CHỈ THỊ Về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm
Thứ ba - 12/01/2021 10:28
Ngày 12/01/2021, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn Đoàn Minh Thọ vừa ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND Về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Sau đây là toàn văn Chỉ thị.
Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 29/12/2020 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế phấn khởi ngay từ đầu năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXV, Ủy ban nhân dân thị xã yêu cầu các phòng, ban, ngành, UBND các xã, phường tích cực chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu được giao, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Các phòng, ban, ngành, các xã, phường tập trung cao độ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; chỉ đạo của tỉnh; của thị xã về phòng, chống dịch Covid-19; chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch.
2. Phòng Kinh tế chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, đơn vị, địa phương
a. Theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động phương án đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu bảo đảm chất lượng và giá cả hợp lý để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán và các tình huống của dịch bệnh.
b. Tăng cường các hoạt động bình ổn thị trường, các hoạt động kết nối cung cầu. Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài thị xã đưa hàng hóa đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ, giá cả hợp lý về phục vụ nhân dân tại địa bàn, khuyến khích thực hiện Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.
c. Phối hợp với Đội Quản lý thị trường và các phòng, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhưng không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng; hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, hàng hóa gian lận xuất xứ nguồn gốc; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, kinh doanh, bán hàng trên mạng và các hành vi vi phạm về niêm yết giá…. Đặc biệt chú trọng các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
d. Phối hợp với phòng Văn hóa – thông tin, Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã và các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật; công khai kết quả kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng quản lý thị trường; nâng cao ý thức của người dân để phòng, tránh, tố giác các hành vi kinh doanh trái pháp luật.
e. Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đảm bảo cung ứng xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân; giám sát chặt chẽ chất lượng xăng dầu.
f. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động có các phương án phòng, chống thiên tai, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, nhất là không để bùng phát trở lại của dịch tả lợn Châu Phi; bảo đảm ổn định sản xuất, phòng, chống rét đậm, rét hại; không để tình trạng dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
g. Phối hợp với các địa phương chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và sau Tết Nguyên đán.
h. Tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, không để lợn và sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc nhập vào thị xã.
i. Tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi, hồ chứa, đê sông, đê biển; bảo đảm an toàn hồ, đập, có các giải pháp ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra; có kế hoạch bảo đảm nguồn nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân. Tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ rừng; đôn đốc, kiểm tra các địa phương thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
3. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các phòng, đơn vị, địa phương
a. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách đối với người có công với Cách mạng, người hưởng các chính sách trợ giúp xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân ở các vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ, lụt, người dân gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của dịch Covid-19…. Phối hợp huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng trên đúng đối tượng, chế độ, tránh trùng lắp.
b. Kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân thị xã đề xuất hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt, không để xảy ra tình trạng thiếu đói, nhất là ở những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, vùng khó khăn.
c. Tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bảo đảm mọi trẻ em đều được đón Tết vui tươi, đầm ấm.
4. Phòng Y tế chủ trì, phối hợp với các phòng, đơn vị, địa phương:
a. Tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông - Xuân, dịch sốt xuất huyết. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo, quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm tuyệt đối an toàn các hoạt động lễ hội, tập trung đông người, có phương án, kịch bản đáp ứng phòng, chống dịch bệnh, thực hiện phương châm 4 tại chỗ khi dịch bệnh xảy ra. Chủ động giám sát, phát hiện các tác nhân gây bệnh và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh, không để bùng phát, lan rộng; đảm bảo vật tư, thiết bị, hóa chất đáp ứng yêu cầu ngăn chặn dịch bệnh.
b. Triển khai kế hoạch và thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, bố trí đầy đủ nhân lực, vật tư, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh…, tổ chức trực 24/24 giờ để bảo đảm việc cấp cứu, điều trị kịp thời cho người dân trước, trong và sau Tết. Đồng thời tăng cường kiểm tra các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
c. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; đồng thời phối hợp với Đài Truyền thanh – Truyền hình thị xã đẩy mạnh tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm…
5. Phòng Quản lý đô thị chủ trì, phối hợp với các phòng, đơn vị, địa phương:
a. Thực hiện việc chỉnh trang đô thị phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đặc biệt là kiểm tra xử lý những vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường và việc tập kết vật liệu xây dựng của tổ chức và cá nhân gây ách tắc giao thông, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
b. Đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông; tăng cường các điều kiện để bảo đảm cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố, đảm bảo an toàn trong những ngày Tết.
c. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2282/UBND-XDCB ngày 14 tháng 12 năm 2020 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19 dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân 2021. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn giao thông; thông báo công khai Kế hoạch phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết và mùa Lễ hội; công khai số điện thoại đường dây nóng của cơ quan, đơn vị trong ngành giao thông vận tải có liên quan để tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh của người dân.
6. Phòng Văn hóa – thông tin theo chức năng, nhiệm vụ, chủ trì, phối hợp với các phòng, đơn vị, địa phương:
a. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán bảo đảm vui tươi, lành mạnh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và phong tục, tập quán của từng địa phương.
b. Hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và khách du lịch chấp hành nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo của tỉnh, thị xã về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho khách du lịch, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính, mê tín dị đoan; tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch, kịp thời xử lý các vi phạm.
c. Tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo nhân dân tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí theo thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đảm bảo người dân đón Tết vui tươi, lành mạnh.
d. Chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh, thị xã; thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời các chủ trương chính sách của Nhà nước, quy định về sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, thị trường, nguồn cung, giá thực phẩm, các mặt hàng bình ổn phục vụ người dân dịp Tết cũng như thông tin về phòng chống dịch Covid-19, tích cực cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh; phản ánh kịp thời không khí vui xuân, đón Tết của Nhân dân trên địa bàn.
e. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; Thị ủy, HĐND, UBND thị xã kịp thời cung cấp thông tin chính thống để tạo đồng thuận xã hội, chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch của các loại đối tượng. Kiểm soát chặt chẽ các thông tin liên quan đến sản xuất, kinh doanh, không để xảy ra tình trạng thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường; ngăn chặn thông tin xấu, độc trên mạng; đảm bảo an toàn tuyệt đối thông tin phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
f. Tăng cường thực hiện bảo đảm an toàn thông tin mạng và không gian mạng; có các biện pháp phòng, chống nguy cơ mất an toàn thông tin; tổ chức các phương án bảo vệ an toàn thông tin liên lạc và internet, bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước thông suốt; an toàn và đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin liên lạc của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
7. Công an thị xã chủ trì, phối hợp với các phòng, đơn vị, địa phương:
a. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống phức tạp nổi lên về an ninh, trật tự. Bố trí lực lượng, phương tiện bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu bảo vệ, địa bàn trọng điểm, chiến lược, các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của đất nước, của tỉnh, thị xã đặc biệt là tăng cường an ninh, đảm bảo an toàn cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các khu vực công cộng, nhà ga, bến xe, nơi tổ chức lễ hội, du lịch, khu vui chơi giải trí...
b. Tập trung đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và đối tượng chống đối. Triển khai có hiệu quả cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, truy nã tội phạm; ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động khủng bố, phá hoại, kích động biểu tình, gây rối an ninh, trật tự lợi dụng dịp Tết Nguyên đán để thực hiện các hoạt động khủng bố, phá hoại.
c. Xử lý nghiêm các loại tội phạm cướp giật, trộm cắp, đánh bạc, hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê, ma túy, buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, mua bán, tàng trữ pháo và các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng; vô hiệu hóa các trang tin điện tử có nội dung phản động; đẩy mạnh các giải pháp quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài.
d. Tăng cường phòng, chống mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ, pháo nổ; xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo nổ trái phép. Chủ trì, phối hợp các đơn vị chức năng tăng cường chỉ đạo kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy; chấn chỉnh điều kiện về phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu dân cư và khu vực tập trung đông người, bảo đảm lực lượng, phương tiện tổ chức chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả.
e. Phối hợp chặt chẽ với ngành giao thông vận tải có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng, hướng dẫn giao thông; sẵn sàng giải toả, cứu nạn kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn; tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo đảm an toàn giao thông, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ.
g. Tiếp tục thực hiện các phương án phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới theo nhiệm vụ được giao.
8. Ban Chỉ huy Quân sự thị xã; Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Gianh:
a. Tăng cường theo dõi sát tình hình, chủ động có các biện pháp ngăn chặn các âm mưu, ứng phó kịp thời các tình huống đột xuất, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập chủ quyền biên giới, lãnh thổ.
b. Tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tuần tra, kiểm soát hàng hóa, nguồn ma túy từ nước ngoài thẩm lậu qua biên giới, trên biển và cửa khẩu vào Việt Nam. Tích cực tham gia và bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
9. Phòng Tài chính – Kế hoạch
a. Theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, hàng thuộc diện bình ổn giá, kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
b. Kiểm soát chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, nợ công, tài sản công; đảm bảo bố trí đủ nguồn kinh phí để xử lý, giải quyết kịp thời mọi công việc..
10. Điện lực Quảng Trạch: Tích cực thực hiện các giải pháp, kế hoạch bảo đảm cung ứng điện phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, không cắt điện trong dịp Tết; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; chú trọng công tác phòng chống cháy nổ do chập điện tại các nơi công cộng, chợ, khu công nghiệp và khu dân cư.
11. Đội Quản lý thị trường:
a. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm tăng giá để thu lợi bất chính.
b. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; tập trung kiểm tra, tuần tra chặt chẽ tại các tuyến và địa bàn trọng điểm, các mặt hàng nhập lậu, hàng giả thường có xu hướng gia tăng trong dịp cuối năm và Tết (như chất nổ, pháo, vũ khí; hàng hóa vi phạm môi trường; các mặt hàng phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết như thuốc lá, rượu bia, gia cầm, thực phẩm...).
12. Ủy ban nhân dân các xã, phường:
a. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không chủ quan, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, sẵn sàng ứng phó, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
c. Tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nêu trên tại địa phương mình, đặc biệt chú trọng việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân nhất là các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ, bảo đảm mọi người dân đón Tết vui tươi, đầm ấm, lành mạnh, an toàn. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách; không tổ chức sự kiện, lễ hội xa hoa, lãng phí trước và sau Tết.
13. Các phòng, ban, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Công điện của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội xuân 2021.
Theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả, thị trường, tăng cường công tác phân tích, dự báo, kịp thời có các biện pháp điều hành phù hợp; các tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn chủ động bố trí kế hoạch sản xuất, kinh doanh và trực Tết để bảo đảm các hoạt động thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán.
Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao; bài trừ mê tín dị đoan và tệ nạn xã hội. Các địa phương, đơn vị chuẩn bị và tổ chức thực hiện tốt phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, thiết thực hưởng ứng sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện nghiêm chế độ trực Tết và chế độ thông tin, báo cáo trong dịp nghỉ Tết; không tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp; không sử dụng ngân sách nhà nước, không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, Lễ hội... Dành thời gian đi thăm hỏi các gia đình chính sách, các hộ nghèo, các gia đình bị ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ. Người đứng đầu các phòng, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương đối với người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và kỷ luật, kỷ cương hành chính. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương tập trung vào công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tuyệt đối không đi lễ chùa, lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công và các phương tiện (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội trong giờ hành chính (trừ trường hợp được phân công nhiệm vụ).
Các phòng, ban, đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.