TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT VỀ IUU, KHAI THÁC THỦY SẢN, QUẢN LÝ TÀU CÁ

Thứ tư - 17/10/2018 07:51
1. Khắc phục thẻ vàng của EC, phòng chống khai thác bấp hợp pháp
Ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu áp dụng biện pháp cảnh báo Thẻ vàng đối với thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào Châu Âu với lý do ngành khai thác thủy sản của nước ta vi phạm Quy định của EC về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), cụ thể: khai thác thủy sản không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc khai thác không đúng nội dung quy định trong giấp phép khai thác thủy sản; không ghi, nộp nhật ký hoặc báo cáo khai thác thủy sản; Sử dụng loại nghề, ngư cụ khai thác bị cấm hoặc không đúng quy định; Khai thác trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác, khai thác các loài cấm khai thác hoặc dưới kích thước cho phép khai thác; Khai thác trái phép trong vùng biển nước ngoài.
Ngư dân toàn tỉnh nói chung và ngư dân thị xã nói riêng thường có hành vi khai thác bất hợp pháp như sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác thủy sản, Khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển Trung Quốc, không ghi Nhật ký khai thác thủy, không báo cáo khai thác, không đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, các giấy tờ theo quy định (bằng máy trưởng, thuyền trưởng, thuyền viên, không đánh dấu tàu cá; Mặc dù các cấp các ngành đã tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng vi phạm vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.
Các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp gây nguy hại đến tài sản, sức khỏe của ngư dân do các điều kiện đảm bảo an toàn cho người, tàu cá khai thác trên biển không đầy đủ và đúng quy định; Đe doạ nghiêm trọng tới khai thác thủy sản một cách bền vững và gây nguy hại tới môi trường biển; Xuất khẩu hải sản vào thị trường EU nói riêng và các nước khác nói chung sẽ giảm, làm xấu đi hình ảnh và ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu của ngành hải sản của Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng; Tác động tới điều kiện kinh tế xã hội, giá bán thủy sản sẽ giảm làm ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập trên mỗi chuyến biển của bà con ngư dân. Trường hợp, ngư dân Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng không có cải thiện tích cực về khai thác IUU, sẽ bị Ủy ban Châu Âu xem xét chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, đồng nghĩa với bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản khai thác sang EU.. Đặc biệt khi khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài và bị bắt giữ, xử lý rất nặng theo các chế tài của nước sở tại như tịch thu, đốt tàu cá, phạt tiền rất nặng, bị tạm giữ người trong thời gian chờ tiền phạt, gây khó khăn trong công tác bảo hộ công dân, làm mất uy tín của đất nước.
2. Các hoạt động khai thác bất hợp pháp
 Một số hành vi khai thác bất hợp pháp thường gặp
- Khai thác thủy sản không có Giấy phép khai thác thủy sản
- Khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm (chất nổ, xung điện, kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định,..);
- Khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;
- Khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác;
- Khai thác thủy sản vượt sản lượng theo loài, khai thác sai vùng, quá hạn ghi trong giấy phép;
Không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, không báo cáo theo quy định;
- Tự ý đóng mới, cải hoán tàu cá, chuyển đổi nghề, đặc biệt tàu giã cào
- Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định;
- Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định;
- Ngăn cản, chống đối người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ đối với các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
- Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
- Chuyển tải hoặc hỗ trợ cho tàu đã được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng;
3. Các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp
a, Đối với các chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân.
* Trước khi đi biển
- Trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn, thông tin liên lạc theo quy định (phao cứu sinh, đèn tính hiệu, cứu hỏa, cứu đắm, máy thông tin liên lạc tích hợp vệ tinh,…)
- Kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ của tàu cá: Giấy đăng ký tàu cá, Giấy CN an toàn kỹ thuật (còn hạn), Giấy phép khai thác thủy sản (còn hạn), Sổ Danh bạ thuyền viên, Nhật ký khai thác, Giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm cho tàu cá, các văn bằng chứng chỉ chuyên môn phù hợp và giấy tờ tùy thân và các giấy tờ khác theo quy định.
- Không chuyển đổi nghề sang nghề giã cào, không đóng mới, nâng cấp, mua tàu giã cào ngoại tỉnh về; Không đóng mới, nhập khẩu, thuê tàu trần, cải hoán hoặc chuyển nhượng sang các nghề: kết hợp ánh sáng hoạt động tại tuyến bờ và tuyến lộng; nghề te xiệp, xịch, đáy trong sông, đáy biển; tàu lắp máy chính dưới 30CV làm các nghề.
- Kiểm tra số đăng ký tàu cá, dấu hiệu nhận biết tàu cá, trường hợp bị mờ thì kẻ lại, kiểm tra kích thước mắt lưới ở khu vực tập trung cá, nếu nhỏ hơn quy định phải thay lại cho đúng.
- Trường hợp không đủ các thủ tục giấy tờ, các điều kiện trên thì phải liên hệ với Chi cục Thủy sản để được hướng dẫn hoàn thiện, đáp ứng các điều kiện, quy định của pháp luật mới được phép đi biển.
- Khi đi qua cửa sông, phải chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá, phải được Văn phòng ký xác nhận vào Giấy kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản mới được phép đi khai thác thủy sản và giữ giấy này để nộp cho BQL Cảng cá khi về cảng (Đây là Quy định mới)
* Trong quá trình khai thác thủy sản
- Khai thác đúng với các nội dung của Giấy phép khai thác thủy sản, đặc biệt là thời gian khai thác, đối tượng khai thác, vùng biển khai thác.
- Trong quá trình khai thác vùng biển xa phải chú ý không vi phạm ranh giới vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản, đặc biệt không khai thác hải sản tại vùng biển phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc khi chưa được cấp phép. Đối với các tàu cá được cấp giấy phép khai thác hải sản trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ chỉ được phép khai thác trong vùng đánh cá chung theo Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam – Trung Quốc
- Không khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm như xung điện, chất nổ, chất độc
- Ghi Nhật ký khai thác từng chuyến theo quy định mới như tọa độ, sản lượng, loài, thời gian khai thác, …)
- Mở thiết bị giám sát hành trình, thông tin liên lạc để cơ quan chức năng quản lý, đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết, áp thấp, bão để có phương án sản xuất, trú tránh an toàn
- Trong quá trình khai thác nếu có sự cố (tai nạn, bị tàu lạ tấn công, hỏng máy..) phải thông tin, liên lạc với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ (Trạm Bờ của Chi cục Thủy sản, Biên phòng,…)
- Không hỗ trợ, tiếp tay cho các tàu cá khai thác bất hợp pháp
- Chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng.
* Sau khi kết thúc chuyến biển
- Nộp Nhật ký khai thác cho Ban quản lý cảng cá
- Chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cátrong quá trình lên cá; Ghi đầy đủ báo cáo khai thác vào Giấy kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản và đưa cho văn phòng kiểm tra, xác nhận làm cơ sở xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản.
* Xử lý đối với tàu cá vi phạm
Các trường hợp vi phạm khai thác bất hợp pháp sẽ bị xử lý rất nặng, đặc biệt đối với hành vi khai thác thủy sản tại vùng biển nước ngoài:
- Xử phạt tiền: ở mức cao nhất trong khung hình phạt.
- Tước giấy phép khai thác thủy sản 6 tháng đến 01 năm hoặc vĩnh viển (đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
- Không được hỗ trợ các chính sách của nhà nước, đặc biệt là chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày .
- Xử lý hình sự đối với các trường hợp tái phạm hoặc môi giới cho tàu cá, ngư dân khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài.
b, Đối với chính quyền xã, phường
- Tổ chức tuyên truyền, vận động, giáo dục các chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân trên địa bàn các quy định về khai thác thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phòng chống khai thác bấp hợp pháp; hình thức tuyên truyền thông qua tổ chức các buổi tập huấn tuyên truyền, thông qua sinh hoạt khu dân cư, phát trên loa phát thanh, tổ chức ký cam kết,… và các hình thức phù hợp khác
- Chủ động nắm tình hình hoạt động của tàu cá, đánh bắt thủy sản tại vùng biển ven bờ, trường hợp phát hiện vi phạm thì sử dụng lực lượng, phương tiện tại chổ (công an xã, dân quân) để kiểm tra, kiểm soát bắt giữ đối tượng vi phạm và xử lý theo quy định. Trường hợp đã thực hiện nhưng tình hình phức tạp thì báo cáo cấp thị xã, Chi cục Thủy sản để phối hợp kiểm tra, xử lý dứt điểm.
- Xác định, cập nhật danh sách tàu cá được xác định là có khả năng tham gia khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài để kiểm soát chặt chẽ nhóm tàu này.
- Chịu trách nhiệm trước UBND thị xã, tỉnh nếu để xẩy ra khai thác IUU, đặc biệt để tàu cá, ngư dân trên địa bàn khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài./.

Nguồn tin: UBND thị xã Ba Đồn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập490
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm481
  • Hôm nay19,300
  • Tháng hiện tại324,069
  • Tổng lượt truy cập39,843,858
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây