cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2018. Theo đó, các khoản cho vay được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: đã ký hợp đồng tín dụng và đã được giải ngân vốn vay tại các tổ chức tín dụng; đúng đối tượng và khách hàng vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích theo quy định của pháp luật; là khoản cho vay trong hạn tại thời điểm cấp bù chênh lệch lãi suất. Mức chênh lệch lãi suất được ngân sách Nhà nước cấp bù cho các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay theo chương trình nhà ở là 3%, áp dụng giai đoạn 2016 - 2020. Thời gian được cấp bù chênh lệch lãi suất bằng thời gian các khoản cho vay đối với khách hàng vay vốn được quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Quyết định này sẽ áp dụng đối với khoản giải ngân vốn vay từ ngày 10/12/2015.
* Tiêu chuẩn của kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Nghị định 49/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/3/2018 quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, quy định 6 tiêu chuẩn của kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp bao gồm: kểm định viên phải là có phẩm chất đạo đức và sức khỏe tốt; tốt nghiệp đại học trở lên; có ít nhất 05 năm kinh nghiệm về quản lý, giảng dạy, nghiên cứu lĩnh vực giáo dục; hoàn thành khóa đào tạo kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp; có trình độ ngoại ngữ từ bậc 2; đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.
* Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi, quản lý, bảo vệ rừng
Ngày 08/5/2018, Văn phòng UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1500/VPUBND-KT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ngân về xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi, quản lý, bảo vệ rừng. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp cụ thể tình hình khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhưng để xảy ra sai phạm, tham mưu tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra phức tạp, gây bức xúc dư luận trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, đồng thời tham mưu UBND tỉnh biện pháp chấn chỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn không để tình trạng phá rừng tái diễn.
* Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô năm 2018
Để chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm giảm thiểu cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, ngày 04/5/2018, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 645/UBND-KT về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng trong mùa khô năm 2018. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết, tổ chức dự báo, cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin đại chúng (đặc biệt là những ngày nắng nóng, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao); kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc địa phương, đơn vị chủ rừng thực hiện biện pháp PCCC rừng…
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, bổ sung phương án PCCC rừng cấp huyện, cấp xã phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương; củng cố, kiện toàn, bổ sung các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng và PCCC rừng ở thôn, bản để đảm bảo có đủ lực lượng chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ; nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ và PCCC rừng; thực hiện nghiêm biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy rừng trong mùa khô; duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về PCCC rừng, đặc biệt là việc sử dụng lửa trong rừng, ven rừng trong mùa khô.