Kế hoạch Số: 737/KH-UBND, ngày 02/8/2019 của UBND thị xã Ba Đồn Thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn thị xã
Thứ ba - 06/08/2019 09:44
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại Thư số 161/LĐCP ngày 25/4/2019; thực hiện Công văn số 5539/BTNMT-TCMT ngày 10/10/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” và Kế hoạch số 1260/KH-UBND ngày 30/7/2019 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; để giải quyết đồng bộ, hiệu quả vấn đề rác thải nhựa trên địa bàn thị xã Ba Đồn, UBND thị xã ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn thị xã với các nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho các cấp các ngành, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thị xã về tác hại, nguy cơ ô nhiễm của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người, từ đó làm thay đổi từ nhận thức đến hành động cụ thể để hạn chế dần và tiến tới loại bỏ việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy, thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay, các mô hình, cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" trên địa bàn toàn thị xã.
2. Yêu cầu
- Việc tuyên truyền, phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” phải được thực hiện có hiệu quả, thiết thực và duy trì thường xuyên, sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân.
- Tổ chức phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trên phạm vi toàn thị xã với các hoạt động thiết thực, hiệu quả, sáng tạo, tiết kiệm, thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các tổ chức và toàn thể nhân dân.
II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI
1. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về phong trào "Chống rác thải nhựa.
- Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về phong trào "Chống rác thải nhựa” và nguy cơ ô nhiễm nhựa, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện môi trường đối với từng hộ gia đình, khu dân cư, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh… trong thực hiện phong trào này.
- Tổ chức quán triệt, phổ biến, thường xuyên tuyên truyền sâu rộng các văn bản pháp luật gắn với đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đảm bảo phát triển kinh tế xã hội bền vững.
- Phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã, các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon từ đó dần thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần.
- Đưa nội dung giáo dục tác hại của chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy và hướng dẫn phân loại rác thải sinh hoạt vào chương trình giảng dạy ở các cấp học theo các hình thức nội dung phù hợp.
- Đăng tải các hình ảnh, các nội dung liên quan về phong trào “Chống rác thải nhựa” trên các Website, trang thông tin điện tử của các phòng, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, đơn vị.
- Lồng ghép nội dung tuyên truyền “Chống rác thải nhựa” vào các buổi sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể, các buổi tập huấn về phân loại rác thải tại nguồn.
- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về tác hại của rác thải nhựa và đề xuất giải pháp về chống rác thải nhựa.
2. Giải pháp cụ thể trong quản lý, xử lý chất thải và phế liệu, tập trung vào chất thải nhựa
- Phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải đồ nhựa và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sử dụng sản phẩm tái chế từ chất thải đồ nhựa và túi nilon khó phân hủy, đặc biệt trong đầu tư xây dựng các công trình công cộng.
- Triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên.
- Phát động phong trào thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng các sản phẩm từ nhựa, nilon; vận chuyển xử lý rác thải nhựa theo đúng quy định.
- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất, khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần.
- Tổ chức thực hiện các chính sách về sản xuất, tiêu dùng bền vững, quản lý tổng hợp chất thải, phế liệu, trong đó tập trung vào chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên.
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong các hoạt động thường xuyên, các cuộc họp, hội nghị... do cơ quan, đơn vị chủ trì và phối hợp tổ chức; phát động và tổ chức triển khai thường xuyên, liên tục, sâu rộng các phong trào thi đua "Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và nilon", mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hành động và vận động người thân cùng thực hiện "Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần", thực hiện thay thế dần các sản phẩm nhựa khó phân hủy, dùng một lần, không thân thiện với môi trường trong sinh hoạt.
3. Xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”
- Các phòng, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, phường, cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thị xã căn cứ theo điều kiện cụ thể có kế hoạch tổ chức các hoạt động phát động phong trào "Chống rác thải nhựa" phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, địa phương như phát động phong trào sử dụng thay thế các chai nhựa đựng nước dùng một lần trong các phòng làm việc và trong các cuộc họp bằng các bình đựng nước kim loại, sứ, thủy tinh… dùng được nhiều lần; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc phát động phong trào nhằm tạo được sự thống nhất trong triển khai thực hiện.
- Tổ chức các chiến dịch, các đợt ra quân làm vệ sinh môi trường, phân loại, thu gom rác thải nhựa và nilon; đồng thời, lồng ghép vào các đợt ra quân cao điểm về môi trường như Ngày môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày toàn dân thu gom rác thải...
- Phát động các cuộc thi tìm hiểu về tác hại của rác thải nhựa và giải pháp chống rác thải nhựa bảo vệ môi trường cho cộng đồng, học sinh, sinh viên...
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các phòng, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể ở thị xã và UBND các xã, phường:
- Xây dựng kế hoạch cụ thể cho cơ quan, đơn vị, địa phương mình thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, tổ chức đăng ký tham gia thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trong cơ quan, đơn vị mình; cam kết hạn chế tiến tới không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong phòng làm việc và trong các cuộc họp, hội nghị.
Thời gian: Yêu cầu hoàn thành trước 20/8/2019.
- Phát động phong trào mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hành động và vận động người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”.
2. Phòng Tài nguyên và Môi trường
- Là cơ quan đầu mối, tham mưu giúp UBND thị xã trong việc phát động phong trào, triển khai tổ chức phong trào và sơ kết, tổng kết việc thực hiện phong trào trên địa bàn thị xã. Chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện phong trào.
- Chủ trì biên soạn các tài liệu tuyên truyền về phong trào “Chống rác thải nhựa”, lồng ghép nội dung tuyên truyền về phong trào “Chống rác thải nhựa” vào chương trình tập huấn về phân loại rác tại nguồn triển khai tại các địa phương và các chương trình về bảo vệ môi trường liên quan.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” ở các địa phương, đơn vị.
- Chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch và các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai Lễ ra quân phong trào chống rác thải nhựa quy mô cấp thị xã.
3. Phòng Tài chính - Kế hoạch
Chủ trì, phối hợp cùng với các phòng, ban, đơn vị liên quan trong việc cân đối, bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ nêu trong kế hoạch; hướng dẫn các phòng, ban, đơn vị, các địa phương, đơn vị liên quan lập dự toán kinh phí, thanh, quyết toán kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định.
4. Phòng Giáo dục và Đào tạo
- Phát động phong trào “Học sinh nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu trong học sinh về tác hại của việc sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, các giải pháp về chống rác thải nhựa.
- Nghiên cứu đưa nội dung giáo dục tác hại của chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy và hướng dẫn phân loại rác thải sinh hoạt vào chương trình giảng dạy ở các cấp học theo các hình thức, nội dung phù hợp.
5. Phòng Kinh tế
- Tuyên truyên, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tác hại của rác thải nhựa, khuyến khích phân loại rác thải tại nguồn để thu gom và xử lý theo quy định. Nghiên cứu xây dựng, phát động phong trào chống chất thải rắn, chất thải nhựa trong ngành công thương, vận động các doanh nghiệp trong ngành ký cam kết/tuyên bố hành động rác thải nhựa.
- Hướng dẫn việc thu gom chất thải nhựa từ bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… sau sử dụng trên địa bàn thị xã.
- Phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường trong chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa từ bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… sau sử dụng theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT - BTNMT ngày 16/5/2016 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
- Ưu tiên đưa các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm bao gói, túi xách thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, đồ nhựa khó phân hủy vào đề tài cấp thị xã có hỗ trợ về kinh phí thực hiện.
- Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm bao bì, túi xách thân thiện với môi trường; chuyển giao công nghệ tái chế chất thải đồ nhựa và túi nilon khó phân hủy thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường.
6. Phòng Y tế
Tổ chức tuyên truyền, vận động đăng ký tham gia thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” tại các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo lĩnh vực được phân công quản lý; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát (các nhà hàng, quán bia, giải khát, quán cà phê, đồ ăn nhanh…) gắn với các đợt kiểm tra an toàn thực phẩm.
7. Phòng Văn hóa - Thông tin
- Chỉ đạo Ban quản lý các di tích, các đền, chùa treo các biển hiệu tuyên truyền “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”, “Hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy” ở những khu vực thích hợp như khu vực rửa đồ lễ, nơi để xe… nhằm tuyên truyền việc hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
- Chỉ đạo Ban quản lý các khu, điểm du lịch treo các biển hiệu tuyên truyền “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”, “Hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy” ở những khu vực như khu vực bán vé, nơi bán hàng… nhằm tuyên truyền việc hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
- Chỉ đạo cơ quan thông tin truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về phong trào “Chống rác thải nhựa” trên các phương tiện thông tin đại chúng.
8. Đài Truyền thanh-Truyền hình thị xã và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thị xã
Tăng thời lượng phát sóng, đưa tin bài, phóng sự về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng; kịp thời phản ánh tình hình triển khai thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn thị xã; phát hiện các tổ chức, cá nhân, mô hình hay, điển hình và thiết thực để phổ biến, tuyên truyền nhân rộng.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã và các tổ chức, đoàn thể ở thị xã
Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, ngành, chính quyền các cấp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; tham gia tích cực các phong trào vì môi trường và các đợt tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phân loại rác thải nhựa và túi nilon tại các khu dân cư, các cơ quan, đơn vị.
10. Ủy ban nhân dân các xã, phường
- Căn cứ nội dung Kế hoạch này để xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp cho địa phương mình nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Chống rác thải nhựa”.
- Lựa chọn hình thức tuyên truyền, hình thức ra quân và hưởng ứng phong trào phù hợp để tổ chức thực hiện.
- Phân công rõ trách nhiệm cho các tổ chức, đoàn thể, cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” và việc phân loại rác tại nguồn trên địa bàn quản lý.
- Nghiên cứu xây dựng mô hình thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” tại khu dân cư trên địa bàn làm mô hình điểm để tuyên truyền, nhân rộng.
- Tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền về tác hại, nguy cơ ô nhiễm của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người, từ đó làm thay đổi từ nhận thức đến hành động cụ thể để hạn chế dần và tiến tới loại bỏ việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy, thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Yêu cầu các phòng, ban, ngành, đoàn thể ở thị xã; UBND các xã, phường nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Phòng Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND thị xã xem xét, quyết định./.