Công văn V/v phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng trong mùa mưa bão năm 2021.

Thứ sáu - 09/07/2021 13:18
Thực hiện Công văn số 1877/BXD-GĐ ngày 25/5/2021 của Bộ Xây dựng; Công văn số 1911/VPUBND-XDCB ngày 31/5/2021 của Văn phòng UBND tỉnh về phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng mùa mưa bão; Công văn số 1571/SXD-QLXD ngày 30/6/2021 của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình về việc phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng trong mùa mưa bão năm 2021. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, UBND thị xã đề nghị UBND các xã phường, các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án xây dựng, chủ quản lý sử dụng, các nhà thầu thi công các công trình xây dựng trên địa bàn thực hiện các nội dung sau:
1. Tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai ở địa phương theo 04 tài liệu hướng dẫn đã được đăng trên trang Thông tin điện tử của Bộ Xây dựng (04 tài liệu hướng dẫn gồm: Hướng dẫn nhà an toàn phòng, chống bão lũ; Hướng dẫn phân loại nhà an toàn; Khuyên cáo lắp đặt bồn nước cho nhà và công trình; Quy trình kiểm định các công trình ăng ten thu phát sóng viễn thông, truyền thanh truyền hình..)
2. Đối với công tác quy hoạch: tiếp tục triển khai thực hiện việc rà soát, cập nhật, bổ sung các giải pháp ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị, khu dân cư phù hợp với đặc điểm địa hình, khí hậu và những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai như lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất; xác định mức độ ảnh hưởng với các tần suất mưa lũ xảy ra ở từng khu vực trên địa bàn để lựa chọn địa điểm tái định cư đảm bảo an toàn cho người dân; cảnh báo và chủ động di dời nhân dân đến nơi an toàn ở các khu vực có nguy cơ ngập lụt, nước biển dâng bởi bão mạnh, siêu bão, các khu vực dân cư sinh sống tại vùng đồi núi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, các khu vực thoát lũ ở hạ lưu các hồ chứa. Từng bước di dời dân cư đến khu vực an toàn theo quy hoạch.
3. Chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống bão lũ cho đơn vị mình trên cơ sở bảo đảm các nội dung: An toàn cho người, phương tiện thi công, nhà ở, lán trại, nhà xưởng, kho tàng, bến bãi, đặc biệt đối với các công trình xây dựng nhà cao tầng, các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng theo phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
3. Phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai địa phương trong công tác phòng chống thiên tai, kịp thời huy động lực lượng, vật tư, phương tiện tham gia phòng chống, tìm kiếm, cứu nạn theo yêu cầu của địa phương.
4. Thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuân theo sự chỉ dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai của địa phương cũng như Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai của tỉnh. Trong trường hợp có lũ, bão xảy ra phải tổ chức trực chỉ huy, trực ban trong suốt thời gian thiên tai ảnh hưởng; thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai của thị xã tình hình, diễn biến ảnh hưởng của lũ, bão đối với đơn vị mình.
5. Kiểm tra, rà soát tất cả các hạng mục công trình xây dựng thuộc thẩm quyền đầu tư, quản của đơn vị mình. Trong quá trình kiểm tra cần đặt biệt lưu ý các hạng mục, bộ phận công trình có nguy cơ bị phá hỏng, ngã đổ, cuốn trôi do ảnh hưởng của bão, lụt, không an toàn đối với bản thân công trìnhcác công trình lân cận.
6. UBND các xã, phường tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu người dân thực hiện chằng chống nhà cửa đảm bảo an toàn và thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai ở địa phương. Phân loại nhà ở của người dân trong phương án sơ tán tại địa phương; chuẩn bị và triển khai tán trong trường hợp không đảm bảo an toàn khi bão, lụt.
7. Đối với các đơn vị thi công xây lắp yêu cầu cần có các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy móc thiết bị công trình xây dựng; không được làm việc trên dàn giáo, đài nước, cột điện, dầm trụ công trình khi trời tối, lúc mưa to, giông, bão; không được lắp dựng, tháo dỡ giàn giáo, giá đỡ khi trời tối, lúc mưa to, giông, bão; khi tạnh mưa muốn làm việc trở lại phải kiểm tra giàn giáo, giá đỡ và có biện pháp chống trượt ngã; trên công trường phải có lán trú mưa, nước uống phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh cho cán bộ, công nhân.
8. UBND các xã, phường xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm giao thông trong suốt mùa mưa bão, đặc biệt chú ý các tuyến đường thường bị sạt lở, ngập lụt gây ách tắc giao thông; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm soát hoạt động của các bến đò ngang, đò dọc trên địa bàn thị xã; không cho các bến đò hoạt động khi xảy ra bão lũ.
9. Một số công trình cần chú ý:
a. Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật: rà soát, kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của khu vực đô thị nhằm đảm bảo việc chống ngập úng khi mưa, lũ; kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật; hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị; kiểm soát quy trình cắt tỉa cây xanh đô thị đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão; đảm bảo an toàn điện và cung cấp nước sạch cho các vùng bị ứng ngập.
b. Đối với các công trình đang khai thác, sử dụng: yêu cầu người dân, chủ sử dụng thực hiện gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão; đối với các công trình sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn panô, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao phải được kiểm tra, rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cường; các công trình xây dựng tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất như bờ sông, bờ suối, lũ ống, lũ quét phải có đánh giá, cảnh báo cho nhân dân.
c.  Đối với công trình đang thi công xây dựng: phải lập và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận, đặc biệt công tác đảm bảo an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng và các thiết bị làm việc trên cao trong mùa mưa bão.
d. Đối với các công trình tháp (trụ) viễn thông, truyền hình: yêu cầu các chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng báo cáo chi tiết số lượng công trình đang quản lý, khai thác, sử dụng theo phân cấp công trình (05 cấp theo quy định của Thông tư 03/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016), thời gian đưa vào sử dụng và vị trí xây dựng, đặc biệt đối với các công trình đặt tại các vị trí xung yếu như: ven biển, hải đảo, khu vực thường xuyên chịu tác động của bão, lũ, xâm thực, khu vực đông dân cư,....; thực hiện công tác kiểm định chất lượng công trình theo chu kỳ, bảo trì, sửa chữa khắc phục các tồn tại (nếu có); lập kế hoạch và khẩn trương tổ chức thực hiện công tác kiểm định chất lượng công trình sớm phát hiện các nguy cơ, làm tốt công tác bảo trì năm 2021 và các năm tiếp theo, kết quả báo cáo về Sở Xây dựng để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các công việc nêu trên.
e. Đối với các cột điện bê tông cốt thép (BTCT) ly tâm: yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành trên địa bàn tỉnh tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại các loại cột điện BTCT ly tâm hiện hữu đang khai thác; thực hiện gia cường, giằng chống đối với các trường hợp không đảm bảo chất lượng, nghiêng hoặc bố trí hoạt tải sai khác so với thiết kế ban đầu; thực hiện nghiêm công tác bảo dưỡng, sửa chữa cột điện BTCT ly tâm đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão; đảm bảo an toàn hành lang lưới điện trong mùa mưa bão.
f. Đối với các công trình hồ đập: rà soát, kiểm tra, kiểm định an toàn hồ đập trước mùa mưa bão; kiểm tra quy trình vận hành hồ đập nhằm đảm bảo an toàn cho lưu vực hạ du.
Đề nghị UBND các xã, phường, các chủ đầu tư, chủ sử dụng và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập83
  • Hôm nay3,251
  • Tháng hiện tại596,212
  • Tổng lượt truy cập40,116,001
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây